Trần Mạnh Thường "kẻ ngoại đạo" với ấn phẩm đồ sộ “Các tác giả văn chương Việt Nam”

Tôi là một trong những người may mắn được Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường tặng bộ sách quý dày cộp gồm 2 tập “CÁC TÁC GIẢ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM” mỗi tập gần 1600 trang (khổ sách 24 X16 Cm) do Nhà xuất bản Hồng Đức tái bản, phát hành, bìa cứng, giấy trắng, trình bày và in rất đẹp.

Nếu nói về độ dày của sách thì đây là tác phẩm đồ sộ. Tôi liền đặt lên bàn cân thì 2 quyển sách quý này nặng đúng 4 kg (mỗi quyển năng 2 kg). Đã lâu lắm rồi, tôi mới được tặng sách dày và nặng đến như vậy.

Thật ngạc nhiên khi đồng nghiệp Trần Mạnh Thường là “kẻ ngoại đạo" với văn chương, chỉ là nhiếp ảnh gia, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh lại viết sách về “Các tác giả văn chương Việt Nam” từ cổ chí kim mà trong lời giới thiệu của nhà xuất bản ca ngợi về “sự có ích của cuốn sách có tính công cụ này”.

clip2atmt2-1665676814.jpg
Hai tập sách "Các tác giả văn chương Việt Nam" của Trần Mạnh Thường.

 

Với tác phong nghề nghiệp, tôi tranh thủ phỏng vấn nhanh, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường chia sẻ: Ông bắt đầu thai nghén, chú tâm sưu tầm tư liệu để biên soạn bộ sách “Các tác giải văn chương chương Việt Nam” này ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975). Sau 20 năm tập hợp tư liệu, tài liệu, chỉnh lý, năm 1995, ông bắt đầu viết. Khi đó, vi tính ở nước ta chưa phát triển, toàn bộ tác phẩm đều phải viết bằng tay trên giấy A4. Phải sau 13 năm, tức vào năm 2008,  bộ sách gồm 2 tập nói trên mới hoàn thành bản thảo. Lúc đầu ông mua một vài bút bi để viết thấy hết nhanh quá, “bà xã” đã mua sẵn cho ông cả chục hộp bút bi để viết trường kỳ nhiều năm liền. Bản thảo viết tay trên giấy A4 của 2 tập sách đó dày cộp, nếu cân giấy phải chục kg, ông bàn giao cho nhà xuất bản để đánh vi tính xuất bản lần đầu vào năm 2008.

clip1atmt1-1665677938.jpg
Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường nay đã U90 nhưng rất chịu khó đọc sách.

Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường cho biết: Bộ sách “Các tác giả văn chương Việt Nam” xuất bản lần đầu năm 2008 đã có trong Thư viện Quốc hội Mỹ. Tháng 8/2008, Thư viện Quốc hội Mỹ đã mời tác giả Trần Mạnh Thường sang Mỹ dự hội thảo về các tác giả văn chương Việt Nam. Tại hội thảo này, có nhân viên Thư viện Quốc hội Mỹ đã hỏi: Có những Nhà văn Việt Nam trước đây không được đề cập đến, nhưng trong quyển sách này (Các tác giả văn chương Việt Nam) có đề cập đến, tại sao?

Tác giả Trần Mạnh Thường đã trả lời: Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Những ai đóng góp cho nền văn học Việt Nam thì được vào sách “Các tác giả văn chương Việt Nam”. Trên tinh thần đó, năn 2004, tôi bắt đầu biên soạn cuốn “Các tác giả văn chương Việt Nam”, giới thiệu khoảng 1.500 nhà văn từ thời Đinh, tiền Lê qua các triều đại Lý-Trần – Lê - Nguyễn đến ngày nay, không phân biệt, chính kiến, tôn giáo, trong đó có cả người Việt xa xứ, hiện đang định cư ở nước ngoài, dẫu rằng trong một số tác phẩm của họ mang tư tưởng chống Cộng. Điều quan trọng là ngày nay họ đang hướng về cội nguồn dân tộc, góp một phẩn công sức vào kho tàng văn học Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các nhà văn ở hải ngoại vẫn là một bộ phận văn học Việt Nam ở nước ngoài không thể tách rời nền văn học nước nhà. Với tinh thần hòa hợp và đổi mới đó, tôi trân trọng giới thiệu họ, cùng với các nhà văn trong nước của nhiều thế hệ trong hơn chục thế kỷ qua.

clip3tmt3a-1665678118.jpg

Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường (đứng giữa) chụp ảnh kỷ niệm với 2 nữ binh Israel cuối tháng 9/2016 tại Giêrusalem trong chuyến đi Trung Đông đến thánh địa Giêrusalem (Israel - Palestin) thu thập tài liệu, chụp ảnh để biên soạn cuốn sách “Một thoáng thế giới”.

 

Trong lời tự bạch “Trước khi vào sách” tái bản năm 2015, tác giả Trần Mạnh Thường bày tỏ: “ Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học chuyên nghiệp. Tôi không chịu bởi một áp lực nào cả. Tôi chỉ đối mặt với tư liệu, tài liệu và tư liệu... cố gắng thực hiện cho được ý tưởng mà tôi yêu thích. Do vậy, tôi đề tên sách là “Các tác giả văn chương Việt Nam” để rộng đường chuyển tải được ý đồ của mình”.

