Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 54)

Kỳ 54.

PHÁT RỐC KÉT ÁC ĐỘC

Vào một chiều mùa đông u ám, sau chuyến đổ hàng cho căn cứ, tàu chúng tôi đang trên đường về. Tàu qua vịnh Bắc Bộ. Gió mùa đông bắc lạnh cắt ruột, trời một màu xám ngắt như biển cả. Chúng tôi đang ở các vị trí làm việc, thốt nhiên có tiếng phản lực Mĩ gầm rũ. Tàu chúng tôi phát lệnh báo động. Cách chúng tôi không xa, một chiếc tàu không lớn lắm đang là mục tiêu tấn công của chiếc phản lực Mĩ. Chiếc F.105 vòng lên lấy độ cao rồi nhào xuống. Khi vừa tầm, từ trong bụng nó phụt ra một quả rocket vàng rực. Quả rocket đó chui vào đài chỉ huy con tàu. Chúng tôi nghe một tiếng nổ chát chúa, con tàu bốc lửa, khói ngùn ngụt. Còn chiếc phản lực, không hiểu vì sao chỉ bắn một phát rocket như vậy và bay đi thẳng. Chúng tôi nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Hải quân: tàu bị nạn là tàu của hải đoàn chúng tôi, chúng tôi phải cứu con tàu đó bằng mọi giá.

dh1ba1-1667208795.jpg
Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Xuân Cừ (SN 1944, ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) - người lính đoàn tàu không số năm nào vẫn luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: baohatinh.vn

Tàu chúng tôi lao lại phía con tàu bị nạn đang bốc cháy, khói lửa mịt mù tỏa ra như một chiếc bếp khổng lồ giữa biển. Không thể áp mạn được vì sợ bị cháy lây, tàu chúng tôi cách tàu bị nạn năm mét, bơm nước qua vòi rồng xối xả dập lửa. Ba mươi phút sau lửa tắt. Một cảnh tượng khủng khiếp bày ra trước mắt chúng tôi, phần đài chỉ huy và phòng ở của thủy thủ hoàn toàn bị đạn và lửa thiêu hủy, bốn mươi chiến sĩ, đồng đội của chúng tôi chỉ còn lại bốn người sống sót, còn ba mươi sáu người đã bị thiêu cháy. Khắp tàu bị cháy nham nhở, mùi sắt, mùi sơn hòa với mùi thịt người cháy tỏa ra một mùi khét lẹt, khó chịu. Máy của con tàu đã hoàn toàn bị tê liệt. Cũng may con tàu không bị thủng, nước không tràn vào được.

Trung tâm lệnh cho con tàu của chúng tôi phải dìu con tàu và thi hài các liệt sĩ về hướng đất liền Trà Cổ, là nơi gần nhất và có thể tránh được thủy lôi dày đặc của Mĩ đang phong tỏa miền Bắc Việt Nam. Tàu chúng tôi dùng cáp dòng kéo con tàu bị nạn phía sau một cách chậm chạp, ì ạch. Tàu bị nạn giống như bãi chiến trường thu nhỏ cháy sém, tàn phá chết chóc, lại như một chiếc quan tài chung cho những đồng đội bất hạnh của chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi trải qua những giờ phút buồn bã đau thương như vậy. Chúng tôi, những người còn sống không nói một lời, lầm lũi làm việc, thực hiện các mệnh lệnh từ đài chỉ huy như những chiếc máy. Màn đêm buông xuống dần, biển đen kịt và sóng rì rầm ru hương hồn những người đã chết.

Chiều hôm sau, chúng tôi mới nom thấy làng xóm ven biển mờ xanh. Đó là Trà Cổ xinh đẹp. Nơi đây không có cầu cảng cho tàu cập bến. Chúng tôi trao chiếc tàu lâm nạn cho tàu kéo kéo vào bờ.

Trên bãi biển, ánh chiều vàng vọt, gió lạnh hun hút, người đông lố nhố, cả bộ đội và nhân dân, các ông bà già, các thiếu nữ, các em thiếu niên ra để đón và tiễn đưa những người lính hi sinh. Trên bờ cát, tôi nhìn thấy một dãy ba mươi sáu chiếc quan tài sơn son. Từ con tàu bị nạn, chúng tôi lần lượt khuân những thi hài của đồng đội lên bờ. Sau khi đã mặc quân phục mới, gắn quân hàm theo đúng cấp bậc của họ, khâm liệm các anh chu đáo, chúng tôi đặt thi hài của họ vào từng chiếc quan tài có ghi tên tuổi. Chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi nghe có tiếng khóc thút thít của các mẹ già, của các chị và các em gái.

