Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 49)

Kỳ 49                                                                                                               

                                    GẶP THỔ DÂN                                                                                  

Một buổi sáng, khi bóng đêm và làn sương mù tan dần bởi ánh sáng mặt trời thì trước mắt chúng tôi hiện ra một hòn đảo xanh. Bác tôi cho thuyền tiến vào đảo để lấy thêm nước ngọt. Thuyền đến bờ, sau khi buộc chặt nó vào hòn đá to, chúng tôi lên đảo. Đó là một quần đảo, cây cối như rừng, nhiều tầng, nhiều lớp, có những cây cao ngút ngàn, xòe những tán lá xum xuê chen chúc. Chúng tôi theo lối mòn đi tìm suối nước ngọt.

Bỗng nhiên, chúng tôi nghe thấy có tiếng hò, tiếng hú vang động và hai tốp người đông đúc chặn chúng tôi lại. Đó là những người thổ dân còn ở trình độ nguyên thủy. Da họ vàng rộm, người thấp lùn, mắt tròn, sống mũi ngắn và tẹt, tóc đen cứng. Họ không có quần áo, chỉ có một miếng vải che phía dưới. Trong tay họ có dao nhọn và cung tên. Bác tôi bình tĩnh nói cho tôi hay rằng đây là một bộ lạc nào đó trên Thái Bình Dương còn trong trình độ nguyên thủy. Bác tôi bảo rằng muốn thoát khỏi nguy hiểm, phải tỏ ra hiền lành, tỏ ra rằng chúng tôi không gây điều ác với họ; bác khuyên hãy ngồi xuống chờ họ tới.

Thấy chúng tôi ngồi xuống và hoàn toàn không có vũ khí, tay lại mang những chiếc can nhựa, hai tốp thổ dân chạy lại vây chặt lấy và chĩa dao nhọn, cung tên vào chúng tôi. Tôi bình tĩnh nhìn lại họ và nghĩ đến cái chết một cách thản nhiên. Bác tôi vội vã rót mấy giọt nước trong can, chỉ vào mồm rồi lại chỉ ra quanh đảo ý nói đi tìm nguồn nước uống. Mấy phút trôi qua. Một ông già trong số họ nói điều gì đó, đám người thổ dân bỏ cung tên và giáo xuống. Ông già thổ dân lại gần chúng tôi, đặt tay vào ngực, hơi cúi xuống và nói: “Pô-li-nê-diêng”. Bác tôi cũng đặt tay vào ngực, cúi đầu chào đáp lễ và nói: “Việt Nam, Việt Nam”, đoạn lấy tay chỉ về hướng tây. Tôi hiểu rằng người thổ dân nói tên bộ lạc của họ, còn bác tôi nói chúng tôi là người Việt Nam, đất nước của chúng tôi ở tây Thái Bình Dương, nơi mặt trời lặn. Người thổ dân già gật đầu, lại nói gì đó, tay chỉ về hướng bắc đảo rồi bước đi, vẫy chúng tôi đi theo. Bác tôi nói với tôi rằng họ muốn chúng ta về gặp vua của họ ở phía bắc đảo. Tôi nói:

- Bác hãy làm cho họ hiểu gặp vua của họ không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Công việc của chúng ta là xin nước ngọt và tiếp tục hành trình ra Bắc cơ mà.

Bác tôi lắc đầu:

- Cần phải đi theo họ thôi cháu à. Họ chưa hiểu chúng ta. Tính mạng chúng ta lại đang trong tay họ đấy.

Tôi hỏi:

- Nhỡ gặp vua của họ có điều gì bất trắc thì sao ạ?

- Chắc không có điều gì xảy ra đâu. Cháu yên tâm và đi thôi. Nói nhiều họ nghi ngờ chúng ta đấy.

Những người thổ dân đi trước và đi sau, ép chúng tôi đi giữa, vòng vèo qua đèo, qua dốc. Vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi tới một thung lũng rộng được núi đá bao bọc. Dưới đó những lán, trại cột bằng gỗ rừng, mái lợp bằng lá cây nối nhau san sát. Bộ lạc Pô-ni-nê-diêng có khoảng vài trăm người đi lại tấp nập. Những lò than khoét sâu vào vách đồi cháy rừng rực, thiêu nướng những con lợn rừng, những con dê, những con bò vàng rộm, mỡ cháy xèo xèo thơm thơm, khét lẹt. Những người đàn bà, những cô gái đang thái những cây như cây cau, mềm như chuối, tốp khác bỏ cây đã được thái vào cối giã nhỏ, hòa vào nước để lắng lấy bột. Bột của loài cây này trắng nõn, không khác gì bột gạo. Bác tôi hỏi đó là cây bột gì? Ông già thổ dân nói: “nhúc nhúc”. Cây mà người Pô-ni-nê-diêng chặt lấy bột là cây nhúc. Tốp phụ nữ khác đang nướng bánh từ bột cây nhúc, bánh chín nở, thơm lừng vàng rộm ngon như bánh bột gạo nếp của Việt Nam.

