Chào mừng ngày di sản văn hóa việt nam (23/11):  Tác giả trẻ ra mắt ca khúc mang âm hưởng ca trù

Hướng đến Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, mới đây, ca khúc dân gian đương đại “Thực lục” – sự kết hợp giữa ca trù với âm nhạc hiện đại, đã được ra mắt trong chuỗi hoạt động “Muôn nẻo đường tơ” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức.

ra-mat-ca-khuc3-1668474370.jpg
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được giới thiệu trong chuỗi hoạt động “Muôn nẻo đường tơ”

 

“Thực lục” của tác giả Trần Đức Anh là sản phẩm âm nhạc mới lạ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhạc pop với giai điệu mang âm hưởng của nghệ thuật ca trù. Nhạc pop và ca trù là hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng đối lập, nhưng qua “Thực lục” lại được biến tấu tài tình tạo nên một tổng thể mượt mà, cuốn hút.

Lý giải về cái tên “Thực lục”, thì “thực” có nghĩa là đúng đắn; “lục” là ghi chép, “thực lục” là ghi chép lại một cách trung thực, khách quan. Đó là sứ mệnh “tối thượng” của mỗi sử quan ở bất kỳ thời gian nào, không gian nào. Thông qua tác phẩm “Thực lục”, công chúng như được hóa thân thành một sử quan (quan chép sử) thời xưa, được “chứng kiến” quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cùng với đó là những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một sử quan về lịch sử. Có thể ví “Thực lục” như một thiên sử thi hùng tráng, nhưng cũng không kém phần ngưng đọng, sâu sắc.

ra-mat-ca-khuc1-1668474370.jpg
Tác giả Trần Đức Anh chia sẻ về ca khúc “Thực lục” tại buổi họp báo

 

Bất ngờ là ca khúc nàu được tác giả viết cả lời và nhạc cách đây đã gần 10 năm, khi anh còn là một câu học sinh lớp 10. Ngay từ khi mới 15 tuổi, Đức Anh đã say mê ca trù, đến nỗi ngay cả trong lớp học anh cũng đeo tai nghe, để nghe băng ghi âm của các nghệ nhân ca trù hát và học theo.  “Thực lục” chính là kết quả của hơn một năm trời tìm tòi, sáng tạo của cậu bé Trần Đức Anh. Bẵng đi một thập kỷ, sau khi được bạn bè và gia đình động viên, Đức Anh đã cùng với nhóm Đình Làng Việt tiến hành sản xuất và hoàn thiện một cách trọn vẹn tác phẩm này.

Để tạo nên một nhạc phẩm dân gian đương đại thì ca từ có lẽ là yếu tố quan trọng hơn cả, chỉ thoáng nghe, người nghe nhạc đã cảm nhận được sức lôi cuốn của sự dân dã, mộc mạc mang đậm dấu ấn của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những hình ảnh của Kẻ Chợ, sông Nhị Hà (sông Hồng), đất kinh kỳ,… được tái hiện sinh động thông qua hệ thống ngôn từ của tác giả, cùng với đó là những chiêm nghiệm về thế thái, nhân tình, với những biến thiên, bể dâu của dặm dài lịch sử.

Phần giai điệu là một điểm nhấn quan trọng của cả ca khúc, được hòa tấu bởi nhiều nhạc cụ dân tộc mang tính đặc trưng, biểu tượng, như: đàn nguyệt, trống đế, mõ, sênh tiền,… Ca khúc có một số câu hát gây ấn tượng cho người nghe như: “Khuất lấp một dòng ngựa xe/Trận thế trập trùng mộng được hư không/Ta đứng ngoài vòng lợi danh/Viết những dòng đời khen chê nhân thế,… hay: đời người thì lâu/ người viết sử nay còn đâu nữa/ cho con cháu được nghe chuyện ngàn đời ông cha,…

Đánh giá về tác phẩm, nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh nhấn mạnh: “Một vài điểm độc đáo mà tôi cảm nhận được là văn từ và cách sắp đặt ca từ của “Thực lục” đã tương đối mang nét âm hưởng của ca trù, và được kết hợp hài hòa cùng tinh thần của đời sống đương đại, đó là điều tôi rất mừng. Mong rằng Trần Đức Anh sẽ tiếp nối trên con đường đưa năng lượng sáng tạo của mình, cùng với gia tài di sản mà tổ tiên để lại, tạo thành một di sản mới cho thời đại, và dùng được cho đời sống hôm nay, để người ta có thể nghe được và yêu được!”.

ra-mat-ca-khuc2-1668474370.jpg
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh nhận thấy một số điểm độc đáo trong ca từ của “Thực lục”

Ca trù là loại hình nghệ thuật dân gian với phong cách truyền đạt ngôn ngữ và giai điệu, nhịp rất phóng khoáng và đặc sắc. Vừa có thơ, vừa có nhạc, ca trù là loại hình nghệ thuật thịnh hành nhất nhì tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta từ thế kỷ 15.

Thực trạng hiện nay cho thấy nguy cơ mai một và vĩnh viễn mất đi ca trù là rất dễ xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc, để ca trù không bị mai một. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi một sự đầu tư thích đáng và cả sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng.

Tác giả Trần Đức Anh mong muốn thông qua "Thực lục” có thể lan tỏa được tình yêu lịch sử, văn hóa Việt Nam, rộng hơn là tình yêu đất nước, con người đến với người trẻ. Từ lâu, Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế nhận định là một trong số các quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và có truyền thống văn hiến, bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng niềm tự hào chân chính đó chỉ có giá trị khi người Việt Nam, nhất là giới trẻ thấu hiểu, trân trọng và tiếp nối truyền thống đáo tự hào đó. Do vậy, những hướng đi của thế hệ trẻ từ việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng sẽ góp phần lớn vào việc khơi dậy tình yêu đất nước, minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong trái tim người trẻ.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, thị trường âm nhạc đã xuất hiện nhiều album, MV ca nhạc dành cho giới trẻ khai thác yếu tố truyền thống, chất liệu lịch sử và dân gian. Chính điều đó đã tạo cho bức tranh về âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ trở nên đa màu sắc và tạo sự ảnh hưởng nhất định đến công chúng.

Tác phẩm “Thực lục” sẽ được Trần Đức Anh và nhóm Đình Làng Việt trình diễn tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội vào tối 18/11/2022 sắp tới.

Tác giả Trần Đức Anh sinh năm 1997, tại Hà Nội, anh tốt nghiệp ngành Báo chí và Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), và hiện đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí – truyền thông. Anh đã có nhiều tác phẩm âm nhạc mang phong cách dân gian đương đại như: “Tom chát”, “Ai hát đồng dao?”, “Cái trống chầu”, “Giữa đường đứt gánh”, “Thực lục”,

 

Nguyễn Lâm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chao-mung-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-2311-tac-gia-tre-ra-mat-ca-khuc-mang-am-huong-ca-tru-a16290.html