Giờ vật lý. Sau tiếng hô của lớp trưởng Khổng Minh Thọ, học sinh đứng nghiêm chào thầy. Không nhìn học trò, thầy khẽ vẫy tay, ra hiệu cho lớp ngồi xuống.
" Hỏi núi non cao, đâu sắt, đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá nhảy?
Hỏi đâu thác chảy, cho điện xoay chiều?"
Cả lớp ngơ ngác nhìn thầy:
- Hôm nay thầy lại thay cô Bé giảng văn ư?
Đáp lại sự ngơ ngác của học sinh, thầy xoay người, viết phăng te ri lên giữa bảng dòng chữ " Dòng điện xoay chiều" chữ xoay được thày kéo dài nét cuối cùng, vòng ba vòng, như dải lụa của vũ nữ đang múa.
Xoay người lại thày nói:
- Hôm nay chúng ta học bài " Dòng điện xoay chiều" ! Đến lúc này cả lớp mới hiểu, ồ lên, vỗ tay ào ào tán thưởng sự vào đề mới mẻ, lãng mạn, tạo hưng phấn cho buổi học của thầy.
Đó là thần tượng của học sinh cấp 3 chúng tôi - Thầy Lê Văn Thịnh!
Hôm qua, nhân có công việc về Hải Phòng, tôi hẹn, đến thăm thầy. Bỏ bữa liên hoan và ngủ ở khách sạn Hải Quân với đồng đội. Tối mịt tôi đến nhà thầy. Cả gia đình đón tôi vui vẻ. Cô Giáng Khanh vợ thầy vẫn giữ được vẻ đẹp của Hoa khôi Yên Bái khi xưa, với nụ cười tỏa nắng!
Vô tình lại đúng ngày sinh nhật thầy. Một bữa cơm đầy ắp hải sản, đầy ắp tiếng cười. Gia đình thầy và tôi, ôn lại những ngày tháng xa xưa ở thị xã miền núi xa xôi ấy!
Đầu thập kỷ 60, Yên Bái đón nhận những thầy cô từ " dưới xuôi "lên dạy học. Họ là những giáo viên trẻ vừa ra trường. Họ là người Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng. Trẻ trung căng đầy sức sống. Họ chỉ có một đam mê: Truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Thầy Thịnh là một trong những thầy cô ấy.
Là trai Hải Phòng, con nhà gia giáo, cao to, đẹp trai như minh tinh màn bạc thời bấy giờ. Thầy lập tức là thần tượng của lũ trai mới lớn chúng tôi. Ấn tượng còn đọng đến hôm nay khi tôi chỉ vào đôi giày và chiếc quần phẳng ly thầy đang mặc:
- Dày tây đen bóng. Ly quần thẳng đứng! Thầy cười vang, khoái chí, khi tôi thêm một ý:
- Quần hai ly, gấu vắt!
Thời bao cấp nghèo khó, các thầy khác chỉ áo trắng, quần xanh màu bộ đội. Riêng thầy đã lên lớp là quần phải là phẳng, ly thẳng đứng. Áo sơ my cổ cồn bỏ trong quần. Mọi người bảo thày là " tiểu tư sản". Kệ! Thầy vẫn cứ mặc vậy vì đó là thương hiệu, là thói quen của thầy rồi. Học thầy một thời gian, chúng tôi còn bắt chước thầy cái mặt phớt ăng lê, luôn vếch lên, ánh mắt nhìn vào trán người đối diện. Tay đút túi quần, đi đi, lại lại trên bục giảng hoặc đi xuống cuối lớp, rồi bất ngờ quay ngoắt với câu giảng bài ...
Chi bộ, công đoàn có xì xèo, đánh giá phong cách tiểu tư sản, không quần chúng, khó gần ... nhưng vẫn phải công nhận thầy là giáo viên dạy giỏi. Thầy vẫn " hiên ngang " đứng trên bục giảng cả đời, với lòng ngưỡng mộ của học sinh và sự kính trọng của đồng nghiệp. Sự tin tưởng của cấp trên. Chẳng thế mà từ khi lên Yên Bái đến khi được chuyển vùng thầy chỉ dạy ở thị xã, chẳng bị điều động đi trường xa. Kiểu như bây giờ giáo viên được dạy ở các trường nội thành ấy!
Lớp giáo viên gạo cội thời ấy còn các thầy khác Như thày Lưu, Thày Tấn, Thày Trần Chí Hòa, Thầy Nguyễn Bảo Cử , Thày Hoàng Lục Chinh, Thày Nguyễn xuân Tính, Thầy Bạch Ngọc Lương. Các cô giáo Nguyễn Thị Trịnh, Cô Nguyễn Thị Nga, Cô Nguyễn Thị Bé ... họ yêu nghề, tâm huyết, giản dị và hết lòng vì học sinh. Đến nay, nhiều thầy cô đã mất do tuổi cao sức yếu.
Chúng em kính yêu và ghi nhớ công lao của các thầy cô. Giờ đây, khi đã là ông, bà nội ngoại, chúng em vẫn kể cho con, cháu nghe những tấm gương của các thầy cô thời ấy.
