Chúng tôi được nhận lệnh qua đầu nguồn con sông này như con thoi. Luồn rừng hành quân, vượt qua các bến: bến Than, bến Cẩm Sơn, Bến Trại Tù…. nhưng nhiều nhất là bến Tắt. Tôi không thể nhớ được bao nhiêu lần. Đoạn sông đó về mùa khô nước cạn chỉ qua đầu gối, nhưng vào mùa mưa nước lũ đổ về ào ào ngập hết các bụi cây hai bờ. Nhiệm vụ của chúng tôi là trinh sát. Đang ở hậu cứ bỗng có tin giặc đổ bộ nóng ra vùng Gio Linh là đơn vị báo động nhanh chóng cơ động qua sông. Có khi gặp địch lại đánh nhau 5 - 7 ngày, có khi chốt cả tháng rồi đưa thương binh liệt sĩ sang bờ Bắc hoặc để củng cố bổ sung. Thường là phải qua các bến vào ban đêm để tránh địch. Máy bay L19 hoặc các cao điểm đồn địch như Cồn Tiên, Dốc Miếu nhìn thấy. Vậy mà những lần qua bến chúng tôi ít khi được an toàn. Nhiều lần chúng biết được. Có thể qua các máy móc phương tiện hồng ngoại hoặc điện tử hiện đại đã cắm rải rác hai bên bờ. Chúng tôi lặng lẽ kín đáo đến bến rồi nhanh chóng chạy thoát bến cho nhanh. Nhưng vẫn cứ bị đạn cối từ đồn Cồn Tiên, Dốc Miếu và pháo từ hạm tàu và tuyến trong bắn ra. Đã có rất nhiều lần tôi chứng kiến bị địch tập kích bằng bom pháo khi vượt bến. Có lần cả tốp chỉ có 7 đồng đội, đã qua bến tắt tới bờ Nam. Một quả cối bay xoẹt. Tai tôi nghe được rồi nằm sát xuống. Trong nháy mắt quả cối nổ đanh, gần với cả tốp. Hai đồng đội hi sinh tại chỗ, tôi và bốn người còn lại an toàn, vội buộc võng đưa hai liệt sỹ quay lại bờ Bắc chôn cất ở cao điểm 45.
Một lần khác vào chập choạng tối, máy bay L19 còn bay lượn kiểm tra. Nó phát hiện bắn pháo khói, chừng 10 phút sau các loại máy bay khác đã đến trút bom. Hôm đó nó dùng cả bom phốt pho, bom nổ bung trên trời, cách mặt đất chừng trăm mét. Muôn vàn đốm lửa chụp, cháy loang ra, rải xuống nơi chúng tôi đang nằm. Đồng chí Trung úy đại đội trưởng quê Nam Định bên tôi đã dính phốt pho. Anh đau đớn, kêu la thảm thiết mà tôi không biết cách nào để cứu giúp, vì tôi cũng đang tìm cách tránh những dòng lửa ấy. Cuối cùng anh ấy hi sinh. Quả bom đấy còn làm một số đồng đội bị thương nữa. Tôi và nhiều đồng đội được an toàn…
Cũng tại bến Tắt này có lần tiểu đội tôi có nhiệm vụ khiêng hai liệt sĩ từ xã Gio An ra bờ Bắc. Đúng lúc nước lũ đổ về, nước ngập bờ chảy xiết. Có đơn vị công binh nào trước đó đã dùng dây thép buộc hai cây hai bờ và làm ròng rọc rất chắc. Chúng tôi lợi dụng buộc vào dây bắt đầu kéo liệt sĩ sang bờ Bắc. Đã hoàn thành một chuyến. Chuyến thứ hai, liệt sĩ xấu số ra giữa dòng, nước chảy xiết làm đứt dây, cuộn cả liệt sĩ trôi xuôi. chúng tôi vượt bến Tắt nhiều lần rồi cũng quen dần với sự căng thẳng. Bình tĩnh chọn những giây phút tranh thủ, nhanh chóng vượt qua như các buổi sáng tinh mơ. Một lần tôi cũng vượt qua buổi sáng nhìn thấy xác một người dạt vào mép bờ, không biết của địch hay của ta. Tôi quan sát thấy trang phục màu xanh cỏ úa, đi giày vải của Trung Quốc. Tôi nghĩ cũng có thể là bộ đội, nhưng tôi không có nhiệm vụ gì ngoài sự chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy cùng đồng đội nhanh chóng vượt qua sự nguy hiểm. Vào sâu vài km, tại các khe suối của các đồi trọc, có cây cối lúp xúp như sim, móc bị tàn tả bên những hố bom, hố pháo, đất đá đã tung lên. Tôi cũng thấy vài xác người rải rác, thịt rã xuống để lại khung xương và giày dép. Tôi nghĩ cũng chỉ là quân ta, nhưng tôi không có thời gian và không biết làm gì với họ.
Ôi! biết bao những kí ức bởi những lần đi về trên bến Tắt thời chiến sĩ cầm súng ác liệt. Nỗi khiếp sợ đã in sâu vào tôi dù đã gần 60 năm qua. Ngày nào cũng thoáng qua, nhớ đến dư một căn bệnh từ chiến tranh.
Cuối năm 2017, tôi nghĩ: mình sẽ không sống nỗi qua tuổi 70. Hội chứng trong tôi đã phải gọi điện giục con trai về như là để cấp cứu. Mặc dù con trai đã 40 tuổi bận nhiều việc cho đơn vị . Biết tôi quyết tâm thăm lại bến Tắt một lần. Được vợ và con trai đồng ý. Con trai đã dùng xe riêng xuất phát từ Hà Nội về Vinh, chở vợ chồng tôi vào Quảng Trị, theo đường 1, thắp hương ở các nghĩa trang quốc gia là Thành Cổ, nghĩa trang Đường 9, rồi quay ra đường 15 thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn. Và chúng tôi ra đến bến Tắt (ở đây đã có cầu hiện đại do Trung đoàn Công binh 99 xây dừng thành công sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng). Tôi yêu cầu con trai dựng lại ở bờ Nam. Tôi ra khỏi xe, ngực tôi xúc động nức lên đến chục lần. Mắt tôi nhòe lệ. Tôi nhắm mắt lại chừng 10 phút như để tưởng nhớ bao lần vượt bến Tắt trước đây. Vợ con tôi bàng hoàng hỏi:
- Cái gì vậy?
Miệng tôi không tròn trả lời:
- Bố nhớ nơi bến Tắt này… ngày xưa…. Tôi nghẹn ngào!!
Từ đó đến nay qua đợt dịch Covid 19. Tôi cảm thấy khỏe khoắn bình an và mãi mãi không quên bến Tắt.
Trái tim người lính
Đăng Sỹ Ngọc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-ben-tat-a15942.html