Người lính quê Nam Định sống trên quê hương Xô viết

Bởi liên quan nhiều công việc như bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế… Từ xưa nay, người của tỉnh Nam Định sống trên đất Nghệ An không ít. Trong đó có Ông Nguyễn Hữu Cử đã cùng dân phố chúng tôi xây nên một cuộc sống cộng đồng tươi đẹp.

Ông Nguyễn Hữu Cử sinh 1939, trong một gia đình thuần nông ở Nam Trực (nam Định). Bố mẹ đặt tên Nguyễn Văn Sung (Có lẽ ý nguyện của bố mẹ muốn ông sung sướng nên mới đặt tên ấy). Là con thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em trai. Bố ông, bị giặc Pháp bắt vì nghi có hoạt động Việt Minh. Chúng dã man tra khảo ông cho đến chết tại nhà.

Căm thù giặc xâm lược, năm 1964, Sung đổi tên là Nguyễn Hữu Cử. Rồi xung phong nhập ngũ đi chống Mỹ cứu nước (Đợt ấy, em trai cùng lên đường và em đã hy sinh vì tổ quốc năm 1968 tại Quảng Bình).

dh1aq2-1668569639.jpg
Tác giả bài viết.

 

Trên đường hành quân vào Miền Nam, đến Vĩnh Linh, ông Cử bị bệnh kiết lỵ, phải dừng lại điều trị. Bệnh tình giảm, ông được quân khu cho đi học lớp trung cấp hậu cần. Ra trường ông được gọi về Ban tài vụ Quân khu 4 công tác.

Suốt 8 năm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời liên tục 8 năm ông được đơn vị bầu là chiến sỹ thi đua - Một gương sáng - được cô cựu TNXP đơn vị 333 Ngũ Thị Hải quê ở Thanh Chương – Nghệ An chú ý. Ông cũng cảm tình với cô Hải bởi cô đã có chiều dày chiến công trên mặt trận giao thông vận tải ở Truông Bồn lịch sử.

Mãi đến năm 1975, đất nước được thống nhất, cô Hải chuyển ngành về làm nhân viên kỹ thuật Bệnh viện I Nghệ Tĩnh. Yêu nhau mãi đến năm 1980, Ông được phục viên với quân hàm Trung úy, hưởng chế độ bệnh binh mất sức 2/3. Không có lương hưu, ông chỉ nhận chế độ 1 lần. Ông sắp xếp mọi chuyện gia đình, rồi tổ chức đám cưới trong niềm thương yêu của đồng đội, bạn bè và người thân.

Để vượt qua đói nghèo, thời bao cấp sau chiến tranh. Ông sắm 1 xe 3 gác kéo, để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Khách hàng của ông là những người xóm giềng thân quen. Ai gọi ông chở gì, vào lúc nào ông cũng vui vẻ phục vụ. Xem như có công việc để làm và được giúp họ, ai trả công bao nhiêu cũng vui lòng. Có lần, kéo một xe quá nặng, giây chằng xe ba gác bị đứt, hàng đổ xuống, mất thăng bằng càng xe đập vào miệng, ông bị gẫy mất mấy cái răng.

Khi thành phố Vinh được cấp trên cho quyết định nâng cấp loại 1 đồng thời khu dân cư vùng tôi ở, được thành lập thành khối Trung Đông (nay là khối Trung Hưng- Phường Hưng Dũng). Phần lớn là công nhân viên nghỉ hưu, dân góp. Ông Cử được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Ông vui vẽ tích cực (ăn cơm nhà vác ngà voi). Rồi được cấp trên tín nhiệm cho quyết định làm khối phó, Kiêm cả hội trưởng Hội người cao tuổi. Năm 1990, cô Hải được nghỉ hưu, các con ông bà thứ tự được học hành. Nhà ông bà bao giờ cũng rộn ràng đông vui. Từ lúc khối dân chưa có hội quán, nay đã đầy đủ và đã được cấp trên quyết định khối văn hóa nhiều năm liền. Nhà ông vẫn như trụ sở để cán bộ khối hội ý chớp nhoáng, vui chơi ván cờ, uống nước, trò chuyện. Họ nói về vùng lúa hay ngành dệt... về các nhà văn, nhà báo quê ông. Và bàn luận cả những bát phở Nam Định nổi tiếng trên mọi miền đất nước.

Ai có mâu thuẫn, xích mích ông giải thích ổn thỏa, công bằng. Bởi vì ai cũng muốn nghe ông, tin cậy ông. Ông bà là một trong 5 cặp vợ chồng đều là hội viên CCB; sinh hoạt tích cực ở khối xóm. Cuộc họp nào ông bà cũng có mặt đúng giờ, vui vẻ lắng nghe thông tin thời sự của đất nước, ý kiến của đồng đội... Nhưng về kinh tế gia đình, ông bà mới thoát nghèo. Nhà gần chợ, ông bà thấy (vô thương thì bất phú). Dù đã từng hoạt động ở lĩnh vực (vì nhân dân quên mình), không biết kinh doanh, buôn bán. Nay chuyển sang kinh tế thị trường, ông bà đắn đo rồi bàn nhau chuyển hướng, quyết định nghỉ nghề xe ba gác; cho vợ đi chợ. Bước đầu chọn mớ rau, quả cà sạch; vừa ít vốn lại được nhiều khách dùng (lấy công làm lãi), thâm tâm cũng e dè, đắn đo rồi ông bà quyết chí làm. Phiên chợ nào cũng trọn vẹn. Hết hàng và quen dần.

Đã 20 năm, dù sức khỏe của hai người vẫn gầy yếu, ông bà vẫn hữu ái, đều tay. Ông lo từng quả cà, mớ dưa, lo cơm nước và việc xóm làng, chăm sóc các cháu. Bà luôn ở chợ, siêng năng như con ong mật, tích tiểu thành đại có thêm thu nhập chính đáng. Ông bà trả hết nợ cho ngân hàng và bạn bè cho vay. Tổ chức cưới vợ, tìm việc làm cho con. Ông bà còn sửa được nhà. Không to nhưng cũng đủ cho con cháu đi về sum họp đàng hoàng và ấm cúng. Ông còn có công vận động mọi người thực hiện mọi quy chế của khối, xóm có hiệu quả như thuế má, tình đoàn kết, cuộc sống văn minh - Vệ sinh môi trường và thực hành tiết kiệm, gây quỹ từ thiện trong hội phụ nữ địa phương, quỹ vì đồng đội của Hội CCB. Thực hiện tốt những đợt vận động ủng hộ nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa - hải đảo. Nghe theo ông - bà con góp đủ chỉ tiêu, nạp đúng thời gian quy định.

Hàng ngày ông vẫn lạc quan yêu đời sáng tác thơ. Là hội viên của hội thơ phường Hưng Dũng. Thơ của ông ở thể nào cũng ca ngợi tình yêu gia đình, quê hương đất nước con người - Ca ngợi Đảng và Bác Hồ quang vinh.

Tới năm 2013 ông bị cơn bệnh hiểm nghèo qua đời. Cả khối dân cư tôi ở vô cùng thương tiếc. Bởi một quả tim người lính lại ngừng đập sau chiến tranh. Ông Nguyễn Hữu Cử quê Nam Định đã để lại tình cảm sâu nặng cho mỗi người

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-linh-que-nam-dinh-song-tren-que-huong-xo-viet-a16311.html