Hàng chục lần về Hòn Đất, mỗi lần về trong tôi lại có một cảm xúc mới mẻ, khi chứng kiến từng sự đổi thay của mảnh đất Châu Thành A bất khuất năm xưa, với mỗi địa danh gắn liền với từng sự kiện lịch sử của dân tộc và một Hòn Đất hiên ngang, một thế đứng trong xây dựng, trong đổi mới hôm nay.
Trong chuyến đi thực tế sáng tác tháng 7/2022, nhạc sĩ Dương Minh Đức, P.Chủ tịch Thường trực Hội VHNT làm trưởng đoàn, P.Chánh Văn phòng Trần Ngọc Thúy, Phó trưởng đoàn. Ngọc Thúy cho biết: “Thường trực Hội thiết kế chương trình chuyến đi lần này để anh em được đi 02 huyện biên giới Kiên lương và Giang Thành, còn lại một ngày kết thúc chuyến đi, sẽ giành trọn cho Hòn Đất. Đây là địa danh anh chị em hội viên các phân hội chuyên ngành có rất nhiều cảm xúc và với hai ngày ở hai huyện biên giới, một ngày ở Hòn Đất, anh chị em sẽ có những tác phẩm chất lượng,…”
Tại Trung tâm VHTTDL của huyện Hòn đất, cũng là nơi Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ba Hòn làm việc. P.Giám đốc Trung tâm VHTTDL Nguyễn Văn Hiền, không chỉ tiếp đoàn chu đáo, nhiệt tình mà anh còn kiêm luôn thuyết minh viên về Khu di tích lịch sử Ba Hòn, về Khu di tích mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng cùng cuộc đời hoạt động cách mạng của chị tại xứ Hòn và anh dũng ngã xuống tại đây. Hiền cũng tóm tắt cả nội dung tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức và những nhân vật trong tác phẩm như bà Cà sợi, má Sáu (mẹ chị Phan Thị Ràng).
Đứng lặng, chắm chú nghe thuyết minh viên Nguyễn Văn Hiền kể về chị Ràng và tác phẩm Hòn Đất, hội viên trẻ của phân hội Văn học, nhà thơ Ngọc Chuyền đã bật khóc nức nở khi dâng hương lên bàn thờ có di ảnh Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng. Ca sĩ Ngọc Trâm đã diễn thành công trích đoạn cải lương của soạn giả Đình Đức, đoạn bà Cà Sợi quì trước má Sáu thốt lên tiếng nói đau đớn tột cùng của một người mẹ có con trai ác ôn là Sâm, đã giết chị Sứ (Phan Thị Ràng): “Bà Sáu. Bà giết tôi đi bà Sáu…”. Buổi trưa tại khu di tích Mộ chị Ràng, Ngọc Trâm xem lại chính đoạn diễn của mình và cũng bật khóc như Ngọc Chuyền. Đó là những giọt nước mắt của sự xúc động và cả lòng biết ơn của những người trẻ, sinh ra giữa thời bình, được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà lớp người đi trước đã đổ máu xương giành được!
Chị không phải sinh ra và lớn lên tại xứ sở Hòn Đất, nhưng tên tuổi và cuộc đời chị gắn liền với những chiến công bất tử của vùng đất này. Chị đã tạc nên một dáng đứng hiên ngang cho Hòn Đất, để người dân và đồng chí, đồng đội của chị cùng các thế hệ trẻ của Hòn Đất - Kiên Giang đã làm tất cả công việc có thể làm được để thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với chị. Chị đã sống mãi trong lòng họ với tên gọi đầy trìu mến, thân thương, chen lẫn tự hào: “Người con gái Hòn Đất”. Chị Phan Thị Ràng - chị Tư Phùng mà nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) đã lấy nguyên mẫu để sáng tạo hình tượng người phụ nữ miền Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang qua nhân vật chị Sứ trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Hòn Đất”.
