Kỳ 58.
CON TÀU MAY MẮN
Tháng 3 năm 1963 một tàu gỗ của Hải đoàn cảm tử do thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trầm, Đỗ Bé làm thuyền phó chỉ huy chở hàng chục tấn vũ khí, đạn dược cung cấp cho tỉnh Trà Vinh. Cả thuyền trưởng, thuyền phó đều là người Trà Vinh. Trên tàu cũng có nhiều chiến sĩ cùng quê với thuyền trưởng, thuyền phó. Được trở lại quê hương mình sau hàng chục năm xa cách nhớ thương, các chiến sĩ vô cùng háo hức phấn khởi. Hai mươi mốt giờ đêm, một đêm mùa xuân tĩnh lặng, thời tiết đẹp, tàu xuất phát từ K15 (quân cảng Đồ Sơn – Hải Phòng). Cuộc hành trình êm ả thuận lợi không gặp một trở ngại nào. Sau khi chuyển hướng, hai mươi mốt giờ đêm tàu đã hành trình trên bờ biển Trà Vinh. Nhiệm vụ của tàu là phải vào cửa Ba Động, tiến sâu vào rạch, nhờ rừng đước che chở để giải phóng “hàng”. Từ ngoài biển nhìn vào tàu thấy một quầng sáng, tưởng đó là một thị trấn trên bờ biển nhưng lại gần thì đèn tắt hết, bờ biển tối om. Thì ra đó là đèn của các tàu ngư dân đánh cá, thấy tàu lạ, họ tắt hết đèn đề phòng bất trắc. Chỉ huy tàu quan sát thấy không xa là quầng sáng đèn điện của đồn lính ngụy. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trầm đánh tín hiệu. Theo quy ước trong bờ cũng phải đánh tín hiệu ra nhưng trong bờ vẫn tối om. Chỉ có rừng đước mênh mông đen ngòm trong bóng tối tràn đấy bí hiểm. Căn cứ cũng không có chiếc ghe nào ra dẫn đường cho tàu vào theo kế hoạch. Thành thử tàu ta cứ đi đi lại lại nhiều lần trên biển gần bờ. Đó là tình thế vô cùng nguy hiểm vì có thể bị tàu ngụy hoặc lính trên đồn cách đó không xa phát hiện.
Đã năm giờ sáng, dân chài đã ra khơi đánh cá. Tàu địch có thể cũng đã đi tuần tiễu, máy bay địch có thể đang bay trinh sát. Tàu ta đành phải ra khơi thả lưới như thể đang đánh bắt cá. Hết một ngày chờ đợi dài như một năm, khi màn đêm buông xuống tàu lại tiến vào biển gần bờ. Thuyền trưởng đánh tín hiệu nhiều lần, trong bờ vẫn tối om không đáp trả. Cả tàu tức giận mệt nhoài, căng thẳng. Gần sáng thuyền trưởng Trầm định cho tàu ra khơi, chờ đêm lại vào. Đỗ Bé nói:
- Đúng bến rồi cứ vào đại đi. Chạy ra chạy vào nhiều sẽ bị lộ.
Cả tàu đồng ý với phương án cứ vào rạch rồi tính sau.
Ban chỉ huy tàu cũng đồng ý với phương án này.
Tàu rồ máy lao vào cửa Ba Động nhưng còn cách rừng đước vài chục mét thì tàu mắc cạn vì buổi sáng đang là lúc thủy triều rút xuống. Tình thế thật nan giải vì tàu không có gì để che chắn, ngụy trang. Thuyền trưởng Trầm ra lệnh:
- Ném “hàng” xuống ngay, nhanh lên!
Ném hàng xuống tàu nhẹ may ra có thể tiến vào rừng đước mà hàng cũng không bị mất vì đã vào đúng bến rồi.
Các chiến sĩ bốc các kiện hàng ném xuống.
Chung quanh có nhiều ghe xuồng đánh cá của dân, Đỗ Bé kêu:
- Chúng tôi là quân giải phóng, nhờ bà con giúp với, nhanh lên!
Nghe nói tàu của quân giải phóng bà con hò nhau cùng lên tàu bốc hàng ngày càng đông.
Mấy chiếc xuồng ba lá của căn cứ đứng từ xa quan sát, bây giờ mới tin là tàu của ta ngoài Bắc vào, liền huy động dân quân du kích và người của căn cứ ra bốc hàng và chở đi cất giấu.
Sau khi đã giải phóng mấy chục tấn vũ khí, dân quân du kích và cả người dân lấy bùn trát lên tàu cho đen thui giống tàu đánh cá nhiều hơn để ngụy trang.
