Khó khăn gian khổ trong “Đi tìm một vì sao”của Phạm Quang Nghị (Bài 1)

“Đi tìm một vì sao” là cuốn sách mới nhất của Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây là cuốn sách dày 647 trang do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Có thể nói, xuyên suốt hơn 600 trang sách là một hành trình hồi tưởng lại đầy xúc cảm của tác giả từ thuở ấu thơ tới những tháng ngày ngồi ở vị trí cao nhất của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

di-tim-mot-vi-sao-1665679020.jpg
"Đi tìm một vì sao" của Phạm Quang Nghị

Với biết bao gian nan, đói khổ lúc chiến tranh và những ngày đầu sau thống nhất đất nước, đến những lo lắng khi phải gánh những trọng trách mà tác giả tưởng như không thể gánh nổi. Đó cũng là tâm lý bình thường nơi những chính khách mà tầm hiểu biết sâu rộng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu ngắn gọn về những tâm tư, tình cảm, khó khăn trùng trùng trong đờiPhạm Quang Nghị từ khi sinh ra (1949) đến ngày đất nước thống nhất (30/4/1975).

Phạm Quang Nghị nhớ lại lời kể của bố ngày được sinh ra: “Chuyện ngày tôi sinh, bố tôi kể đơn giản hơn nhiều. Hôm ấy ông đang trên đường đi họp nông hội huyện, ngang qua thị trấn Quán Lào tình cờ gặp người làng- ông Bình Be- thông báo tin vui: Anh giáo ơi, ở nhà chị vừa đẻ thằng cu”. Như lời bố ông kể thì tên con trai đầu lòng được bố ông đặt là Nghị bởi hôm ấy ông đang trên đường đi dự hội nghị (trang 28).

Tuổi thơ tác giả cũng như bao em bé ở vùng quê khác, cũng theo mẹ ra đồng làm các công việc đồng áng, được ông nội cưng chiều và kể cho nhiều câu chuyện về đối nhân xử thế. Trong khi bố của tácgiảan nhàn vô tư, thì mẹ lại phải lo toan vất vả “để cho bố yên tâm công tác” (trang 36). Cậu bé Phạm Quang Nghị theo mẹ ra đồng, rất thích được ngắm các đàn kiến. Mẹ dạy cậu từ đong gạo, vo gạo, nhóm lửa, nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Lớn hơn một chút cậu có thể giúp mẹ chăn bò, cắt cỏ, nhổ mạ, gánh phân (trang 37). Ở lớp, cậu là một học sinh giỏi các môn xã hội hơn tự nhiên, học giỏi trong điều kiện khó khăn tới mức “Túng bấn tưởng chừng đến con ruồi, con kiến cũng khó kiếm nổi thứ gì để sống” (trang 50).

Biến cố đau đớn ập đến với cậu bé Phạm Quang Nghị vào ngày 29/1/1967, một tốp máy bay Mỹ có chữ Navy dội bom xuống ngôi làng thân yêu. Hai cô em gái bé bỏng và bé gái nhà bên, cùng rất nhiều người trong làng đã bị bom Mỹ lấy đi mạng sống mãi mãi: “Khi bế đứa em nhỏ nhất, em Hà, mới lên 4 tuổi, trên người mặc chiếc áo ấm dệt mắt na, tôi lần tìm một hồi mới nhìn thấy vết thương rất nhỏ cỡ bằng hạt ngô, nhưng tai ác thay mảnh bom ấy lại xuyên qua cột sống. Em Nghệ bị một mảnh bom lớn hơn vào đầu…” (trang 56). Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau sự ra đi những người ruột thịt. Tác giả còn mất đi một cậu em trai vì bệnh tật nữa. Sự mất mát quá lớn ấy hẳn khiến nỗi đau còn theo tác giả cho đến suốt cuộc đời. Mẹ của tác giả may mắn hơn khi còn sống, nhưng cũng bị hai mảnh bom xuyên qua đầu gối và găm trên trán.

pham-quang-nghi-phung-thien-1665679093.jpg
Ông Phạm Quang Nghị (trái) và nhà văn - nhà báo Phụng Thiên. 

 

Lúc sinh viên, tác giả được bố tặng cho một chiếc xe đạp, ở lớp chỉ còn hai bạn nữa có xe đạp trong số 80 sinh viên. Hay cho các bạn mượn xe nên chiếc xe nhanh hỏng. Sinh viên nên mượn xe, mượn áo nhau để đi chơi, đi tán gái. Cảnh nhà vệ sinh, cảnh những đoàn xe thồ đi chở phân tươi được tác giả mô tả Hà Nội ngày đó thực sự nhếch nhác, mất vệ sinh: “Nhiều khi đang ngồi trong toalet lại gặp người đi lấy phân tươi. Tiếng cào phân khua dưới gầm cầu tiêu xoàn xoạt. Mùi hôi thối bốc lên, khiến người đi cầu phải vội nhào ra ngoài cho nhanh. Ước mong lúc ấy là được xối nước tẩy uế toàn thân. Ước mong là vậy, nhưng lấy đâu ra nước mà tắm gội” (trang 71).