Tôi thật sự khâm phục và kính nể sự “lao tâm khổ tứ” của Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường để biên soạn, tái  bản bộ sách quý 2 tập “Các tác giả văn chương Việt Nam”. Bởi vì như ông đã tự bộc bạch: “ Đối với văn chương, tôi (Trần Mạnh Thường) là "kẻ ngoại đạo", nhưng tôi mãi khắc khoải một hoài bão phải làm một cái gì đó đặng thỏa mãn lòng ngưỡng mộ văn chương”. Ông phải rất dày công tìm hiểu, sưu tầm, tuyển chọn, tổng hợp tư liệu theo phương châm “năng nhặt chặt bị”. Cuối cùng, ông đã có trong tay một khối lượng lớn tư liệu không nhỏ về các nhà văn. Những nỗ lực của tư duy trong việc sàng lọc, hệ thống hóa nguồn tư liệu bề bộn do bản thân thu nhận được, đồng thời ông tiến hành so sánh, đối chiếu, kiểm tra lại và nhất là bổ sung thêm bằng các nguồn tư liệu mà những người đi trước, những bậc thầy đã soạn thảo. Đặc biệt ông đã kỳ công gửi những bài viết của mình đến cho từng tác giả nhờ họ xem lại sửa chữa bổ sung thêm bớt, hoặc đính chính những sai sót.

clip4tmt4a-1665678581.jpg
Tuy tuổi U90 nhưng Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường vẫn khỏe mạnh, nhiệt huyết với nghề chụp ảnh, viết sách.

 

Không những vậy, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường rất coi trọng việc gặp gỡ trao đổi trực tiếp với từng tác giả. Ông đã gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu..., Trong đó, ông đã  gặp Nguyễn Đinh Thi vào những ngày cuối đời của nhà văn trên giường bệnh. Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường may mắn được nhà văn đính chính lại một vài chi tiết trong tiểu sử của mình vào văn bản do ông viết. Với tinh thần thực sự cầu thị, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã cất công về tận Thái Bình quê hương của hai nhà thơ, văn tàn tật Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước để tận mắt thấy thực tế cảnh sống và sáng tác của họ. Tác giả  Trần Mạnh Thường còn có những chuyến đi xuyên Việt qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp Hồ Chí Minh, đến tận đồng bằng Sông Cửu Long để gặp từng nhà văn, nhưng cũng không thể gặp được tất cả như mong muốn. Do vậy, một số nhà văn, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường phải liên hệ qua con đường thư từ. Ông đã may mắn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của họ.

Tuy đã có nhiều cố gắng, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường như trong “Lời giới thiệu” của Nhà xuất bản Hồng Đức: “Trong công trình này, không thể nói là soạn giả đã bao quát toàn bộ đội ngũ nhà văn Việt Nam. Có thể còn thiếu nhiều tên tuổi mà tác giả chưa được biết hoặc không có tài liệu để viết”.

Còn trong bài viết “Thay lời tựa” tái bản sách “Các tác giả văn chương Việt Nam” năm 2015, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nêu rõ: “Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, trong lần tái bản này, tác giả Trần Mạnh Thường đã tiến hành rà soát lại toàn bộ tư liệu cũ, bổ sung, cập nhật nhiều thông tin mới, để bộ sách được hoàn thiện hơn. Đây là việc làm đầy công phu, thể hiện đầy đủ tình yêu văn chương và trách nhiệm trước bạn đọc. Ngoài đáp ứng yêu cầu của bạn đọc rộng rãi, tập sách xứng đáng là tài liệu tham khảo quý giá đối với thầy và trò trong các trường phổ thông, đạị học”.

Bộ sách 2 tập “Các tác giả văn chương Việt Nam” đã được trao Giải C Giải thưởng văn học Việt Nam năm 2015 dành cho tác giả người cao tuổi không phải là Nhà văn, là loại sách công cụ giúp cho bạn đọc có thể từ đó dễ dàng tra cứu, tìm hiểu những điểm cần thiết chủ yếu nhất về các nhà văn Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường là tác giả hàng chục cuốn sách biên khảo về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật có quy mô rộng lớn về đối tượng mô tả, nghiên cứu. Tiêu biểu là những cuốn : “Những kiệt tác văn chương thế giới” (lược thuật), “Từ điển các tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX”, “Danh nhân thế giới về khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật”, “Việt Nam văn hóa và du lịch”, “ Những di sản nổi tiếng thế giới”, “Những thành phố nổi tiếng thế giới”... Cuốn nào cũng dày dặn trên dưới ngàn trang.

 Với kinh nghiệm tích lũy được và với kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng, hy vọng Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường sẽ cho ra mắt tiếp những tác phẩm biên khảo với nội dung đặc sắc, phong phú về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tôn giáo, dân tộc, chủ quyền biên giới, biển đảo trong thời gian tới để phục vụ bạn đọc và công chúng.

Vũ Xuân Bân        

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-manh-thuong-ke-ngoai-dao-voi-an-pham-do-so-cac-tac-gia-van-chuong-viet-nam-a15781.html