Suy ngẫm về luật nhân quả

Đời người “Sinh- Lão- Bệnh- Tử” là quy luật bất biến vĩnh hằng không ai có thể tránh được; có người sang, người hèn, có người giàu người nghèo, có người đẹp, người xấu, có người là vua, là nguyên thủ quốc gia, cũng có người là “phó thường dân”; người sung sướng, người khổ hạnh, v.v…

Tại sao vậy? Chúng ta đều cho là do số phận, nhưng ít ai để ý đến Luật Nhân quả, Luân hồi do chính mình “gieo gì gặt nấy”. “Kiếp xưa đã vụng đường tu/Kiếp nay chẳng kẻo đền bù mới xuôi” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Con người ta đều có hai phần: phần “con” và phần “người”; phần con là bản năng sinh tồn, hoang dã; phần người là giác ngộ trí tuệ là nhân cách, liêm sỉ. Nếu để cho phần con nó lấn ất phần người thì chỉ là thú đội lốt người nên còn dã man, tham lam, ích kỷ, tìm mọi cách chiếm đoạt, lòng tham không đáy. Từ đó gây nên tranh giành quyền lực, tham ô, tham nhũng, độc ác, “cá lớn nuốt cá bé”, nước lớn hiếp nước nhỏ, tàn hại môi sinh, môi trường, chèn ép giết hại lẫn nhau không còn tính người. theo kiểu “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; vô cảm trước khổ đau, sống chết của đồng loại và thiên nhiên.

dh1aq1b-1667005085.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm.

 

Thật là xót xa khi để xảy ra nhiều vụ đại án tham nhũng cực lớn, gây nhức nhối trong xã hội, vừa mất nhiều cán bộ, vừa giảm lòng tin, vừa thiệt hại nhiều kinh tế và tiền bạc của nhân dân; những lợi ích nhóm đan xen, tầng tầng, lớp lớp tinh vi chằng chịt; nhiều người còn chuẩn bị cho mình cả một sân sau, hậu nhiệm kỳ, có thể lo cho cả nhiều đời ăn không hết của, thậm chí còn mua cả quốc tịch nước ngoài; chuyển tài khoản ra nước ngoài; cho con cháu ra định cư và đầu tư nhiều tài sản ở nước ngoài; chung quy cũng chỉ vì “TIỀN”. “Một ngày lạ thói sai nha/Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Truyện Kiều- Nguyễn Du); đồng tiền có thể bẻ cong công lý “Khi đồng tiền lên tiếng thì sự thật sẽ bị im lặng”; hay “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. “Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Tiền là một thứ ngoại thân, sinh ra không mang đến, chết chẳng mang đi “Sống thời tiền chảy bạc ròng/Chết không đem được một đồng nào đi” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, trong một lần họp đã phải thốt lên: “Tiền nhiều để làm gì? Chết có đem đi được đâu? Sao mà tham thế? Danh dự mới là điều thiêng liêng nhất của con người. Ai đã trót nhúng chàm nên tự mình gột rửa đi”. Đừng đổ cho nghèo đói mà “ Đói ăn vụng, túng làm liều”. Những nghề như “Trồng người”; “Cứu người”; “Thực thi Pháp luật và bảo vệ công lý”, “Ngoại giao và Lực lượng vũ trang”…, có sách nào dạy làm giàu về kinh tế đâu! Sao mà nhiều cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật vậy? Nếu muốn làm giàu thì đừng vào các nghề đó! Có phải họ không hiểu biết Pháp Luật và Kỷ luật của Đảng; hầu hết đều có trình độ lý luận chính trị cao cấp, được học tập “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhưng họ lại nói một đằng, làm một nẻo. Hôm qua còn là một anh hùng, hôm sau đã thành tên tội phạm; hôm qua còn cao giọng giảng dạy đạo đức, lối sống, đến đánh trống khai giảng ở một trường học, hôm sau đã lại phải tra tay vào còng. Thật là nhục nhã!

Tại sao vậy? Tất cả họ đều có điểm chung là “Lòng tham không đáy”, cứ nghĩ rằng những việc mình làm thì không ai có thể phát hiện ra, vì nhóm lợi ích đã được bao bọc rất tinh vi, kỹ càng. Nhưng họ lại không biết đến, Luật Nhân quả: “Ác giả ác báo”; “Gieo gì gặt nấy”; “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”; “Cháy nhà ra mặt chuột”…, hoặc có biết nhưng “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”, chưa biết sợ, loá mắt vì tiền. Trong điện thoại di động qua tin nhắn “tinh tinh” là trong tài khoản đã có hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng quá dễ dàng, nên “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (Truyện Kiều- Nguyễn Du) làm gì còn thấy đường sáng nữa! Do vậy, họ cố kiết kiếm cho được thật nhiều tiền trong nhiệm kỳ hoặc quyền hạn của mình để “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nếu chẳng may bị phát hiện tham nhũng lại dùng đúng số tiền tham những được ấy để hòng chạy tội, giảm tội. Nhưng họ có biết đâu nếu đồng tiền không thu nhập chính đáng rồi lại dễ “Của Thiên trả Địa” mà thôi! Người xưa bảo: “Để đức cho con thì còn, để của cho con thì hết” Nhân quả gây ra đời con, đời cháu, hoặc nhiều kiếp sau của mình sẽ phải trả và lại “Tan gia bại sản”. “Ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời”. Tàn hại môi sinh, môi trường là tự gặm vào chính cơ thể mình, cho đến khi thiên nhiên nổi giận, biến đổi khí hậu và ngày tận thế của hành tinh này một nhanh hơn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, làm thế nào để kiểm soát quyền lực, có cơ chế quản trị, giám sát chặt chẽ, nghiêm minh đội ngũ cán bộ các cấp một cách công khai minh bạch; đồng thời phải cải tiến mạnh mẽ chế độ đãi ngộ, tiền lương để cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là những ngành đặc thù như: giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang… có thu nhập ổn định, có thể nuôi sống mình và người thân, mà không phải làm thêm bất cứ một việc gì khác để lo chuyện cơm áo gạo tiền ngoài chuyên môn của mình. Cố gắng từng bước thực hiện cho được “3 không” như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapo đã nói: “Không thể tham nhũng; không dám tham nhũng và không cần tham nhũng”.

Nhà văn Nguyên Phong – Tác giả của nhiều cuốn truyện nổi tiếng: “Hành trình về phương Đông”, “Muôn kiếp nhân sinh”… đã từng viết:

“Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và hành tinh này sẽ ra sao trong thời gian tới là tuỳ thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó.

Nhân quả đừng đợi thấy mới tin;

Nhân quả là bảng chỉ đường, hướng con người tìm về thiện lương”.

Luật Nhân quả rất công bằng và không bao giờ sai, chỉ có điều đến nhanh hoặc chậm mà thôi.

Trong Truyện Kiều- Nguyễn Du đã viết:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

Có tài mà cậy chi tài.

Chữ tài liên với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Quay đầu là bờ, con người ta vẫn có thể “Tu nhân tích đức” để tạo, chuyển hoá nhân lành; đừng để khi phải nói lời cuối cùng trước vành móng ngựa, mới khóc lóc van xin sự khoan hồng của Pháp luật và cầu xin sự tha thứ của nhân dân; “Thương dân dân lập đền thờ/Hại dân dân đái ngập mồ thúi xương”; và đừng bao giờ để “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”./.

Ngày, 29/10/2022

Trái tim người lính

Hà Minh Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/suy-ngam-ve-luat-nhan-qua-a16042.html