Kỳ 66.
PHỐI HỢP TÁC CHIẾN
Tháng 9 năm 1969, tàu 42 do thuyền trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ huy chở 60 tấn vũ khí, 1 tấn máu khô, 600kg sâm rời bến đi vào Miền Nam lúc đài báo cơn bão lớn đang ập vào bắc biển Đông. Sóng biển dữ dội tới cấp 7, cấp 8, vùng trung tâm bão tới cấp 9, cấp 10... Con tàu nhỏ nhoi bị sóng đánh lật nghiêng như sắp chìm, sau đó nó lại bị lật nghiêng như sắp chìm sang phía bên kia. Đồng hồ đo biên độ lắc của con tàu ở buồng hàng hải nghiêng 30 độ. Tất cả các chiến sĩ trên tàu dù rất khỏe song vẫn bị say sóng và nôn mửa. Khi đó ruột gan đau cồn cào, sức lực như tiêu tan. Dù nôn mửa, các chiến sĩ trên tàu vẫn làm việc, phục vụ cho tàu hành trình và còn phải sẵn sàng chiến đấu. Tàu 42 như chiếc lá tre quằn quại giữa đại dương bao la hung dữ. Sức mạnh thiên nhiên thật là khủng khiếp.
Tàu 42 quằn quại đi vào vùng biển phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Khi ra khỏi hải phận Hoàng Sa, bão như đã ngớt dần. Tàu 42 đi vào vùng biển Philippin. Từ vùng biển Philippines tàu có thể rẽ hướng tây tiến vào vùng biển Cà Mau rồi tìm cách vào cửa Bồ Đề hoàn thành nhiệm vụ.
Từ khi ngớt bão, tàu 42 hành trình dưới sự do thám của máy bay NAVY của Mĩ. Tàu 42 không vào được biển Cà Mau, đành phải hành trình xuống vùng biển Indonesia, rồi đến hải phận Singapore. Máy bay trinh thám Mĩ vẫn bay vè vè trên đầu “hộ tống” tàu 42. Tại vùng biển này, tàu 42 nhìn thấy một quân cảng. Chiến sĩ báo vụ đưa bức điện từ Tổng hành dinh gửi gấp cho tàu, chiến sĩ cơ yếu giải mã nội dung: “Rút nhanh khỏi quân cảng nếu không sẽ bị phóng thủy lôi”. Tàu 42 nhanh chóng chạy vội ra khỏi vùng biển.
Sáng hôm sau tàu 42 đến một hoang đảo, sau khi thả neo, chiến sĩ đổ bộ lên hoang đảo bắt cua, câu cá bổ sung nguồn thức ăn sắp cạn.
Do tàu 42 bị máy bay và tàu chiến Mĩ theo dõi bám sát liên tục nên không thể vào biển Cà Mau. Lệnh của Tổng hành dinh là chuyển sang làm nhiệm vụ thu hút tàu Mĩ về phía mình, tạo điều kiện cho các tàu khác của Hải đoàn vào bến. Đó là nhiệm vụ chiến thuật mà tàu 42 phải hoàn thành.
Chấp hành nhiệm vụ thu hút sụ chú ý của Hạm đội Mĩ vào tàu mình, tàu 42 ngang nhiên hành trình, mặc cho tàu khu trục và máy bay bám sát. Tàu 42 cứ vậy hành trình đến một hoang đảo dưới sự hộ tống của tàu chiến và máy bay Mĩ. Tàu thả neo. Bốn chiến sĩ Tam, Hàn, Thạc và Can chèo xuồng cao su vào đảo lấy dừa. Đảo rợp bóng dừa. Những quả dừa chi chít trên cây. Những quả dừa rụng xuống khô đi phần lớn đang nẩy mầm mọc lên những cây dừa con. Gió mát thổi làm lá dừa ca lên bài ca xào xạc. Sau những ngày lênh đênh trên biển, bốn chiến sĩ đặt chân lên đảo, đặt chân lên đất. Hơi đất làm cho bốn người cảm thấy hồi sinh tràn đầy sức mạnh nhờ người mẹ hiền vĩ đại.
Sau khi lấy đầy một xuồng cao su dừa, nhổ neo hành trình, tàu 42 vẫn bị máy bay và tàu chiến Mĩ bám sát. Hành trình vòng vèo nhiều ngày, tàu 42 hết lương thực và nước. Tổng hành dinh cho phép tàu 42 quay về. Tàu 42 đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút lực lượng tàu địch theo mình, tạo điều kiện cho các tàu khác hoàn thành nhiệm vụ.
