Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 48)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

HẢI ĐOÀN CẢM TỬ

-1-
Chuẩn bị đi biển

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng ven biển thuộc cực Nam của đất nước. Thời thơ ấu của tôi chủ yếu sống trong ghe thuyền, lềnh bềnh trên những nhánh sông, do mẹ tôi chèo chống, để chạy những cuộc càn quét của quân Pháp và quân Ngụy. Rủi thay, trong một trận càn, mẹ tôi bị chết. Bố tôi, khi đó là người của kháng chiến, có về thăm tôi được vài giờ vào một buổi tối. Ông gửi tôi cho ông bác và lại ra đi. Từ đó cuộc đời tôi gắn liền với cuộc đời ông bác.

Bác tôi cũng là người của kháng chiến, ông hoạt động tại quê nhà và bí mật nên không ai có thể biết được. Ông là một người khỏe mạnh, nước da nâu sạm, cương nghị, rất giỏi kiến thức thuyền bè, chài lưới, sông nước và biển cả. Súng đạn của quân thù, sóng to gió lớn của biển không có ý nghĩa gì đối với ông. Đã đặt ra công việc gì là ông kiên quyết làm bằng được. Tính cách của ông đã ảnh hưởng đến tôi sau này: gan lì, không sợ hãi trước bất cứ một biến động nào của thiên nhiên và của đời sống.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, làng tôi tràn ngập trong băng cờ, khẩu hiệu đón chào chiến thắng, đón chào hòa bình. Nhưng ngày vui đó không lâu, làng tôi lại chìm trong nước mắt chia li, tiễn những người thân yêu ra Bắc. Tôi ngơ ngác kinh hoàng khi nhìn thấy những đôi mắt trong veo của các chị, các cô đọng nước khi tiễn chồng, tiễn người yêu; khi thấy trên những đôi mắt mờ của các má càng mờ đi vì nước mắt. Người ta hi vọng hai năm sau sẽ có ngày đoàn tụ, sum họp của những gia đình khi Bắc - Nam thống nhất.

Tiếp theo đó, khắp làng xóm tôi tràn ngập lính tráng, công an của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng bắt bớ tra tấn, bắt tù đày tràn lan, đặc biệt đối với những người tham gia lực lượng kháng chiến và đi tập kết. Máu chảy đỏ thắm bãi biển, đường làng, xác người lình xịch trên kênh rạch.

Trong không khí khủng khiếp, bác tôi cũng trở nên lầm lì, hầu như không nói. Ông đối đầu ương ngạnh, cứng cáp với bọn công an không chút sợ hãi. Nhưng càng như vậy, tính mạng của ông càng thêm nguy hiểm. Chúng tôi như cá trên thớt, chúng muốn thịt lúc nào cũng được. Chúng tôi vô phương chống đỡ, vô kế thoát thân, không một tấc sắt để tự vệ. Tôi nói với bác tôi:

- Chúng nó đầy vũ khí, sao ta không dùng súng, dao mà trị lại?

Bác tôi lắc đầu:

- Không được, đây là thời kì chiến tranh hòa bình, không được vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Mấy năm khủng khiếp trôi qua. Một hôm bác nói với tôi:

- Thằng nhỏ này nói đúng, đã đến lúc dùng súng với chúng rồi, nếu không sẽ bị tiêu diệt hết. Nhưng lấy đâu ra súng đạn bây giờ?

- Lấy của chúng nó.

- Không đủ và cũng không bao giờ đủ để phát triển, tiến tới áp đảo và đè bẹp chúng.

Tôi im lặng. Còn ông bác thì trầm ngâm. Tôi hiểu rằng ông đang cháy gan ruột suy nghĩ một vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất, quan trọng hơn cả cuộc đời ông. Vài tháng sau, bác nói với tôi:

- Bác đã nói với cấp trên là yêu cầu miền Bắc cung cấp đạn dược vũ khí và mọi thứ cần thiết cho cuộc đấu tranh. Nhưng...

- Nhưng sao bác?

- Nhưng cấp trên nói rằng miền Bắc có thể cung cấp mọi thứ, nhưng không có đường vận chuyển nào. Giới tuyến tạm thời đã bị Ngô Đình Diệm biến thành biên giới của hai quốc gia, không thể trao đổi được một tí gì.

