36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Ky2.

SỰ KIỆN 1:  HÀ NỘI TRỞ THÀNH KINH ĐÔ CỦA NHÀ NƯỚC ÂU LẠC (208-179 T.C.N).

          Bên cạnh người Lạc Việt, tồn tại tộc người Âu Việt khoảng miền Cao Bằng do Thục Phán đứng đầu. Nhiều nhà sử học cho rằng người Âu Việt là tổ tiên của người Tày. Vào cuối thiên niên kỷ I trước công nguyên (T.C.N) nhu cầu trị thuỷ những con sông lớn (sông Hồng…), nhu cầu chống ngoại xâm, nhu  cầu giao lưu văn hoá, kinh tế, xã hội giữa người Lạc Việt Và Âu Việt đòi hỏi bức thiết phải thống nhất người Lạc Việt và Âu Việt thành một dân tộc quốc gia mạnh mẽ hơn trên cơ sở một trình độ phát triển mới mà tiêu biểu là công cụ đồ sắt đã trở thành phổ biến. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di chỉ đồ sắt trên đất Hà Nội khoảng 500 năm Tcn: di chỉ Hữu Châu, Gò Chùa Thông (Thanh Trì), Trung Mầu, Đa Tốn (Gia Lâm), khu di tích Cổ Loa, Đình Chàng, Đình Mây (Đông Anh), ven Tây Hồ (Quận Tây Hồ), Ngọc Hà (Quận Ba Đình)[1]. Nếu như thời đại Văn Lang công cụ chủ yếu là đồ đồng thì công cụ thời Âu Lạc chủ yếu là đồ sắt. Như vậy với những di chỉ đồ sắt đã nêu ở trên chứng minh nhà nước Âu Lạc ghi đậm dấu ấn ở đất Hà Nội.

aulac-1668774085.jpg
Hà Nội trở thành kinh đô của nhà nước Âu lạc (208-179 T.C.N). Nguồn: Internet.

 

Đáp ứng nhu cầu của lịch sử thống nhất hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt thành nhà nước Âu Lạc, năm 208 Tcn vua Hùng Vương thứ XVIII đã nhường ngôi cho Thục Phán thủ lĩnh người Âu Việt, người có tài năng, đã từng đánh bại 50 vạn quân xâm lược  nhà Tần do tướng Đồ Thư chỉ huy bằng cuộc chiến tranh du kích lâu dài. Triều đại Hùng Vương khai thiên lập địa mở mang dựng nước tồn tại từ khoảng hơn 1000 năm Tcn đến năm 208 T.C.N thì đi vào lịch sử với 18 đời vua:

-Hùng Dương Vương (Tức Lộc Tục –Kinh Dương Vương)

-Hùng Hiền Vương (Tức Sùng Lãm-Lạc Long Quân)

-Hùng Lân Vương.

-Hùng Việp Vương.

-Hùng Hy Vương.

-Hùng Huy Vương.

-Hùng Chiêu Vương.

-Hùng Vĩ Vương.

-Hùng Định Vương.

-Hùng Hi Vương

-Hùng Trinh Vương.

-Hùng Võ Vương.

-Hùng Việt Vương.

-Hùng Anh Vương.

-Hùng Triều Vương.

-Hùng Tạo Vương.

-Hùng Nghị Vương.

-Hùng Duệ Vương[2].?

Thục Phán lên ngôi vua xưng là An Dương Vương, đặt tên nước Âu Lạc. Thục Phán đã nhìn thấy tầm quan trọng của vùng đất Hà Nội nên đã dời đô từ Việt Trì về Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.). “ Việc dời đô từ vùng trung du xuống miền đồng bằng là một biểu hiện của sự phát triển lớn mạnh của dân tộc ta”[3]. Như vậy vùng đất Hà Nội lần thứ nhất thành kinh đô, trung tâm chính trị của quốc gia Âu Lạc.

