Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, thì tại làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời. 29 năm sau hai người mới chính thức gặp gỡ rồi trở thành đồng chí, thành thầy trò...

dvh2abg1a-1665363797.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi Chiến dịch Biên giới, năm 1950. Ảnh tư liệu.

 

Bác chọn “Võ tướng”!

Năm 1992, trả lời nhà báo Pháp Daniel Roussel, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, chính trong thời gian ở Côn Minh (Trung Quốc), mặc dù biết ông là nhà giáo, có viết báo và chỉ quen với việc cầm bút, nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại đề nghị ông nghiên cứu vấn đề quân sự. Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, ông cũng kể, sau cuộc gặp ở Thúy Hồ (Côn Minh) vào tháng 6-1940, một hôm khi nói đến việc ông và đồng chí Phạm Văn Đồng sẽ đi Diên An, vào trường Đảng học tập chính trị, Bác dặn đi dặn lại ông cố gắng học thêm quân sự.

Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Bác Hồ đã trao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người kiên quyết nhắc lại, ông phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự.

Nhận nhiệm vụ Bác giao, Võ Nguyên Giáp đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ. Đến tháng 12-1944, Bác Hồ lại giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Bác hỏi:

- Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?

Đồng thời với khẳng định “có thể được” trước Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hy sinh tất cả vì Tổ quốc của những người dân đã được Đảng giác ngộ. Ông viết trong hồi ký: “Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya... Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”...

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam-làm lễ thành lập. Kể từ đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh của dân tộc, chỉ huy Quân đội ta lập nên những chiến công vang dội. Đội quân ấy dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Tại lễ phong quân hàm ngày 28-5-1948, Người long trọng tuyên bố: "Nhân danh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác".

Từ đây, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào "Võ Đại tướng", cũng như khẳng định sự lựa chọn thiên tài của Bác trong dùng người: Bác không chọn một nhà quân sự được đào tạo bài bản mà chọn một thầy giáo dạy sử, một sinh viên luật học làm người đứng đầu quân đội của một Chính phủ non trẻ. Và không phụ sự kỳ vọng của Người, nhà giáo ấy đã chỉ huy đội quân mà “tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Ban đầu chỉ với 34 chiến sĩ được trang bị vũ khí thô sơ, ngày nay đã trở thành một quân đội cách mạng, chính quy ngày càng hiện đại, có thể “đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”!

Hai con người, một tình cảm đặc biệt

Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm tháng 6-1940, lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên một con thuyền ở Thúy Hồ. Cũng như nhiều người vào lớp tuổi ông hồi đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành hình ảnh lý tưởng và có những điều rất đặc biệt. Thế nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên ấy, Võ Nguyên Giáp thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều hằng tưởng tượng. “Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình đã được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát lên sự trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt cả... Cho đến mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ lại nguyên vẹn cái cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng ấy. Tôi nghĩ, con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị”, Đại tướng viết trong hồi ký.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm, Đại tướng là một trong số ít người có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện nhất về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngược lại, Bác Hồ cũng luôn thể hiện sự vững tin ở phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của người học trò xuất sắc của mình. Tình cảm của hai người vô cùng đặc biệt. Bức ảnh trên đường đi Chiến dịch Biên giới (tháng 10-1950) ghi lại hình ảnh trong căn lều dã chiến, Bác mệt không dậy được, trong khi Đại tướng ngồi bên trò chuyện, báo cáo tình hình được lưu truyền hơn 70 năm qua là một trong những minh chứng sống động cho tình cảm đặc biệt này. Và câu chuyện được Đại tướng kể về một lần uống rượu say sau đây cũng là một ví dụ:

“Một buổi chiều, trên đường về gần tới cơ quan thì trời sập tối. Ở miền núi, trời thường xuyên chuyển tối rất nhanh, đèn đóm không có, không sao tìm ra đường. Đứng một lúc, tôi thấy có ánh lửa ở lưng chừng núi. Nhận ra đó là nhà của một đồng bào Nùng, tôi bèn cứ chiếu hướng mà leo... Vào nhà, định xin bó đuốc và hỏi thăm đường về thì gặp lúc gia đình vừa cúng giỗ xong, nhất định giữ lại uống rượu, ăn cơm. Biết không nhận lời thì đồng bào giận, tôi nán ở lại. Đi đường xa vừa mệt vừa đói, uống chút rượu vào, tôi bị say, phải nằm ra sàn. Đồng bào chạy lên hang gọi người xuống đón. Anh Vũ Anh xuống cõng tôi về. Khi tỉnh dậy, anh lên đem cháo nóng cho ăn, kể lại vừa rồi tôi cứ nói luôn: “Mình không biết uống rượu, chóng mặt quá, đừng có phê bình”. Bác nghe vậy đã nói: "Được rồi, tỉnh lại đi, sẽ không phê bình đâu”...

Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát để chào Bác. Người nói với Võ Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Người còn nhắc: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Và trong nhiều thời khắc lịch sử quan trọng sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán đầy tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc.

Cho đến tận giữa tháng 8-1969, Bác yếu, bệnh tình ngày một nặng thêm. Thường xuyên, Đại tướng từ Cơ quan Tổng hành dinh đến Phủ Chủ tịch để được gặp Bác, báo cáo với Người tình hình miền Nam, bởi ông biết rất rõ "miền Nam luôn trong tim Bác". Ngày 30-8-1969, Bác rất mệt nhưng khi thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền hỏi ngay việc chuẩn bị Quốc khánh ra sao, Bác dặn nhớ bắn pháo hoa cho nhân dân vui. Bác hỏi lũ sông Hồng rút chưa và bày tỏ ý nguyện không muốn bỏ dân rút lên khu. Trong khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng bên cạnh thì nghĩ đến việc đêm nay, đồng chí Phùng Thế Tài phải điều xe thiết giáp lội nước tới Nhà 67 sẵn sàng ứng cứu, đưa Bác đến nơi an toàn bằng mọi giá nếu đê vỡ...

Ngày 29-8-1975, 6 năm sau ngày Bác mất, Chính phủ và Trung ương Đảng tổ chức lễ khánh thành Lăng của Người. Đại tướng là một trong những đại biểu đầu tiên vào viếng Bác. Sau đó, trong lễ mừng Quốc khánh 2-9, trên lễ đài, cùng các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng..., Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng nghiêm chào những người lính của mình trong đoàn diễu binh với bước chân rầm rập đang tiến về. Và rồi trong lễ quốc tang cả nước tiễn biệt một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10-10-2013, theo di nguyện của Đại tướng, trước khi về với Đất mẹ nơi Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Bình), cỗ linh xa chở linh cữu của Đại tướng đã đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để chào tiễn biệt Người!

*Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tập hồi ký", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2006 và "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-Đài hoa vĩnh cửu", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2017.

Trái tim người lính

Thành Đô (tổng hợp)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a15686.html