Tháng 2 năm 1983, đang học năm cuối Đại học Cần Thơ, chúng tôi về thực tập tại trường cấp 3 Nguyễn Trung Trực. Nhóm thực tập là sinh viên các tỉnh, có đủ các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thời gian cuối đợt thực tập, chúng tôi đi tham quan mộ liệt sĩ Phan Thị Ràng (ngày đó còn quen gọi mộ chị Sứ) lúc đó còn rất hoang sơ. Các đồng chí lãnh đạo xã Thổ Sơn rất nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm nơi diễn ra trận chiến đấu chống càn của quân và dân ta trong 78 ngày đêm năm 1969 và cuộc chiến đấu chống càn của quân và dân huyện Châu Thành A năm 1962, trận chị Phan Thị Ràng hy sinh.
Dù là quê Kiên Giang, nhưng những gì tôi biết về chị Phan Thị Ràng ngày đó quá ít. Nói là học tác phẩm “Hòn Đất”, nhưng giữa tiểu thuyết và cuộc đời chị Phan Thị Ràng hết sức khác nhau. Nên tôi cũng không giúp gì được các bạn tỉnh ngoài tìm hiểu về chị Phan Thị Ràng. Lúc đó, địa phương đã mời một số nhân chứng sống từng công tác và biết chị Ràng và đưa chúng tôi đi xem cây me cổ thụ, nơi bọn giặc treo chị Ràng lên đó để tra tấn và khi chị chết, chúng vẫn treo chị trên đó đến mấy ngày. Sau này, nhiều tài liệu, cả phim Hòn Đất cũng đưa hình ảnh chị Ràng (diễn viên Hiệp Định đóng) bị giặc treo lên cây dừa. Nhưng trong thực tế đến tận bây giờ cả bà Phan Thị Rõ (Ba Rõ) và anh Sáu Mỳ (chị và em ruột chị Phan Thị Ràng) vẫn khẳng định chị Phan Thị Ràng bị treo trên cây me.
Trong một lần đi công tác về Hòn Đất để viết bài công tác xóa mù chữ trong đồng bào Khmer, chị Dương Thị Minh Họa lúc đó là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hòn Đất đã đưa tôi về xã Thổ Sơn, nơi có phong trào xóa mù chữ tốt nhất huyện. Vì đường đi về xã lúc đó rất khó khăn, hơn nữa lớp học xóa mù chữ phải học ban đêm nên chúng tôi phải ngủ lại trụ sở đảng ủy xã. Buổi chiều ra bờ suối tắm giặt. Chị Minh Họa nói: “Không hiểu sao cứ mỗi lần về xã Thổ Sơn, đi vào tận các ấp, đi ra Suối Lươn tôi có cảm giác tiếng gọi của chị Tư Phùng trong khoảnh khắc cái chết cận kề: “Các đồng chí, dưới suối có thuốc độc…” như còn vang trong vách đá các hang Hòn Đất. Cảm giác đó khiến tôi cứ bồi hồi xúc động. Làm công tác đoàn thể ở vùng này cũng gian nan vất vả lắm, nhưng những lúc khó khăn, lại nghĩ mình sống trên mảnh đất có người con gái anh hùng Phan Thị Ràng, là như có thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua, sống xứng đáng với sự hy sinh của chị”.
Tôi nhớ sau khi phim “Hòn Đất” được chiếu ít lâu, ngày 20-12-1994 liệt sĩ Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 8 năm 1995, huyện Hòn Đất và xã Thổ Sơn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tuyên truyền đậm nét về Hòn Đất và Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng.
Trong một lần tôi xem truyền hình, thấy có một phóng sự về gia đình chị Phan Thị Ràng ở An Giang, lúc ấy bà Bùi Thị Hương, mẹ chị Ràng còn khỏe và minh mẫn (bà mất năm 2002), đã kể rành rọt về những đứa con: Tỏ, Rõ, Ràng, Du, Mỳ, Út Bình Sơn. Trong số những người con mẹ Hương kể, có anh Phan Văn Mỳ (Sáu Mỳ), thời điểm đó là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy An Giang (Có thời gian làm Bí thư Huyện ủy Tri Tôn).
