Đọc sách ông viết thấy ông có trí nhớ rất tốt. Tất nhiên, cũng có những đoạn phải căn cứ vào nhật ký, ngày tháng đã xảy ra. Những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm dành cho gia đình, đồng nghiệp và quê hương đất nước trong ông luôn thẳm sâu trong tĩnh lặng.
Do thời đại, cũng là do sở thích, thấy hồi thanh niên ông rất chịu khó ghi chép, nhất là hay viết thư. Do chiến tranh nên số phận những lá thư gửi ra miền Bắc mong manh biết chừng nào. Như người bạn tên Cừ đã từng gửi 146 lá thư mà chưa hề nhận được một lá thư nào từ hậu phương gửi lại. Còn theo như bố ông kể lại, dù tin tức cả nước đã thống nhất, bố ông đã mua 2 bánh pháo về dự định để đốt lên ăn mừng, mẹ ông ngăn chưa đốt vội: “Ông ơi, từ từ đã, bao giờ nhận được lá thư thằng Nghị gửi về ông hãy đốt”. Ông diễn tả lại cảm giác nổi gai trong người khi ông chợt nhớ ra, không biết thằng Nghị nhà mình đến giờ này còn sống hay không? (trang 328).
Hòa bình rồi nhưng Phạm Quang Nghị vẫn không cho phép bản thân nhàn nhã. Trở về miền Bắc, ông làm ở Ban Tuyên huấn Trung ương gần 20 năm (từ tháng 10/1978- tháng 11/1997). Ngày ngày,ông đạp xe đi làm, ăn cơm trưa ở một Ban Trung ương mà “Một tô cơm gạo cũ, một tô canh loãng cũng có khi chỉ là nước rau muống luộc dầm sấu, còn rau được chuyển thành món xào. Một vài con cá biển, loại cá con, cá vụn, cá đồng tiền kho mặn”( trang 347). Thế mới thấy đất nước những năm bao cấp vẫn còn khó khăn biết nhường nào.
Có những lựa chọn khó khăn mà Phạm Quang Nghị phải đưa ra ngày ấy. Nếu làm giảng viên đại học, sẽ chọn trường Đại học Tổng hợp để dạy, lựa chọn thứ 2 là về Ban Tuyên huấn “Oai thì có oai nhưng lương ba cọc ba đồng… chắc là đói lắm”. Sự thiếu thốn trăm bề được khái quát mà mọi người hay nhắc thời đó: “Làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”. Sự thiếu thốn, sa sút, đói khổ đeo bám hiện lên trong từng bữa ăn của mỗi gia đình (trang 349). Phạm Quang Nghị có những tố chất mà nhiều người phải rất nể. Những ngày đi làm, ông đã chủ động đi tới cơ quan sớm hơn mọi người để lau bàn ghế, quét dọn buồng phòng “Vài hôm một lần, phải bưng chiếc mặt bàn bằng đá granit khá nặng ra bể nước để cọn rửa cho sạch những vết nước chè cáu bẩn. Rồi xuống bếp tập thể xếp hàng lấy phích nước sôi đem về cho các anh lớn tuổi pha trả trước khi vào buổi làm việc…Đơn giản, vì tôi thấy mình ít tuổi, phải kính trọng những người lớn hơn” (trang 353). Đọc đến chi tiết này, hẳn chúng ta sẽ thấy nhiều bạn trẻ ngày nay phải học hỏi ở ông nhiều. Có nhiều bạn, thậm chí là chính chúng ta vừa mới tốt nghiệp Đại học, còn ngơ ngác chưa va chạm cuộc đời, đã đòi mức lương cao trong khi năng lực còn hạn chế. Chẳng làm được việc gì giỏi mà lại đòi lương cao, được cung phụng, đi làm thì chẳng theo giờ giấc kỷ luật gì cả.
Rồi Phạm Quang Nghị được đi Liên Xô du học. Một niềm vinh dự và tự hào thật lớn. Ông nhắc lại câu chuyện một vị giáo sư kể về chế độ phân phối dành cho các Viện sĩ hàn lâm mà nay nghe rất quen thuộc: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Viện sĩ được nhận một chiếc tivi màu về dùng. Đó là sự đánh giá, đãi ngộ xứng đáng. Cháu nội xin chiếc tivi “Ông nội yêu quý, ông cho cháu chiếc tivi này nhé. Ông vẫn được lấy những chiếc khác thoải mái cơ mà!”. Ông cho cháu nội. Rồi lại cháu ngoại. Nhưng không thể xin thêm mãi vì ý thức Cộng sản trong ông. Câu chuyện của vị giáo sư được Phạm Quang Nghị tế nhị nói về sự không tưởng, bất khả thi của một chủ trương phân phối trong thời kỳ bao cấp hết sức nặng nề ở Liên Xô. Khiến Phạm Quang Nghị mãi băn khoăn: Làm theo năng lực thì có thể, nhưng “hưởng theo nhu cầu” thì biết xử lý ra sao? Sở thích của muôn người muôn vẻ (trang 367).
