Năm 1994, Phạm Quang Nghị được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khi mới 45 tuổi. Sau đó, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1996. Rồi ông nhận quyết định làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Ông lo lắng mình không kham nổi công việc sắp tới ở Hà Nam. Biết bao là rủi ro, thách thức. “Ngày trước tôi lên đường ra chiến trường dù phải đối diện với đạn bom, với hy sinh nhưng với tâm trạng lạc quan, hăm hở chứ đâu có quá lo lắng như bây giờ. Khó khăn nơi công việc nơi tôi sắp tới lại là vấn đề nội bộ, là mất đoàn kết nghiêm trọng thì liệu tôi có gánh vác, giải quyết nổi hay không? Câu hỏi đó cứ day dứt trong tôi khiến bao đêm không ngủ” (trang 396).
Là một chiến binh đối mặt với muôn ngàn khó khăn gian khổ, thậm chí nhiều ngày bị đói khát trong chiến tranh, nhưng với tâm thế của lòng yêu nước vô biên nơi người chiến sĩ, Phạm Quang Nghị đã dũng mãnh vượt qua tất cả. Vậy mà, khi được trao trọng trách đứng đầu Đảng bộ một tỉnh trong thời bình, ông vẫn tự thấy bản thân còn phải cố gắng nhiều, lo lắng nhiều. Khi trình bày những băn khoăn của mình khi thấy việc này quá khó, Tổng Bí thư Đỗ Mười bảo ông: “Vì khó nên Trung ương mới phải cử chú về”. Còn Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó động viên: “Thôi, ông cứ vui vẻ nhận quyết định đi. Bây giờ trình bày gì không khéo lại bị đánh giá đấy” (trang 398).
Phạm Quang Nghị về Hà Nam nhận nhiệm vụ mà không quen ai trong số các lãnh đạo tỉnh Hà Nam khi đó. Ông vẫn tiếc vì phải rời xa Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nơi gắn bó nhiều năm với ông. “Đi nhận việc mới ở một địa phương có nhiều khó khăn, phức tạp, biết bao là rủi ro, thách thức. Tôi không sợ đương đầu gian khổ, hy sinh; nhưng lo việc lớn quá, mình không làm nổi. Nhưng tổ chức đã quyết, tôi chấp hành”. (trang 403). Một chuyến đi nhận nhiệm vụ đã báo hiệu những khó khăn từ những việc ngẫu nhiên nho nhỏ: Từ chuyện đo may áo Comple không đúng màu vào đúng hôm mùng 1 đầu tháng đến chuyện đi đến ngã tư nào là báo đèn đỏ. Tỉnh Hà Nam khi ấy rất nghèo, ngân sách cả tỉnh năm 1997 chỉ có 67 tỷ đồng, có 97 xe ô tô các loại, hơn 900 chiếc xe công nông đầu ngang… Thế mới biết, đất nước ta đã phát triển như thế nào trong hơn 20 năm qua. Giờ đi khắp các nẻo đường lớn trên khắp Việt Nam, hàng triệu chiếc ô tô vẫn ngày đêm lưu thông mà chỉ cách đó đôi chục năm, cái đói vẫn là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với biết bao người, nói gì đến việc mua một chiếc ô tô.
Một tổng kết, đúng hơn là một chiêm nghiệm của Phạm Quang Nghị hẳn sẽ khiến chúng ta phải ngẫm ngợi, nhất là những ai muốn bước đi xa trên con đường chính trị: “Trên đời bẫy chim, bẫy chuột, bẫy thú rừng thì chỉ có vài ba thứ. Bẫy người thì muôn hình vạn trạng, chẳng biết đâu mà đề phòng cho hết. Nhưng quy lại, xưa nay cũng chỉ xoay quanh 3 thứ thường được đem ra để dụ dỗ con người. Thứ nhất là địa vị chức quyền, thứ hai là tiền bạc, thứ 3 là gái đẹp”. (trang 411). Những cám dỗ ấy vừa hấp dẫn, lại vừa luôn ở quanh ta. Thử hỏi xem đã có mấy ai vượt qua được nổi? Có khi chỉ một chút lợi ích nhỏ thôi còn tranh giành nhau, chỉ một chút quyền lực nhỏ cũng đấu đá nhau.
