Khúc mưa, dòng nước tái tạo yêu thương

Điện ảnh Quân đội nhân dân đã nhạy bén trù liệu đề tài và kinh phí, lựa chọn kịch bản và ekip làm phim để có được một Khúc mưa, tác phẩm điện ảnh kỹ thuật số-màn ảnh rộng thành công. Phim đã góp phần giải quyết một vấn đề lịch sử khá phức tạp và chủ điểm về hòa hợp dân tộc, kết nối đồng bào; về bản chất người lính Cụ Hồ vẫn là nét nhân văn thấu cảm và thuyết phục.

 

dv-quoc-thai-thanh-hienkhuc-mua11-1620658286.jpg
Diễn viên Quốc Thái - Thanh Hiền trong Khúc mưa

1. Như một sự đồng thanh tương ứng, tôi đi xem bộ phim Khúc mưa của tác giả kịch bản Thu Dung và đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tại Trung tâm chiếu phim quốc gia vào một buổi tối mưa tầm tã. Gọi mãi mới được cái taxi loại xoàng nên khi tôi đến nơi, phòng chiếu đã  kín chỗ. May mắn nhờ một vị khán giả trẻ hảo tâm nhường, tôi có được chỗ ngồi gần sát lối đi kê thêm nhiều ghế phụ cũng đã… chật người.

Sau vài lời phi lộ chóng vánh của đạo diễn bộ phim, buổi chiếu Khúc mưa được bắt đầu trong không khí chăm chú, thỉnh thoảng rộ lên chùm tiếng cười cảm khoái của khán giả bởi một câu thoại hay, nhiều tính houmur hoặc một hành động diễn thú vị xuất thần của diễn viên trên màn bạc.

Khúc mưa đã giữ được khán giả cho đến khi đèn phòng chiếu bật sáng cùng một tràng pháo tay dài biểu hiện sự công nhận buổi chiếu phim  thành công.

2-dv-le-phuong-be-dungkhuc-mua29-1620658837.JPG
 

2. Với cá nhân tôi, ngoài cảm thụ như một khán giả số đông của nghệ thuật điện ảnh- màn ảnh rộng, Khúc mưa còn nặng trĩu da diết bởi những suy ngẫm nghề nghiệp trước một tác phẩm của hai đồng nghiệp mà ngay từ tác phẩm đầu tay họ đã  có…(nói như các văn nhân)… giọng điệu.

Trước hết Khúc mưa lôi hút tôi bởi vấn đề, bởi cốt truyện mà bộ phim đặt ra. Đó là vấn đề hậu chiến mà bất kỳ bên tham gia nào cũng phải tìm cách mau chóng giải quyết để xây dựng lại cuộc sống hòa bình, tin cậy và phát triển. Trong muôn ngàn hoàn cảnh chi tiết hậu chiến thì vấn đề hàn gắn những vết thương nhân bản là công việc quan trọng và khó khăn bậc nhất. Với Khúc mưa vấn đề khó khăn nhạy cảm này được đặt ra và giải quyết về tình cảnh một gia đình nhỏ thuộc phía bên kia mà cụ thể là cuộc mưu sinh của họ trước thế cuộc đã thay đổi.

Vào năm 1978, tại vùng kinh tế mới Lâm Đồng mẹ con chị Thùy (Lê Phương) dọn đến sinh nghiệp. Cuộc sống khó khăn buổi đầu cùng với anh chồng là sĩ quan quân đội Sài Gòn đang sống trốn tránh chính quyền mới khiến họ phải tính đến chuyện vượt biên tìm tới miền đất hứa nhưng do không đủ tiền nộp cho cò nên người vợ phải ở lại. Sau đó, là những chuỗi bi kịch trải dài hơn bốn mươi năm, người chồng chết ngoài khơi, chị Thùy chịu tiếng hoang thai và đã phải nghĩ đến việc tự tận; đứa con trai năm tuổi tên Tâm (khi trưởng thành là Kenvil), tuy còn sống, có vợ và điều kiện kinh tế đủ để ở khách sạn trong những lần di chuyển nhưng lại mang căn bệnh ám ảnh… sợ, sợ quá khứ li biệt, sợ biển cả mang màu đen trắng đêm giông rùng rợn… Có thể nói Tâm- Kenvil (Trương Minh Quốc Thái) là một thân phận phiêu bạt, cơ nhỡ nặng trĩu tủi thân, thù hận trong bệnh hoạn. Ở phía khác lại có những nhân vật như bộ đội trẻ Lân (Đan Sinh) như Thùy vượt qua mặc cảm, vượt qua tị hiềm đố kỵ; lấy nghĩa cốt nhục đồng bào “thương người như thể thương thân” để  kiên trì từng bước, từng ngày hàn gắn, vun thém cho cây bao dung nở kết hoa trái. Về sau họ thành một gia đình nhỏ ấm áp hạnh phúc, gồm ông Lân cựu chiến binh (Phạm Anh Dũng) - bà Thùy, Dì Hai- bánh mỳ (Thanh Hiền) và một người con trai sáng sủa, hiếu đễ.