Lúc đó, tôi và nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, sử học Dương Văn Cầu, công tác tại Bảo tàng, thuộc Sở Văn hóa thông tin Kiên Giang, người tham gia sưu tầm tư liệu viết bản thành tích liệt sĩ Phan Thị Ràng, để Hội đồng thi đua tỉnh đề nghị Hội đồng thi đua Trung ương xét truy tặng danh hiện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị. Nhà thơ Dương Văn Cầu đã liên hệ được điện thoại với anh Phan Văn Mỳ và hẹn một dịp chúng tôi về thăm quê chị Phan Thị Ràng ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang).
Nhưng mãi đến tháng 6-1996, tôi mới gặp anh Phan Văn Mỳ, không phải ở vùng quê Bảy Núi An Giang của anh, mà gặp giữa thành phố cao nguyên Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong một dịp đoàn phóng viên Báo Kiên Giang có chuyến hành trình xuyên Việt, trên đường về ghé lại giao lưu với Báo Lâm Đồng. Đoàn của tỉnh An Giang đang làm việc với Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, chúng tôi lại nghỉ cùng một Nhà khách của Tỉnh ủy. Thật bất ngờ và cảm động, tôi đã không bỏ dịp may đó.
Anh Sáu Mỳ rất vui và cảm động khi biết chúng tôi quê Kiên Giang - vùng đất mà người chị thân yêu của anh đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống. Anh nói: “Thực ra, trong tác phẩm Hòn Đất nhà văn Anh Đức đã lấy nguyên mẫu chị Phan Thị Ràng, tức Tư Phùng, để xây dựng hình tượng người phụ nữ miền Nam kiên cường bất khuất, thủy chung, son sắt, chứ chị Tư Phùng chưa có gia đình, chỉ mới hứa hôn thôi và tiểu thuyết là tiểu thuyết, cuộc đời vẫn là cuộc đời thật, không thể vì sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết rồi có những điều không phải là của mình, mình cũng nhận. Do sự ngộ nhận, mà một vài nhân vật trong tiểu thuyết Hòn Đất cũng gặp nhiều phiền toái”.
Cuộc gặp bất ngờ ở Đà Lạt, tôi cũng không hỏi han và ghi chép được gì nhiều, vì khi chúng tôi đang làm việc, thì bên ngoài có hàng chục thầy cô giáo trẻ và các em học sinh các trường gần nơi chúng tôi nghỉ, đứng chờ bên ngoài để được gặp “em trai chị Sứ”. Anh Sáu Mỳ nói: “Tôi nghiệp các em quá, nhưng chắc có lẽ không có thời gian giao lưu, vì chúng tôi có lịch làm việc chương trình khác”. Nhìn các em cầm sổ tay và viết bút sẵn sàng, tôi đã nhường thời gian cho các em tranh thủ gặp anh Sáu Mỳ.
Chị Phan Thị Ràng sinh năm 1937 tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (ngày đó Tri Tôn còn được gọi là Xà Tón, có thời gian thuộc tỉnh Long Châu Hà, nay là huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội của chị Phan Thị Ràng là Phan Ngọc Ký, người nổi tiếng trong vùng về tính cách cương trực, khẳng khái của người Nam bộ: trọng nhân nghĩa, ghét thói gian tà. Ông giỏi võ và thường dùng những ngón võ của mình trừ gian, diệt ác; đối với dân trong làng ông dạy học những ngón võ tự vệ. Những tên cường hào, địa chủ ác bá trong vùng Tri Tôn, Móp Giăng thời đó nghe đến tên ông đã sợ, không dám ức hiếp dân.
Người con trai cả của ông Phan Ngọc Ký là Phan Văn Ngọc. Ông Ngọc tham gia kháng chiến, bị giặc Pháp bắt tra tấn, khi ra tù, bị di chứng bệnh tật rồi qua đời năm 1947. Theo lời kể của anh Phan Văn Mỳ: “ Má Bùi Thị Hương sống với ba Phan Văn Ngọc, sinh được các anh, chị: Phan Văn Tỏ, Phan Thị Rõ, Phan Thị Ràng, Phan Văn Du, Phan Văn Mỳ. Sau khi ba Ngọc mất, má đi bước nữa với ba Nguyễn Văn Hổ, sinh được thêm em trai út tên Nguyễn Bình Sơn - Út Sơn”.
