Văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn

Kể từ khi dịch Covid-19 trên cả nước được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", hàng quán được hoạt động trở lại..., tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có xu hướng gia tăng, người điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông, dẫn tới con số vi phạm luật và vụ tai nạn giao thông gia tăng nhanh chóng.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra khiến nhiều người lo lắng về tình trạng say xỉn nhưng vẫn điều khiển phương tiện.

Ví như vụ tai nạn giao thông do một giảng viên đại học gây ra vào tối 7/9 tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cụ thể, khi đang di chuyển trên đường theo hướng từ Trần Duy Hưng về Dương Đình Nghệ, đến ngã tư Tú Mỡ - Nguyễn Chánh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), anh N.V.P - người điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 30F-811xx không làm chủ được tay lái đã đâm vào xe máy biển kiểm soát 29Y5-182x khiến 2 mẹ con chị Đ (quận Thanh Xuân) bị thương nặng.

Không dừng lại, tài xế xe ô tô đã bỏ chạy, đến đoạn cạnh tòa nhà B6C Nam Trung Yên tiếp tục đâm ngang hông xe ô tô Honda CRV biển kiểm soát 30G-644xx do anh D.D.T (Thanh Trì) điều khiển rồi đâm tiếp xe máy biển kiểm soát 29E2-497xx do anh N.V.D (Đống Đa) điều khiển. Xe ô tô 30F-811xx chỉ dừng lại khi bị gãy trục trước, bánh xe gần như văng khỏi thân xe.

image001-1667232127.png
 Một vụ va chạm do tài xế ô tô có xử dụng rượu bia - ảnh ĐN

Công an Hà Nội cho biết, kết quả điều tra xác minh cho thấy, thời điểm gây tai nạn, lái xe này có nồng độ cồn là 0,897mg/lít khí thở, gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định. Lái xe trên cũng thừa nhận, uống rượu từ trưa cùng ngày nên không làm chủ được tốc độ và gây ra vụ tai nạn liên hoàn.

Để ngăn ngừa tai nạn do rượu bia, từ ngày 20/6/2022 đến ngày 20/8/2022, Công an thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Kết quả có 3.678 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt.

Mặc dù Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng nặng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt cao nhất lên đến 8 triệu đồng, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô là 40 triệu đồng; ngoài việc xử phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng, tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông vẫn diễn ra phức tạp, gây nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Theo Thiếu tá Chử Anh Sơn, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, đợt cao điểm kiểm tra cho thấy, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn tái diễn nhiều. Có trường hợp khi đề nghị kiểm tra nồng độ cồn đã cố tình không hợp tác, thậm chí còn thóa mạ, thách đố cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, gia đình, tổ chức về thay đổi hành vi tuân thủ đúng pháp luật, ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, nói không với rượu bia khi tham gia giao thông để mang lại bình yên cho xã hội,  Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc gia đình Việt” đã chính thức triển khai đề án từ năm 2022.

Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông được phối hợp thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Báo Thanh tra cùng các đơn vị báo đài trung ương,  địa phương đồng hành tuyên truyền trong năm 2022-2023.

image003-1667232194.png

Một sự kiện được thực hiện nhằm xây dựng văn hóa giao thông của BTC - ảnh ĐN

 Nội dung đề án sẽ hướng tới thực hiện 14 nội dung tuyên truyền và xây dựng tình huống ứng xử văn hóa giao thông, trong đó có nội dung “Văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn”. Đây là nội dung quan trọng hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc.

Nội dung này sẽ được truyền tải đến cộng đồng thông qua xây dựng những tấm gương “người thật việc thật” làm mẫu, xây dựng và tuyên truyền video/clip tình huống và cách ứng xử về văn hoá giao thông mang tính giáo dục, nhân văn, phát sóng trên các kênh truyền hình, truyền thông; các chương trình hành động hưởng ứng xây dựng văn hoá giao thông…

Đề án sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, năm 2022-2023, đề xuất Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT Quốc Gia phối hợp và cho phép đề án thực hiện thí điểm tại 9 tỉnh thành. Đến năm 2023-2024 triển khai tại 18 tỉnh thành, năm 2024-2025 mở rộng 36 tỉnh thành tiếp theo theo forrmat đã thực hiện tại thí điểm 9 địa phương đã áp dụng thành công trong năm 2022-2023.

Cùng với những biện pháp xử phạt “mạnh tay” của lực lượng chức năng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức “Văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn” sẽ là một trong những biện pháp giúp người dân điều chỉnh hành vi, từ đó hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông.

Đ.N

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/van-hoa-giao-thong-noi-khong-voi-nong-do-con-a16078.html