Hơn bốn mươi năm, thời gian đối với gia đình nhân vật Thùy vừa là mạch cưa oan nghiệt vừa là phù sa để nuôi lên những mầm chồi hàn gắn cây hòa giải, hòa hợp, cuối cùng bao dung, nhân ái, kiên nhẫn, tin yêu đã thành công.

 Tôi không hề võ đoán khi tự cho rằng, Điện ảnh phim truyện Việt Nam tuy đã có nhiều bộ phim chạm vào mô típ này nhưng một phim tập trung để lý giải về vấn đề hòa hợp dân tộc từ một tế bào gia đình, đụng đến người của hai phía, đụng đến vấn đề vượt biên, đụng đến tình nghĩa mang nặng đẻ đau, ân oán thì Khúc mưa là tác phẩm điện ảnh có chủ điểm, có sức lay thúc vượt trội.

Điều thứ hai khiến tôi bị thuyết phục, đó là cách kể bộ phim trên giấy (kịch bản) thành bộ phim trên màn ảnh của đạo diễn.

Như đã trình bày ở phần trên, thời gian diễn ra trong Khúc mưa trỉ dài đến hơn bốn mươi năm, nhân vật Tâm từ cậu bé 5 tuổi đã thành người đàn ông ngót ngét ngũ thập với cái tên ngoại quốc Kenvil; bà mẹ trẻ Thùy “ khuôn trăng đầy đặn” ngày nào nay đã trở một cụ bà móm mém, tóc búi củ hành điểm bạc… thì cách kể chuyện bằng kịch bản, bộ phim trên giấy và kể chuyện bằng hình ảnh, bộ phim màn bạc với thời lượng trên dưới 100 phút nhất thiết phải tìm một phương thức nào đó để chở tải có hiệu quả vấn đề và nội dung cốt truyện đã đặt ra.

Cái khéo nghệ thuật của biên đạo trong Khúc mưa là tránh kể chuyện từ đầu, tránh lan man theo chiều biên chép lại năm tháng sự kiện mà chọn các lát cắt tình tiết ấn tượng nhất liên quan đến số phận và thân phận của từng nhân vật chính. Các lát cắt tình tiết đinh chốt ấy đủ sức chịu lực cho các biến cố cuộc đời của nhân vật bám níu vào, neo giữ lại và phát lộ. Nhờ thế mà câu chuyện của phim, vấn đề của phim, số phận các nhân vật của phim liên tiếp tiến về phía trước, không giây phút lừng chừng, không tiết tấu nhàm lặp.

Đây là một cách kể chuyện thông minh và hiện đại mà các nhà điện ảnh tài năng đã và đang kiên trì hướng tới, tức là lấy yếu tố cảm thay dần cho yếu tố tự sự theo mạch cốt truyện truyền thống.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến bộ phim Mùa thu lạnh của nữ đạo diễn trẻ  Natalia Bondartruka dựng theo truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của văn hào Nga Ivan Bunhin (Nhà văn Nga đầu tiên được nhận giải Nobel văn học-1933). Trong bộ phim đó có một giai đoạn nữ nhân vật bất hạnh lưu lạc khắp vùng Cavkaz đến các nước Trung Âu, Tây Âu ba mươi năm, cuối cùng bà trở về bên ngôi mộ của người tình chết trẻ để nói câu: “Em đã về đây rồi, em về với đất mẹ và anh. Chờ em nhé!”.

Trong Mùa thu lạnh, đạo diễn hoàn toàn tránh khoảng thời gian nữ nhân vật đã lưu lạc mà chỉ “nhặt” thời đoạn tình yêu trong một buổi chiều của mùa thu lạnh chia ly vĩnh biệt và ngày trở về. Thế mà đủ để thấy một thân phận lưu lạc cơ cảnh, mất mát tình yêu Tổ quốc và người thân yêu nhất; đủ để thành một tác phẩm điện ảnh mang thông điệp đoàn tụ, hòa hợp và hấp lực thiêng liêng cao cả của Tổ quốc, của Tình yêu trong sáng đầu đời.