Phạm Quang Nghị học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ tháng 9/1970-1/1971, ônghọc lớp cấp tốc bồi dưỡng viết văn do nhà văn Nguyên Hồng hiệu trưởng. Các giảng viên lừng danh như: Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Võ Quảng…và các nhà báo: Hoàng Tùng, Đào Tùng, Như Phong, Xích Điểu…

Rồi ông cùng đồng đội ra mặt trận. Chiếc balo gần 40kg mà tác giả vẫn nhớ chi tiết đến mấy chục loại đồ đạc tư trang để bên trong. Đi tàu từ Hà Nội vào tới Vinh, đi xà lan theo sông Lam sông La qua Nghệ An vào đến Quảng Bình. Những món ăn của chiến sĩ nghe xa lạ mà rồi thành quen thuộc: Măng tre, măng nứa, tàu bay, rau dớn, lá bứa, dọc khoai, thân cây chuối rừng… “Suốt hơn 3 tháng trời đi rừng hành quân không biết mùi vị thịt là gì, nay đến bữa được hít hà mùi thịt kho thơm lừng từ trong bếp tỏa ra, chẳng biết người khác thế nào chứ tôi nghĩ ngửi được thêm tí mùi thịt kho chắc cũng tốt” (trang 125).

Chàng chiến sĩ Phạm Quang Nghị khi hành quân đến gần cao nguyên Bôlôven đã bị sốt rét, đó là những ngày đầy mệt mỏi với bất cứ chiến sĩ nào mắc căn bệnh này, thậm chí nhiều người đã không qua khỏi. “Đến hôm nay, thân thể ta đã tàn tạ đi nhiều. Người vàng, nhợt nhạt, chân tay teo tóp một cách đáng sợ. Những lúc choáng váng, hoa mắt ù tai thì cả thế giới quanh ta đều vàng óng, mờ ảo như nắng chiều trên đỉnh núi xa xăm và cả thế giới đều quay cuồng đảo điên…” (trang 146).

Đoàn hành quân tới Bù Đốp- Phước Long. Một điều kỳ dị hiện ra: do chiến sự nên người dân bỏ đi nên trâu, bò, lợn, gà… bị bỏ lại. Đặc biệt là chó, rất nhiều chó gầy trơ xương nhìn theo. Chúng chỉ bắt gà, rồi cũng vãn nên chắc không có gì ăn nên gầy vậy. Tác giả đã rải thức ăn thừa rải rác ra phía sau nhà cho chúng ăn. Một thời gian sau, người dân dần trở lại ổn định dần tình hình, khi đoàn của tác giả đi, đàn chó lẽo đẽo đi theo như để cảm ơn vì đã cưu mang chúng trong những ngày đói khát.

Trận đánh An Lộc kéo dài gần 90 ngày đêm, rất khốc liệt. “Cùng với những chiếc xe tăng to kềnh là xác những chiếc ô tô bị cháy thành từng đống sắt thép đen hoen gỉ. Hai bên đường hài cốt của lính không được chôn cất vương vãi khắp nơi. Chỗ này là đầu lâu, chỗ kia là những đoạn xương ống tay, ống chân, xương sườn trắng hếu… Nhiều mảng da đầu còn dính tóc chưa kịp phân hủy bị nắng hè phơi khô, bết xuống nền đường. Những dấu tích khốc liệt của trận đánh chẳng phim ảnh nào phục dựng nổi” (trang 198).

Một lần về Hữu Đạo, tác giả kể đến giây phút sống chết trong gang tấc. Trong lần đi làm cỏ lúa, do mặc chiếc quần Kaki màu xanh Tô Châu bộ đội, một chiếc trực thăng bay qua đã hạ thấp xuống nghi ngờ. Giữa cánh đồng mênh mông tác giả chạy đâu cho thoát. Phạm Quang Nghị vẫn bình tĩnh dặn dò người đi cùng cứ làm cỏ lúa bình thường, còn mình quỳ xuống ruộng cho ướt hết quần, thế là bọn giặc trên máy bay quan sát xong rồi lại bay đi. Nếu tác giả không mưu trí, bình tĩnh, xử lý thông minh thì có lẽ đã bị bắn rồi.

Một lần nữa, trong lần trèo lên cây quan sát lính đi càn, tác giả còn cách đội lính chừng 50 mét, đã kịp hô cho đồng đội chạy, bọn lính bắn tới tấp mà may mắn chỉ có 2 người bị thương nhẹ. Tác giả giải thích: “Nếu những tên lính thám báo kia chủ định bắn hạ tôi, thì chúng đã có đủ thời gian tặng cho tôi 1 băng, thậm chí chỉ cần 1 viên bắn tỉa. Nhưng chúng đã không bắn, chúng muốn bắt sống hay là cố ý để tôi trông thấy mà chạy đi?” (trang 247).

Rồi cũng đến ngày 30/4/1975. Tác giả vác súng ra suối bắn cá, cũng là để ăn mừng chiến thắng. “Giữa lúc hòa bình mà suýt nữa tôi lại bị thương. Chẳng may trong băng đạn, tôi đã cho lẫn vào trong đó 1 viên đạn hủy súng. Bọn Mỹ cũng ghê thật. Nghe nói, trong mỗi thùng đạn đều có 1 viên hủy súng trong trường hợp người lính bị rơi vào tay đối phương. Tôi vô ý lắp vào. Vừa bóp cò, cả khẩu súng vỡ tan tành. May là tôi kẹp nách chứ không tỳ vai áp má. Thuốc súng găm vào bụng, ám khói đen xì. Hôm nay không bị vỡ mặt là may rồi…” (trang 321).

Trên đây chỉ là một số ít những khó khăn gian khổ trong cuộc kháng chiến trường kỳ mà Phạm Quang Nghị đã ghi chép lại chân thực, đầy cảm động về một thời kỳ thanh niên đầy khát vọng, lý tưởng trong hành trình thống nhất đất nước.

P.T

Phụng Thiên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kho-khan-gian-kho-trong-di-tim-mot-vi-saocua-pham-quang-nghi-bai-1-a15783.html