Trong lịch sử các tàu của Hải đoàn vào bến chưa có tàu nào mà toàn dân già trẻ trai gái lại cùng nhau bốc hàng xuống tàu như hôm đó. Đã vi phạm nguyên tắc bí mật. Chiều xong việc lính tráng mệt rã rời. Đỗ Bé nắm lấy cổ áo một người của căn cứ lắc lắc tức giận:
- Tại sao không trả lời tín hiệu? Tại sao không cho người ra đón như đã quy định? Chúng mày làm ăn kiểu gì vậy hả? Chúng mày muốn ra tòa án quân sự hả?
Người của căn cứ mặt mày xanh xám:
- Dạ chúng em thấy tín hiệu nhưng thấy tàu to quá tưởng tàu địch nên không dám trả lời.
Dù sao thì Trà Vinh cũng đã nhận được hàng chục tấn vũ khí, đạn dược.
Hôm sau và hôm sau nữa tin đồn đại lan khắp nơi, Việt Cộng có tàu lớn chở đến hàng nghìn quân vào Trà Vinh. Trên trời máy bay của địch quần đảo suốt ngày lục soát. May mà tối hôm bốc hàng xong, khi nước triều lên tàu đã được đưa sâu vào rạch có rừng đước che chở.
Tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trầm đã hoàn thành nhiệm vụ do nhiều yếu tố may mắn. Khi đó con đường Hồ Chí Minh trên biển chưa bị lộ. Địch không thể ngờ được chiếc tàu gỗ lại có thể chở hàng chục tấn vũ khí vượt qua hàng nghìn hải lí vào Nam. Nhân tố bất ngờ, yếu tố chủ quan của địch đã làm cho những thiếu sót về kinh nghiệm và tổ chức của Trà Vinh không gây nên những thảm họa cho con tàu.
DÒ TÌM CÔN ĐẢO
Tàu quân sự, tàu vận tải, tàu đánh cá, tàu thám hiểm, tàu du lịch… nói chung, tàu đi biển tùy chức năng mà có cấu hình khác nhau về kích thước, quy mô. Riêng tàu vận tải dù kích thước to nhỏ, dài ngắn, trọng tải khác nhau nhưng dù thô sơ hay hiện đại, từ tàu gỗ cũng như tàu sắt đều có một cấu trúc tương đối giống nhau. Dưới mặt boong xuyên từ mũi tàu đến đuôi tàu là hầm chứa hàng, trong đó có một khoang chứa máy móc, trái tim của con tàu, khoang chứa nước uống, khoang thực phẩm, khoang những đồ vật liệu dụng cụ tạp nham cần thiết của tàu.
Trên hầm tàu là mặt boong của tàu. Từ mũi tàu đến khoảng hai phần ba boong tàu là cửa xuống hầm hàng. Cửa được làm rộng lớn để có thể cẩu hàng lên và xuống hầm tàu. Nắp đậy cửa hầm tàu được làm bằng sắt có joong cao su để khi đậy nước biển không vào được hầm tàu. Một phần ba boong tàu về phía sau - phần nổi lên cao khoảng hai mét là phòng ở của thuỷ thủ. Phòng này có nhiều lỗ tròn có đường kính khoảng hai mươi phân thông ra bên ngoài để lấy dưỡng khí. Mỗi cửa đều đậy bằng một lớp kính dầy và một lớp sắt có joong cao su khi hành trình trên biển đậy lại để ngăn nước biển. Trên phòng thủy thủ là phòng hàng hải (còn gọi là cabin) có ghế ngồi lái, cao hơn ghế lái là vô lăng điều khiển bánh lái, trên bàn trước mặt người lái có một la bàn lớn mà vạch đỏ của la bàn tượng trưng cho mũi tàu. Vạch đỏ của la bàn chỉ vào độ nào dưới bàn tay điều khiển của người lái là tàu đang đi theo hướng đó. Trong phòng hàng hải còn có bản đồ hàng hải (hải đồ) đánh dấu những con đường trên biển cùng tọa độ vị trí các đảo, quần đảo, những bãi đá ngầm, những vùng nước xoáy để tàu thực hiện hành trình chính xác và tránh được vùng nguy hiểm.
