Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 63)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 63

CON TÀU BỊ BẮT

            Đó là một đêm mùa hè tháng 6 năm 1966, con tàu 187 của Hải đoàn đậu tại vùng biển thuộc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Trên cầu cảng Hậu Thủy, tàu thuyền của Trung Quốc đậu san sát. Trên các đỉnh cột của tàu, cờ đỏ năm ngôi sao vàng bay phấp phới thẫm màu trong đêm. Ánh đèn điện vàng nhấp nhánh như sao sa. Phía trên bờ cầu cảng là đảo Hải Nam xanh mờ chìm trong đêm. Biển trong đêm mênh mông mịt mù. Đèn của thuyền chài ngư dân Trung Quốc như sao sa trên biển. Gió mùa hè thổi lồng lộng trong đêm mát rượi.

            Tàu 187 đã chuẩn bị xong xuôi hoàn tất cho một chuyến đi xa. Trong khoang con tàu chứa 62 tấn đạn dược, vũ khí, thuốc nổ. Nơi đến của con tàu là cửa biển Trà Vinh.

dh121855-tau-khong-so-1667986871.jpg

Tàu C42 chở vũ khí vào Nam trong thời chống Mỹ cứu nước. Nguồn: Internet

        

Đến giờ xuất phát, thuyền trưởng Phan Xã đã lên đài chỉ huy tầng trên của cabin (buồng lái). Thợ máy đã xuống khoang máy. Trong cabin hàng hải số một đã ngồi vào ghế lái. Máy đã nổ. Thân tàu rung lên bởi tiếng động cơ. Tổ pháo thủ đã nhổ neo xong. Tàu 187 kéo vang ba hồi còi chào quân cảng và những người ở lại theo thông lệ. Mười tám thủy thủ giơ tay vẫy chào đảo Hải Nam đang chìm trong giấc ngủ.

    Rời vùng biển Trung Hoa, tàu 187 hướng mũi ra phía đông, sau đó hành trình xuống phương Nam trên hải phận quốc tế. Mùa hè biển êm hơn. Từng đợt sóng xanh biếc nhấp nhô. Sóng mùa hè không xanh lè như sóng biển mùa đông. Có những đàn cá dày đặc đang di chuyển lao vùn vụt có thể trông thấy chúng nửa nổi nửa chìm trong sóng nước. Những đàn hải âu tung cánh bay trên bầu trời tự do trắng xóa, có những đàn không bay mà lại bơi dưới biển như đàn vịt trắng nhấp nhô theo sóng. Hành trình thuận lợi nên chỉ năm ngày năm đêm tàu 187 đã ngang vĩ tuyến với biển Trà Vinh. Tàu rẽ hướng tây để đi vào biển gần bờ nơi cần đến. Đúng vào lúc đó hai chiếc máy bay do thám bay trên không phận tàu đang hành trình. Có lẽ máy bay đã báo về trung tâm của chúng nên không lâu sau trên vùng biển chung quanh tàu 187 xuất hiện ba tàu chiến đấu to lớn của hải quân Mĩ. Trên đỉnh cột cờ của mỗi tàu cờ sọc nhiều sao tung bay theo gió. Trên tàu ra đa quay vù vù đang thu phát tín hiệu. Các nòng pháo hàng chục li để trần chĩa vào tàu 187 sẵn sàng nhả đạn. Phối hợp với tàu chiến đấu Mĩ còn có ba tàu chiến đấu HQ của hải quân Sài Gòn đang xé sóng lao tới. Năm tàu địch đã hình thành thế bao vây tàu 187. Khi vừa tầm bắn chúng bắt đầu nả đạn vào tàu 187. Trên đầu máy bay địch  cũng bắn xối xả xuống tàu. Tàu 187 cũng nổ súng đánh trả. Cả một vùng biển ầm ầm súng đạn và khói lửa. Đạn pháo xé những cột nước dựng lên cao thành cột như sóng thần. Tàu 187 dũng cảm dùng hỏa lực mạnh buộc những tàu ngụy phía tây phải giãn ra. Nhân cơ hội đó tàu 187 mở hết tốc lực lách qua khe hở chạy vào biển gần bờ. Sóng dạt ra hai bên thành tàu làm các tàu ngụy lóa mắt. Nhưng không may tàu 187 còn cách bờ 300m thì mắc cạn. Chân vịt xoáy vào cát làm cát bay mù mịt nhưng tàu hoàn toàn đã gác mình trên cồn cát ngầm. Thuyền trưởng ra lệnh cho các chiến sĩ rời tàu vào bờ. Thuyền trưởng Phan Xã, chính trị viên Hồ Đức Thắng và máy trưởng ở lại kích nổ con tàu. Ba người sau khi cài kích nổ, đốt giây cháy chậm cũng rời khỏi con tàu. Những mồi lửa này sẽ bắt vào một tấn thuốc nổ đã cài sẵn trong khoang máy, kích hoạt 60 tấn đạn dược vũ khí thì tạo nên một sức công phá khủng khiếp, tàu 187 sẽ hòa với nước biển, mọi dấu vết của tàu bị thủ tiêu trong chớp mắt. Nhưng các chiến sĩ của tàu trên bờ chờ đến đau tim mà tàu 187 không phát nổ, chỉ gây ra một đám cháy nhỏ trên tàu. Các tàu Mĩ ngụy áp vào và trên tàu 187 đông đặc lính Mĩ và ngụy. Chúng thu toàn bộ con tàu với 60 tấn vũ khí đạn dược nguyên vẹn.