          Cư dân Âu Lạc nói chung và cư dân Hà Nội khi đó có trình độ kỹ thuật xây dựng khá cao, điều đó thể hiện ở việc xây dựng thành Cổ Loa. Thành được xây dựng trên khu đất cao, rộng khoảng 400 ha ở tả ngạn sông Hoàng Giang ( sông Thiếp) nối sông Hồng với sông Cầu và qua sông Cầu tới sông Lục Đầu. Thành xây 9 vòng thành nên gọi là Cổ Loa, dài tổng cộng 16 km. Chân thành kè đá. Trên mặt thành có nhiều ụ đất cao hơn mặt thành làm vọng canh gác, còn là nơi đặt nỏ liên châu (bắn một lần ra nhiều mũi tên đầu bịt đồng), một trong những vũ khí lợi hại của quân đội Âu Lạc. Phía ngoài thành có hào sâu như sông và rộng cho thuỷ quân và thuyền bè đi lại. Ở hồ Đầm Cả rộng mênh mông có thể tập kết hàng trăm chiến thuyền, có thể triển khai chiến đấu ra sông Hoàng Giang, sông Hồng và tiến ra Lục Đầu Giang, sông Bạch Đằng. Như vậy thành Cổ Loa vừa là kinh đô vừa là căn cứ quân sự, vừa là căn cứ bộ binh vừa là căn cứ thuỷ quân. Nếu như thời kỳ Văn Lang quân đội chỉ là dân binh thì đến thời Âu Lạc đã xây dựng quân đội chính qui, quân đội thường trực, ít nhất là đã có hai quân binh chủng bộ binh và thuỷ binh, bên cạnh đó vẫn duy trì dân binh. Nhiều di vật khaỏ cổ học và đặc biệt là thành Cổ Loa đã nói lên sự phân hoá xã hội thời Âu Lạc là sâu sắc. Vòng thành ngoài dành cho cư dân, bên trong là nơi ở của quan lại cao cấp, tiếp theo là trụ sở của các cơ quan công quyền và trong cùng là nơi ở làm việc của An Dương Vương và Hoàng gia.

          Thành Cổ Loa là công trình lớn, sáng tạo của nhân dân Âu Lạc và dân cư Hà Nội. Thành minh chứng nghệ thuật tài giỏi của người Âu Lạc, nghệ thuật chế tạo cung và sử dụng cung nỏ, nghệ thuật thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền.

          Như vậy, thời kỳ cổ đại, buổi bình minh của đất nước, kinh đô thứ nhất là Việt Trì, kinh đô thứ hai là Cô Loa thuộc vùng đất Hà Nội. Đất nước Âu Lạc vẫn chia thành các Bộ, Bộ là đơn vị hành chính lớn nhất, lãnh thổ vẫn như thời Hùng Vương, toàn bộ miến Bắc đến Quảng Bình (ngày nay). Từ kinh đô Cổ Loa An Dương Vương thực hiện quyền lực của mình trên toàn lãnh thổ. Giúp việc cho An Dương Vương ở Trung ương có các Đại thần Cao Hầu, Cao Lỗ… Đây là nhà nước quân chủ chủ nô đang tiến tới xu hướng tập quyền.

          Trong khi nhân dân Âu Lạc đang xây dựng đất nước thì phía bắc cục diện chính trị có nhiều thay đổi. Trước đó, năm 221 T.C.N Tần Thuỷ Hoàng đánh bại 6 nước trong cục diện chiến quốc Sở, Ngụy, Yên, Tề, Hàn, Triệu, thống nhất Trung Quốc. Với việc nhà Tần cai trị toàn Trung Quốc, chế độ nô lệ kéo dài hơn 2000 năm kết thúc, Trung Quốc bước sang xã hội mới: xã hội Phong kiến. Năm 206 T.C.N nhà Tần bị Hạng Vũ và Lưu Bang lật đổ. Năm 206 T.C.N đến 202 T.C.N Trung Quốc rối ren bởi cuộc chiến tranh giữa Lưu Bang và Hạng Vũ, sử gọi là chiến tranh Hán-Sở. Nhân cơ hội đó, một viên Hiệu uý của nhà Tần là Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương, tách tỉnh Quảng Đông thành lập nước Nam Việt, kinh đô Phiên Ngung (nay là thành phố Quảng Châu). Để mở rộng lãnh thổ, Triệu Đà đã nhiều lần phái quân xâm lược Âu Lạc nhưng đều bị An Dương Vương đánh bại.

