Kỳ 62.
SUÝT NHẦM
Sau những ngày nghỉ ngơi ở Vịnh Hạ Long, đêm ngày 15 tháng 4 năm 1966, tàu 69 lại chở 50 tấn đạn dược vũ khí vào bến Bồ Đề (Cà Mau). Mùa hè, biển trời xanh thắm một màu. Biển như tấm thảm mênh mông lăn tăn gợn sóng. Tàu 69 hành trình thuận lợi, không chạm trán một tàu nào của Mĩ và tàu ngụy. Trên không phận không gặp một bóng máy bay do thám nào. Một đêm, tàu 69 đã đi trên vùng biển Hòn Khoai (Cà Mau). Đêm, biển gần bờ Cà Mau dày đặc ánh đèn của tàu, thuyền ngư dân đánh cá. Có cả tàu của hải quân Sài Gòn len lỏi trong mớ hỗn độn của tàu thuyền để tuần tra. Tàu 69 tìm cách né tránh vùng biển sáng và tiến vào bờ. Trong bờ mênh mông rừng đước ngập mặn bao phủ bởi bóng đêm. Vì không nhận được tín hiệu trong bờ nên tàu vào lạch nào thì không ai biết.
Trong khi tàu 69 đang phơi mình trên vùng biển của địch thì trên không phận bờ biển một chiếc máy bay trinh sát bay vè vè ngay trên đầu. Ba mặt phía ngoài của biển nhiều tàu chiến địch cũng đang tiến vào. Tình hình thật là khẩn cấp. Thuyền trưởng lại ra hiệu đánh tín hiệu vào bờ lần nữa. Chiếc đèn pin từ tay thuyền phó bịt kín, chỉ hở một lỗ nhỏ bằng chiếc cúc áo nhấp nháy tín hiệu. Trong bờ vẫn tối om không một tín hiệu đáp trả. Máy bay đã thả pháo sáng. Ánh sáng soi rọi một vùng biển tỏ như ban ngày. Tàu 69 hiện lên mặt biển rõ rệt đã nằm trong tầm ngắm của tàu chiến địch. Thấy tàu lạ, pháo sáng và những tàu chiến ngoài biển đang tiến vào, ngư dân quay thuyền bỏ chạy tán loạn. Thuyền trưởng trông thấy một thuyền của hai vợ chồng ngư dân chạy nhanh vào cửa một con lạch. Thuyền trưởng Phước trong cơn khẩn cấp ra lệnh:
- Hết tốc độ lao vào cửa lạch theo chiếc ghe kia nhanh!
Tàu 69 rồ máy chồm lên chui vào lạch theo chiếc ghe. Tàu 69 đã lọt vào rừng đước bạt ngàn, thoát khỏi họng pháo của máy bay và tàu chiến địch. Tàu 69 đang mò mẫm dò đường tiến vào sâu hơn bỗng có tiếng súng k54 nổ chát chúa trong rừng và đạn bay vèo vèo qua con tàu. Có tiếng ai đó hô to:
- K54 của du kích bắn, nằm xuống!
Pằng… Pằng… Pằng…
Lại một loạt súng nổ chát chúa. Đạn chạm vào đầu tàu tóe lửa. Thuyền trưởng Phước hô vang bằng giọng Miền Nam:
- Tàu ta từ Bắc zô, đừng bắn nữa!
Có tiếng đáp lại:
- Hãy cử người vào bờ xem sao đã!
Chiến sĩ Dĩ bơi vào bờ. Có tiếng quát:
- Giơ tay lên!
Tiếng Dĩ đáp:
- Người ta cả, giơ chân giơ tay cái gì nữa bố? Cho người ra dẫn tàu vào sâu trong lạch nữa đi, trời mà sáng là nguy to.
Khi đó, mọi người trên bờ mới rối rít cho người ra đón tàu. Tàu 69 đi một đoạn nữa thì hoàn toàn mắc cạn. Chân vịt khua bùn bắn tung lên mà tàu như đóng đinh tại chỗ. Đêm đó du kích và bộ đội lấy lá ngụy trang thêm cho con tàu. Tàu 69 mặc được bộ áo màu xanh hoàn chỉnh thì trời vừa sáng.