Đêm tối, bãi biển Trà Cổ người đông như kiến, hương khói bập bùng. Người người nối nhau lần lượt đến đốt hương và nghiêng mình trước các anh hùng vừa ngã xuống. Ba mươi sáu bát hương trên ba mươi sáu cỗ quan tài đầy ắp lửa, sáng rực, hương khói nghi ngút. Gió thổi lồng lộng đưa hương hồn các anh về xa, sóng gào lên nức nở. Cha mẹ, chị em, con cái của các anh ở xa xôi khắp nơi trên Tổ quốc, chưa ai đến kịp để tiễn đưa, dù Bộ Tư lệnh Hải quân đã gửi điện cho các gia đình. Các liệt sĩ chỉ còn biết nhận sự đau xót, tình thương khi vĩnh biệt của nhân dân Trà Cổ và đồng đội của mình.

Sáu giờ sáng ngày hôm sau, lễ truy điệu và mai táng các chiến sĩ bắt đầu. Sắc lính bộ binh màu xanh lá cây và sắc lính hải quân xanh tím đi hàng dài, ba mươi sáu chiếc quan tài phủ đầy hoa, hương khói trên vai dòng lính từ từ đi vào nghĩa trang, theo sau là những người đại diện cho chính quyền, đảng, các đoàn thể và nhân dân Trà Cổ. Không một chiếc khăn trắng, những người thân của họ chưa một ai có mặt. Những tiếng khóc nức nở, thút thít, những dòng nước mắt nghẹn ngào tuôn chảy theo mỗi bước tiễn đưa cuả nhân dân và của đồng đội.

Tới nghĩa trang, ba mươi sáu chiếc quan tài được đặt ngang giữa vòng bộ đội và nhân dân đông đúc. Đồng chí Thiếu tá hải quân chỉ hủy Tiểu đoàn chiếc tàu lâm nạn đọc điếu văn. Tôi nghe một chuỗi tên các anh dài dằng dặc, tuổi đời các anh còn hoa niên: trừ thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên ngoài bốn mươi, còn là mười tám đôi mươi. Họ là những thanh niên nông thôn, thành thị hoặc sinh viên ở các trường đại học. Quê quán của họ là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội... Họ sớm đi vào cuộc chiến tranh và sớm đi vào cõi vĩnh hằng hư vô khi cuộc đời còn thênh thang nhẹ bước, không nặng gánh duyên nợ cuộc đời. Họ sớm bước lên đài hóa thân thành Tổ quốc. Thiếu tá hải quân đã khóc cùng bài điếu văn. Những làn sóng khóc thương bật dậy từ đáy lòng hàng nghìn người có mặt, rộ lên nức nở khi những chiếc quan tài hạ huyệt. Từng người tự tay đưa những nắm đất xuống những nắp quan tài. Khi những nấm mồ đã lên cao, những chiếc bia đã khắc tên từng liệt sĩ dựng lên, hàng loạt súng nổ vang rền tiễn biệt. Những bà, những chị theo đạo thiên chúa gạt nước mắt, làm những dấu thánh giá lần cuối cùng.

Chiều hôm đó, một chiếc xe com-măng-ca đã đỗ trước cổng doanh trại của chúng tôi trên bờ. Từ trên xe bước xuống là một nữ thiếu úy cảnh sát khoảng ba mươi tuổi. Chị dong dỏng cao, duyên dáng, mái tóc buông dài xanh mướt, khuôn mặt xinh đẹp nhưng hơi gầy do đau buồn và trải qua gió bụi đường trường. Chị tự giới thiệu và mọi người được biết chị là vợ của đại úy thuyền trưởng chiếc tàu lâm nạn đã hi sinh.

Với giọng Quảng Bình nghẹn ngào nức nở, chị kể rằng chị công tác ở ti cảnh sát Quảng Bình. Nhận được điện báo của Bộ Tư lệnh Hải quân, cơ quan cho xe chạy suốt ngày đêm ra để kịp nhìn anh lần cuối. Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng cùng chúng tôi dẫn chị ra nghĩa trang, chỉ cho chị nơi anh yên nghỉ. Chị giở túi lấy dải khăn trắng đặt lên mái tóc đen dày, đốt hương cắm lên mộ anh rồi gục xuống mồ anh mà khóc. Chúng tôi đứng lặng yên, nước mắt tuôn trào khóc cùng chị.

Thời gian trôi qua bao lâu không rõ, hai nữ chiến sĩ hải quân lại bên chị, nói gì đó, dìu chị đứng lên. Trước khi tạm biệt mồ chồng, chị lại đốt những bó hương cắm lên mộ anh và lên ba mươi lăm ngôi mộ những đồng đội của anh còn mới tinh khôi màu đất.

Đó là người thân duy nhất của các liệt sĩ hi sinh ở con tàu này  về được nghĩa trang Trà Cổ trong những ngày tiễn đưa các anh.

