Quê tôi là vùng triều của hai con sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, vùng nước có nhiều rươi, ruốc đặc sản lộc trời của đất Hải Dương (Xứ Đông).
Con ruốc sống ở trong bùn đất vùng bãi triều, đến mùa sinh sản những con ruốc bé nhỏ như hạt cát, hạt cám gạo bơi lên mặt nước kết đôi, kết bè để sinh sản từ tháng chín âm lịch năm trước, đến đầu tháng hai âm lịch năm sau.
Ruốc có mùi tanh như tôm tép, chỉ sống ở môi trường tự nhiên (vùng triều) không bị ô nhiễm. Vì con ruốc quá bé nhỏ, nên muốn bắt được nó phải có dụng cụ đặc biệt và không phải ai cũng đánh bắt được. Con ruốc không bơi ngược dòng được, vì nhỏ bé nên nó bị trôi theo dòng nước.
Bắt ruốc phải dùng săm vải, một loại dụng cụ bằng vải thô có độ thoáng nhất định. Săm vải có hình như chiếc phễu miệng rộng khoảng năm sáu mét, đuôi săm dài khoảng chục mét, cuối đuôi có một cửa để lấy ruốc (cửa này phải buộc dây thật chặt khi thả săm). Người vớt ruốc, theo kinh nghiệm chỉ nhìn dòng nước là biết vệt trôi của ruốc, ruốc chỉ trôi theo một dòng, chứ không trôi cả mặt sông.
Khi đã tìm được dòng, người ta đóng một hàng cọc ngang dòng rồi buộc săm vải vào, chỉ buộc một nửa miệng săm chìm dưới nước (gọi là đóng săm). Con ruốc trôi theo dòng nước vào săm, dồn xuống đáy. Cứ khoảng vài giờ, lại bơi thuyền ra nhấc đáy săm, cởi dây đáy đổ ruốc ra thúng. Con nước nhiều ruốc, một lần đổ được mấy chục cân ruốc. Những người làm nghề đóng săm họ đều là dân (thuyền chài) có kinh nghiệm mới làm được.
Ruốc sông có mầu nâu đỏ, khi nấu chín có mầu đỏ au rất bắt mắt. Ruốc sông rất giầu chất đạm, chế biến được nhiều món ngon, như rang khô với riềng, rau răm, tóp mỡ hoặc rang khô với gừng, khế chua, rau răm ăn với dưa cải bắp; nấu riêu với khế, lá gừng tươi ăn với rau diếp thái nhỏ…
Trời se lạnh như hôm nay mà có đĩa ruốc sông rang khô ăn với cơm nóng, dưa cải bắp thì đúng vị làng quê đấy các bác ạ.
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-ruoc-song-a15850.html