Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 65)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ  kỳ 65.

BIỂN NHA TRANG DẬY SÓNG

            Đó là một ngày cuối năm âm lịch, chỉ còn vài ngày nữa là năm cũ 1967 hết, để sang năm mới Mậu Thân (1968), một con tàu của Hải Đoàn 125 mang số hiệu 235 do thuyền trưởng Phan Văn Vinh, thuyền phó Nhi chỉ huy và 18 thủy thủ chuẩn bị ra khơi. Tàu 235 chở trong khoang của nó 14 tấn vũ khí đạn dược thuốc nổ tiếp viện cho quân dân tỉnh Khánh Hòa. Nơi đến là bến Hòn Hèo, Ninh Phước, xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang 12 km về phía Bắc.

dh1tau-0-so-1668155326.jpg
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh do máy bay trinh sát của Mỹ chụp. Nguồn: Internet.

          

 Biển sang xuân nhưng gió mùa đông bắc vẫn thổi lồng lộng, sóng lừng xanh đen xô từng đợt nhấp nhô, trời như thấp hơn mang một màu xám ngắt. Tàu 235 rời biển nam Trung Hoa rồi hành trình trên hải phận quốc tế. Sóng êm biển lặng. Con tàu cao tốc bốn máy với tốc độ 33 hải lí /giờ lướt như bay trên mặt sóng. Từng đàn hải âu bay trắng bầu trời. Nhiều đàn chim bơi theo sóng nhấp nhô như những bông hoa trắng trên biển. Sau hai ngày hành trình, trên hải đồ hàng hải thuyền trưởng Phan Văn Vinh biết tàu đang ngang với vĩ độ của tỉnh Khánh Hòa. Cùng lúc đó trên bầu trời xuất hiện hai máy bay do thám của Mĩ. Chúng sà xuống rất thấp rồi bay lướt lên cao mất hút trong không gian mênh mông của biển. Trong buồng lái chiến sĩ hàng hải Lâm Quang Tuyến đang lái tàu. Anh báo cáo:

- Báo cáo thuyền trưởng hình như máy bay Mĩ đã phát hiện ra tàu ta.

            Thuyền trưởng Phan Văn Vinh trên đài chỉ huy ra lệnh:

            - Có thể như vậy nhưng kệ nó. Đánh hết lái phải và tiến vào bờ hết tốc độ!

            Từ phía ngoài vùng biển phía sau tàu 235 xuất hiện 3 tàu chiến của hải quân Sài Gòn. Một tàu mang hiệu Ngọc Hồi, tàu HQ 12, HQ 17 và 4 tàu chiến khác có tốc độ cao, hỏa lực mạnh đang dàn thế trận vòng cung bao vây tàu 235. Trong đêm tối tất cả các tàu của Mĩ và của Sài Gòn đều tắt điện tối om. Tàu 235 cũng tắt đèn, lợi dụng đêm tối mở hết tốc độ chạy vào biển gần bờ. Hàng chục tàu địch đuổi theo và thít chặt vòng vây. Thuyền trưởng Phan Văn Vinh ra lệnh cho thuyền phó đánh tín hiệu vào bờ tìm bến chạy vào lạch để thoát vòng vây. Ánh sáng từ chiếc lỗ nhỏ bé của chiếc đen pin được bị bịt kín gần hết chớp chớp nhiều lần nhưng trong bờ không có tín hiệu phát ra.

            Trong tình thể khẩn cấp thuyền trưởng Phan Văn Vinh ra lệnh cho ném các kiện vũ khí đã bọc ni lông xuống biển gần bờ với hi vọng sau này căn cứ sẽ ra bốc chuyển về được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Các chiến sĩ tàu 235 đã ném được khoảng 2/3 khối lượng “hàng” xuống biển. Các tàu chiến địch đã đến gần. Thuyền Trưởng Phan Văn Vinh cho tàu chạy xuống biển Ninh Vân với hi vọng tàu địch không phát hiện ra những vũ khí vừa ném xuống. Tàu địch đuổi theo. Tàu 235 đã lâm vào thế vô cùng bất lợi, trước mặt là núi chặn lối đi, ba phía còn lại bị 10 tàu chiến hải quân Mĩ - ngụy bao vây. Chúng đã nhả đạn vào tàu 235. Các tàu địch cũng bắn dữ dội lên bờ để ngăn chặn chiến sĩ tàu 235 lên bờ chạy thoát. Tàu 235 dùng súng DKZ, pháo 14 li 5 bắn vào tàu địch như mưa. Đội hình tàu địch dãn ra do hỏa lực mạnh của ta. Trận hải chiến làm cho vùng biển Ninh Vân - Nha Trang - Khánh Hòa vang lên những tiếng nổ long trời, đạn lửa xé rách màn đêm trên biển bay vào tàu ta và tàu địch.