Sớm hôm sau chúng tôi được lệnh lên tàu nhận nhiệm vụ. Trong số người ta tiễn chúng tôi có chị. Chúng tôi chia sẻ nỗi buồn với chị. Chị cảm ơn chúng tôi đã không quản nguy hiểm sóng gió, đem được thi hải anh về đất liền yên nghỉ. Tôi nghĩ phải chăng đó cũng là niềm an ủi lớn lao đối với chị và gia đình. Lính thủy trong thời chiến tranh, biết bao liệt sĩ đã hòa máu thịt mình với đại dương mênh mông, không một vết tích nào để làm phần mộ trên đất liền. Họ thực sự đi vào cõi hư ảo hoàn toàn và chỉ còn lại đối với người thân trong kí ức và ngày nhập ngũ là ngày ra đi vĩnh viễn.

Tàu kéo ba hồi còi tạm biệt. Những bàn tay vẫy vẫy chúng tôi, trong đó có bàn tày nhỏ thon của chị xa dần, song những giọt lệ từ trong đôi mắt to sáng của chị như ở trước mắt chúng tôi lấp lánh.

Trà Cổ xa dần. Bốn phía chúng tôi chỉ còn lại trời mây và sóng gió. Con thuyền chúng tôi nhỏ nhoi như chiếc lá cố nhoai lên trong bàn tay vĩ đại của đại dương.                         

CỨU TÀU MẮC CẠN

Sau chuyến đi công tác, tôi lại về tàu cũ của tôi, chiếc tàu cũ kĩ, bé nhỏ trong số các tàu của Hải đoàn. Trong khi Hải đoàn đã có một số tàu mới to, đẹp, tốc bộ bốn-năm mươi hải lí giờ, cần lái bằng điện thì tàu của tôi vẫn kéo lái bằng vô lăng nặng vẹo sườn, dây xích kêu loảng xoảng, tốc độ mười hai  hải lí giờ, trọng tải chỉ gần trăm tấn. Ấy vậy mà nhiệm vụ nó cáng đáng không kém các tàu khác. Với thân hình đen sì, mốc thếch, nhỏ bé, tàu mang số hiệu 655 vẫn vòng xuống vùng biển tây nam Thái Bình Dương và đưa vào miền nam Việt Nam nhiều trăm tấn đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực, thuốc men cho quân giải phóng. Số hải lí mà 655 hành trình không thể nào tính được.

Sau hiệp định Pa-ri năm 1973, tàu chúng tôi và một tàu bạn đi vào Cửa Việt. Xuất phát từ quân cảng Hải Phòng, qua hai ngày đêm hành trình, bốn giờ sáng hôm sau tàu chúng tôi vào đến Cửa Việt và thả neo trên dòng sông Thạch Hãn. Đây là vùng giáp ranh, phía bờ Nam sáu kilômét vẫn là vùng quân Sài Gòn chiếm đóng. Tàu chúng tôi thả neo được một giờ rồi mà chiếc tàu bạn vẫn không thấy tới. Chúng tôi đang sốt ruột thì nhận được điện báo tàu này đi nhầm đường, đã mắc cạn ở doi cát phía nam bờ Cửa Việt.

Trời cũng vừa sáng, chúng tôi hạ xuồng cao su bơi về bờ nam Thạch Hãn rồi lên bờ đi bộ ra biển, nơi con tàu mắc cạn. Bây giờ toàn bộ phong cảnh sông nước một miền Quảng Trị nổi tiếng trải dài trước mắt tôi, hai bên bờ sông, miền Gio Linh, Do Hải, Triệu Phong nhà cửa thưa thớt, cây cối xác xơ, tiêu điều do bom đạn tàn phá. Chúng tôi đặt chân qua quân cảng Cửa Việt của Mĩ -Ngụy. Đây là một quân cảng lớn, quan trọng của hải quân Mĩ - Sài Gòn, rất hiện đại nhưng đã bị chúng ném bom phá hủy hoàn toàn khi rút chạy. Trước mắt chúng tôi chỉ còn lại những bức tường đổ nát, mặt đất ngổn ngang những mảng bê tông, sắt thép, đầu vỏ đạn. Bàn chân chúng tôi không đặt trên cát mà dẫm lên sắt thép, đạn dược để đi. Những cầu cảng bị đứt đoạn, chúi một đầu xuống sông, những chiếc ô tô, xe jép của sĩ quan Ngụy cháy nham nhở, méo mó, những bao ni lông đựng cát làm công sự phòng thủ vương vãi, rách rưới. Tôi cúi xuống vốc một nắm đạn tiểu liên cực nhanh AR.15 của Mĩ. Những viên đạn to bằng đầu đũa, vàng chóe trong tay tôi. Tôi ngắm nhìn một lát rồi ném xuống sông. Chúng tôi đã nom thấy con tàu mắc cạn.

