Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 37)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 37.

Sau khi Nguyễn Huệ kéo đại quân về Quy Nhơn, một số tướng lĩnh của nhà Nguyễn còn ẩn náu ở Gia Định cầm đầu là Đỗ Thành Nhơn lại về Ba Dòng chiêu mộ quân đội, tập hợp các bại tướng gây dựng lại lực lượng. Cuối tháng 10 năm 1777, Đỗ Thành Nhơn cho người đi đón Nguyễn Ánh khi đó đang trốn ở đảo Thổ Châu, cách bờ biển vịnh Xiêm La 200 km. Nguyễn Ánh ra sức xây dựng lực lượng, mưu đồ phản công lại Tây Sơn. Đầu năm 1781 Nguyễn Ánh đã có trong tay 3 vạn quân thủy bộ, 80 chiến thuyền hạng vừa, 3 thuyền chiến lớn, 2 chiếc tàu kiểu Âu Châu và 3 tàu Bồ Đào Nha do các sĩ quan và thủy thủ Bồ Đào Nha điều khiển. Cả 3 chiếc tàu đó đặt dưới quyền chỉ huy của một số sĩ quan Pháp là Cai lơ Ma-nuy-en[1]. Với lực lượng quân sự đó, Nguyễn Ánh đã tiến công chiếm Dinh Long Hồ, Gia Định, Bình Thuận. Tháng 5-1781 Nguyễn Ánh cử quân tiến đánh Bỉnh Khang (Khánh Hòa) nhưng thất bại.

ch1-tay-son1a-1665746101.jpg
Thuyền bầu của thủy quân Tây Sơn. Nguồn: Internetnet.

 

Tháng 3 năm Nhâm Dần 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo bộ binh và một đạo thủy binh gồm vài trăm chiến thuyền xuất phát từ Quy Nhơn tấn công Gia Định. Thủy quân Tây Sơn nhanh chóng tiến vào cửa biển Cần Giờ. Được tin, Nguyễn Ánh sai tướng Tống Phước Thiêm đem thủy quân ra chặn đánh. Còn Ánh tự chỉ huy một đội thủy quân dự bị đóng ở phía sau phòng tuyến sẽ tràn ra đánh phá khi có thời cơ. Đạo thủy binh của Tống Phước Thiêm là một lực lượng mạnh, bao gồm 400 chiến thuyền. Ngoài ra còn có một số tàu của Pháp, của Bồ Đào Nha là những tàu tốt nhất của tư bản phương Tây, trên mỗi tàu có gắn đại bác cỡ lớn. Tống Phước Thiêm cho thủy quân dàn thành hàng ngang ở đoạn sông Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) tạo thành một phòng tuyến mạnh.

Trận thủy chiến bắt đầu. Vừa trông thấy hạm đội Tây Sơn, chiến thuyền quân Nguyễn bắn chặn dữ dội. Thủy quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ lợi dụng lúc nước triều đang lên mạnh, thuận chiều gió ào ạt tiến lên và tấn công rất mãnh liệt. Vượt qua làn đạn, thủy quân Tây Sơn dũng cảm tiến sát chiến thuyền quân Nguyễn và tung hỏa công đánh phá dữ dội. Trận thủy chiến diễn ra rất ác liệt. Các chiến thuyền quân Nguyễn bị đốt cháy, lửa khói mù mịt, súng nổ ầm ầm. Cả bầu trời cửa biển Cần Giờ rung chuyển và ngùn ngụt khói lửa. Trước tài chỉ huy của Nguyễn Huệ và sự dũng mãnh của thủy quân Tây Sơn, các chiến thuyền của Nguyễn Ánh phải rút dần. Thủy quân Tây Sơn vẫn bám sát chiến thuyền địch dùng hỏa công bắn phá càng mạnh. Thủy quân Nguyễn Ánh tan vỡ. Các chiến hạm của Pháp và Bồ Đào Nha đều hoảng hốt bỏ chạy. Một chiếc tàu kiểu Âu châu trên có đặt 10 đại bác do Ma-nuy-en chỉ huy đã không chạy thoát, bị quân Tây Sơn đuổi rất gấp, Nguyễn Ánh đang ở trên tàu chỉ huy buộc phải rút lui, hốt hoảng phải bỏ tàu xuống thuyền nhẹ chạy nhanh vào bờ. Chiếc tàu của Ma-nuy-en cố sức chống cự nhưng chiếc tàu tối tân của hắn vẫn bị thủy quân Tây Sơn đốt cháy, Ma-nuy-en tử trận. Khi đó Nguyễn Ánh vừa chỉ huy một đội chiến thuyền đến cứu viện cho Ma-nuy-en nhưng bị hỏa lực trên chiến thuyền Tây Sơn chặn đánh dữ dội. Thuyền của Ánh phải đem quân rút chạy về Bến Nghé.

Đạo thủy binh chủ lực của Nguyễn Ánh hoàn toàn bị đánh bại, phòng tuyến quan trọng nhất trong kế hoạch phòng thủ Gia Định bị chọc thủng. Bộ binh và thủy binh Tây Sơn ào ạt tiến đánh Thị Nghè, Bến Nghé Gia Định và những đồn lũy kiên cố nhất mà Ánh đã dày công xây dựng dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Âu Châu. Thành lũy kiên cố không chặn được bước tiến của quân Tây Sơn. Thủy quân và lục quân Tây Sơn liên tục hạ thành Gia Định, chiếm đồn Thị Nghè, tiến đánh Nguyễn Ánh ở Bến Nghé. Thủy binh Nguyễn Ánh tới đây hoàn toàn tan rã. Nguyễn Ánh đem tàn quân trốn về Ba Dòng. Nguyễn Huệ cho các chiến thuyền nhỏ liên tục đuổi đánh trên khắp các ngả sông. Nguyễn Ánh tập hợp một số lực lượng, chỉnh đốn hàng ngũ rồi lên đóng ở ngã tư (Tứ Kỳ Giang) thuộc Gia Định. Thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy lại tiến đánh mãnh liệt. Thủy quânh Ánh tan rã ngay từ phút chiến đấu đầu tiên. Nguyễn Ánh phải bỏ chạy đi Lột Giang rồi bạt sang miền Hậu Giang.

