Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển trong dòng chảy chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện

Sau đây là tham luận của Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) Vũ Xuân Bân tại Hội thảo "Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại" do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 14/10/2022.

chuyen-doi-so-14102022-02-1665734946.jpeg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Hồng Hiếu/TTXVN

 

Cả xã hội đang thực hiện chuyển đổi số và báo chí cũng trong hướng đi này, đây là sự lựa chọn duy nhất, là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại. Chưa bao giờ từ khóa “Chuyển đổi số” lại được nhắc nhiều như hiện nay. Trong dòng chảy chuyển đổi số, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) cũng không thể nằm ngoài cuộc. Khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp báo chí gần gũi và phục vụ bạn đọc và công chúng tốt hơn.

Trong những năm gần đây, sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ “bị động” sang “chủ động”. Công nghệ giúp định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo. Từ đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới tiện dụng (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và công chúng. 

vxb14102022-1665735229.jpg
Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) Vũ Xuân Bân tham luận tại Hội thảo.

 

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.

Chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhân lực am hiểu về công nghệ và tư duy đột phá. Vì vậy, cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẽ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn.

Đối với Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, công tác sản xuất thông tin bước đầu đã  được đầu tư số hóa với trang bị hệ thống phần mềm quản lý xuất bản để quản lý tin, bài và quy trình xuất bản trực tuyến, cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm, các chuyên mục theo hướng đa phương tiện gồm các loại tin văn bản, Video, trực tiếp, photo, Emagazine, Infographic… Các loại hình thông tin này được chú trọng hàm lượng thông tin, hình ảnh sáng tạo, sắc nét, hấp dẫn để tiếp cận người đọc nhanh chóng hơn, là kênh thông tin hữu ích cho bạn đọc và công chúng trên nền tảng số…

Để thực hiện được yêu cầu chuyển đổi số, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên của Tạp chí liên tục được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa.
 Thực tiễn chỉ ra rằng: Vấn đề trước hết của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí mà cụ thể là tại Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển vẫn là vấn đề con người. Trước hết là người quản lý và tiếp đến là người lao động đối với tạp chí chúng tôi là phóng viên, biên tập viên, hiệu đính, trong đó thái độ của người đứng đầu cơ quan mang tính chất quyết định, vì liên quan đến nhiều yếu tố trong công cuộc chuyển đổi số cần phải quyết đáp ngay. Đồng thời, chính các phóng viên, biên tập viên của tạp chí phải chuẩn bị ba yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số là tâm lý, kiến thức, kỹ năng thể hiện. Phóng viên của tạp chí được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với những thách thức, những thay đổi mang tính căn bản, chiến lược của quy trình tư duy, quy trình công việc khi thực hiện chuyển đổi số trên các thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, phức tạp. Cùng một sự kiện, cùng một lúc, phóng viên có thể làm ra nhiều loại ấn phẩm thông tin truyền về tòa soạn duyệt phát ngay trên nền tảng số một cách nhanh nhất để canh tranh thông tin; không đơn điệu, đủng đỉnh như trước.

Với phương châm “Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó; báo chí đem đến những gì bạn đọc cần chứ không chỉ những gì đang có”, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển từng bước tổ chức hoạt động theo tiêu chí “Nhanh, Đúng, Trúng, Hấp dẫn”. Tạp chí lấy bạn đọc làm trung tâm, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Nội dung thông tin tích cực là chính yếu, thông tin trung thực, hình thức đa dạng, nắm bắt nhanh xu thế chuyển đổi số để có những bước phát triển vững chắc, phù hợp với xu thế “bùng nổ thông tin”, thị hiếu phong phú của bạn đọc và công chúng trong thời đại  "Cách mạng công nghiệp 4.0".

Trên tinh thần đó, không chỉ cơ quan báo chí mà lãnh đạo, quản lý, cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để đủ năng lực định hướng thông tin kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Vũ Xuân Bân, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tap-chi-dien-tu-van-hoa-va-phat-trien-trong-dong-chay-chuyen-doi-so-truyen-thong-da-phuong-tien-a15787.html