À nói lại từ " Chuyển vùng" theo quy định của bộ Giáo Dục: Giáo viên lên dạy học ở miền núi sau 5 hay 10 năm gì đấy, mới được chuyển vùng về dưới xuôi. Ngày ấy không chạy chọt kiểu phong bì như bây giờ, cấp trên cũng không " bẩn " như bây giờ, nhưng hình như cũng có đôi gà sống thiến, vài kg gạo quê, cân đỗ, cân lạc, chai mật ong thì phải, gọi là cảm ơn sau khi xong việc. Riêng thầy Thịnh, tôi cá là thầy chẳng chịu chạy chọt gì mà vẫn được chuyển vùng về Hải Phòng, bởi cái vẻ mặt phớt đời của thầy.
Năm 1967 Yên Bái thành lập trường cấp 3A. Thầy về dạy lý ở trường. Chúng tôi được học thầy suốt 3 năm cấp 3. Với nhiều học sinh môn lý là môn tự nhiên, khô khan và khó bởi những khái niệm trừu tượng. Thầy đã lồng vào những câu chuyện để cuốn hút học sinh như câu chuyện về lực đẩy Acsimet với câu chuyện, nhà bác học tắm trong bồn tắm, vùng dậy, tồng ngồng chạy ra đường, miệng hô vang" Tìm ra rồi"! Về bài " lực hút của trái đất " với câu chuyện và bài hát " Quả táo rơi" Giọng nam cao của thầy rất khỏe, ấm, vang. Thầy hát, cả lớp há mồm nghe như được uống Si rô lựu đá!
Ba năm cấp 3 nhờ thầy, lớp tôi học rất khá môn vật lý. Tôi đã thi đỗ đại học khối A( toán, lý, hóa ) Lớp học sinh các khóa từ 1966 đến 1977 đều nhắc đến tên các thầy cô với lòng kính trọng.
Thầy Thịnh không chỉ là thần tượng của lũ con trai mà là hình mẫu người tình, người chồng của các bạn nữ.
Các thầy, cô dưới xuôi lên dạy học ở vùng cao hầu hết đều " nhịn yêu " hoặc bóp nghẹt con tim trước những mối tình của dân bản xứ vì " Đã dính vào " là không về xuôi được, hay chính xác hơn là khó về xuôi.
Trường hợp của thầy Thịnh cũng vậy. Thầy cũng nhịn yêu, cũng đóng cửa trái tim để mong đến ngày được chuyển vùng về Hải Phòng. Thế nhưng, khi gặp cô giáo trẻ dạy cấp 2, bông hoa của núi rừng Yên Bái thì trái tim thầy không thể hững hờ được:
" Ai sinh ra quả ngọt, làm mệt con ong vàng.
Ai sinh ra em đẹp, cho lòng anh xốn xang"
Gặp nhau, khi Thày hỏi nhà. Cô nói như đùa:
- Nhà em rẽ vào nhà thờ Bảo Hưng, có cái taluy, có quả đồi cắt ngang, cổng ở phía trước( ở miền núi có hàng trăm nhà như vậy). Chàng trai Hải Phòng chỉ cần có thế.
Một ngày chủ nhật, chàng đội mưa, đi đò sang sông tìm cô( nhà cô sơ tán ở bên kia con sông Hồng). Đất đồi Yên Bái vốn quý người. Chỉ một trận mưa là dẻo quánh, bám rất chặt vào đế giày, chắn bùn xe. Thầy bỏ giày, treo vào ghi đông xe, đi đất, đẩy xe và đến đúng nhà cô, trong sự ngỡ ngàng của cả nhà.
Hình như mẹ cô ngại chàng trai Hải Phòng đẹp trai, phớt đời, nên có vẻ chưa đồng ý. Thầy cứ trồng cây si. Thày viết nhiều lá thư tỏ tình. Thầy nhờ cô Yến đưa thư. Thầy viết cả thư gửi mẹ cô, bày tỏ tình yêu với con gái bà. Đọc thư thầy gửi, bà chép miệng:
- Viết ngọt như mía lùi, con kiến trong lỗ phải bò ra!
Năm 1970 đám cưới ở thị xã Yên Bái giữa chàng trai Hải Phòng đẹp trai và cô giáo trẻ, hoa khôi phố núi thật là vui. Họ sớm có hai cô con gái xinh như mẹ, đẹp như cha.
Năm 1977 thầy, cô được chuyển vùng về Hải Phòng. Gia đình được phân một phòng tập thể của trường. Năm bao cấp nghèo đói, thầy lai ( kéo dài nhà ) ra một gian, cho người thuê bán hàng. Vợ chồng thầy và hai cô con gái sống đạm bạc, hạnh phúc với đồng lương giáo viên, cộng chút tiền cho thuê gian bán hàng. Thầy không ngờ, khi về hưu, gần đây, một doanh nghiệp lấy đất làm dự án đã đền bù cho gia đình thầy một khoản tiền lớn. Thầy mua một ngôi nhà 4 tầng nhỏ nhắn, xinh xắn ở ngay trung tâm thành phố, gần ga Hải Phòng. Một phần cho các con, một phần gửi tiết kiệm dưỡng già. Thầy cô vui vẻ tuổi già. Gặp lại thầy đúng ngày sinh nhật, Thầy, Cô Giáng Khanh và tôi cười phớ lớ, khi ôn kỷ niệm tình thầy trò, tình yêu ở đất Yên Bái quê tôi!
Cảm ơn các bậc thầy, cô thánh thiện năm xưa. Xin gửi tới các thầy cô lời chúc sức khỏe, chúc bình an, hạnh phúc nhân ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11/2022!
Hà Nội, tháng 11 năm 2022.
Trái tim người lính
Tống Hồng Quân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thay-thinh-a16206.html