3-dv-le-phuong-khuc-mua37-1620658837.JPG
 

Trở lại với  Khúc mưa, tôi thật mừng cho các nhà biên đạo phim đã chọn những các thủ pháp tinh hoa của ngôn ngữ điện ảnh hiện đại để dẫn dắt câu chuyện liền mạch cảm xúc của khán giả, tạo cho các tình tiết được thăng hoa và hiệu quả cuối cùng làm nên một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh đáng xem và đáng ngẫm. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, việc đảo ngữ ở cảnh (sens) cuối phim có phụ đề MỘT NGÀY TRƯỚC là một xử lý montage xuất sắc trong nhiều thủ pháp montage xuất sắc khác.

Đã có nhiều người nói về sự thành công của dàn diễn viên, đặc biệt là Trương Minh Quốc Thái, Đan Sinh, Lê Phương, Thanh Hiền, diễn viên nhí Đức Đăng… tôi muốn bổ sung thêm diễn viên sắm vai vợ của nhân vật Tâm-Kenvil.

Tôi cực kỳ ấn tượng biểu hiện rất nữ tính Việt khi chị biết mình có thai và hạnh phúc báo tin cho chồng. Đây cũng là một chi tiết đắt của kịch bản văn học và thủ pháp dàn dựng của đạo diễn.

3. Những dòng tiếp theo của bài viết,  tôi muốn nói đôi điều về tác giả kịch bản và đạo diễn của Khúc mưa.

 Do công việc, vào tháng 11 năm 1994, tôi đã được gặp nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, khi chị là tác giả trẻ nhất mang kịch bản Lời tạ từ trong mưa đến dự Trại viết kịch bản phim truyện do Cục Điện ảnh và Hãng phim Truyện Việt Nam đồng tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải. Kịch bản Lời tạ từ trong mưa là câu chuyện buồn của thiếu nữ tuổi teen, cô vào đời hồn nhiên tin cậy và trong sáng tinh khôi như nụ sen hàm tiếu. Nhưng cuộc sống với muôn ngàn phức hợp, kể cả tình yêu đầu mùa thời thiếu nữ đã giúp cô ngộ ra cái hướng mình cần tìm chọn để đi tiếp, để đằm thắm nói  Lời tạ từ trong mưa đầy bản lĩnh và khoan dung. Kịch bản đã được sản xuất và có tiếng vang ngay sau đó. Từ bấy đến nay Nguyễn Thu Dung có nhiều kịch bản dựng thành phim, cái stile (phong cách) trữ tình đầy xúc cảm, cái gam buồn thương trách nhiệm bằng ấn tượng tình tiết vẫn là giọng điệu khó lẫn của chị. Đến Khúc mưa thì cây bút biên kịch này đã khẳng định rõ nét nhất stile của mình.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, ngay từ phim đầu Đường thư, một phim lính tráng, bộ đội chủ yếu sống trong rừng đã được khán giả và giới truyền thông về nghệ thuật điện ảnh phim truyện chú ý. Xem phim của Bùi Tuấn Dũng, tôi luôn có ý nghĩ rằng, anh là một trong người thành công top đầu trong các đạo diễn trẻ với việc tiếp nhận ngôn ngữ dàn dựng của Điện ảnh hiện đại. Bùi Tuấn Dũng có cái mạnh mẽ quyết liệt của trường phái Kim Kyduk (Hàn Quốc), cái hài hước dí dỏm của Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc), có cái chỉn chu sâu lắng, tài hoa của đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh (Việt Nam)... Trong phim của anh luôn có những bối cảnh câm gây cười tủm tỉm mà cái biển đề đến nhà vệ sinh công cộng trong rừng của bộ đội có dòng chữ New Yorrk-800 km ở phim Đường thư là một ví dụ. Bùi Tuấn Dũng cũng là một đạo diễn năng động trong thủ pháp xếp nối tình tiết phim theo lối montage lấy hạt vàng ấn tượng chi tiết để kết nối mạch phim cùng cuộc sống và số phận nhân vật của phim.

Thay cho lời kết, tôi muốn nói thêm rằng, việc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã nhạy bén trù liệu đề tài và kinh phí, lựa chọn kịch bản và ekip làm phim để có được một Khúc mưa, tác phẩm điện ảnh kỹ thuật số-màn ảnh rộng thành công. Phim đã góp phần giải quyết một vấn đề lịch sử khá phức tạp và chủ điểm về hòa hợp dân tộc, kết nối đồng bào; về bản chất người lính Cụ Hồ vẫn là nét nhân văn thấu cảm và thuyết phục. Đây là một đóng góp để làm năng động thêm, khai phóng thêm không gian sáng tạo nghệ thuật trước những đề tài được cho là khó và tế nhị./.

LNM

 

 

 

 Lê Ngọc Minh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khuc-mua-dong-nuoc-tai-tao-yeu-thuong-a1641.html