Thuyền trưởng Phước gay gắt hỏi:
- Tại sao tàu đánh tín hiệu mà không đáp trả?
- Dạ chúng em thấy tàu màu trắng, oai vệ quá tưởng tàu địch.
- Tàu lớn của địch nó lao vào lạch làm gì, tại sao còn bắn?
- Dạ, chúng em vẫn nhầm là tàu địch.
Thuyền trưởng Phước và các chiến sĩ cười ha hả:
- Ha… Ha… Thật đúng là quân ta bắn tàu mình. Suýt nữa chết cả lũ.
Tiếng cười vì sự nhầm lẫn của du kích trên bờ, còn là cười vui mừng vì chuyến đi vào Cà Mau của tàu 69 thắng lợi.
SÔNG NƯỚC CÀ MAU
Tháng 4 - 1966, con tàu mang số hiệu 100 của Hải đoàn cảm tử chở 60 tấn thuốc nổ vũ khí đạn dược do thuyền trưởng Lê Minh Sơn, chính trị viên Nguyễn Hữu Tương chỉ huy và 20 chiến sĩ tiếp viện cho Cà Mau. Cửa lạch phải vào là cửa Bồ Đề. Tàu 100 xuất phát từ vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tháng 4 mùa hè, biển đẹp. Trời trong xanh nên mặt biển xanh mướt mênh mông thở phập phồng, sóng nhè nhẹ lăn tăn. Nắng chan hòa khắp không gian vũ trụ. Tàu 100 tiến ra hải phận quốc tế. Chân vịt tàu khua sóng dào dạt đẩy tàu đi về hướng Nam
Sau bảy ngày bảy đêm hành trình, tàu 100 đã bị lộ. Tàu đã bị tàu khu trục Mĩ bám sát liên tục phía sau. Tàu 100 tăng tốc đi vòng vèo nhưng không cắt được cái đuôi. Đêm 9-5, thuyền trưởng Lê Minh Sơn quyết định hướng mũi tàu vào vùng biển Cà Mau như kế hoạch đã định. Trên không phận vùng biển máy bay trinh thám của Mĩ bay vè vè, phành phạch. Đồng thời trên biển lại xuất hiện tàu chiến đấu của Mĩ Uscg Cuher Poiut Grey. Con tàu này trang bị hiện đại, to như toà nhà lừng lững đèn điện sáng trưng. Trên nóc tàu ra đa quay vù vù, các họng pháo lớn bé đều đã chĩa vào tàu 100. Tàu chiến Mĩ đánh tín hiệu cho tàu 100:
- Xin cho cập mạn tàu!
Lệnh của thuyền trưởng Lê Minh Sơn:
- Không đáp, kệ nó!
Thấy tàu 100 im lặng, tàu chiến Mĩ tăng tốc độ chạy tắt đón ngang đầu tàu 100. Thuyền trưởng Lê Minh Sơn ra lệnh:
- Tăng hết tốc độ lao thẳng vào nó!
Tàu 100 tăng hết tốc độ lao vùn vụt vào hông tàu chiến Mĩ. Tàu Mĩ buộc phải né tránh. Tàu 100 vẫn đi hết tốc lực lao về vùng biển Cà Mau. Khi vào biển gần bờ tàu 100 đánh tín hiệu vào bờ và trong bờ đã đánh tín hiệu ra. Nhận đúng tín hiệu thuyền trưởng Lê Minh Sơn ra lệnh lao tàu vào cửa lạch Rạch Già nhưng khi vào lạch là lúc nước thủy triều đang rút mạnh, tàu 100 lại chở nặng nên bị kẹt cứng ở cửa Rạch Già.
