Sáng danh bộ đội cụ Hồ (Kỳ 2)

Trong đợt này, Đại đội 10 ở Đồi Đài hy sinh: 2 đồng chí, bị thương: 6 đồng chí; Đại đội 11 ở đồi Cô Ích: hy sinh 1 đồng chí, bị thương 9 đồng chí; Đại đội 12 ở bên Pa Hán bị thương 1 đồng chí. Tính cả trận chiến đấu ngày 3/9/1985, Tiểu đoàn 6 hy sinh 10 đồng chí, bị thương 37 đồng chí. Công tác thương binh liệt sỹ bảo đảm đưa về tuyến sau 100%.

Tiểu đoàn 6 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận đầu đánh thắng vang dội, đã đánh thiệt hại nặng 1 trung đoàn tăng cường của địch, tiêu diệt hằng trăm tên, làm nức lòng cán bộ chiến sĩ toàn Tiểu đoàn, Trung đoàn cùng các đơn vị bạn đã giữ vững trận địa, thương vong tổn thất thấp.

Sau trận này, tập thể đơn vị Tiểu đoàn 6, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Đặng Xuân Kim và nhiều cá nhân khác trong Tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

dh1ab-1666663019.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp thân mật, tặng quà 30 CCB tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/2022) tại Phủ Chủ tịch.

 

20 giờ ngày 19/11/1985, Trung đội tiền tiêu ở Đồi Đài, do đồng chí Đoàn, quê Hàm Yên, Tuyên Quang làm Trung đội trưởng có 19 đồng chí giữ chốt, đã bị quân địch dùng thuốc nổ với khối lượng lớn đánh dưới chân chốt tiền tiêu Đồi Đài làm toàn bộ 19 đồng chí ta bị thương vong, trong đó 18 đồng chí hy sinh, chỉ duy nhất 1 đồng chí bị thương nặng. Sau đó Quân khu cử đồng chí Trưởng phòng Công binh đi cùng đồng chí Nguyễn Nhớ- Trung đoàn trưởng xuống tận nơi kiểm tra xác định địch dùng khoảng 2 tấn thuốc nổ TNT với mưu đồ đánh sập chốt tiền tiêu Đồi Đài, để dọn đường cho chúng tấn công đánh chiếm Đồi Đài; với tính chất huỷ diệt lớn hòng lung lạc tinh thần và ý chí chiến đấu của bộ đội ta. Cứ nghĩ đến những chiến sĩ của ta bị bộc phá với hàng tấn thuốc nổ, đã hy sinh không còn nguyên vẹn, bị sức ép làm cho mắt lồi ra thật là thương tâm! Thật là căm thù quân địch ác độc!

Tuy nhiên, ngay sau đó, với quyết tâm chiến đấu cao, Tiểu đoàn 6 đã được cấp trên bổ sung quân số chiến đấu, đồng thời được tăng cường lực lượng Công binh, cho đem các thanh bê tông lên để xây dựng công sự ngày càng kiên cố vững chắc hơn, góp phần giảm thiểu thương vong cho bộ đội.

dh2ab2-1666663877.jpg
Bộ trưởng Bppj Lao động thương binh xã hội Đào Ngọc Dung tặng quà cho các Cựu chiến binh, tiêu biểu, trong đó có Đại úy Đặng Xuân Kim. 

 

Trong thời gian chiến đấu dài ngày liên tục, việc ăn ngủ, nghỉ của bộ đội của Tiểu đoàn 6 nói riêng và chung cả Mặt trận Vị Xuyên hầu hết đều ở trong công sự, đi lại chủ yếu vào ban đêm dưới làn hoả lực dày đặc của địch bắn lúc dồn dập, lúc cầm canh, lúc bắn tỉa. một số núi đá bị đạn hoả lực địch cày đi, xới lại đã nát vụn như vôi bột nên lính ta mới gọi là “Lò Vôi Thế Kỷ”. Ngoài ra, sức khoẻ của bộ đội cũng có phần giảm sút nhiều do không được ăn uống, ngủ, nghỉ đầy đủ, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa phùn gió bấc nhiều bùn lầy, ẩm ướt mốc, không được cắt tóc, tắm rửa nên đã gây ra rất nhiều bệnh: phù thũng, ghẻ lở, hắc lào, quáng gà, sưng khớp, cước chân tay, đi kiết, táo bón, v.v…, ngoài ra còn chuột, bọ chó, ruồi vàng, muỗi dĩn cắn rất khó chịu; mùa đông thì rét cắt da cắt thịt. Thôi thì đủ thứ! Tuy nhiên, tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội vẫn rất cao. Với tinh thần Người lính Vị Xuyên như Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh đã nói: “Sống bám đá đánh giặc, chết thành bất tử”. Không một chiến sĩ nào bỏ vị trí chiến đấu.

Đến ngày 25/6/1986, Tiểu đoàn 6 được 1 Tiểu đoàn của Sư đoàn 31 vào thay phiên chốt phòng ngự, Tiểu đoàn cơ động về Làng Pinh để cho bộ đội nghỉ ngơi, cắt tóc, tắm giặt và bồi dưỡng sức khoẻ.

