Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 39)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 39.

Đại đội chiến thuyền Nguyễn Huệ vừa tới. Thủy quân Tây Sơn tập trung hỏa lực trên chiến thuyền bắn mạnh vào chiến thuyền quân Nguyễn. Bị bè hỏa công đốt phá, lại bị đạn của thủy quân Tây Sơn bắn phá dữ dội, thủy quân của Nguyễn Ánh tan vỡ tháo chạy hỗn loạn. Quân Tây Sơn tràn vào đánh hai đồn Thảo Câu và Giác Ngư. Tướng giữ đồn Thảo Câu là Tôn Thất Mẫn vội đem quân chạy qua cầu phao định rút rào thành Gia Định nhưng tướng Tây Sơn Lê Văn Kế chặt gãy cầu. Mẫn và toàn bộ quân Nguyễn rơi xuống nước chết. Tại đồn Giác Ngư, tướng Nguyễn là Dương Công Trừng bị bắt sống, toàn bộ tướng sĩ đều đầu hàng. Cánh quân của Chu Văn Tiếp bị quân Tây Sơn truy kích đánh bại hoàn toàn. Chu Văn Tiếp phải chạy sang Xiêm. Phòng tuyến hoàn toàn bị phá vỡ, Nguyễn Ánh vội bỏ Gia Định cùng 100 quân chạy về Ba Dòng. Tại đây Ánh tổ chức lại quân đội chống lại với quân Tây Sơn ở Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ đã dùng lực lượng bộ binh và tượng binh phối hợp tấn công tiêu diệt toàn bộ quân Nguyễn. Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc. Lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn.

dh1ranh-gam-xoai-mut-201-1665910652.jpg

Tranh vẽ minh họa: Trận Rạch Gầm – Xoài Mút thắng lợi giòn giã năm 1785. Quân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ, đã đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm và trừng trị đích đáng hành động phản bội quyền lợi dân tộc của tập đoàn Nguyễn Ánh. Nguồn: Internet.

 

Khác với những lần trước, lần này thủy quân Tây Sơn phải tác chiến sâu vào phòng tuyến Gia Định và trên một khu vực hẹp, địa thế có lợi cho đối phương làm cho thủy quân Tây Sơn khó cơ động, không tập trung được nhiều chiến thuyền. Một khó khăn lớn trong khi đánh vào phòng tuyến Gia Định là kẻ thù đã chuẩn bị những bè hỏa công, con rồng cỏ để đốt phá chiến thuyền Tây Sơn. Đánh hỏa công là lối đánh rất lợi hại của thủy quân Việt Nam được dùng phổ biến ở thế kỷ 17-18 đã làm cho các sĩ quan phương Tây phải khiếp sợ. Trong một địa hình như vậy, khi đại bộ phận chiến thuyền Tây Sơn dồn vào tác chiến thì có nguy cơ bị tiêu diệt. Khó khăn lớn càng làm nổi bật tinh thần chiến đấu dũng cảm của thủy quân Tây Sơn và tài chỉ huy của Nguyễn Huệ. Để cho thủy quân Tây Sơn dễ cơ động mà vẫn tập trung được ưu thế binh lực đột kích, Nguyễn Huệ cử hai đội chiến thuyền đi tiên phong, còn đại đội chiến thuyền do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến theo sau. Cách tiến công như vậy làm cho thủy quân Tây Sơn tạo được những mũi nhọn đột kích mà vẫn bảo đảm được sức mạnh tấn công và đề phòng được hỏa công của địch có thể đốt cháy toàn bộ binh thuyền. Để phá kế hoạch hỏa công của địch, Nguyễn Huệ đã triệt để lợi dụng sức gió và nước thủy triều. Tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của thủy quân Tây Sơn vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi của trận thủy chiến nhưng yếu tố thiên nhiên rất quan trọng trong cuộc chiến đấu này và hai mặt đó hầu như có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động lẫn nhau tạo nên những thắng lợi rực rỡ. Bằng tinh thần dũng cảm, thủy quân Tây Sơn lợi dụng sức gió mà tấn công thì dù có thắng lợi thì thiệt hại cũng không phải là nhỏ khi thủy quân Nguyễn thực hiện được kế hoạch đánh hỏa công, thậm chí có nguy cơ bị tiêu diệt. Lợi dụng được chiều gió nhưng không có tinh thần dũng cảm để giết giặc, không dám xông vào khu vực hỏa công đáng sợ của quân Nguyễn thì lại càng thất bại trong tấn công. Tinh thần dũng cảm táo bạo cộng với mưu trí tài tình lợi dụng sức gió và sức nước đã làm cho thủy quân Tây Sơn chiến thắng oanh liệt, đánh tan thủy quân Nguyễn, làm cho vũ khí của quân Nguyễn lại quay ra thiêu đốt chính chiến thuyền quân Nguyễn. Thành công của danh tướng Nguyễn Huệ và của thủy quân Tây Sơn trong trận thủy chiến này ngoài việc tổ chức đội hình chiến đấu thích hợp với địa hình còn chính là ở chỗ đó. Đặc biệt trong trận tấn công này sau khi phá tan thủy quân địch, thủy quân Tây Sơn đã tập trung pháo kích chiến thuyền bắn lên các vị trí của địch trên bộ, phối hợp với bộ binh tác chiến hạ các cứ điểm. Thành công nữa trong trận thủy chiến này là chiến thuật hợp đồng của pháo binh thủy quân với bộ binh. Đó là bước phát triển mới trong nghệ thuật tác chiến của quân đội Tây Sơn và như vậy là Nguyễn Huệ đã hoàn thành việc đặt cơ sở cho chiến thuật tác chiến cận đại cho quân đội cách mạng bách chiến bách thắng của ông.

