Hãy nhớ dấu ấn 25 năm Internet

Ngày 19/11/2022 là mốc thời gian kỷ niệm 25 năm Việt Nam chính thức kết nối Internet. Tuy nhiên, không thấy ai chính thức tổ chức sự kiện cho việc này và có lẽ nó đã bị lu mờ vì sức nóng của World Cup 2022 và kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

mang-1-1633490222.png
Ảnh minh họa

 

Duy nhất chỉ có 1 phát biểu với báo chí của ông Vũ Thế Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA). Theo ông Vũ Thế Bình, thúc đẩy Internet Việt Nam chính là thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững về hạ tầng kết nối, trung tâm dữ liệu và đám mây, cũng như thúc đẩy chuyển dịch dữ liệu số, sử dụng dữ liệu số như là một tài nguyên hay tư liệu sản xuất và xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng sao cho an toàn, tiên tiến và văn minh.

Ngày nay công nghệ thay đổi với một tốc độ chóng mặt, vì thế dự đoán về tương lai là một điều rất thách thức. VIA chỉ quan niệm rằng, tương lai của Internet Việt Nam trước tiên không thể tách rời khỏi tương lai của Internet toàn cầu, không thể tách rời khỏi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như các nền tảng toàn cầu. Bài toán của Việt Nam là làm sao không bị tụt hậu, không bị phụ thuộc, mà có sự phát triển chủ động, thích ứng và thích nghi với tốc độ phát triển của thế giới nhưng vẫn giữ được các nét cần giữ của chính Việt Nam.

Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch VIA thừa nhận, ngày 19/11/2022 là dấu ấn quan trọng cho 25 năm Việt Nam chính thức kết nối Internet. Tuy nhiên, có nhiều lý do để VIA không làm đúng ngày này do sức nóng của World Cup 2022 và kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. VIA sẽ tổ chức chính thức hội thảo về Internet vào ngày 7/12/2022 và đó cũng là để nhấn mạnh dấu mốc 25 năm Internet chính thức hiện diện ở Việt Nam.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, qua 25 chính thức hiện diện, Internet đã góp phần sâu sắc vào đời sống xã hội, báo chí truyền thông, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục… và đã đến lúc các nhà xã hội học phải vào cuộc không thể chậm trễ hơn để chính thức có những nghiên cứu, đánh giá cho thực tế này.

Còn theo TS Mai Liêm Trực – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Internet đã đem lại cho chúng ta một không gian sống mới bên cạnh không gian vật lý mà chúng ta gọi là cuộc sống thực. Không thể gọi Internet là thế giới ảo vì thực ra đó cũng là thế giới thực của chúng ta. Chúng ta đọc báo là đọc báo thật. Gọi điện thoại cho người thân qua Internet cũng là người thật. Giao dịch qua Internet cũng là giao dịch thật. Và thậm chí qua môi trường Internet, nhiều người còn nói thật hơn là gặp gỡ trực tiếp. Internet đã bổ sung cho nhân loại một không gian sống mới, một môi trường sống mới. Không gian sống mới đã làm cho chúng ta nâng cao được trí tuệ và cuộc sống trên không gian vật lý vì thế cũng được tốt đẹp hơn. Và trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho cuộc sống online tốt đẹp hơn chứ không phải là mang những thứ rác rưởi lên đó.

Qua những thực tế đó, TS Mai Liêm Trực cho rằng Internet chính là kỳ quan vĩ đại nhất của nhân loại. Những kỳ quan thế giới như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp Cheops cũng chỉ có hàng triệu người đến tham quan mỗi năm. Trong khi đó thì Internet có đến hàng tỷ người sử dụng thường xuyên.  

Cũng nhân dịp 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, theo rất nhiều nhà giáo thì Internet đã trở thành không thể thiếu với nền giáo dục nước nhà. Giáo dục trực tuyến trong những năm gần đây đã trở thành một việc bình thường mà dặc biệt là nhờ có “cú hích” của dịch cúm Covid-19. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam mà đặc biệt là giáo dục đại học đang đứng trước những thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà trong đó Internet là một thành tố.

Phát biểu nhân dịp này, TS Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho biết, với sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT, đã xuất hiện ý kiến cho rằng, vai trò của người thầy dần bị CNTT thay thế và trở nên không còn quan trọng như trước. Ý kiến đó cũng có lý do, vì CNTT sẽ làm chức năng truyền thụ kiến thức là công việc chủ yếu của người thầy trước đây.

Nhưng về cơ bản thì ý kiến trên không đúng. Vai trò của người thầy chẳng những không giảm đi mà ngược lại còn tăng lên vì giáo dục truyền thụ kiến thức sẽ chuyển sang giáo dục phát triển năng lực, mà phát triển năng lực thì quan trọng và khó hơn nhiều so với truyền thụ kiến thức. Và ngay cả CNTT thì cũng vận hành theo những chương trình và nội dung do người thầy lập ra.

Trong thời đại của kỷ nguyên thông tin, thế giới thay đổi rất nhanh, các thành tựu khoa học công nghệ và kiến thức do loài người tích góp lại đã nhiều vô kể và nâng cao chất lượng, thông tin nhiều chiều, cách tiếp cận đa dạng và đa phương thức. Và CNTT sẽ thay thế căn bản chức năng truyền thụ kiến thức của người thầy.

Dù không thể thay thế được vai trò của người thầy trong việc truyền cảm, nêu gương, phân tích và tổng hợp, lập trình sáng tạo khi dẫn dắt và xử lý tình huống, nhưng công nghệ thông tin thật quan trọng, đến mức nó sẽ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người, kể cả hoạt động giáo dục, nhất là trong truyền thụ kiến thức. Đồng thời, với quá trình ấy là những yêu cầu kết nối thông tin giữa các cộng đồng và trên toàn cầu.

Vì lẽ đó mà người thầy cần biết nhiều càng tốt về ngoại ngữ, CNTT và số hóa, để có điều kiện liên tục cập nhật tri thức nhằm nâng cao năng lực bản thân và giúp cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập.

Tựu trung lại, qua 25 Internet hiện diện tại Việt Nam, chắc chắn vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho một xã hội số mà Internet là một thành tố không thể thiếu.

Trịnh Nguyễn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hay-nho-dau-an-25-nam-internet-a16407.html