Trong khi đó đạo quân thủy bộ do tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn Hữu Thận bị bộ binh Tây Sơn do tướng Nguyễn Văn Kim chỉ huy đánh cho đại bại ở Biên Hòa và đạo quân này hoàn toàn bị Nguyễn Văn Kim truy kích tiêu diệt tại Giang Lắng. Các đạo quân của Nguyễn Ánh ở Bình Thuận cũng bị Tây Sơn đánh cho đại bại ở Biên Hòa, các tướng Chu Văn Tiếp, Tôn Thất Dụ phải rút về Bình Thuận. Toàn bộ đất đai Gia Định được giải phóng, lại đặt dưới quyền kiểm soát của quân Tây Sơn. lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh hầu hết bị tiêu diệt.

Cuộc đọ sức lần này là một cuộc đọ sức ác liệt giữa quân đội Tây Sơn và các thế lực phản động Nguyễn Ánh, những trận chiến đấu có tính chất quyết định đều do thủy quân hai bên làm lực lượng chính và tiến hành. Sở dĩ như vậy vì trước khi bước vào cuộc chiến tranh hai bên đều giành thời gian tăng cường lực lượng và đã có kinh nghiệm trên chiến trường Gia Định. Nguyễn Ánh đã ra sức xây dựng bộ binh và xây dựng một đội thủy quân khá mạnh, chủ lực là những thuyền chiến lớn và các hạm đội Âu Châu do các tướng Pháp và Bồ Đào Nha chỉ huy. Tin vào ưu thế quân số, phương tiện kỹ thuật thủy quân và kỹ thuật trúc thành, tham vọng của Nguyễn Ánh là đánh tan cuộc tấn công của Nguyễn Huệ mà trước hết là đập tan được thủy quân chủ lực Tây Sơn ở cửa biển Cần Giờ. Và Ánh tin sẽ làm được điều đó. Để thực hiện tham vọng khi đó, với sự giúp đỡ của các sĩ quan quân sự Âu Châu, Ánh đã biến khu vực Gia Định thành khu vực phòng ngự kiên cố. Ánh đã bố trí một lực lượng thủy quân khá mạnh trên cửa biển Cần Giờ mà bộ phận cốt cán là các chiến hạm tối tân Âu Châu. Đó là phòng tuyến thứ nhất và quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ. Phía trong của phòng tuyến, Ánh tự chỉ huy một đội chiến thuyền dự bị sẵn sàng xông ra tiếp ứng cho phòng tuyến số một. Để tránh bị uy hiếp cạnh sườn phía Bắc, Ánh phái một đạo quân thủy bộ do tướng thân cận Nguyễn Hữu Thận chỉ huy ngăn chặn bộ binh Tây Sơn từ Bình Thuận tiến vào. Với lối bố trí kín đáo vững chắc lợi hại đó, Ánh đã đặt thủy quân Tây Sơn vào cuộc chiến đấu ác liệt.

Về phía Tây Sơn, Nguyễn Huệ dùng một hạm đội tác chiến rất mạnh và một hạm đội vận tải lớn chở bộ binh. Lần này, kế hoạch của Nguyễn Huệ là tập trung cả thủy binh và bộ binh vào một hướng để phá vỡ phòng tuyến Gia Định mà chủ yếu nhất là phải phá vỡ được phòng tuyến quan trọng số 1 của Nguyễn Ánh trên cửa biển Cần Giờ, tức là phải tiêu diệt được đạo thủy quân chủ lực mạnh mẽ của Nguyễn Ánh. Đó là một nhiệm vụ nặng nề có tầm quan trọng quyết định thành bại của cả chiến dịch vì có phá vỡ được đạo thủy binh chủ lực đó của Nguyễn Ánh thì bộ binh và thủy binh Tây Sơn mới tiếp cận được Thị Nghè, Bến Nghé, thành Gia Định để công kích các chiến lũy này và quân đội Tây Sơn mới thọc sâu mũi dao vào nội địa tiêu diệt kẻ thù. Một lần nữa thủy quân Tây Sơn lại đóng vai trò chủ lực làm nhiệm vụ chủ yếu và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Mặc cho thủy quân địch chặn bắn dữ dội, với một tinh thần dũng cảm cao độ, với sức mạnh tấn công ào ạt, thủy quân Tây Sơn đã nhanh chóng đánh tan đạo thủy quân mạnh mẽ của Nguyễn Ánh, phá vỡ phòng tuyến quan trọng, mở toang cánh cửa cho bộ binh, thủy binh tiến công vào hạ chiến lũy Thị Nghè, Gia Định, Bến Nghé và đột kích vào nhiều hướng khác. Thủy quân Tây Sơn đã đóng vai trò xung kích và chủ lực tiêu diệt quân thù. Tiếp theo chiến thắng Cần Giờ, thủy quân Tây Sơn còn đánh tan thủy quân Nguyễn Ánh trên Tứ Kỳ Giang, thủy quân Nguyễn Hữu Thận ở Bình Hóa, đưa quân đội và thủy quân Nguyễn Ánh đến chiến bại hoàn toàn.

(Còn nữa)

CVL

------------------

[1] Theo Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng: Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1971, trang 63.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-37-a15792.html