Ngoài khơi không xa bờ, ngoài chiếc tàu chiến Mĩ to lớn bây giờ thêm ba tàu HQ của hải quân Sài Gòn đang khép chặt vòng vây tiến vào có ý bắt sống tàu 100. Ban chỉ huy tàu 100 quyết định cho tất cả thủy thủ lên bờ. Chỉ để lại thuyền phó Phạm Ngọc Điển và thợ máy Lê Văn Cót ở lại điểm hỏa phá hủy con tàu. Nhưng giờ điểm hỏa qua đã lâu mà tàu không tự nổ. Bốn tàu Mĩ - ngụy cũng không dám tiến lại gần tàu 100, sợ tàu 100 nổ tàu chúng cũng nổ theo như một số trường hợp trước đây. Bốn tàu chiến Mĩ - ngụy đậu cách xa tàu 100 khoảng hai trăm mét và đánh tín hiệu xin tàu 100 cho cập mạn. Tàu 100 không đáp. Tàu Mĩ lại kéo những hồi còi dài. Tàu 100 vẫn không đáp và trên tàu cũng không có điện, tối om. Tàu 100 quả là con tàu đáng sợ và khó hiểu đối với hải quân địch. Tàu chiến Mĩ cho hai tên lính bơi lại gần tàu 100 để thăm dò nhưng bị súng trên bờ của ta bắn chặn. Hai lính ngụy hoảng hốt bơi ra.
Trời đã sáng dần, tàu vẫn không nổ. Tàu có nguy cơ bị tàu địch bắt sống. Chỉ huy bến Tư Mao ra lệnh:
- Tôi, đồng chí Cót, đồng chí Hải bơi ra tàu hủy những tài liệu mật của tàu!
Thu xong tài liệu, Tư Mao, chiến sĩ Cót, Hải bơi vào.
Trời đã sáng rõ, bốn tàu chiến Mĩ và ngụy dàn hàng ngang tiến vào gần tàu 100. Quân ta trong bờ nổ súng để bảo vệ cho tàu 100 cho đến khi nổ. Mĩ điều động thêm hai tàu chiến nữa bao vây và bắt đầu nã pháo vào bờ. Súng đạn nổ vang rền chát chúa khắp vùng biển gần bờ Cà Mau. Đạn bay như đan lửa vào trong bờ xới tung cát và cây cối mù mịt. Quân ta cũng nã hết các cỡ đạn ra ngoài biển nơi có tàu địch. Tàu chiến Mĩ ngụy không sao tiếp cận được với tàu 100.
Dùng tàu chiến với ý đồ bắt sống không được, địch quyết định phá hủy tàu 100. Buổi chiều Mĩ dùng máy bay trực thăng và máy bay phản lực ném bom vào tàu 100. Tiếng trực thăng phành phạch, vè vè, tiếng phản lực gầm rú bắn vào tàu và bắn xuống mặt đất. Ngoài khơi tàu chiến Mĩ ngụy cũng nã pháo vào. Máy bay phản lực cắt bom trúng tàu 100. Trúng bom nên 60 tấn đạn dược, vũ khí và chất nổ trong tàu phát nổ. Một tiếng nổ long trời chuyển đất chấn động vùng biển Cà Mau, lửa bốc cao mù mịt. Sóng xung lực do áp lực tiếng nổ tạo nên dâng cao như sóng thần. Sáu tàu chiến Mĩ bị dạt ra xa. Tàu khu trục Mĩ bị trọng thương. Sau khi tắt đợt khói lửa và sóng thần tàu 100 đã biến mất khỏi Rạch Già.
Cuộc chiến đấu để bảo vệ cho con tàu tự nổ đã thành công để khỏi lọt vào tay địch. Không tổn thất về người nhưng các thủy thủ của tàu 100, các chiến sĩ Cà Mau tiếc 60 tấn vũ khí và con tàu đến mất ăn mất ngủ. Trong tâm thức các chiến sĩ hải đoàn, tàu 100 sống mãi trong kí ức của cuộc đời họ, sống mãi với vùng biển Cà Mau rì rào sóng nước và tiếng xạc xào của rừng đước xanh tươi.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-62-a16184.html