Thế là tôi cùng với Nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng ban Biên tập Tin Trong nước TTXVN về xã Nam Triệu, huyện Phú Xuyên ngoại thành Hà Nội thăm nhà báo lão thành Vũ Đảo. Dù cụ đang yếu mệt nhưng thấy có khách cơ quan về thăm đã gắng gượng ngồi dậy trò chuyện . Cụ nhận ra ngay chúng tôi với nụ cười hiếm hoi của ông lão 93 tuổi.
Con cháu cụ cho biết, cả tuần nay, cụ kêu mệt mỏi lắm chỉ muốn nằm, chẳng thiết ăn uống gì. Trong câu chuyện với nhà báo Lão thành Vũ Đảo, tôi gợi những kỷ niệm một thời của cụ từ cái thuở vác loa đi a lô ủng hộ Việt Minh ở tuổi thiếu niên cho đến khi trở thành nhà báo, từng phụ trách các cơ quan thường trú của TTVN tại Liên khu 3, tại đất mỏ Hồng Quảng (Quảng Ninh) và tại Thủ đô Hà Nội cho đến những năm tháng làm phóng viên chiến trường của TTXVN, Giải phóng xã ở Nam Trung Bộ với cái đói quay quắt … Dường như quá khứ hào hùng đã tiếp sức cho cụ. Vào tôi tranh thủ “nộp” bản thảo điếu văn mà cụ đã yêu cầu tôi viết cho cụ. Chẳng biết duyên cớ vì sao tôi bỗng trở thành chuyên gia viết điếu văn ở TTXVN. Tính ra tôi đã có gần 100 bản điếu văn từ chú gác cổng đến Tổng giám đốc, khi ly trần đã được tiễn biêt bằng lời ai điếu của tôi. Không ít lần tôi viết trong tiếng khóc thầm tiếc thương đồng nghiệp tài cao phận thấp, yểu mệnh. Cụ cầm lấy rưng rưng xúc động. Căn buồng nhập nhoạng không đủ sáng cho cụ tự đọc, tôi kêu cháu dâu ngoại vào đọc cho cụ nghe. Cả một cuộc đời Nhà báo- Chiến sĩ với bao gian nan vất vả như một cuốn phim chiếu chậm hiện lại trong tâm trí nhà báo già khả kính.
Nhà báo Vũ Đảo - một Nhà báo - Chiến sĩ bình dị luôn có mặt ở bất cứ đâu mà Tổ quốc, sự nghiệp báo chí, sự nghiệp Thông tấn xã cần đến trái tim nhiệt huyết và ngòi bút sắc sảo của ông, người đảng viên Lão thành 75 năm tuổi Đảng của Ban biên tập Tin Trong nước và cũng là của Thông tấn xã Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam như một tấm gương ngời sáng.
Nhà báo Vũ Đảo, tên khai sinh là Nguyễn Văn Đảo sinh ngày 06 tháng 12 năm 1929 tại xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (Hà Tây cũ), nay thuộc TP. Hà Nội. Thời gian trước và sau cách mạng tháng 8 /1945 (kháng chiến chống Pháp) với con tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng trai 16 tuổi Vũ Đảo đã hăng hái tham gia hoạt động thanh niên Cứu quốc của xã, thông tin tuyên truyền tại quê nhà và là một Bí thư Thanh niên Cứu quốc sổi nổi, sốc vác. Từ một nhân viên thông tin Xã, thư ký xã bộ Việt Minh, Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên, ông đã sớm thoát ly đi công tác trên huyện, trên tỉnh. Sự nghiệp công tác truyền thông cũng đã gắn bó với ông từ thuở mới vào Đời, vào Đảng. Trong giai đoạn hoạt động cách mạng kháng chiến chống Pháp, nhiều lần được về công tác ngay gần nhà mà chỉ dám đứng xa nhìn bố mẹ, không dám đến gần vì sợ lộ bí mật. Được khai sáng tư tưởng của Đảng và việc giác ngộ của ban thân nên mới 19 tuổi - năm 1948, ông Vũ Đảo đã trở thành Đảng viên tại quê nhà. 21 tuổi, ông được tín nhiệm cử làm Chánh Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên. Đến năm 23 tuổi, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thông tin huyện Phú Xuyên. Năm 24 tuổi, với sức trẻ của mình, không ngại khó khăn, gian khổ, ông tham gia đoàn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam tại chiến dịch Thượng Lào ở Sầm Nưa (Lào), của chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là một Chính trị viên phó một đơn vị vận tải; tiếp đến ông tiếp tục được điều động sang một đơn vi thuộc Đại đoàn 320 tham gia Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi từ mặt trận trở về ông tiếp tục được phân công Phụ trách bộ phận Thông tin thuộc Ty Tuyên truyền Văn nghệ thành phố Nam Định.