- Thế thì làm sao được bác?

Ông bác tôi im lặng. Với vẻ cau có, khổ sở của ông, tôi biết rằng ông đang suy nghĩ rất căng thẳng, lao lung để tìm lời đáp cho một câu hỏi hóc búa: Bằng phương tiện gì và con đường nào để tiếp nhận viện trợ của miền Bắc?

Nhiều hôm bác tôi cùng tôi đi trên bờ biển, phóng tầm mắt nhìn đại dương bao la. Sóng óng ánh bạc dưới nắng lấp lóa. Mây trắng nhởn nhơ trên bầu trời phương Nam trong vắt, những cánh buồm trắng thấp thoáng xa tít tắp ngoài khơi như những cánh bướm khổng lồ.

Nhiều ngày bác tôi đăm đăm nhìn biển, nhìn ra miền Bắc xa xăm. Bỗng một hôm ông nói với tôi như nói nới một người lớn tuổi:

- Tân Á, bác đã nghĩ ra rồi, miền Bắc có thể đưa vũ khí, súng đạn và các thứ qua đường biển.

Tôi tròn mắt:

- Bằng đường biển?

- Chứ sao nữa. Cháu không biết ư, nhiều nước trên thế giới thông thương nhau chủ yếu bằng đường biển, trừ những nước chỉ có đường bộ và đường sắt, đường hàng không. Tại sao miền Bắc, miền Nam bị chia cắt về đường bộ, đường sắt, đường hàng không lại không thể nối liền bằng đường biển được nhỉ? Biển rộng lớn, quân thù không thể nào kiểm soát suốt ngày đêm. Biển là nơi sơ hở nhất của quân thù.

Tôi gật đầu:

- Vâng ạ. Biển là nơi quân thù có nhiều sơ hở trong việc phong tỏa Bắc - Nam. Nhưng với ta biển cũng có nhiều nguy hiểm và quá xa. Cháu không rõ tàu bè miền Bắc hiện đại như thế nào?

Bác tôi mìm cười:

- Chà, cháu mới mười sáu tuổi mà bàn việc như một mưu sĩ già dặn. Nhưng bác không bỏ ý định đó đâu. Bác sẽ hỏi ý kiến cấp trên.

Cách buổi nói chuyện đó không lâu, bác tôi nói cho tôi hay cấp trên chấp nhận ý kiến của bác, coi đó là con đường duy nhất hiện nay mà miền Bắc có thể viện trợ vũ khí cho miền Nam. Nhưng tổ chức yêu cầu bác tôi mở đường vượt biển ra miền Bắc.

Tôi hỏi:

- Bằng  phương tiện gì ạ?

- Bằng thuyền.

- Bao giờ thì có thuyền ạ?

- Người ta đang đóng nó ở một cơ sở bí mật nào đó, bác phải chuẩn bị, bao giờ có lệnh thì lên đường. Vấn đề đầu tiên là cho cháu ở với ai trong thời gian bác vắng nhà?

- Cháu sẽ đi với bác.

- Không được. Cháu còn quá trẻ, hơn nữa cần phải sống để gặp lại cha cháu.

- Thế có nghĩa là bác đi vào chỗ chết?

Bác tôi lúng túng nói át đi:

- Phải dự kiến nhiều khả năng có thể xảy ra. Đường đi muôn trùng xa cách, đủ loại nguy hiểm rình rập: giông bão, tàu địch, cá mập...

Tôi lợi dụng lí lẽ của bác để đề đạt nguyện vọng của mình:

- Nguy hiểm như vậy nên phải cần hai người cùng đi. Xưa nay cháu thấy ai đi biển một người. Dù chuyến đi này chỉ là thăm dò nhưng không cho phép thất bại vì nó liên quan đến cả một sự nghiệp. Vả lại cháu cũng là thanh niên rồi còn gì?

Bác tôi thừa nhận:

- Ừ, cháu nói đúng, đi biển ít nhất phải hai người. Cháu tuổi còn ít nhưng tinh thần đã là thanh niên. Vả lại cháu ở lại bác không yên tâm. Cháu có thể bị chúng ép cầm súng bắn lại đồng bào mình, không biết điều gì sẽ xảy ra với cháu. Hơn nữa tuổi trẻ cần phải đương đầu với phong ba bão táp mới có thể trưởng thành.