Cuộc hải chiến không cân sức nhưng ác liệt dữ dội. Pháo thủ Hà Minh Nhật dùng DKZ nã một phát trúng tàu PCF của địch, chiếc tàu này lại bị Nguyễn Văn Phong bồi thêm cho một loạt đạn 14 li 5. Tàu PCF cháy ngùn ngụt, quay tại chỗ như chong chóng rồi chìm xuống biển. Hỏa lực địch cũng như dội lửa vào tàu 235. Theo lệnh chỉ huy của thuyền trưởng Phan Văn Vinh, máy trưởng Ngô Văn Thử điều khiển máy, phối hợp khéo léo với chiến sĩ lái tàu Lâm Quang Tuyến làm cho tàu 235 lạng lách tránh đạn tài tình, nhưng lửa đạn của địch dày đặc, 5 chiến sĩ đã hi sinh, 7 chiến sĩ bị thương. Thuyền trưởng Phan Văn Vinh cũng bị thương vào đầu nhưng anh vẫn chỉ huy chiến đấu và ra lệnh:

            - Thực hiện việc phá vòng vây, nếu không được thì áp tàu vào tàu địch cho nổ tàu để hi sinh nhưng tiêu diệt được chúng!

            Tàu 235 tăng tốc nhằm phá vòng vây nhưng một quả đạn của địch đã bắn trúng buồng máy. Khói bốc mù mịt, tàu 235 chạy chậm dần và dừng lại hẳn. Trung sĩ Vũ Văn An từ buồng máy chui lên:

            - Báo cáo, máy tàu đã bị bắn hỏng.

            Trên buồng hàng hải, thuyền phó Nhi bị trọng thương, máu chảy đầm đìa. Ở buồng máy máy trưởng Trương Văn Mai trúng đạn hi sinh. Trong tình thế máy hỏng đành phải hủy tàu. Thuyền trưởng Phan Văn Vinh ra lệnh:

            - Tất cả rời tàu!

            Những hồi chuông réo lên đinh tai nhức óc. Lệnh tiếp:

            - Đưa phao cứu sinh xuống!

            Sau mệnh lệnh của thuyền trưởng, những người chưa bị thương dìu những chiến sĩ bị thương nhảy xuống biển bơi vào bờ. Trên tàu còn lại thuyền trưởng Phan Văn Vinh, các chiến sĩ Thứ, Khung, Tuyến và An ở lại điểm hỏa cho tàu nổ. An điểm hỏa khoang máy, Khung, Tuyến điểm hỏa sau tàu, chiến sĩ Nhật điểm hỏa đầu tàu. Thời gian cho dây cháy để tàu nổ là hai mươi phút. Điểm hỏa xong Phan Văn Vinh ra lệnh cho mọi người rời tàu, còn anh ở lại kiểm tra. Sau đó thuyền trưởng cũng rời tàu.

Hai mươi phút trôi qua tàu 235 phát ra một tiếng nổ khủng khiếp, một cột lửa cao hơn mười mét dựng lên. Vùng biển Nha Trang chấn động.Tàu 235 một nửa chìm xuống biển, một nửa tàu bị văng lên cao rồi rơi xuống núi Bà Nam, xã Ninh Vân.