Năm 1955, cuộc đời ông Vũ Đảo sang trang mới khi được điều động về Việt Nam Thông tấn xã , nay là TTXVN, để từ đây ông gắn bó với sự nghiệp Thông tấn đến trên 30 năm trong cuộc đời. Ông vừa làm, vừa học, nghiên cứu tài liệu, thu xếp công việc của cơ quan, gia đình để hoàn thành xong khóa bổ túc Đại học Văn.
Nhân nói chuyên gia đình, ông tưng kể với mấy anh em thân tín rằng ông lấy vợ khi mới 13, 14 tuổi . Chị ấy còn hơn tuổi chồng. Một ngày cũng nên nghĩa, ông bà ở với nhau đã có 5 mặt con.Ông thoát ly đi công tác cho đến khi về hưu. Một tay bà ở nhà trông nom, dưỡng dục con cái nên người…
Trước khi là phóng viên chiến trường B năm 1968, ông là Trưởng phân xã TTXVN tại Liên Khu 3, phóng viên thường trú tại Hồng Quảng (nay Quảng Ninh), Trưởng phân xã đầu tiên của TTXVN tại Hà Nội. Năm 1968, được phân công nhiệm vụ đi chiến trường B ở Khu 5. Ông được đặc cử làm Trưởng đoàn công tác TTX Giải phóng tại khu vực Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa) sau đó ông được điều động trực tiếp làm Trưởng đoàn công tác của Thông tấn xã Giải phóng Trung - Trung Bộ (khu 5) thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5. Đây là thời kỳ vô cùng ác liệt, nhưng ông vẫn vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cơ quan Thông tấn xã giao phó. Sau này, có dip tâm sự về thời gian làm báo ở Khu 5, ông bảo rằng mình và đồng đội phải chống đói gian nan, ác liệt như chống giặc .
Năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường B, ông trở lại Tổng xã, công tác tại Ban Biên tập tin Trong nước, TTXVN, được giao nhiệm vụ trưởng Tiểu ban Công Thương, Ủy viên Ban biên tập Tin miền Bắc rồi Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước. Tại Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ thứ 13 (1978 – 1980), ông được tín nhiệm bầu vào Đảng ủy TTXVN. Có thời gian ông được điều động làm Phó Giám đốc Trường nghiệp vụ Thông tấn (nay là Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn) sau đó trở lại làm Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước, chuyên viên Cao cấp cho đến khi nghỉ hưu.
Hưu mà không nghỉ, ông còn làm “tỉnh táo viên” đọc rà soát bản “bông” báo Tuần Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam mới ra đời. Vậy là ông vẫn được gắn bó với nghề báo thêm nhiều năm tháng cho đến khi sức khỏe không cho phép.
Từ sau khi sang tuổi 80, ông vẫn sống thanh thản tuổi già, khi ở Hà Nội, khi về nơi chôn nhau cắt rốn, nêu gương đức độ cần kiệm cho con cháu,xóm giềng.
