Chia sẻ với phóng viên, cô Thạch Kim Thanh, ấp Vĩnh Trinh, chia sẻ cô đã có gắn bó với nghề đan cần xé của gia đình từ khi còn nhỏ, sau đó gia đình chuyển sang mua tre, trúc về rồi mướn nhân công làm, lúc cao điểm trong nhà luôn có từ 10 đến 15 người làm. Người làm giỏi, làm nhanh, ít phải sửa sản phẩm 01 ngày đan được 10 cần xé hoặc hơn, người làm chậm thì ít hơn nên 4 người một ngày đan được 10 cần xé vì mỗi người làm một công đoạn. Do đó, thu nhập nhiều hay ít phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Giá nhân công đổ đồng từ 50.000 đến 350.000đ tuỳ theo người làm nhanh hay chậm nhưng trung bình là 100.000đ đến 150.000 đ/người.
Nguyên liệu tạo nên cần xé là tre và trúc. Tre, trúc ở địa phương không đủ cung cấp nên phải đặt mua ở nơi khác chở về. Tre, trúc mua về phải được dùng vào đan cần xé ngay vì để lâu sẽ bị hư, ảnh hưởng đến chất lượng, màu sắc của cần xé. Còn nếu muốn để được lâu thì tre phải được ngâm dưới nước khoảng nửa tháng, trúc để trên bờ, che phủ kín để không bị phai màu cần xé.
Cần xé được đan theo nhu cầu của khách hàng mà có kiểu dáng, sức chứa khác nhau nên giá của mỗi chiếc cần xé cũng khác nhau, có loại giá lớn 150.000đ/cái, loại nhỏ 50.000đ/cái. Trong nhà lúc nào cũng có hàng dự trữ từ 500 đến 1.000.000 chiếc cần xé.
Để tạo đầu ra cho những hộ dân đan cần xé trong ấp, cô đứng ra đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm cần xé của người dân để cung cấp cho bạn hàng giúp người dân có đầu ra của sản phẩm ổn định, tạo thu nhập bền vững cho người dân lúc nông nhàn.
Nghề đan đát trên địa bàn ấp hình thành Tổ hợp tác tạo công ăn việc làm gần 40 hộ gia đình. Nghề đan đát được người dân tận dụng vào thời gian nhàn rỗi. Người thợ đan với bàn tay khéo léo của mình đã tạo ra những sản phẩm như: cần xé, mê bồ, bội gà,... dùng trong cuộc sống hàng ngày với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong ấp, tạo thu nhập cho người dân địa phương trang trải cuộc sống góp phần ổn định cuộc sống.
Sản phẩm từ nghề truyền thống đan đát được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013 và 2017 được công nhận là làng nghề truyền thống đã góp phần đưa sản phẩm gần gũi với người nông dân đến nhiều người trong vùng và giữ gìn làng nghề truyền thống không bị mai một.
Để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống đan đát, cần khắc phục nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thay đổi về mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thích hợp với thị trường, xây dựng được thương hiệu, uy tín; đồng thời có định hướng quy hoạch đất trồng cây nguyên liệu, hoặc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ...
Trương Anh Sáng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-de-nghe-dan-dat-truyen-thong-khong-bi-mai-mot-a16360.html