Đó là bãi biển phía nam Cửa Việt, nơi tiếp giáp giữa dòng Thạch Hãn và biển. Nơi đây, mới cách một tháng, quân Sài Gòn đã dùng tàu há mồm đổ hàng sư đoàn lính với hàng chục xe tăng hòng lấn chiếm Cửa Việt. Ta đã dùng pháo cực mạnh bắn dữ dội và tiêu diệt toàn bộ quân lấn chiếm, nghiền nát chúng thành những mảnh vụn. Bây giờ trước mắt chúng tôi, khắp bãi biển ngập đầy sắt, thép, đạn dược. Bãi chiến trường khét lẹt, ngổn ngang. Hai chiếc xe tăng của Ngụy còn nguyên hình nhưng không thể chuyển động được, đứng phơi xác đen ngòm dưới nắng gió, cát bụi. Sóng ào ạt từng đợt, gió vi vút. Tôi đứng lặng nhìn bãi chiến trường ảm đạm, nơi mồ chôn khủng khiếp một bộ phận quân đội Sài Gòn đã dám chà đạp Hiệp định Pa-ri. Sự trừng phạt dành cho những kẻ phản bội bao giờ cũng chứa đầy sấm sét.

Đây là con tàu mắc cạn. Con tàu này hải đoàn tôi mới nhận về, nước sơn màu xanh nhạt của nó còn bóng loáng. Bây giờ thì toàn bộ thân hình nặng nề của nó đã nằm sâu trong cát. Cát vùi cả chân vịt và bánh lái. Nó đã hoàn toàn bất lực như con cá voi khổng lồ mắc cạn. Dưới bụng nó, sóng biển nông choèn ùa từng đợt đùa dỡn.

Người du kích địa phương nói rằng ở doi cát này, trước đây một tàu lớn của Mĩ cũng mắc cạn. Mĩ đã dùng đến cả trực thăng cẩu mà đành bó tay, cuối cùng phải dùng máy bay ném bom để tiêu hủy con tàu.

Bộ Tư lệnh Hải quân và Hải đoàn cảm tử bị đặt trước một thử thách lớn. Tiêu hủy con tàu là một biện pháp không thể chấp nhận. Cấp trên lệnh cho chúng tôi phải cứu con tàu bằng bất cứ giá nào. Người ta bắt đầu suy nghĩ, tính toán các phương án tối ưu, cuối cùng quyết định dùng tàu kéo con tàu ra.

Ngay sau đó những tàu kéo có sức mạnh nhất quốc gia được điều động vào biển Cửa Việt.

Chúng tôi bắt đầu làm việc cật lực suốt ngày đêm. Trước tiên, phải giải phóng hàng hóa khỏi con tàu để giảm trọng lượng của nó. Con tàu này chở bốn trăm tấn đường. Những bao đường năm mươi kilôgam được bọc kĩ càng trong những túi vải nhựa và được quăng xuống biển, sẽ tính chuyện vớt sau. Một vệt ven biển tít tắp từ Cửa Việt vào Nam, hàng trăm bao ni lông đường nổi lềnh bềnh theo sóng dập dờn dày đặc. Ba ngày bốc vác cật lực, chúng tôi ném hết số đường ở các khoang con tàu xuống biển. Con tàu chỉ còn cái xác rỗng không. Chiến dịch kéo bắt đầu.

Chúng tôi luân phiên nhau bơi từ hai tàu kéo từ xa, tải cáp cột vào các cọc sắt của tàu. Việc bơi trên sóng gió tải cáp là cực kì nặng nhọc bởi sóng to gió lớn, bởi gió mùa đông bắc vù vù, nước lạnh thấu xương. Cột cáp vào tàu xong, chúng tôi trở về tàu kéo. Tàu kéo bắt đầu rồ máy kéo hết lực. Những sợi cáp to bằng cùi tay, căng như dây đàn. Ngày thứ nhất tàu mắc cạn không nhúc nhích, những sợi cáp đứt tung quật ngược trở lại bay vun vút trên đầu, có thể đánh nát nhừ chúng tôi trong chớp mắt. Chúng tôi lại lặn, lại bơi dưới biển, tải dây cáp vào nối lại để kéo tàu. Đây là một cuộc vật lộn thực sự khốc liệt giữa các thủy thủ với sóng gió dữ dội ở Cửa Việt. Bảy ngày sau công việc đã có kết quả. Con tàu bắt đầu nhúc nhích từng chút một. Tám ngày sau nữa nó được giải phóng, như con cá khổng lồ được trở về với nước, máy móc hoạt động làm thân nó rung lên, chân vịt xé nước và con tàu lướt đi trên sóng. Chúng tôi vui mừng khôn xiết.

 Căn đúng con đường và đi chính xác, đó là bài học nhớ đời cho các vị thuyền trưởng khi chỉ huy con tàu hành trình trên biển.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-54-a16076.html