            Địch phán đoán các chiến sĩ của tàu 235 đã lên bờ nên chúng điều thêm máy bay yểm trợ cho lính ngụy và lính Mĩ đổ bộ lên bờ truy quét. Phan Văn Thứ và Ngô Văn Thử dùng AK và lựu đạn đánh lui ba đợt tấn công của mấy trung đội địch, yểm trợ cho các chiến sĩ rút lui. Xác Mĩ - ngụy ngổn ngang khắp bờ biển. Chỉ còn quả lựu đạn cuối cùng, hai anh chờ địch tới gần mới ném ra giết thêm hàng chục tên địch nữa. Địch tập trung pháo bắn vào nơi hai người đang bám trụ nên Phan Văn Vinh và Ngô Văn Thử đã anh dũng hi sinh ở Hòn Hèo.

            Tàu 235 ra đi gồm 20 chiến sĩ chỉ còn lại 5 người bơi được vào bờ. Sau mười ngày đói khát, gian khổ, bị địch truy kích gắt gao, cuối cùng họ đã tìm được căn cứ của ta trên bờ. 15 chiến sĩ của tàu 235 đã nằm lại ở biển Nha Trang. Gương hi sinh oanh liệt của họ bất tử với thời gian và biển cả Nha Trang đầy nắng gió.

 DU HÀNH TỚI HỒNG KÔNG        

            Ngày 15  tháng 4 năm 1966, tàu 69 do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước và thuyền phó Nguyễn Tiến Hai, chính trị viên Tăng Văn Huyển chỉ huy cùng 13 chiến sĩ thực hiện hành trình chở vũ khí đạn dược vào Nam. Những hải lí hành trình của tàu 69 đều bị tàu chiến của hải quân Mĩ, tàu HQ của hải quân Sài Gòn và máy bay đủ loại giám sát và sẵn sàng tấn công. Khi đó Hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ hầu như làm chủ ở đại dương lớn nhất thế giới này. Tàu chiến Mĩ kiểm soát 300 triệu hải lí vuông, giám sát một vùng từ eo Bering  (một bờ là Siberi của Nga, bờ phía đông là Alaska của Mĩ)  tới Nam Cực, phía đông từ đảo Guy Am (Thái Bình Dương), phía tây tới Ấn Độ Dương. Sau vụ tàu của hải đoàn bị lộ ở Vũng Rô, con đường vận tải vũ khí trên biển Đông vào Miền Nam không còn là bí mật nữa, Mĩ đã tập trung 40% tàu bè, máy bay của Hạm đội VII ở Đông Nam Á, quyết ngăn chặn bằng được các chuyến tàu của Hải đoàn vận chuyển vũ khí vào Nam.

            Tàu 69 hành trình vào tháng 3. Mùa xuân trên biển sóng êm gió lặng. Trời và biển trong xanh một màu như hòa vào nhau. Gió thổi lồng lộng miên man mát rợi. Thời tiết đẹp làm cuộc hành trình thú vị, lòng người hòa với cảnh bao la phơi phới của biển. Nhưng thời tiết đẹp cũng gây không ít khó khăn cho hành trình của các con tàu của hải đoàn.

            Tàu 69 chạy qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này đã được các triều đại phong kiến Việt Nam cắm mốc chủ quyền và thực hiện quản lí hành chính từ lâu đời. Nay (1966) quần đảo đang thuộc quyền quản lí của Việt Nam cộng hòa. Trên bầu trời vùng biển này, tàu 69 bị một chiếc máy bay Mĩ NAVY theo dõi. Máy bay bay rất thấp nghiêng đi ngó lại. Đến đêm tàu 69 lại bị tàu tuần dương của Mĩ đi song song. Tuần dương hạm đèn điện sáng trưng, cao ba tầng. Những khẩu pháo to lớn của nó dù phủ bạt nhưng chĩa ngang nòng vào tàu 69 như hăm dọa sẵn sàng nhả đạn. Những ra đa hiện đại của nó giơ những càng sắt lên trời đang xoay như chong chóng để dò mục tiêu nghi ngờ. Hẳn là tàu 69 đã nằm trong tầm theo dõi của ra đa tàu Mĩ. Tuần dương hạm CLG của Mĩ to gấp trăm lần tàu 69. Khi nó đi gần tàu 69 khoảng một hải lí, sóng xung lực do nó tạo nên làm tàu 69 chao nghiêng như gặp sóng thần. Tàu Mĩ với tốc độ cao đi vượt lên chắn đầu tàu 69. Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước cho rằng muốn cắt được cái đuôi khó chịu này cần phải đi ngược chiều với nó. Thuyền trưởng ra lệnh:

            - Quay 180 độ về hướng bắc!

