Gian nan một thuở vào những năm 1960, học sinh lớp Một viết bút chì, từ lớp Hai trở lên sử dụng cây bút “lá tre”; cây bút này có chiếc cán bút bằng gỗ nhẹ, dài khoảng 15 cm, một đầu lớn có lỗ để cắm ngòi bút, trở nên thuôn nhỏ dần về đuôi. Ngòi bút “lá tre” như tên gọi giống chiếc lá tre thuôn nhỏ, cuốn lại hơi úp vào trong, chính giữa có cái lỗ kim hình “giọt nước” để giữ một ít mực sau khi chấm vào lọ mực. Sử dụng thứ bút này học trò đi học đem theo một bình mực; con nhà khá giả thì mua dùng loại bình mực bán sẵn, với con nhà khó khăn thì mua mực viên bán ngoài chợ hay trong cửa hàng Mậu dịch (màu xanh, đen hoặc tím); mỗi viên bằng hạt đỗ đen; đem về hòa với nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, vào tháng 8 hàng năm, cửa hàng thương nghiệp quận, huyện sẽ căn cứ số lượng lớp, học sinh từ Phòng Giáo dục báo cáo để phân phối về các xã, phường tập vở (nhãn hiệu Việt Trì, Bãi Bằng giấy vàng) và bút, mực, phấn trắng, phấn màu và văn phòng phẩm. Đối với sách giáo khoa thì phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty Sách và Thiết bị trường học cấp tỉnh.
Lịch sử bút, mực theo các nhà khảo cổ, người Ai Cập cổ đại lấy ống sậy chuốt nhọn một đầu làm bút. Sau đó người La Mã chế tạo ra bút sắt hay bút kim loại, lúc ấy giấy chưa ra đời nên họ viết chữ trên chiếc bình gốm, thẻ gạch nung. Rồi họ dùng đến xương động vật, gỗ, tre, trúc làm bút. Giấy thời cổ đại ra đời (gọi là papyrus) người ta mới sử dụng cây sậy làm bút và mới biết dùng da thú làm giấy.
Đến thời kỳ con người biết sử dụng bút lông, chữ “viết” trở thành một nghệ thuật thư pháp, các vị vua chúa chỉ dùng bút lông loài chim quý hiếm. Văn hào Victor Hugo là người ưa thích cây bút lông nhất; ông đã thề “Không bao giờ tôi đụng đến cây bút sắt”. Thi hào Lý Bạch (thời Đường) nằm mơ thấy cây bút lông nở hoa; từ điển tích này trong thi ca mới xuất hiện từ “bút hoa”. Tuy nhiên cây bút lông bất tiện khi viết xong người ta phải phơi bút cho khô. Đến cuối năm 1884, ông Lewis Wateman (NewYork, Mỹ) mới phát minh cây bút (ngòi sắt) hút mực sẵn ở bên trong. Đến giữa thế kỷ thứ XX ở Châu Âu xuất hiện loại bút mực cao cấp hơn với thương hiệu Montblanc, bút ấy gọi nôm na là bút máy.
Ở nước ta, làng Bạch Liên (còn gọi là làng Bạch, Thượng Phúc, Thường Tín, Hà Đông cũ) chuyên nghề làm bút lông từ thời thái thú Sĩ Nhiếp. Bút lông còn gọi là “mao bút”, bên Trung Quốc ngày xưa sử dụng tóc trẻ sơ sinh làm bút, ở nước ta, làng Bạch làm bút bằng lông mèo, nên hình thành ra chợ “Quán mèo” ở phía nam ngôi làng. Đây là chợ mua bán mèo, lấy lông làm bút. Theo các nghệ nhân cao niên trong làng Bạch, bút lông tốt phải làm bằng lông dọc sống lưng và lông đuôi của con mèo.
Truyền thuyết việc bán bút ở Nam Định và Bắc Ninh rất độc đáo. Người làng Bạch bán bút ngồi trong một chiếc chòi cao, che kín. Khách đứng dưới nói tên loại bút cần mua, người bán thả xuống một cái thúng nhỏ đựng bút trong đó, người mua chọn bút rồi bỏ tiền vào, người bán kéo lên. Họ tin người bán, người mua không biết mặt nhau thì lúc đi thi mới được may mắn.
Có lẽ trên thế giới không thủ đô nào có ngọn tháp “Bút” và đài “Nghiên” độc đáo như Hà Nội. Tháp “Bút” và đài “Nghiên” ở Hồ Gươm được xây dựng năm Tự Đức thứ XVIII (1865), theo ý tưởng của nhà nho Nguyễn Văn Siêu (văn như Siêu, Quát vô tiền Hán). Tháp có đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược, thân bút ba tầng, giữa có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh).
Vũ Hảo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-dong-doi-but-muc-a16383.html