Tác giả có lần cảm thấy ngượng ngùng, khi cho đến những năm đi học ở Liên Xô, thấy những sản phẩm của Việt Nam chỉ là những chiếc chổi rơm được nhập khẩu sang. Ông suy tư: “Sản phẩm xuất khẩu của đất nước mình chỉ là như thế này ư?” (trang 368). Mà giá mỗi chiếc chổi rơm khi đó chỉ là 70 Cô pếch, số tiền lẻ nhỏ nhoi. Có lẽ khi thấy đất nước mình còn lạc hậu, càng khiến cho ông muốn được phụng sự, cống hiến cho quê hương đất nước nhiều hơn.
Công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương, Phạm Quang Nghị được gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi nhiều bậc tiền bối và đồng nghiệp: Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Trần Trọng Tân, Thái Ninh, Hà Đăng, Hữu Thọ, Lê Xuân Đồng, Hà Học Lợi…Ông tổng kết lại những lời khen nịnh cấp trên mà ông khá dị ứng. Chẳng hạn như: “Nghe anh nói chúng tôi càng sáng ra”, “những ý kiến chỉ đạo vừa rồi của anh, anh em bên dưới vô cùng tâm đắc”, “nếu không có sự phân tích, chỉ đạo của anh, chúng tôi lúng túng như gà mắc tóc… (trang 378) rồi ông tổng kết: Người lãnh đạo lúc nào cũng thích được khen thì có cấp dưới nào dám to gan phê bình lãnh đạo.
Những năm tháng khó khăn thời bao cấp được Phạm Quang Nghị hồi tưởng nhớ lại nhà báo Hà Đăng, người mà ông học được đức tính từ tốn, đức độ và khiêm nhường. Để chuẩn bị dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc, nhà báo Hà Đăng phải đi xin kinh phí bên chỗ nhà báo Hữu Thọ báo Nhân Dân, để tặng chị em mỗi người một chiếc áo dài. Xin đủ tiền may áo dài rồi, nhưng lại chưa có tiền mua quần, thật là tế nhị mà cũng đầy ngại ngần khi lại phải xin thêm kinh phí. Thế mới thấy có những lúc đời sống thời bao cấp khó khăn biết bao nhiêu, khi ngày nay lớp trẻ chỉ được nghe kể lại chứ không còn được trải nghiệm.
Phạm Quang Nghị dành nhiều lòng trân trọng tới Trần Độ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thái Ninh và một số vị đáng kính nữa. Khi Tố Hữu chủ trì họp giao ban, Trần Độ thường nói khác, nói ngược ý kiến cấp trên, có chính kiến riêng, độc lập trong tư duy (trang 380). Còn Trần Bạch Đằng là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không học hàm, học vị nhưng anh xứng đáng là thầy của nhiều giáo sư, tiến sĩ. Trong giới cầm bút viết báo, viết văn, những tài năng như anh thật sự không nhiều (trang 382). Nguyễn Thái Ninh, giám đốc Nhà xuất bản Tuyên huấn sau vào Ban chấp hành Trung ương phụ trách Ban Tuyên giáo, một con người bình dị, chan hòa, cởi mở. Tiếc là căn bệnh ung thư đã đưa anh về cõi xa (trang 383).
Những năm tháng khó khăn, may mắn Phạm Quang Nghị kiếm thêm được một việc làm thêm, đó là “bán cháo phổi”. Ông đi giảng bài cho các địa phương, có lần đi về được tới 5-7 triệu, ở thời điểm đó quả là một số tiền khổng lồ. Những năm tháng ấy, cái gì cũng phải chia ra. “Ngày ấy, hầu như hàng tuần, hàng tháng trong cơ quan đều có những món hàng phải đưa ra công đoàn để bình xét, chia nhau. Nhỏ thì cái kim, sợi chỉ, viên bi, chiếc nan hoa xe đạp hoặc dăm ba lạng thịt, lạng cá… lớn thì chiếc lốp, chiếc săm xe đạp, mảnh vải, cái màn…Những buổi trưa ồn ào, mọi người lên xuống cầu thang rầm rập, í ới gọi nhau có khi chỉ để chia dăm ba lạng cá đồng tiền.”
Kỷ vật lớn nhất với Phạm Quang Nghị thời gian ấy là chiếc chậu nhôm Liên Xô mà đã hơn 30 năm vẫn còn sử dụng được. “Chiếc chậu nhôm đong đầy tình nghĩa của anh chị em trong cơ quan đã nhường cho tôi được mua” (trang 390). Những năm tháng gian khổ ấy đã tôi luyện cho Phạm Quang Nghị một ý chí mạnh mẽ, một đức tính đầy lòng tự trọng khi có thời điểm ông gần như đủ hết tiêu chí để được phong tặng Giáo sư- Phó Giáo sư. Chỉ có tiêu chuẩn giờ giảng theo quy định là thiếu, có người mách ông đi xin ở các trường Đại học nhưng ông nhất quyết không đi và lặng lẽ cất đi bộ hồ sơ phong học hàm. Thậm chí, ông cũng ngại ngần khi được giới thiệu là Tiến sỹ, trong khi ông tốt nghiệp Phó Tiến sĩ, đó là 2 nấc thang khoa học còn xa nhau.
Phụng Thiên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kho-khan-gian-kho-trong-di-tim-mot-vi-sao-cua-pham-quang-nghi-bai-2-a15894.html