Nhà thơ Dương Văn Cầu mấy lần về xã Lương Phi, đã kể lại: “Khi chúng tôi về xã Lương Phi, biết thêm nhiều chi tiết về chị Phan Thị Ràng thật cảm động: khi ông Ngọc qua đời, Phan Thị Ràng mới 10 tuổi, bà Hương đang mang thai 7 tháng tuổi, nên mọi chuyện gia đình Ràng đều tham gia cùng các anh chị lo chuyện mưu sinh và lo nuôi mẹ sinh em. Ràng xinh đẹp, nhanh trí, tháo vát và rất chịu khó…”.
Năm 1950, gia đình chị Phan Thị Ràng rời quê nhà xã Lương Phi qua xã Bình Sơn (lúc này thuộc tỉnh Long Châu Hà) lánh sự khủng bố của giặc Pháp và tình hình ly loạn ở địa phương. Từ đó, vùng đất này trở thành quê hương thứ hai của gia đình chị khi duyên nợ đã “xe” mẹ chị - bà Bùi Thị Hương - với giám đốc Công binh xưởng 18 Nguyễn Văn Hổ. Không chỉ mẹ có một bờ vai nương tựa mà cả đàn con cũng tìm được tình thương yêu từ người cha dượng - một cán bộ ngành quân giới chuẩn mực và nhân ái.
Đó là năm 1953, dù còn chiến tranh, nhưng một lễ tuyên bố giản dị, ấm cúng được diễn ra trong khoảnh khắc thanh bình giữa vùng núi Bình Sơn. Ký ức đó khó mờ phai trong anh Sáu Mỳ. Anh nhớ lại: “Năm ấy chị Tư Ràng 16 tuổi, tôi 6 tuổi. Từ nhỏ đến lớn chưa một lần được gọi tiếng ba, nên tôi vui khi thấy mình có ba như chúng bạn, chứ chưa phân biệt được ba ruột hay ba kế. Ba kế rất thương chị em tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác đó là một gia đình đúng nghĩa!”.
Đình chiến năm 1954, gia đình ông Hổ bà Hương thuộc diện được chọn đi tập kết cả gia đình. Nhưng bà Hương lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng với ông Nguyễn Văn Hổ. Phần do sức khỏe, phần cuộc chia tay chỉ có hai năm theo tinh thần Hiệp định Gienève, gia đình sẽ sum họp nên giờ cuối bà Hương quyết định ở lại, để ông Hổ đi. Trước quyết định của vợ, ông Hổ thấy cũng có lý, nên ông đồng ý và dắt theo các con Tỏ (được đưa đi chuyến tàu trước) và Du, còn Rõ, Ràng, Mỳ ở lại với mẹ. Cuộc chia tay kẻ ở người đi cũng đầy bịn rịn.
Khi anh Tỏ, em trai Du và ba đi tập kết, phần việc gia đình do Ba Rõ, Tư Ràng quán xuyến giúp mẹ chuẩn bị sinh nở và nuôi em Mỳ. Trong ký ức của bà Ba Rõ (bà lớn hơn chị Ràng 2 tuổi): “Việc gì Ràng cũng làm giỏi giang: từ việc nặng nhọc như giăng câu, đốn củi, nhổ bàng, đào đất…đến việc đương cà ròn, đệm, may vá, nó làm 2 - 3 người gộp lại còn không bằng. Có lúc nhìn thấy tay con Ràng rớm máu, chân nước ăn lở loét, bắp chân bị rơm nổi dày như cơm cháy, má tôi khóc ròng, còn nó thì cười toe toét. Đến khi nó hy sinh, má nhớ hình đó mà khóc hoài”.
