Hà Nội: Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Tối 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), đã diễn ra lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và và Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía bắc lần thứ I, năm 2022.

1m-1668843256.jpg

Chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11) và 77 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).

Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cùng các vị lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương.

Đông đảo các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc các địa phương về dự sự kiện, các nghệ nhân, đồng bào thiểu số hiện sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân từ các địa phương, các nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên… tham gia các chương trình và hoạt động tại Làng.

11m-1668843327.jpg

Các vị lãnh đạo của các Bộ cũng như các Sở ban nghành, các vị khách mời và đông đảo người dân tới dự

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 với các hoạt động gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của các dân tộc, tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu các không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trong đó có các sự kiện lần đầu được tổ chức như trình diễn trang phục các dân tộc miền núi phía bắc lần thứ nhất, giải vật dân tộc quốc gia…

3m-1668843393.jpg
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng  Phát biểu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 hứa hẹn sẽ mang lại một bầu không khí vui tươi đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương văn hóa dân tộc, mang lại những trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, các chủ nhân tương lai của đất nước, để những thế hệ đi sau biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

4m-1668843504.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết với lá cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng 8 lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

5mm-1668843570.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hướng về Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuần Lễ Đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành các tổ chức, các cơ quan đơn vị tiếp tục chung sức đồng lòng, cùng góp sức phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Phó Thủ tướng đưa ra 3 đề nghị. Thứ nhất: Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động phong trào thi đua triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa đang được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng chữ viết của các dân tộc, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mặt trận các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài, chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ những người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khích lệ cổ vũ tinh thần tự lực tự cường của mọi người dân, vượt qua khó khăn thử thách.

Thứ ba: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống ngấm sâu vào đời sống xã hội trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

5m-1668843679.jpg

Các vị lãnh đạo đã tặng quà cho các nghệ nhân tiêu biểu

Tại lễ khai mạc, các vị lãnh đạo đã tặng quà cho các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu sinh sống tại làng.

6m-1668843845.jpg
Tặng quà các nghệ nhân tiêu biểu

Tiếp nối là chương trình nghệ thuật “Khát vọng Việt Nam” do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam phối hợp các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thực hiện. 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia cùng đồng diễn trên 4 sân khấu. Chương trình được kết nối xuyên suốt bằng sợi dây di sản văn hóa. Nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng góp mặt tại chương trình như: Đức Tuấn, NSƯT Việt Hoàn, Mai Hoa, Đinh Mạnh Ninh, Phương Mai, Hồng Ngọc, Hà Lê…

10m-khat-vong-1668843918.jpg
Với chủ đề Khát vọng Việt Nam

Với chủ đề "Khát vọng Việt Nam", chương trình nghệ thuật của Lễ khai mạc nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa.

8m-1668844000.jpg

Sân khấu  được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pist trước khu vực khán giả, sân khấu cầu xi măng). Phần trình diễn trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.

9m-1668844149.jpg
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật

Tham gia liên hoan có 22 dân tộc với gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Đặc biệt sẽ có màn trình diễn trang phục dân tộc mặc hằng ngày và các dịp đặc biệt như đám cưới, lễ, Tết.

Tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, năm 2022 diễn ra từ ngày 18 - 20/11 với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

12m-1668844210.jpg
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Hải Nhung

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Hải Nhung, Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động nhằm khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc anh em, biểu dương các tấm gương sáng của đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tuần lễ Đại Đoàn kết giới thiệu các nét về đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa giá trị nhân văn tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam.

 

Mộc Miên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-khai-mac-tuan-dai-doan-ket-cac-dan-toc-di-san-van-hoa-viet-nam-a16384.html