Các thế hệ phóng viên, biên tập viên tin Trong nước, báo Tin tức luôn kính trọng ông Vũ Đảo không chỉ vì tuổi tác của một nhà báo lão thành … mà vì nể ở đức tính khiêm cung , bao dung, nhân hậu, công chính của ông. Hầu như không bao giờ ông bẳn gắt, to tiếng với anh em trong cơ quan. Ông không đòi hỏi lợi quyền này nọ. Ông cũng không công thần, địa vị gì dù rằng ông là người thuộc thế hệ tiền bối của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam. Nhắc lại những kỷ niệm của ông trong thời gian công tác, trong một lần Ban Tin trong nước điều động một Biên tập viên “cứng” tuổi, bất đắc dĩ đi Tây Bắc, không quản ngại khó khăn gian khổ, nhà báo Vũ Đảo đã thân chinh trao đổi, dặn dò và đưa người cán bô biên tập này lên tỉnh Sơn La giao tận nơi cho lãnh đạo địa phương nhờ giúp đỡ và đồng thời từ đây ông cũng đóng góp phần không nhỏ cho công cuộc gây dựng, mở rộng thêm địa bàn của cơ quan Thường trú, TTXVN tại nơi khó khăn, phức tạp. Các anh, các chị phóng viên khóa 8, khoa 9, GP10 và các khóa sau đều có nhiều tình cảm sâu sắc đối với ông.
Ham học hỏi, quyết tâm cao, cẩn trọng, điềm tĩnh và thực tiễn sôi động của đời phong viên TTXVN đã rèn luyện ông trở một phóng viên, một người phụ trách tin cậy của cơ quan thường trú tại những địa bàn trọng điểm.
Cuộc đời của nhà báo Vũ Đảo diễn ra trong khó khăn thiếu thốn. Ít ai biết rằng ông chỉ có một căn hộ nhỏ trên tầng cao nhất của khu tập thể của Thông tấn xã Việt Nam. Giờ đây, khi về quê ông sinh sống những năm cuối đời, ông vẫn chỉ sinh hoạt tại ngôi nhà cấp 4 của bố mẹ để lại. Một vài anh em thân thiết nhất mới được ông cho biết “ tài sản chìm” của ông chỉ có 43 USD mà ông giữ mãi là tiền mừng tuổi của mấy anh em đồng nghiệp trẻ đi công tác nước ngoài về chúc Tết ông bà. Cố Nhà báo Dương Đức Quảng, đàn em cùng ở với ông ở chiến trường Khu 5 đã gọi ông là Nhà báo “Bạc tóc không bạc lòng” quả là chí nghĩa, chí tình, chí lý !
Về hưu đã 30 năm có lẻ nhưng cụ vẫn luôn để lại trong lòng những đồng nghiệp cùng ông có nhiều năm tháng gắn bó và các anh chị em lớp trẻ sự quý trọng thân thiết. Đóng góp cả cuộc đời trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nay đã ngót trăm tuổi Nhà báo Vũ Đảo mãi mãi là tấm gương về của một người cán bộ đảng viên tận tụỵ, tâm huyết với nghề nghiêp, một người phụ trách đức độ . Cụ là người luôn sống thẳng thắn, mẫu mực, nghĩa tình, nhân hậu với mọi người, được anh em đồng nghiệp, bạn bè quý trọng, nể vì như một cây đại thụ của những người làm Tin Trong nước Thông tấn xã Việt Nam. Dịp 21 tháng 6 vừa qua, cụ về họp mặt với Ban Tin trong nước, ai cũng vui mừng chụp ảnh chung với một trong những người phóng viên cao tuổi nhất của Ban vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn.
Cùng với mọi người , tôi vui mừng vì thấy cụ khỏe lại. Và tôi cứ mong sao bản điếu văn tôi viết mà cụ đã duyệt sẽ bị “ế” dài dài vì ông vẫn khỏe, ăn được, ngủ được hàng ngày, vẫn xem ti vi đểu đều và trò chuyện người cháu ngoại đang là cán bộ cấp phòng của TTXVN về tinh hình cơ quan cũ. Chúng tôi mong cụ Thọ như núi Trường Sơn, Phúc như Biển Đông mênh mông !
Trần Đình Thảo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-nha-bao-vu-dao-tu-duyet-dieu-van-cua-minh-a15994.html