Khi chúng tôi đưa tấm ảnh chân dung chị Ràng được cắt trong một mẫu báo (tấm ảnh in trên bia mộ của chị) do tỉnh đoàn Kiên Giang tặng Đại hội Đoàn toàn quốc năm 1981, bà Ba Rõ trầm ngâm: “Con Ràng chụp hình này năm nó 17 tuổi. Hồi đó, người ta mặc áo dài cổ đứng cao, eo dài, chít ben. Cái áo dài chụp trong ảnh chính con Ràng may. Nó may khéo nổi tiếng vùng Tri Tôn đó…” - nén một tiếng thở dài, bà Tỏ kể tiếp: “Tội nghiệp con Ràng đẹp người, đẹp nết. Ba kế thương nó nên muốn gả nó cho Quang, cấp dưới của ba, nhưng con Ràng từ chối thẳng thừng thì không dám, chỉ nói đùa là Quang lùn hơn nó. Ba nói: lùn mà tốt bụng, siêng năng, trung thực làm việc đâu ra đó là được. Con Ràng ậm ừ, ba quyết luôn. Cho nên, khi Quang và ba đi tập kết, con Ràng là thiếu nữ có người yêu đã hứa hôn. Tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức thì chị Sứ có chồng, có đứa con gái…má nghe đọc đến đoạn đó, nhất là khi phim Hòn Đất chiếu, má khóc nức nở. Má thương con Ràng tới ngày chết nào có được một lần nắm tay người yêu!”.
Chúng tôi về Tri Tôn năm 2002, khi bà Bùi Thị Hương, mẹ chị Ràng vừa qua đời. Năm ấy bà Rõ 67 tuổi, người đậm đà, vui tính, dí dỏm, bà thuộc cả bài hát chị Ràng hay hát khi hoạt động thanh niên, công tác binh vận. Chi tiết chị Ràng bị bắt và bị treo lên cây, bà Phan Thị Tỏ kể trùng khớp với chi tiết người dân địa phương kể khi chúng tôi về Hòn Đất năm 1983. Bà Rõ kể rành rọt: “Khi con Ràng làm binh vận một lính đồn tên Hùng, sau đó Hùng đi đâu không ai biết, con Ràng sợ bị lộ nên thoát ly gia đình chuyển vùng công tác luôn. Khi con Ràng đi, tên Khen tức tối cứ chửi đổng là “Đồ đi theo Việt Cộng”. Con Ràng bị bắt ngày 8/1/1962 tại xã Thổ Sơn khi ra suối lấy nước cho bộ đội, tin loan cũng nhanh lắm. Sau đó cơ sở mới bí mật cho gia đình hay. Cả nhà hy vọng con Ràng có tài binh vận, khéo ăn khéo nói có thể thoát. Nhưng nó lọt vô tay thằng Khen ác ôn thì khó thoát lắm”.
Bà Rõ ngậm ngùi giây lâu như thể sống lại những kỷ niệm còn tươi nguyên với người em gái. Bà kể tiếp: “Khi bọn lính thằng Khen bắt được Ràng, bọn chúng thay nhau tra tấn, để hỏi chỗ ở của nó, ai lãnh đạo, con Ràng quen biết, ở chung với bao nhiêu người. Tàn nhẫn nhứt là đó treo con Ràng lên cây me đổ xà bông rồi dùng báng súng đánh như đánh vào bịt trấu, thịt da nào chịu nổi. Những người công tác chung với con Ràng và người dân Thổ Sơn kể, con Ràng chửi vô mặt bọn thằng Khen: “Tao chết thì tụi bây cũng chết”. Ràng chết lúc 8 - 9 giờ sáng ngày 9/1/1962 chứ không phải 1 giờ sáng đâu. Khi con Ràng chết, chúng rẽ mái tóc dài dày mượt của nó treo lên cây me rồi canh 3 - 4 ngày để chờ mình ra lấy xác Ràng chúng bắn. Người dân Thổ Sơn, các má, các chị các em gái Khmer khóc thương con Ràng lắm. Những đồng đội, đồng chí công tác chung thì nhớ hoài câu nó hô dõng dạc trước mặt kẻ thù: “Tao chết thì tụi bây cũng chết”. Mà đúng như thế. Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người yêu con Ràng về thắp nhang cho nó, biết bao nhiều đoàn khách về tìm viếng mộ thắp hương cho nó. Tỉnh Kiên Giang và bà con Thổ Sơn - Hòn Đất đã làm rất nhiều việc cho con Ràng. Ngày nó được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, cả xã Lương Phi - Tri Tôn mừng lắm. Từ lâu, trong tình cảm mọi người, con Ràng trở thành ruột thịt. Ở dưới suối vàng chắc nó cũng ngậm cười. Có một điều gia đình lấy làm tiếc là không giữ được cây me chỗ con Ràng bị treo. Sau này, phim thì treo trên cây dừa, báo chí thì nói trên cây xoài. Đừng vịn vào tiểu thuyết, mà hãy nghe sự thật từ nhân chứng ở địa phương là chính xác nhất”.