*

*        *

Nguyễn Ánh là đại diện cho giai cấp phong kiến phản động nhất đương thời; giữa quyền lợi ích kỷ của một dòng họ với quyền lợi dân tộc, ông ta sẵn sàng bán rẻ quyền lợi dân tộc để giành cho được quyền lợi ích kỷ. Sau mấy lần đại bại, năm 1785 Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện, mở đầu cho trang lịch sử bán nước nhục nhã của hắn. Triều đình Vọng Các muốn nhân dịp đó xâm lấn đất đai của nước ta, bành trướng thế lực để khống chế vương quốc Chân Lạp,  liền cử 300 chiến thuyền, 4 vạn thủy quân do hai cháu vua Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy sang giúp Ánh.  Ngày 25 tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm và lực lượng phản động của Nguyễn Ánh xuất phát từ Vọng Các đổ bộ lên Rạch Giá, chiếm khu vực này làm đầu cầu chiến lược rồi đánh tỏa ra. Kế hoạch của các tướng Xiêm là đánh chiếm các vùng xung quanh thành Gia Định để Nguyễn Ánh có căn cứ xây dựng lực lượng, tiêu diệt quân Tây Sơn ở các vùng phụ cận và kéo một bộ phận Tây Sơn ở thành Gia Định ra để tiêu diệt khi lực lượng của chúng tăng cường, chúng sẽ có đủ ưu thế đối phó với đại quân Tây Sơn từ Quy Nhơn tới. Nếu quân đội Tây Sơn từ Quy Nhơn chưa tới chúng sẽ tiến công hạ thành Gia Định. Với kế hoạch đó, sau khi đổ bộ lên Rạch Giá, chúng không tấn công thành Gia Định ngay mà trước hết đánh phá các vùng từ vịnh Xiêm La đến Hậu Giang, đánh đến đâu củng cố đến đó. Phương châm tác chiến của các tướng Xiêm là đánh ăn chắc và giải quyết nhanh. Do đó quân Xiêm tấn công rất chậm, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch mới tiến đến Cần Thơ rồi tiến lên Sa Đéc.

Sự xâm lược của quân Xiêm là một nguy cơ lớn cho nền độc lập dân tộc. Đó là một quân đội mạnh của vương quốc Xiêm, không kém quân đội các nước phong kiến phương Đông bấy giờ như Đại Việt, Trung Quốc. Bộ binh, tượng binh thành thạo tác chiến miền rừng núi. Từ giữa thế kỷ 18 triều đình Vọng Các lại ra sức mua sắm vũ khí của tư bản phương Tây về trang bị cho quân đội với âm mưu xâm lược Chân Lạp. Vương quốc Xiêm có nhiều sông, có biển cả nên thủy quân phát triển mạnh. Thủy quân Xiêm có đủ các loại thuyền: thuyền chiến lớn đi biển, thuyền chiến vừa, thuyền chiến nhỏ đi sông. Thuyền chiến đi biển của thủy quân Xiêm được trang bị khá đầy đủ. Trong cuộc phản công này, Nguyễn Ánh dựa chủ yếu vào 300 chiến thuyền và 4 vạn quân Xiêm. Ngoài ra Nguyễn  Ánh còn có khoảng 4000 quân nữa. Thủy quân Xiêm là một lực lượng khá mạnh trên chiến trường Gia Định.

Quân Xiêm cũng như các quân đội xâm lược khác, vừa đặt chân lên mảnh đất chúng chiếm được là nhân dân lập tức biến thành nạn nhân của chúng. Quân Xiêm kiêu căng, ngạo mạn, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc tàn sát nhân dân miền Hậu Giang rất tàn bạo. Các tướng Xiêm liên tục dùng thuyền chiến chở đàn bà con gái, vàng bạc của cải chúng cướp được về Xiêm. Không tiến quân chiến đấu, càng nhàn rỗi, quân Xiêm càng bạo ngược, mâu thuẫn giữa nhân dân Gia Định với bè lũ cướp nước và bán nước vô cùng sâu sắc, oán hận và căm thù chồng chất.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-39-a15815.html