Một cuốn sách quý: Các tác giả Văn chương Việt Nam

Với hơn 3.000 trang, khổ 16x24, gồm tiểu sử, thân thế sơ lược và sự nghiệp văn thơ của gần 1.200 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhà dịch thuật văn học. Nâng cuốn sách đồ sộ “Các tác giả văn chương Việt Nam” này trên tay, cảm xúc đầu tiên là không thể không trân trọng vì công sưu tầm, tập hợp.

Không thể không thích thú vì sự tiện ích của nó trong tính chất công cụ học tập, tra cứu và cung cấp một cái nhìn tổng quát và khách quan về đội ngũ các nhà văn của hơn mười thế kỷ văn học sôi động, đầy cảm hứng nhân văn.

Càng đáng trân trọng hơn vì cuốn sách không phảilà sản phẩm của một tập thể. Nó chỉ là công trình của một cá nhân “ngoại đạo”với nghề văn. Ông là nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, một con người hết sức khiêm tốn. Khiêm tốn, nên trước khi vào sách ông tâm sự Tôi chỉ là người yêu văn chương, mến mộ tài năng của các nhà văn... và trước tác này của ông chỉ mang ý nghĩa khiêm nhường là tập hợp, xếp sắp hộ tên các nhà văn theo thứ tự vần a,b,c của các chữ cái đầu bút danh mà thôi.

ddt1-img-4841-1665543466.jpg
Sách "Các tác giả Văn chương Việt Nam" của Trần Mạnh Thường.

 

Nói vậy, chứ thật ra, người làm ra cuốn sách này, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã có một bề dày kinh nghiệm để làm những cuốn sách nghệ thuật, văn hoá có tính tổng hợp cao rồi. Không kể những tác phẩm nhiếp ảnh được tập hợp trong tập “Việt Nam di tích và thắng cảnh” gồm 192 bức ảnhnổi tiếng mới xuất bản gần đây của ông, ông còn là tác giả hàng chục cuốn sách biên khảo về các lĩnh vực văn hoá n.ghệ thuật[A1] , có quy mô rộng lớn về đối tượng miêu tả, nghiên cứu, chẳng hạn, năm 1998 là cuốn sách Danh nhân thế giới(khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật), năm 2000, là cuốn Những di sản nổi tiếng thế giới.Năm 2001 là cuốn Những thành phố nổi tiếng thế giới... cũng dày tới cả ngàn trang.

Nhiếp ảnh là nghề nghiệp chính của Trần Mạnh Thường, nhưng ông không xa lạ với văn chương và các bộ môn nghệ thuật khác. Ông yêu văn thơ, đặc biệt ông yêu quý, kính trọng những người đã sáng tào ra những áng văn thơ. Và thế là, đã liên tục xuất hiện một thói quen, một đăm mê,kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đến lúc du học ở nước ngoài, ngày còn trẻ tuổi cũng như khi đã quá tuổi hưu trí, đọc cuốn sách, tờ báo, hễ thấy một tấm hình, một bài bình luận, một giai thoai  một thông tin nào  về nhà văn, ông liền biên chép. Phôtô cất giữ lại. Cái thú vị thẩm mỹ của nhà sưu tầm,cái kiểu làm “fiché”  để thu thập kiến thức hàng chục năm liền, đã đem lại cho ông một hiệu quả bất ngờ. Năng nhặt chặt bị! Cuối cùng ông đã có trong tay một khối lượng tư liệu không nhỏ về các nhà văn. Và thế là ý định làm một cuốn sách có tính chất từ điển, một loại sách công cụ, giúp cho người đọc có thể dễ dàng trong việc tra cứu, tìm hiểu những điều cần biết nhất về các nhà văn đã hình thành.

Công việc không đơn giản. Vì bản chất của việc khảo cứu, vì tính chất của thể loại chân dung, vì sự nghiêm cẩn của phong cách làm việc của chính Trần Mạnh Thường.Quả thật những đức tính riêng của nghề cầm máy đã phù trợ ông,đặt cho ông yêu cầu cao nhất về tính chính xác của nguồn tư liệu về mỗi nhà văn.Trần Mạnh Thường coi trọng việc gặp gỡ trực tiếp với từng đối tượng nghiên cứu. Ông đưa nhà văn bài viết về họ của ông, nhờ họ xem lại, sửa chữa bổ sung. Ông coi trọng tính cập nhật của công việc. Gặp Nguyễn Đình Thi vào những ngày cuối đời của nhà văn, ông được nhà văn đính chính lại một vài chi tiết trong tiểu sử của mình ở văn bản ông viết. Nhà thơ Huy Cận một lần gặp gỡ đã sửa chữa cho ông một nhận định quan trọng: Huy Cận là nhà thơ  của đời  và vũ trụ  mà vũ trụ cũng là đời; còn Xuân Diệu  mới là nhà thơ của tình yêu  và vũ trụ. Trong tinh thần thực sự cầu thị, ông cất công về tận quê hương hai nhà văn tàn tật Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước, để tận mắt thấy thực cảnh sống và sáng tác của họ.

 Trần Mạnh Thường đã bỏ công sức gần chục năm để hoàn thành cuốn sách này. Mừng vui về thành tựu, nhưng ông đã nói, dẫu sao ông cũng chỉ là kẻ ngoại đạo với văn chương. Điều đó có thể đúng và nếu đúng, thì điều đó sẽ thể hiện chủ yếu là ở sự đánh giá, nhận định về mỗi nhà văn. Ở đây, tác giả dựa vào nhận xét, bình giá của dư luận của bạn đọc là chính, còn cảm quan riêng, ông chỉ bộc lộ một cách tế nhị và dè dặt. Trong công trình này, không thể nói  là soạn giả đã bao quát hết toàn bộ đội ngũ nhà văn  Việt Nam  thế kỷ X đến nay, từ nhà văn Ngô Chân Lưu, tức Đại sư Khuông Việt (thời nhà Đinh) đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh ra sau ngày giải phóng  miền Nam 30-4-1975, bao gồm cả một số nhà văn Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Bởi ông coi các nhà văn  Việt Nam ở hải ngoại  cũng là một bộ phận của Văn học  Việt Nam như nhà thơ Thái Can, Thanh Tâm Tuyền, Nhật Tiến, Phạm Văn Ký, Thanh Nam, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Thị Vịnh... Đặc biệt ông quan tâm giới thiệu một số tác giả  trước đây ít được đề cập đến như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan,  Thích Mật Thể ... Có thể còn sót những tên tuổi mà tác giả không được biết, hoặc  không có tài liệu để viết. Tuy nhiên, dẫu thể nào đây cũng là một cuốn sách rất quý, nó phản ảnh nhiệt huyết và năng lực của tác giả./.

 [A1]Iêu tả , nghiên cứu  chẳng hạn

Ma Văn Kháng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-cuon-sach-quy-cac-tac-gia-van-chuong-viet-nam-a15748.html