Nghe bà Phan Thị Rõ phân trần, chúng tôi nhớ lại lời tâm sự của anh Hai Sơn, cháu ngoại bà Cà Sợi: “Bà ngoại tôi hiền lành, chỉ có hai người con gái, là mẹ tôi và dì tôi. Vậy mà không hiểu sao lại trở thành mẹ của thằng Săm ác ôn trong tiểu thuyết Hòn Đất. Người ta nói tiểu thuyết hư cấu, nhưng ngoại cứ buồn một thời gian dài”. Bà Rõ cũng cho biết thêm: “Má tôi trước khi mất có nghe chuyện bà Cà Sợi bị hiểu lầm mẹ thằng ác ôn giết con Ràng, hay tin bà mất, má buồn và thương bà lắm”.
Bây giờ xã Thổ Sơn có cụm di tích Khu mộ Anh hùng, liệt sĩ Phan Thị Ràng và nhiều hạng mục ngoại vi, tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng. Kỷ niệm ngày hy sinh của chị giờ được nâng lên lễ hội cấp huyện. Đó là những gì người dân Hòn Đất - Kiên Giang đã làm với tất cả lòng tri ân người con gái mà khí phách anh hùng của chị đã góp phần tạo nên một dáng đứng hiên ngang, một khúc tráng ca bất tử cho xứ sở Hòn Đất.
Buổi giao lưu với lãnh đạo và các ban ngành của huyện Hòn Đất, P. Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội VHNT Kiên Giang Nguyễn Thiện Cẩn, đi từ Rạch giá lên. Nữ Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất Phạm Thu Thủy, còn rất trẻ, chị rất vui và xúc động khi biết trong đoàn có nhạc sĩ, soạn giả, nhà thơ, nhà văn đã giành cho Hòn Đất một tình cảm rất sâu đậm. Khi biết được nhà báo Thanh Xuân từng về Hòn Đất dự đến 3 kỳ đại hội đảng bộ huyện, từng cùng với Bí thư huyện ủy Đỗ Đứa Trọng (Sáu Thố) đi cứu trợ lũ lụt trên đồng Mỹ Hiệp Sơn mùa lũ năm 2000 và ghe cứu trợ kẹt giữa đồng nước và mưa trắng xóa, không định hướng được hướng ra kinh để về huyện, P.Chủ tịch Phạm Thu Thủy rất xúc động. Nhà Văn hóa Dân gian Nguyễn Mỹ Hồng thì kể kỷ niệm hàng chục làn lặn lội về vùng Văn hóa Óc eo để khai quật di tích này, sưu tầm được nhiều hiện vật quí. P. Chánh Văn phòng Trần Ngọc Thúy cảm nhận “Chuyến đi thực tế sáng tác cái mới mà được ôn lại từng ký ức sống động như này thật quí và ý nghĩa”.
Kết thúc buổi giao lưu ấm áp, thân tình, anh chị em trong đoàn của Hội VHNT, dù không để lại lời hứa, nhưng trong thâm tâm mỗi người vẫn luôn thấy mình còn nặng nợ với mảnh đất này, còn “muốn làm điều gì hơn cả những việc từng làm cho huyện Châu Thành A năm xưa và Hòn Đất hôm nay” bằng chính những tác phẩm của mình.
Nhà báo Nguyễn Thanh Xuân (Nguyên phóng viên báo Kiên Giang)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-ten-tuoi-cua-chi-da-tac-vao-the-dung-hien-ngang-cua-que-huong-hon-dat-anh-hung-a16077.html