Tôi súng sướng:

- Vậy là bác đồng ý cho cháu cùng đi?

- Phải, vì những lí do đã nói, bác đồng ý.

- Chúng ta phải chuẩn bị những gì cho chuyến đi.

Bác tôi trầm ngâm một lát rồi nói:

- Thuyền, gạo, nước, thực phẩm, đạn dược đã có tổ chức chuẩn bị. Bác cháu ta chỉ chuẩn bị thêm những thứ cần thiết cho cá nhân.

Chúng tôi khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị và nóng lòng chờ mong đến ngày xuất phát.

Thấm thoát ngày đó đã đến. Bác cháu tôi được một chiếc xuồng bí mật đưa đến một cửa lạch hoang vu, cây cỏ chông, cây sú vẹt rậm rạp. Vào buổi hoàng hôn, người ta mở toàn bộ lá ngụy trang, để lộ ra một con thuyền gỗ dài khoảng mười mét, chỗ rộng nhất của nó khoảng ba mét, trên phủ đầy lưới giả dạng một con thuyền đánh cá. Con thuyền được năm người lực lưỡng đẩy ra cửa biển. Đi tiễn hai bác cháu chúng tôi có hai người đàn ông, dáng chừng là cán bộ cấp trên. Hai người lần lượt ôm lấy bác cháu tôi, chúc chúng tôi khỏe mạnh và hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi lên thuyền, cánh buồm được căng lên như một cánh chim trắng trong buổi nhá nhem tối của biển trời. Sóng vỗ rào rạt, con thuyền nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi. Những cánh tay vẫy chào tạm biệt mờ dần trong bóng đêm. Tôi nhớ hôm đó là một ngày tháng 5 năm 1959. Trời như màn nhung đen thẫm đính sao sáng li ti lấp lánh. Đất liền xa mờ dần và khuất hẳn. Chung quanh chúng tôi chỉ là biển cả mênh mông. Con thuyền bé nhỏ của chúng tôi vật vờ giữa đại dương.

Thời bấy giờ ai vượt biển ra Bắc là một trọng tội, nếu nhà cầm quyền Sài Gòn biết được, sẽ bắn ngay không cần xét xử. Để tránh tàu tuần tra của hải quân ngụy, bác tôi cho thuyền chạy suốt đêm theo hướng Đông, càng gần hải phận quốc tế càng bảo đảm an toàn. Song, với một con thuyền bé như thuyền của chúng tôi, việc chạy ra đại dương quả là một sự phiêu lưu quá sức.

Thuyền chạy trên biển được một đêm, hôm sau tôi thấy bình minh chói lòa trên mặt biển. Mặt trời đỏ rực như chui từ dưới nước lên, treo lơ lửng, tỏa ánh sáng khắp đại dương sáng lòa. Biển đẹp rực rỡ, sống động trong buổi bình minh. Những đợt sóng lừng xanh rờn lấp lánh, mặt biển bảng lảng sương mù, báo hiệu một ngày đẹp trời, thời tiết êm ả, trời quang dần, mây bông nhởn nhơ, gió lồng lộng.

Bấy giờ, tôi mới có dịp quan sát kĩ con thuyền của mình. Đó là một con thuyền đánh cá, còn bền chắc nhưng gỗ đã bạc phếch, hai cánh buồm được căng như hai cánh con hải âu lớn màu trắng xám, chửng tỏ nó đã trải gió gội mưa trên biển cả nhiều lần. Điều này sẽ thuận tiện cho chúng tôi che mắt hải quân, thám báo Sài Gòn. Trên thuyền, phao lưới đánh cá ngổn ngang. Khoang đầu chứa nước ngọt. Nửa sau có mái vòm bằng lá dừa nước, đó là nơi ngủ, bên dưới là khoang chứa thực phẩm, lương thực, củi. Phía sau đuôi thuyền đặt bánh lái điều khiển bằng tay. Cánh buồm là động cơ làm con thuyền chuyển động nhờ sức gió, còn bánh lái điều khiển hướng đi của nó. Đôi khi cần thiết, cánh buồm còn đóng cả vai trò bánh lái dưới sự điều khiển thành thục của bác cháu tôi, làm thuyền trở nên nhanh nhẹn, uyển chuyển đi trên mặt sóng như ru.