            Vụ tàu 187 không nổ bị địch lấy đi nguyên vẹn thêm một tổn thất nữa của Hải đoàn. Sự kiểm soát của tàu chiến, máy bay địch trên con đường biển Đông càng thêm nghiêm ngặt. Con đường vận tải của Hải đoàn  vào Miền Nam trên biển Đông càng chồng chất khó khăn.

 CUỘC HẢI CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC 

            Tháng 1 năm 1969, Bến Lở (Cà Mau) trong những ngày đầu xuân nắng chan hòa khắp ấp thôn, sóng nước và bãi bến. Trời xanh, biển xanh gợn sóng. Khắp nơi thôn ấp và kinh rạch cây đước và trâm bầu như rừng xanh um che kín những căn cứ bí mật, nơi những con tàu của Hải đoàn cập bến để các chiến sĩ Quân khu IX bốc chuyển vũ khí từ tàu, đưa đi khắp các chiến trường Nam Bộ. Ngày Tết dương lịch người ta nghỉ ngơi đón năm mới và ăn Tết. Nhưng tại Trung tâm căn cứ Bến Lở (Cà Mau) lòng các chiến sĩ nóng như lửa đốt, nhất là các chiến sĩ và thuyền trưởng của tàu 69. Họ đứng ngồi không yên. Cách đây một tháng, tàu 69 do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước chỉ huy đã dũng cảm khéo léo vượt qua tất cả mọi cuộc chạm trán với tàu, máy bay của Hạm đội  VII của Mĩ, tàu của hải quân Sài Gòn, đem được hàng chục tấn đạn dược vũ khí cho chiến trường Cà Mau. Nhưng tàu 69 phải nằm lại trong căn cứ vì ngoài biển địch tăng cường tuần tra nghiêm ngặt. Có vẻ như tàu 69 đã bị lộ.

            Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước liên tục đòi chỉ huy Bến Lở cho tàu 69 ra khơi về Bắc. Cuối cùng thì Ban chỉ huy bến cũng đồng ý cho tàu 69 ra khơi với hi vọng ngày Tết dương lịch tàu địch sẽ nghỉ ngơi mà nới lỏng tuần tra.