            Tàu 69 quay 180 độ và lại nhằm con đường cũ quay về. Tuần dương hạm Mĩ mất hút phía sau.

            Vừa cắt được đuôi tuần dương hạm thì trên bầu trời xuất hiện hai máy bay trinh sát. Có lẽ thấy mất mục tiêu, tuần dương hạm ra lệnh cho máy bay đi trinh sát tìm kiếm. Máy bay trinh sát có lẽ đã báo mục tiêu cho tuần dương hạm. Phút chốc tuần dương hạm đã xuất hiện gần tàu 69. Thuyền trưởng tàu 69 ra lệnh:

            - Toàn tàu chuẩn bị chiến đấu!

            Lúc này các chiến sĩ tàu 69 đã nhìn rõ các khẩu pháo to lớn của tuần dương hạm không phủ bạt nữa mà  để trần và nòng pháo đã hướng vào tàu 69. Trên trời những chiếc máy bay bay vè vè phành phạch rền rĩ vang động, đèn đỏ nhấp nháy sáng rực cả bầu trời. Nhưng những họng đại bác của tuần dương hạm không nhả đạn, nó vẫn đen ngòm im lặng hăm dọa con mồi. Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước ra lệnh:

            - Ngoặt 0 độ quay về hướng Nam!

            Tàu 69 bất ngờ quay 360 độ và mũi tàu nhằm hướng Nam đi tới. Vừa khi đó, chiến sĩ báo vụ nhận được mệnh lệnh của Tổng hành dinh từ thành phố Hải phòng gửi tới. Chiến sĩ cơ yếu mật mã dịch ra. Bức điện viết: “Hành trình về Manila và quay về Hồng Kông để bảo vệ tàu!”

            Chấp hành mệnh lệnh, thuyền trưởng tàu 69 ra lệnh cho tàu hành trình về hướng Manila (Philippines). Thời tiết biển chuyển sang xấu dần. Mưa giăng kín mặt biển, bầu trời đen kịt. Đã tám ngày tám đêm tàu 69 luôn nằm trong màn ra đa và tầm đại bác của tàu Mĩ. Phối hợp với tuần dương hạm là những máy bay trên trời vẫn bám sát mục tiêu, nó biến khỏi bầu trời rồi lại xuất hiện xem con tàu đánh cá bé nhỏ còn hay mất. Thuyền trưởng ra lệnh khi tàu đi vào vùng biển Manila:

            - Chạy về hướng Hồng Kông!

            Tàu 69 chạy một ngày và đêm. Trước mắt thủy thủ đoàn là một quầng sáng rực rỡ như thiên đường rộng lớn nơi biển phía tây. Tàu 69 đã tới Hồng Kông, một vùng đất giàu đẹp của Trung Quốc đã bị nhà Mãn Thanh bán cho Anh quốc 99 năm vào năm 1842 trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc thời kì cận đại. Bấy giờ (1966), Hồng Kông vẫn thuộc quản lí của Anh. Thuyền trưởng ra lệnh:

            - Đo mực nước biển!

            - Báo cáo thuyền trưởng, sâu nhất ba mươi mét, nông nhất mười lăm mét.

            - Thả neo!

            Tàu tắt máy. Con tàu êm ả, mỏ neo sắt như sừng con trâu lao xuống nước kéo theo dây xích sắt to khự xát vào tàu phát ra tiếng kêu sòng sọc. Khi chạm đất, do tàu rê đi một vài mét, mỏ neo đã ghim chặt vào cát giữ con tàu không thể trôi đi được. Tàu 69 đậu trên vùng biển Hồng Kông nhưng gần một hoang đảo. Trên hải đồ hoang đảo này ngang Thuận Xuyên - Trung Quốc.

            Ít ngày sau, tàu 69 trở về Vịnh Hạ Long để chờ một chuyến đi khác thành công.

(Còn Nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-65-a16230.html