Tôi ngạc nhiên thấy phụ nữ, trẻ em người Pô-ni-nê-diêng không đóng khố như đàn ông mà họ mặc đồ vải nhiều màu sắc nhưng may đơn giản, tròn như bao tải, đục một cái lỗ chui qua đầu xuống cổ, phủ đến chân. Một vài cô gái nghĩ ra cách thắt đai ở giữa hông nom gọn hơn, xinh hơn. Bác tôi nói rằng vải đó họ đổi bằng thịt hươu nai, lợn, bò rừng, ngà voi, mật gấu cho các thuyền buôn ghé vào đảo. Nhưng những cuộc đổi chác như vậy hiếm hoi lắm.

Ông già thổ dân dẫn chúng tôi vào nơi vua Pô-ni-nê-diêng đang ngự. Cung điện của vua dựng bằng những cây gỗ rừng và lợp lá. Nhà vua cũng đóng khố, cởi trần, đầu đội một chiếc đai có giắt mấy cái lông chim màu trắng. Vua ngồi xếp bằng tròn trên đất trải lá cây. Sáu ông già cũng đóng khố cởi trần ngồi cạnh vua. Có lẽ đó là các cận thần của nhà vua. Mỗi bên phải và trái đều có sáu lực sĩ mang dao, gậy đứng hầu.

Khi còn cách đám võ sĩ vài bước, ông già dẫn đường vẫy tay bảo chúng tôi chờ đợi. Ông bước vào, tay đặt trước ngực, khom lưng và nói gì đó với vua. Có lẽ ông đang kể lại sự xuất hiện và lí do xuất hiện của chúng tôi trước mặt vua Pô-ni-nê-diêng. Nhà vua nghe xong đứng dậy bước ra chỗ hai bác cháu tôi, ngắm nhìn chúng tôi một lát rồi đặt tay trước ngực cúi chào. Trong các trang sách và trong đời thực, tôi chưa bao giờ gặp một ông vua giản dị đối với thần dân và với khách như vậy. Bác tôi ra sức diễn đạt bằng tay, bằng hình vẽ để vua hiểu rằng chúng tôi cần ít nước ngọt và xuống thuyền đi tiếp. Vua cũng vẽ xuống đất và cuối cùng chúng tôi hiểu được rằng ngày mai chúng tôi mới có thể lên đường. Đêm nay sẽ cử hành lễ thành hôn của hoàng tử với con gái thủ lĩnh một bộ lạc khác cũng thuộc quần đảo này. Chúng tôi sẽ là thượng khách của nhà vua.

Tôi bảo bác tôi rằng lúc ta ở đây thì bọn trộm cắp có thể lấy mất thuyền. Bọn thuyền buôn tham lam nào đó, hoặc bọn hải tặc cũng có thể kéo thuyền của chúng tôi đi bất cứ lúc nào. Nếu vậy thì chúng tôi phải ở lại đảo và trở thành người của bộ lạc Pô-ni-nê-diêng suốt đời.

Bác tôi lại bày tỏ điều lo lắng đó với nhà vua. Vua hiểu và đáp lại bằng hình vẽ rằng sẽ có người coi thuyền cẩn thận. Ngài còn nói thêm rằng để đề phòng thôi, vì ở đây an toàn tuyệt đối. Thần dân của vua thậm chí không biết từ “ăn cắp”.

Thế rồi người Pô-ni-nê-diêng bắt đầu đặt những con dê, lợn, bò rồi quay vàng rộm, ngậy mỡ lên những tàu lá chuối. Bánh nướng bằng bột nhúc thơm phức, ngon như bánh mì. Những ống nứa đầy rượu cất bằng bột nhúc với men là một loại lá rừng. Trên các mâm không có đũa bát. Mỗi mâm có một hai con dao để róc thịt ăn. Hàng trăm người của bộ lạc ngồi vào các mâm xéo thịt ăn và chuyền cho nhau những ống nứa uống rượu. Trẻ con, phụ nữ uống rượu như thanh niên và ông già. Họ dùng tay bốc thức ăn. Nếp ăn và cách ăn của họ cũng biểu hiện sự bình đẳng cộng đồng và lễ nghi đơn giản. Mâm của vua cũng không có gì đặc biệt mà giống như các mâm khác. Nhà vua ngồi ăn cùng mâm với Hội đồng bô lão. Chúng tôi ngồi mâm với nhà vua vì là thượng khách. Vua tự tay cắt thịt, bốc ăn, uống rượu rồi chuyền ống nứa rượu cho các bô lão để uống như thần dân.