Về bến Bính K20, các chiến sĩ tàu 42 đã đem giống dừa lạ trên hoang đảo trồng bên bờ sông Cấm cạnh quân cảng, dừa mọc xanh tươi, tỏa bóng râm mát rồi cho quả trĩu trên cây. Cây dừa Inđônêxia ngoài Thái Bình Dương cùng cây dừa nước Bến Tre đua nhau xanh tươi trên bờ sông Cấm, che bóng rợp mát cho quân cảng.
SỰ TÍCH CỒN TÀU BẾN TRE
Tháng 11 năm 1970. Mùa đông bao giờ trên thế giới biển cả cũng u ám, trời đen kịt như thấp xuống, biển xanh mênh mông cũng phủ một màn đen với những đợt sóng lừng nhấp nhô. Gió mùa đông bắc thổi lồng lộng, lạnh như cắt ruột trong không gian mênh mông.
Trong cái mênh mông của biển cả, một con tàu nhỏ nhoi như con cá cần mẫn đang chạy mải miết theo hướng Nam. Đó là con tàu của Hải đoàn cảm tử mang số hiệu 176 do thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc, thuyền phó Đình Thạnh, chính trị viên Trần Huỳnh Trung chỉ huy cùng 15 thủy thủ có nhiệm vụ chở 61 tấn đạn dược, vũ khí, thuốc nổ chi viện cho chiến trường Bến Tre, quê hương Đồng khởi. Chính trị viên Trần Huỳnh Trung quê ở Bến Tre nên chuyến đi này làm anh hồi hộp vui mừng. Không chỉ Trung mà cả tàu 167 các chiến sĩ đều phấn khởi như trở về quê mẹ thân yêu của mình.
Biển sóng lừng mạnh nên tàu lắc, dù vậy người lái vẫn giữ cho vạch đỏ của la bàn trùng với 0 độ, tức là tàu đang hành trình thẳng hướng nam. Trên hải đồ thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc xác định tàu đang ở 15 độ vĩ bắc, tức là tàu đang ở vị trí vùng biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Lúc 13 giờ 45 phút bầu trời càng trở nên u ám. Trên không phận tàu 176 đang hành trình, một chiếc máy bay do thám của Mĩ như con chim diều hâu đáng ghét bay vè vè trên đầu. Con diều hâu nghiêng cánh bay thấp nhòm ngó xuống tàu. Có lẽ nó đang quay phim, chụp ảnh con tàu 176. Có lẽ những thông tin nghi ngờ con tàu lạ được báo về trung tâm chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mĩ. Chỉ sau ít phút, máy bay biến mất thì một chiếc tuần dương hạm to lớn của Mĩ trang bị tối tân, ăng ten ra đa trên đài chỉ huy quay như chong chóng xuất hiện.
Chiếc tuần dương hạm mở hết tốc lực đuổi theo tàu 167 nhỏ bé. Chiếc tàu 167 cũng đang mở hết tốc lực chạy về hướng nam trên hải phận quốc tế. Cuộc chạy đua làm sóng hai mạn hai con tàu tung lên trắng xóa thành cột trào lên mặt boong. Tuần dương hạm Mĩ nhiều lần đánh tín hiệu hỏi:
- Các anh tàu nước nào, làm nhiệm vụ gì?
Tàu 167 im lặng không đánh tín hiệu trả lời.
Sau bốn ngày bốn đêm, tàu Mĩ đuổi tàu 167 nhưng còn trên hải phận quốc tế nên tàu Mĩ không dám sử dụng hỏa lực. Cũng trên hải đồ lúc này thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc xác định tàu đã ngang với vĩ độ vùng biển Bến Tre, anh ra lệnh cho tàu rời vùng biển quốc tế, chạy về hướng tây để vào bờ. Chiến hạm Mĩ cũng tăng tốc rẽ hướng tây tiếp tục đuổi theo. Cuộc đuổi và chạy lần này dữ dội hơn, động cơ tàu rung lên, sóng tung quanh thân tàu thành những cột trắng mù mịt. Những con cá chuồn hoảng hốt tung mình lên không trung. Có lẽ dưới nước, từng đàn cá đủ các loài cũng đang hốt hoảng bởi sự chấn động dữ dội trên mặt nước. Chung quanh tàu 167 bây giờ không chỉ có một tuần dương hạm Mĩ mà thêm 12 tàu chiến HQ của hải quân Sài Gòn rạch nát mặt sóng tạo nên thế bao vây lao vào tàu 167. Đèn pha các tàu địch bật sáng và một loạt pháo 20 li nã vào hướng tàu 167 để cảnh cáo nhằm buộc tàu 167 phải dừng lại, tiếp theo chúng nổ một loạt đạn vào đài chỉ huy. Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc ra lệnh:
- Quay ra biển nhằm tàu Mĩ lao tới!