Trên phòng hàng hải là đài chỉ huy, nơi dùng cho thuyền trưởng hoặc thuyền phó chỉ huy con tàu. Đây là vị trí cao nhất của con tàu để người chỉ huy quan sát được một vùng rộng lớn trên biển và điều hành tàu. Đài chỉ huy thông với buồng máy, thông với phòng hàng hải, thông với phòng thủy thủ bằng hệ thống micrô để thuyền trưởng ra lệnh. Trên đài chỉ huy là cột cờ dùng để treo quốc kì. Nếu là tàu chở hàng hai bên buồng hàng hải có hai chiếc cẩu lớn khi hành trình nó nằm dọc thân tàu, gần mũi có bệ đỡ để bốc dỡ hàng. Trên đài chỉ huy nếu là tàu hiện đại còn có ra đa để theo dõi các tàu và tình tình trên biển, có hai ụ súng lớn ở mũi tàu và đuôi tàu.
Mô tả như vậy nhưng tàu của Hải đoàn cảm tử được chế tạo khi đất nước còn nghèo nàn nên còn rất thô sơ lạc hậu, nhất là giai đoạn tàu đóng bằng gỗ, nó chỉ lớn hơn chiếc thuyền đánh cá. Vô lăng làm chuyển động bánh lái chuyền lực không phải bằng điện mà là bằng dây xích, người lái vặn vô lăng đến vẹo hông mới có thể tác động đến bánh lái. Máy móc cũ kĩ cho nên nhiều tàu hỏng máy giữa biển, nhiều tàu phải kết hợp giữa động cơ với chạy buồm nhờ sức gió. Đặc biệt phương tiện xác định phương hướng rất lạc hậu cũ kĩ, không có ra đa, hải đồ nhỏ bé. Cho nên nhiều tàu phải kết hợp đi bằng hải đồ la bàn và đi bằng xác định thiên văn, hoặc lấy chuẩn một đảo nào đó để rẽ vào bờ biển mà tàu cần đến cho chính xác. Tóm lại, tàu của Hải đoàn cảm tử có đến được đích hay không phần lớn nhờ tài năng kinh nghiệm của các chiến sĩ, đặc biệt là tài năng kinh nghiệm của các thuyền trưởng.
Cho đến giữa năm 1963, Hải đoàn mới có tàu bằng sắt, trọng tải khoảng 50 - 100 tấn. Tàu số 8 là một trong số những con tàu sắt đầu tiên của Hải đoàn. Đó là loại tàu hiện đại tốt hơn so với tàu gỗ nhưng trang thiết bị hàng hải cũng chỉ có một la bàn, một hải đồ có tỉ lệ 1/1.000.000, một cái thước đo góc. Nhưng nó hiện đại hơn tàu gỗ là vô lăng lái chuyền lực xuống bánh lái được chuyền bằng điện chứ không phải chuyền bằng dây xích. Tuy vậy, tàu số 8 trang bị vẫn quá thiếu thốn, nhất là tấm hải đồ không thể hiện được hết đường đi của con tàu, đá ngầm, hải đảo ở các vùng phía nam của Biển Đông.
Thuyền trưởng con tàu số 8 là Nguyễn Ngọc Ẩn - được đào tạo bài bản ở trường sĩ quan hải quân. Tốt nghiệp xong anh đang công tác ở tàu tuần tiễu ven biển thì được điều động về làm thuyền trưởng tàu số 8.
Đêm 3 - 4 -1963, tàu số 8 xuất phát từ quân cảng K20, trong khoang chứa 50 tấn vũ khí đạn được tiếp tế cho Cà Mau. Quân cảng nằm bên bờ sông Cấm phía huyện Thủy Nguyên. Bóng đêm vàng vọt của dòng sông Cấm lung linh bởi những ánh điện vàng vọt của thành phố Hải Phòng phía bên kia bờ, soi bóng những làng mạc xanh đen, phía bên này bờ chìm trong đêm thanh bình say ngủ. Tàu số 8 nhổ neo kéo ba hồi còi chào quân cảng, tiếng còi vang rền tha thiết. Thành phố, làng mạc, dòng sông thân thương, lùi về phía sau trong đêm, tàu số 8 tiến ra biển cả mênh mông. Ngọn đèn hải đăng Long Châu sáng muôn thuở mờ dần.
Bóng đêm mờ dần trên biển. Một ngày đẹp xua tan bóng đêm, nắng bừng lên chan hòa. Mặt biển xanh biếc liền một dải với trời xanh biếc. Những đám mây trắng lang thang trên trời tạo nên những hình thù kì quái biến ảo không ngừng. Trên biển tàu thương mại, tàu đánh cá của các nước đi đi lại lại tạo nên sự sống trên mặt biển. Dưới mặt nước, có lẽ hàng nghìn, hàng vạn loại cá và các sinh vật cũng đang di động trong thế giới đại dương phong phú của chúng. Từng đàn chim hải âu tung cánh trên bầu trời và bơi lượn trên mặt biển uốn lượn lên xuống theo sóng nước. Biển cả không chỉ là quê hương yêu dấu của muôn loài cá mà còn là quê hương xứ sở của giống chim hiền lành dễ thương như chim bồ câu trên cạn. Thi thoảng những con cá mình đen trũi, dài gần một mét bay lên không trung rồi rơi mình xuống nước chìm nghỉm.
