Tôi gật đầu đồng ý.
Vậy là sáng hôm sau chúng tôi... lên đường
Đúng là mất công đến đây mà không đi chợ phiên Cán Cấu thì chẳng còn gì để nói. Bởi đó là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Bắc.
Chợ nằm ven đường 153 – một con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu. Chợ thường họp vào các ngày thứ Bảy hàng tuần, ngày lễ, tết trong năm, kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa. Người bán người mua đến chợ đều vui vẻ. Không bán được hay không mua được thì họ cũng coi đây là một lần xuống chợ. Xuống chợ không chỉ để mua bán, mà còn để đi chơi chợ. Đây chính là nét văn hóa độc đáo ở miền Tây Bắc.
Mặt hàng đặc biệt nhất, làm nên nét đặc trưng riêng có của chợ Cán Cấu chính là khu mua bán trâu, bò. Mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con (chủ yếu là trâu) từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương của Lao Cai; huyện Xín Mần (Hà Giang), Yên Bái. Trâu ở chợ phiên Cán Cấu chủ yếu là trâu đực. Do đó, ở các phiên chợ thi thoảng xảy ra những cuộc chọi trâu cuốn hút người xem. Từ việc mua bán trâu tại chợ đã hình thành nên nghề lái trâu, vỗ béo gia súc mang lại hiệu quả cho một số người dân địa phương.
Người dân đến chợ, ngoài việc, trao đổi hàng hóa, mua sắm, người ta đến chợ còn để tìm niềm vui, gặp gỡ người thân, bạn bè và đôi lúc thưởng thức những màn chọi trâu ngay tại chợ
Ngoài chợ trâu, đồng bào còn bán các đặc sản địa phương như: rau, mật ong rừng, rau rừng, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, gà bản, vịt bản, lợn cắp nách, thổ cẩm, quần áo may sẵn, đồ trang sức. Nhưng có lẽ vui nhất là bà con xuống chợ để có dịp thưởng thức những món ăn do chính những người dân địa phương chế biến: thắng cố, rượu ngô, bún, phở, thịt nướng tảng vv...
Đến khu ẩm thực, tôi bắt gặp mấy chàng trai bản quây quần bên nồi thắng cố với chai rượu ngô. Họ nói chuyện râm ran mà tôi thì... chẳng hiểu gì. Các dãy bàn bên nhiều cặp vợ chồng mang theo con cái ngồi thưởng thức những món ăn còn nóng hổi. Họ vui vẻ để cho tôi chụp ảnh thoải mái. Giá như có nhiều thời gian thì tôi cũng sà vào nâng cốc cùng dân bản...
Lạ nhất là ở đây có Tổ hợp tác nấu rượu ngô. Mùi rượu bốc lên thơm phưng phức, làm tôi "rất... khó chịu"
Phía bên kia đường là khu dành cho mấy ông thợ cắt tóc. Gương được đặt trên yên xe máy. Thêm cái ghế, cái ô là thành quán cắt tóc lưu động. Gần đó là hai ông đang "phồng má trợn mắt" thổi kèn Ò í e đến là vui tai...
Tôi cứ đi loanh quanh chụp ảnh và ngắm bà con, ngắm mấy thằng Tây ba lô cũng ngơ ngơ ngác ngác như mình, ngắm em áo đỏ bán dưa, lúc vãn khách em ngồi trên yên xe máy hát Karaoke...
Chuẩn bị lên xe, tôi mới mua của đồng bào được 2 chai tương ớt, 2 con dao, 1kg ớt chỉ thiên tươi (về làm tương ớt kiểu đồng bào)...
Chợ phiên Cán Cấu, đó là sắc màu rực rỡ, là nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Chuyện Quê
Bài và ảnh: Quoc Toan Son Tay
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phien-cho-can-cau-si-ma-cai-lao-cai-a16082.html