Gần cuối chương trình đã nghe chén bát khua lách cách ở phòng kế bên. Sau khi kết thúc chương trình “nghị sự”, tới phần quan trọng nhất là được cầm đũa nâng ly. Những người ngồi ở dãy sau cùng gần cửa ra vào nên “tiếp cận” món ăn nhanh hơn những người ngồi phía trên cùng. Tôi chậm rãi đi qua nhiều dãy bàn ăn, thấy đĩa người nào người nấy đầy vun thức ăn. Những người chậm chân, đủng đỉnh như tôi khi đến chỗ bày thức ăn thì món ngon không còn, chỉ còn lại những món dành cho người “ăn kiêng”. Thôi đành gắp miếng bún xào, nhón tay lấy thêm trái táo rồi tìm bàn ngồi. Đưa mắt liếc những chiếc bàn khách ăn xong đã về, tôi thở dài ngao ngán trước cái “nết ăn” của những người ăn mặc sang trọng, phấn son loè loẹt. Đồ ăn thức uống vương vãi, thừa mứa bỏ lại đầy trên bàn, trên đĩa. Ông bà ta có dạy: “Miếng ăn là miếng tồi tàn…“ hay: “Liệu cơm gắp mắm…”. Chính cái thói “tham ăn tục uống” của một số người Việt Nam gây hình ảnh xấu với người nước ngoài. Mỗi khi được dự tiệc buffet là họ chen lấn nhau để gắp cho đã tay dù biết rằng mình không thể nào “ngốn” hết. Con mắt họ to hơn cái bụng nên họ không nghĩ đến người khác chậm chân.
Có lần, tôi đi du lịch qua Sing, ở khách sạn có đãi ăn sáng buffet. Cô hướng dẫn viên “quán triệt” trước: quý khách ăn bao nhiêu, gắp bấy nhiêu; gắp nhiều, ăn không hết họ cân chỗ thừa và phải trả tiền gấp đôi. Có một bà đi cùng đoàn “lỡ tay” gắp hơi nhiều, cố gắng ăn không hết. Sợ bị phạt, ông chồng vừa ăn phụ vừa càm ràm “đúng là bà, con mắt to hơn cái bụng”. Người Việt Nam đi ra nước ngoài (nhất là Singapore) chấp hành luật lệ nước sở tại rất tốt: ăn hết suất, không xả rác bừa bãi… Bởi vì, nếu không chấp hành sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Ước gì, ở Việt Nam những chỗ có bảng cấm đái bậy, cấm đổ rác, cấm hút thuốc nơi công cộng… kèm theo chế tài thật nặng mới mong lập lại vệ sinh môi trường cho đất nước.
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Kim Hoa
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/an-bup-phe-buffet-a16351.html