Tuy nhiên thời tiết có tính khí thất thường quả không sai. Ngày hôm sau trong cuộc hành trình của con tàu trời âm u đen kịt. Sóng biển hiền hòa biến mất. Những con sóng lớn từng đợt như trái núi đổ vào con tàu. Tàu lắc nghiêng hết cỡ. Chiếc đồng hồ đo biên độ dao động của tàu chỉ 30 độ. Nước tràn lên boong tàu khi nghiêng bên phải rồi lại nghiêng bên trái. Tất cả các cửa tàu đều đóng kín bởi joong cao su. Các vật dụng trên tàu đều phải được cố định. Bát, đĩa, chén chưa kịp cố định trên mặt bàn trút ào ào xuống boong vỡ tan tành. Những tấm lưới đánh cá trên boong tàu ướt sũng hết đợt này đến đợt khác. Sóng đập mạnh vào mạn tàu như những tiếng búa tạ giáng xuống làm lan can bằng sắt đường kính 20 li oằn xuống. Con tàu như chìm trong sóng mà bơi. Đôi khi nó thực sự như tàu ngầm ngụp lặn dưới nước rồi lại ngoi ngóp nổi lên mà chạy về phương Nam.
Khó khăn nhất là trong sóng gió mù mịt như vậy phải xác định đúng phương hướng của con tàu. Sóng lớn làm la bàn lắc đảo liên tục. Chỉ cần trên la bàn sai một hai độ thì trên thực tế tàu đã đi sai mục tiêu cần đến hàng trăm hải lí. Trong gian buồng hàng hải chật hẹp, Ban lãnh đạo tàu, tổ hàng hải và thuyền trưởng cặm cụi trên bản đồ hàng hải. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn tính toán xong và nói.
- Tàu đi chệch mục tiêu xa quá rồi. Vòng phải 30 độ!
Thuyền trưởng nói tiếp:
- Lấy Côn Đảo làm mục tiêu. Cố gắng bắt mục tiêu là Côn Đảo!
Ra lệnh xong anh lại chăm chú vào bản đồ và tính toán. Một lát sau thuyền trưởng nói:
- Từ đây tới Côn Đảo khoảng 180 hải lí. Với tốc độ này 18 giờ chiều mai ta mới nhìn thấy Côn Đảo.
Mấy ngày hành trình do sóng lớn không thể nấu được cơm ăn, các chiến sĩ ăn lương khô và bích quy trừ bữa. Khi sóng dịu dần, hai thủy thủ già khênh nồi và giơ trên ngọn lửa để nấu vì đặt nồi xuống là bị sóng hất đổ. Cuối cùng cũng được nồi cơm nửa sống nửa chín chan với canh chua và thịt gà. Bữa cơm làm sức khỏe các thủy thủ được cải thiện sau những trận mửa tơi bời.
Tuy nhiên Côn Đảo vẫn không hiện ra phía chân trời. Nó như hòn đảo huyền thoại chỉ có trên hải đồ mà không có trong thực tế. Mọi người căng rát cả mắt để quan sát. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn sau một hồi đăm chiêu ra lệnh:
- Rẽ phải 270 độ!
Người lái đáp lại:
- Rõ, rẽ phải 270 độ.
Gần một giờ sau, chiến sĩ báo vụ Long reo lên:
- Côn Đảo kia rồi.
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn nâng ống nhòm lên. Trước mắt anh là những rặng núi nhấp nhô. Anh nói với các chiến sĩ đang háo hức quan sát:
- Đúng Côn Đảo rồi. Tàu đang đi vào vùng biển của địch, tất cả sẵn sàng chiến đấu!
Từ Côn Đảo, tàu số 8 đi vào vùng biển gần bờ Cà Mau một cách dễ dàng. Tàu len lỏi vào những con thuyền, con tàu đánh cá của ngư dân rồi đánh tín hiệu vào bờ. Thuyền của căn cứ ra đón. Tàu số 8 vào rạch Kiến Vàng (Cà Mau) hoàn thành nhiệm vụ.
Côn Đảo, cái mục tiêu để từ đó tàu số 8 vào đúng bến bờ đã quy định, hoàn thành thắng lợi chuyến đi. Côn Đảo như cột mốc chỉ đường cho không biết bao nhiêu con tàu từ miền Bắc vào miền Nam thân yêu.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-58-a16135.html