Tàu 167 đổi hướng quay ra biển và lao hết tốc độ. Khi gần tuần dương hạm Mĩ, các loại súng trên tàu 167 như DKZ, B40, B41, pháo 12 li 7, cả súng bộ binh AK nhất loạt nhả đạn vào con cá mập khổng lồ. Đạn lửa xé màn đêm lao vào thân tàu Mĩ. Tàu Mĩ bị thương dập mũi. Cùng lúc 13 tàu địch tập trung hỏa lực bắn vào tàu 167. Cuộc hải chiến không cân sức và tàu 167 tổn thất nặng nề. Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc bị đạn cắt cụt một chân. Anh vẫn không rời vị trí chỉ huy đồng đội tác chiến. Thuyền phó Đình Thạnh trúng đạn tựa lưng vào cabin, máu anh phun cầu vồng khi đang trong tư thế chỉ huy hỏa pháo con tàu. Phạm Minh Lương chiến sĩ mật mã gục xuống trong phòng cơ yếu khi anh đang mã hóa bức điện cuối cùng của tàu 167 gửi về Tổng hành dinh. Trần Ninh Lương chiến sĩ báo vụ gục xuống bàn máy vô tuyến khi anh đang phát tín hiệu về Tổng hành dinh. Chiếc vô tuyến điện nhuộm đầy máu của người chiến sĩ thông tin. Lê Văn Nang hi sinh khi tay vẫn nắm chặt cò khẩu 12 li 7, máu anh đỏ thắm mặt boong. Lê Minh Tăng bị đạn làm vỡ bụng, ruột chảy hết ra ngoài tay vẫn ôm B41 bóp cò.
Một phát pháo của tàu địch bắn trúng buồng máy. Máy tàu hỏng, nước tràn vào hầm tàu. Trái tim của con tàu ngừng đập, tàu dừng hẳn không chuyển động được nữa. Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc ra lệnh cho các chiến sĩ còn khỏe mạnh đem theo những người bị thương nhảy xuống biển bơi vào bờ. Tiếp theo anh ra lệnh hủy tàu, lệnh cài giờ mười lăm phút điểm hỏa tàu sẽ nổ. Các thủy thủ ôm đồng đội bị thương nhảy xuống biển. Pháo địch vẫn bắn vào tàu như mưa và bắn vào những chiếc phao có thủy thủ đang lóp ngóp cố bơi vào bờ. Mười lăm phút trôi qua, một tiếng nổ dữ dội rung chuyển mặt biển Bến Tre, một cột lửa bốc cao mười mét, một tấn thuốc nổ điểm hỏa cộng với 64 tấn đạn dược vũ khí thuốc nổ cùng phát nổ.
Biển trời như choáng váng. Xung lực của tiếng nổ làm sóng dựng cột như sóng thần dào dạt đẩy các chiến sĩ dạt vào bờ. Mảnh vụn của tàu 167 bay vun vút trên đầu tàu Mĩ - nguỵ. Xung lực sóng làm những chiến hạm của chúng nghiêng ngả. Lính Mĩ và ngụy khiếp đảm kinh hoàng cho tàu lùi ra xa. Các chiến sĩ còn lại của tàu 167 nhìn con tàu thân yêu của mình biến thành cột lửa bốc cao và không còn trên mặt nước nữa. Họ biết con cá kình 167 cùng mười đồng đội của họ đã anh dũng hi sinh, không cho địch bắt sống con tàu. Thân thể con tàu và đồng đội đã hòa vào biển cả Bến Tre quê hương thân yêu của họ.
Trên phao vào bờ do đạn địch bắn còn thêm chiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Hữu Hoạt hi sinh. Chính trị viên Trần Huỳnh Trung bị thương vào mắt, Nguyễn Cảnh Miêu bị thương vào hậu môn. Trận hải chiến không cân sức này tàu 167 không còn, mười ba chiến sĩ hi sinh, chỉ còn năm người bơi suốt đêm, sáng hôm sau sóng đánh dạt họ vào bờ.
Nơi con tàu 167 và 13 chiến sĩ hi sinh, sau đó bỗng nhiên nổi lên một cái cồn được nhân dân Bến Tre gọi là Cồn Tàu. Nơi địa danh này nay giáp ranh hai xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến tre. Năm 2010, tại Cồn Tàu, nhân dân xây đài tưởng niệm nơi con tàu 167 đã nổ và mười chiến sĩ hi sinh. Đài vươn cao hướng ra biển cả. Biển cả vẫn mênh mông hát bài ca muôn thuở, ru ngủ linh hồn 13 chiến sĩ Hải đoàn đã quên mình vì sự nghiệp lớn lao.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-66-a16249.html