Một Bí thư Tỉnh ủy mà Phạm Quang Nghị chỉ ở căn phòng chừng hơn 20 mét vuông. Tắm và vệ sinh chung với mọi người. “Nhà vệ sinh công cộng thì ôi thôi, bẩn ơi là bẩn. Loại côn trùng chuyên sống ở môi trường nhà xí, sống bám từ đời nảo đời nào, đậu dày chi chít kín cả bức tường. Dùng thuốc xịt muỗi vẫn không sao xịt hết.” (trang 415). Một lãnh đạo cao cấp nhất của một tỉnh mà đời sống sinh hoạt khi đó vẫn rất khó khăn, có lẽ do những năm tháng gian khổ chiến tranh đã tôi luyện nơi ông tâm thế luôn bình tĩnh đón nhận mọi hoàn cảnh, dù cho phải cố gắng nhiều: “So với thời đi B, thế này còn sướng chán”.
Phạm Quang Nghị kể về khó khăn khi “vi hành” tìm hiểu về khiếu kiện xin xây ngôi chùa Cảnh Phúc đã bị bom đạn chiến tranh phá và rất vui vẻ khi tháo gỡ được những khó khăn cho người dân nơi đây. Có lần đi “vi hành” mà gặp một chủ nhà “nổ” rất ghê: “Mình quen tay Nghị vừa được Trung ương đưa về làm Bí thư. Mình và nó cùng học Tổng hợp Sử, sau này nó đi B, hòa bình về Ban Tuyên huấn…”, (trang 423), ông nghe mà lòng hẳn cứ buồn cười cho cái tay bốc phét kia.
Phạm Quang Nghị dự cảm những khó khăn, trọng trách sợ không gánh vác nổi khi về Hà Nam đã có phần đúng. Những lời bàn tán đã tới ông: “Trung ương lại cử về tỉnh một ông Tuyên huấn, chỉ lí thuyết suông chứ làm Bí thư sao được… Chẳng có kinh nghiệm chỉ đạo cơ sở ngày nào sao mà lại về làm Bí thư tỉnh…Phải cho Trung ương một bài học… Phải cho ông Nghị sa lầy ở Hà Nam…” (trang 424). Họp hành liên tục rất mệt mỏi: “Muốn vỡ đầu khi phải làm người chủ trì những cuộc họp như thế. Uống nước trà đắng hết cả môi, cả lưỡi, cả họng… đắng từ trong tim, trong phổi đắng ra” (trang 425). Hóa ra, họp hành triền miên không phải chỉ hiện nay mới nhiều. Chỉ cấp xã phường ở Hà Nội thôi, có ngày cũng vài cuộc họp. “Có lẽ trong suốt cuộc đời công tác, công việc khiến tôi mệt mỏi, không chút mảy may hứng thú, không thể nào thích nghi, dù có phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đó là phải dự, phải chủ trì những buổi họp kiểm điểm mất đoàn kết nội bộ. Một công việc không đòi hỏi sự cố gắng về cơ bắp nhưng vô cùng mệt mỏi về thần kinh.” (trang 427).
Làm lãnh đạo cao nhất tỉnh mà vẫn nhiều sự chống đối ngấm ngầm, dữ dội của phe cánh khiến Phạm Quang Nghị không lường hết được: “Có người đã đột nhập vào phòng của tôi ở khách sạn Hòa Bình để cậy khóa chiếc cặp mong xem được trong sổ tay tôi ghi chép những gì, nhân sự sắp tới bố trí ra sao… Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ lại chiếc cặp bị hỏng khóa số, coi đó như là một vật chứng kỉ niệm một thời gian nan vất vả ở Hà Nam”. (trang 433).
Thời gian 1997-2001 Phạm Quang Nghị về Hà Nam, đúng thời gian nằm trong tuổi mà dân gian gọi “49 chưa qua, 53 đã tới” khiến ông bao lo lắng, mệt mỏi, rồi cũng vượt qua để hy vọng: “Cuộc sống vốn không hề dễ dãi với bất cứ ai. Nhưng như thế càng đáng vui, đáng sống. Hãy chăm chỉ gieo trồng để có những mùa gặt hái… tôi lại nhớ những ngày còn nhỏ, tôi thường ngửa mặt lên trời đếm sao. Cố nhìn vào không gian bao la, sâu thẳm của bầu trời. Muốn tìm, muốn hỏi đâu là ngôi sao chiếu mệnh đời mình. Trên bầu trời, có muôn triệu vì sao, vì sao nào cũng lấp lánh” ( trang 458).
Phụng Thiên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kho-khan-gian-kho-trong-di-tim-mot-vi-sao-cua-pham-quang-nghi-bai-3-a16004.html