Như vậy, sau 262 ngày đêm, chiến đấu phòng ngự khu vực Đồi Đài, Đá Pháp, Cô Ích (Tây sông Lô), Tiểu đoàn 6 cùng đội hình Trung đoàn 881 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên biểu dương khen thưởng và đánh giá cao. (Nếu ngày đó không giải thể thì Tiểu đoàn 6 sẽ xứng đáng được đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND rồi). Sau đó Trung đoàn 881 cơ động trở về đội hình Sư đoàn 314, đóng quân ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ làm nhiệm vụ dự bị cho Sư đoàn. Năm 1987, lại vào thay phiên phòng ngự cho Trung đoàn 818 trên hướng Pa Hán và Minh Tân (Đông sông Lô)…

Tháng 7/1986, đồng chí Đặng Xuân Kim được bổ nhiệm chức Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 881 và phong quân hàm Đại uý (10 năm trưởng thành từ chiến sĩ đã lên đến cấp Đại uý). Nhưng sau đó đồng chí lại được điều lên làm trợ lý Ban Tác chiến Sư đoàn 314. Đến tháng 6/1987, đồng chí Kim lại được cử đi học Bổ túc cán bộ Chỉ huy binh chủng hợp thành cấp chiến dịch tại Trường Quân chính Quân khu 2. Năm 1988-1989 về làm Tham mưu phó Trung đoàn 728 Sư đoàn 314 Quân khu 2. Khi đơn vị giải thể, tháng 6/1989, đồng chí Đặng Xuân Kim về nghỉ chế độ bệnh binh hạng 2/3 tỷ lệ 65%; là thương binh hạng 4/4 tỷ lệ thương tật 35%.

Đồng chí Đặng Xuân Kim trở về địa phương vẫn tiếp tục luôn gương mẫu nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và chính quyền địa phương giao cho.

Năm 1990, Hội Cựu chiến binh được thành lập, đồng chí Kim được Đảng uỷ chỉ định vào Ban chấp hành Hội CCB lâm thời, sau Đại hội trở thành Uỷ viên BCH Hội CCB chính thức của xã lần thứ I,

10 năm liền là Đảng uỷ viên xã Hoà Hải từ năm 1995 đến 2005;

Là Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã 26 năm liền từ năm 1994 đến năm 2020;

Đảm nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã 16 năm liền, từ năm 1996 đến tháng 5 năm 2012, trong đó có 10 năm làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã, 6 năm làm Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế.

Từ tháng 01/2015 đến tháng 4/2022, là Uỷ viên Ban Thường vụ Hội CCB huyện Hương Khê (Hà Tĩnh); Chủ tịch Hội CCB xã Hoà Hải.

Hiện nay đồng chí Kim vẫn đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ - kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn.

Những thành tích đã đạt được:

Trong Quân ngũ:

1 Huân chương Chiến công hạng Nhất;

1 Huân chương Chiến công hạng Ba;

2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 2,3;

1 Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở.

Hoạt động công tác ở địa phương:

17 Bằng khen, 15 Giấy khen, do UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội CCB tỉnh, huyện tặng.

6 Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở;

Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/2022), đồng chí Đại uý CCB Đặng Xuân Kim đã vinh dự là một trong 30 người đại biểu ưu tú của cả nước, ra Hà Nội Gặp mặt Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp thân mật và tặng quà lưu niệm; đồng thời được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Đào Ngọc Dung tiếp và tặng quà.

dh3ab3-1666663967.jpg

Đồng chí CCB Đặng Xuân Kim còn có một gia đình thật hạnh phúc (ảnh trên), có vợ là chị Trần Thị Loan, đảm đang, hết mực thuỷ chung son sắt, giữ lửa mái ấm gia đình để anh có điều kiện yên tâm công tác trong quan ngũ cũng như khi về địa phương, chị luôn đồng hành cùng chồng con trong mọi hoàn cảnh. Anh chị có 4 người con 2 trai, 2 gái, đều đã khôn lớn, trưởng thành, đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có 3 người con làm nghề Giáo viên, 1 người con là cán bộ trong ngành Công an nhân dân. Gia đình anh có đời sống kinh tế ổn định, ấm no, hạnh phúc.

Đồng chí Đặng Xuân Kim chỉ có 13 năm trong quân ngũ, nhưng đã lên quân hàm Đại uý, chức vụ Tham mưu phó Trung đoàn, nếu đơn vị không giảỉ thể đồng chí còn tiến xa hơn nữa. Chỉ tiếc là quân đội không tiếp tục sử dụng đồng chi, cũng như rất nhiều các đồng chí khác đã kinh qua thực tế chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên (cũ), biết đâu sẽ trở thành các vị tướng lĩnh giỏi của quân đội sau này. Khi trở về địa phương, nếu trên biết mạnh dạn sử dụng, Đặng Xuân kim vẫn có thể đảm nhiệm được những vị trí cán bộ của Đảng và Chính quyền ở cấp cao hơn.

Đồng chí Đại uý CCB Đặng Xuân Kim, sống hoà đồng, luôn được đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè và nhân dân địa phương tin yêu, kính trọng, thực sự là một niềm tự hào và một tấm gương sáng cho CCB cùng mọi người học tập và noi theo. Anh thật xứng danh Bộ Đội Cụ Hồ./.

Ngày, 23/10/2022

(Ảnh do CCB Đặng Xuân Kim cung cấp)

Trái tim người lính

 

Hà Minh Sơn (Ghi và biên tập theo lời kể của CCB Đặng Xuân Kim)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/sang-danh-bo-doi-cu-ho-ky-2-a15968.html