            Vào đêm ngày 1 tháng 1 năm 1967, những người ở Bến Lở lưu luyến bắt tay tiễn đưa đồng đội của mình. Trong đêm tối, tàu 69 như con cá kình  âm thầm lướt sóng ra khơi. Mùa đông biển trời xám xịt. Trên bầu trời không một ánh sáng, không một vì sao. Nhưng trên mặt biển những ánh đèn trên những con tàu và những con thuyền sáng lập lòe như những vì sao cô đơn trên biển cả mênh mông. Những đợt sóng lừng đen kịt ghê rợn bao trùm  lấy con tàu mất hút dần về phía đông trong đêm. Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước trên đài chỉ huy điều khiển con tàu. Thuyền trưởng và các chiến sĩ cảm thấy lòng vui vui vì được trở về Miền Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ sau một tháng trời nhàn rỗi nghỉ ngơi trong căn cứ Bến Lở. Niềm vui được nhân lên khi họ nhớ lại tháng trước, tàu 69 đã vượt qua bao hiểm nguy, hoàn thành một chuyến đi, chở trọn vẹn 72 tấn vũ khí đạn dược cho các chiến sĩ nhân dân Quân khu IX tiêu diệt quân thù.

            Tàu 69 đang hành trình từ biển Cà Mau gần ra đến hải phận quốc tế. Đột nhiên trên mặt đen của biển xuất hiện hai tàu chiến lớn của hải quân ngụy đen ngòm. Từ hai tàu đó, những phát đại bác vang lên, những tiếng nổ và đạn xé màn đêm bay về hướng tàu 69. Những quả đạn nổ quanh tàu 69, sóng dựng lên từng cột. Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước ra lệnh bắn trả. Tàu 69 với hỏa lực B40, B41, DKZ, hai khẩu 12 li 7 ở boong trước và boong sau, súng AK bộ binh nổ chát chúa vào tàu địch. Hai tàu địch dạt ra. Thuyền trưởng hạ lệnh:

- Mở hết tốc độ quay về căn cứ!

            Trên biển, nhiều tàu địch đến tham chiến. Trên trời, máy bay bay vè vè, thả pháo sáng. Mặt biển Cà Mau sáng rực. Lửa đạn từ các tàu Mĩ và ngụy trút như mưa xuống tàu 69. Một cuộc đấu súng không cân sức chưa từng có trong lịch sử hải chiến đã diễn ra. Ở đầu boong, pháo thủ Đoàn Văn Dĩ trúng đạn gục xuống ụ súng 12 li 7. Lợi dụng lúc hỏa lực đầu boong tàu 69 im lặng, tàu chiến ngụy tiến lại gần và cùng máy bay đồng loạt tấn công. Pháo thủ Phan Thanh Hồ bị thương gãy chân nhưng vẫn ôm súng bắn dữ dội vào tàu địch. Chân gãy của anh chỉ còn dính da rất vướng cho anh vận động chiến đấu. Máu me ở chân anh chảy đầm đìa. Thuyền phó Nguyễn Hấn thay vào vị trí của Đoàn Văn Dĩ. Khẩu 12 li 7 ở boong đầu lại khạc lửa vào tàu địch.

Tàu 69 đã trúng đạn địch và bốc cháy cục bộ nhưng được các chiến sĩ dập tắt. Tàu đã vào gần bờ. Tàu địch đuổi theo. Bộ đội ta trên bờ nã súng vào tàu địch. Đạn xé màn đêm nổ quanh tàu địch. Tàu địch hoảng sợ lùi ra xa bờ. Nhân cơ hội đó tàu 69 lao hết tốc độ vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau).

            Sau cuộc hải chiến quyết liệt không cân sức giữa tàu 69 và gần chục tàu địch trên biển Cà Mau, tàu 69 hi sinh một chiến sĩ, ba người bị thương, tàu bị hỏng nặng không thể sửa chữa được. Như con cá kình tham chiến, bị thương tích đầy mình, mắc cạn nằm lại vĩnh viễn trong rừng đước Cà Mau. Theo năm tháng, rừng đước mọc xanh che chở cho con tàu và hương hồn chiến sĩ Đoàn Văn Dĩ đã hi sinh anh dũng. Sóng Vàm Lũng ngày ngày dào dạt vỗ vào thân tàu ru cho con tàu và hương hồn anh Dĩ ngày đêm yên giấc ngủ vĩnh hằng trên đất Cà Mau - vùng Đất Mũi thân yêu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-63-a16195.html