          Không chiến thắng được bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà dùng gian kế, cho Trọng Thủy là con của Triệu Đà kết duyên với công chúa Mỵ Châu con gái của An Dương Vương, rồi cho Trọng Thuỷ sang ở gửi rể tại Loa Thành. Trọng Thuỷ đánh cắp được bí quyết của lẫy nỏ (nỏ thần). Nhờ đó trong cuộc tấn công xâm lược vào năm 179 Tcn, thành Cổ Loa thất thủ. An Dương Vương đèo con gái lên ngựa chạy đến vùng nay thuộc Diễn Châu (Nghệ An). Nghi ngờ con gái phản bội An Dương Vương rút gươm chém chết Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự vẫn.

          Nước Âu Lạc tồn tại từ 258 T.C.N đến 179 T.C.N thì mất.

          Nguyên nhân mất nước không phải là lực lượng quân sự Âu Lạc yếu hơn Nam Việt mà là do An Dương Vương không cảnh giác, lẫn lộn việc nước với việc nhà. Không nhìn nhận được sự việc nhưng An Dương Vương lại không biết nghe lời can gián phải  và đúng của các đại thần. Khi Triệu Đà cầu hôn và xin cho Trọng Thuỷ ở gửi rể, Cao Hầu và Cao Lỗ hết sức can ngăn, nhưng “ trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói thẳng thường trái lỗ tai), An Dương Vương kiên quyết không nghe. Còn nàng Mỵ Châu thì “Trái tim lầm lỡ để lên đầu”, lấy tình cảm thay cho lý trí. Chúng ta không tin có lẩy nỏ thần để Trọng Thuỷ lấy cắp thì cả nước bại vong. Nhưng chuyện có thật ở đây là khi đã vào được Cổ Loa thành, trong khi hai bên đang giao chiến thì y có thể làm nội ứng mở cổng thành cho quân Nam Việt tràn vào. Hoặc trước khi trận chiến bắt đầu, qua Trọng Thuỷ - Triệu  Đà đã nắm được toàn bộ qui luật hoạt động của thành Cổ Loa, đặc biệt là hoạt động quân sự để  dựa vào điểm yếu nhất của Cổ Loa mà bất ngờ tấn công. Thất bại của Âu Lạc năm 179 T.C.N đã nói lên rằng các thế lực phong kiến Trung Quốc khi đã rắp tâm xâm lược thì thường thi hành những gian kế, chuẩn bị bài bản lâu dài. Một trong những gian kế thâm độc là đánh vào tình cảm, bằng bang giao, tìm cách thâm nhập sâu vào nội địa, thậm chí vào được cả những nơi trọng yếu nhất, kể cả kinh đô, thu thập tình hình, sau đó tuỳ cơ ứng biến, có thể nội ứng cho quân đội tràn vào. Thất bại của Âu Lạc năm 179 T.C.N là bài học cảnh giác cao độ đối với kẻ thù xâm lược: không được để lợi ích trước mắt lu mờ lợi ích lâu dài, không được để lợi ích tập đoàn, lợi ích gia đình trên lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

          Thất bại của Âu Lạc năm 179 T.C.N đem lại nhiều thảm hoạ, cả vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đều chết. Nước mất nhà tan. Cả dân tộc thống khổ dưới ách ngoại bang hơn 1000 năm (179 tcn-938); thành Cổ Loa tan tành, dân cư Cổ Thành hẳn là chết chóc, thống khổ lầm than không kể xiết. Đó là thảm hoạ thứ nhất của kinh đô trên đất Hà Nội xưa.

(Còn nữa)

CVL

--------------

[1] ..Công ty du lịch Việt Nam-Hà Nội.Hướng dẫn du lịch Việt Nam.T1. Hà Nội 1993..Tr. 6.

[2] . Hùng Triều ngọc phả. Dẫn theo Nguyễn Khắc thuần. Việt sử giai thoại. T1. NXB Giáo dục. H. Tr.109.

[3] .Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam. T1. NXB Khoa học xã hội.H.1971. Tr.68.

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-2-a16364.html