Người Pô-ni-nê-diêng ăn uống suốt ngày. Buổi tối lễ cưới cử hành. Cả bộc lạc ngồi vòng quanh một bãi rộng, đuốc đốt sáng trưng chờ đón cô dâu. Vài giờ sau, thốt nhiên nhạc kèn lá và tiếng trống, tiếng mõ vang lên báo hiệu cô dâu đã về. Tôi nhìn ra thấy đám rước đến bãi, dưới ánh đuốc lung linh, cô dâu ngồi trên một chiếc cáng do bốn lực sĩ khỏe mạnh khênh, tiếp theo sau, một đoàn người thổi kèn đánh trống, đánh mõ. Cô dâu là một cô gái da bánh mật tươi mát, tóc bới ra sau gáy, có cài một nhánh hoa rừng. Cô mặc một chiếc áo may kiểu bao tải màu xanh nhạt có thắt thêm một dây lưng màu nâu, hai cánh tay cô tròn lẳn, chân không có guốc dép. Chú rể là một chàng trai khỏe mạnh, da nâu bóng, cưỡi ngựa đi bên cạnh chiếc cáng của cô dâu. Đám rước tiếp tục diễu hành chung quanh bãi một vòng nữa. Chú rể xuống đi bộ nhường ngựa cho cô dâu cưỡi. Xong lượt cưỡi ngựa, cô dâu được chú rể cõng trên lưng. Cuối cùng chú rể ôm cô dâu phi nước đại trên lưng ngựa.

Sau lễ rước, người ta đặt giữa bãi rộng một chiếc bàn gỗ đơn sơ, trên bàn đặt một chiếc đầu gà. Một cụ già cao tuổi làm trọng tài, cô dâu chú rể đua tài cướp bằng được cái đầu gà đó. Cuộc đua tài diễn ra trong tiếng trống và tiếng reo hò vang dậy của các thành viên bô lão. Cuối cùng cuộc đua kết thúc với việc chiến thắng hoàn toàn của chú rể: chú rể đã giành được cái đầu gà. Như vậy, theo tục lệ cổ truyền ở đây người chồng đã giành được vai trò chủ nhân đối với người vợ, người vợ phải hoàn toàn khuất phục người chồng.

Sau lễ giành ngôi bá chủ của chú rể, toàn thể bộ lạc nhảy múa. Họ nhảy những điệu nhảy tươi vui, man rợ, mạnh mẽ. Vua và thượng khách vẫn tiếp tục ngồi và ăn uống, xem nhảy múa. Cuộc vui kéo dài suốt đêm cho tới sáng.

Hôm sau, bác cháu tôi xin từ biệt nhà vua. Trước khi lên đường, bác tôi tặng chú rể chiếc đồng hồ duy nhất của chúng tôi. Nhà vua và bộ lạc ngạc nhiên và có ý từ chối. Bác tôi nói rằng tặng qùa cho đôi vợ chồng trẻ mới cưới là phong tục của người Việt Nam để cầu mong hạnh phúc cho đôi lứa. Khi đó nhà vua mới nhận. Sau tiệc tiễn biệt, nhà vua sai ba mươi thanh niên khỏe mạnh dùng ông nứa khuân nước ngọt, vác bánh bột nhúc, thịt nướng xuống thuyền chúng tôi. Vua, cận thần và rất đông người của bộ lạc Pô-ni-nê-diêng đưa tiễn “thượng khách” của mình. Hai cánh buồm được kéo lên, no gió, thuyền lướt ra khơi. Chúng tôi đưa tay vẫy vẫy chào tạm biệt những người thổ dân tốt bụng, hiếu khách, công bằng. Nhìn vào bờ, tôi thấy vua và thần dân của bộ lạc quỳ xuống, chắp tay ngửa mặt lên trời. Có lễ đó là cách tiễn biệt của người Pô-ni-nê-diêng, cầu xin hạnh phúc, bình an cho người ra đi và người ở lại.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-49-a15996.html