Lương thực trên thuyền gồm có lương khô, thịt hộp, rau khô, gạo. Chúng tôi dự tính ăn một bữa cơm, một bữa lương khô. Thức ăn tươi là những bữa thịt, cá - những chú cá chuồn ban đêm bay lên không trung du ngoạn và rơi đúng vào khoang thuyền đều được chúng tôi sử dụng làm bữa ngon lành. Nước ngọt, diêm đều phải hết sức tiết kiệm.

Bác tôi là thuyền trưởng, tôi là thủy thủ, tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của thuyền trưởng. Nhiệm vụ trước mắt là phải vượt qua được sự phong tỏa của hải quân Sài Gòn và vượt được ra biển Bắc. Chúng tôi tránh xa tất cả những con tàu, tất cả những con thuyền đánh cá của ngư dân.

Vào một buổi trưa, bác tôi bảo tôi rằng hình như chúng tôi đang bị một chiếc tàu săn đuổi. Tôi nhìn về phía sau. Đích thị là một chiếc tàu tuần tiễu của hải quân Sài Gòn đang mở hết tốc lực tiến lại thuyền chúng tôi. Bác tôi bảo tôi cầm lái, còn ông thì ngồi ung dung thả lưới xuống biển như đang đánh bắt cá. Chừng vài phút sau, chiếc tàu tuần tiễu của hải quân Sài Gòn xô giáp lại thuyền chúng tôi, trên tàu lố nhố lính tráng, sĩ quan mặc quần đùi áo loang lổ, bó khít thân, súng tiểu liên lủng liểng. Sau khi cho tàu áp sát mạn thuyền chúng tôi, tên chỉ huy mang lon đại úy lăm lăm súng ngắn, bước xuống quát hỏi:

- Ê, ông giả, định vượt biển ra Bắc hả?

Bác tôi bình thản:

- Thưa ngài đại ủy, ông không thấy chúng tôi đang làm gì ư?

- Đánh cá gì mà ra xa quá vậy?

- Thưa ngài đại úy, muốn đánh được cá thu ngon phải ra rất xa mới được.

Tên đại úy nhìn ngó quanh thuyền. Khắp mặt thuyền lưới quăng đầy, đi lại rất vướng víu. Bất ngờ tên đại ủy hỏi:

- Ông già đưa căn cước cho tôi coi!

Tôi nghe mà lặng im hồi hộp. Thẻ căn cước của chính quyền Sài Gòn cấp để quản lý từng người dân. Bác tôi có chuẩn bị không nhỉ? Tôi ngó bác tôi. Ông bình tĩnh thò tay vào phía trong áo bà ba lôi ra tấm căn cước đưa cho tên đại úy. Hắn xem kĩ rồi trả lại ông. Hắn day qua tôi:

- Thằng nhỏ nào đây?

- Cháu tôi. Nó đi giúp tôi kiếm sống.

- Bố mẹ nó đâu?

- Bố mẹ nó cũng làm nghề đi biển mà nhưng đông con quá, nhờ tôi nuôi giùm một đứa.

- Hừm. Tên đại úy vừa gừ gừ trong cổ họng, vừa bước lên tàu. Tàu nổ máy, chân vịt khua sóng rào rào làm chao đảo con thuyền bé bỏng của chúng tôi.

Sau lần va chạm nguy hiểm đó, bác tôi càng cho thuyền chạy miết ra hướng đông. Khi ước đoán đã ở hải phận quốc tế, bác tôi mới bẻ lái cho thuyền chạy theo hướng Bắc. Tôi biết được điều đó vì kim chiếc la bàn bé như chiếc đồng hồ ở tay tôi chỉ 00. La bàn là phương tiện hiện đại nhất mà chúng tôi có được. Nó là người đưa đường của chúng tôi giữa đại dương bao la, đặc biệt là những ngày sương mù dày đặc không thấy mặt trời, những đêm không có chòm sao Bắc Đẩu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-48-a15974.html