Kỳ 6.
SỰ KIỆN THỨ 7: THĂNG LONG-KINH ĐÔ CỦA ĐẠI VIỆT THỜI LÝ (1010-1225).
Năm 1005, Lê Đại Hành mất, con là Lê Trung Tông lên nối ngối được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đỉnh giết chết cướp ngôi. Năm 1009, Lê Long Đỉnh (Lê Ngọa Triều) chết. Sự tàn bạo ngông cuồng của Lê Long Đỉnh làm triều thần và lòng dân chán ghét triều Tiền Lê, triều thần và giới Phật giáo tôn Lý Công Uẩn, 35 tuổi, khi đó đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ (Chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ nhà vua) lên ngôi lập ra nhà Lý. Nhà Tiền Lê tồn tại 29 năm qua 3 đời vua: Lê Đại Hành ( 980-1005), Lê Trung Tông (1005) và Lê Ngọa Triều (1005-1009).
Nhà Lý do Lý CôngUẩn ( quê ở làng Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay) sáng lập. Ông lên ngôi xưng là Lý Thái Tổ (1009-1028). Nếu như ba triều Ngô-Đinh-Tiền Lê đặt nền tảng xây dựng nhà nước, xã hội phong kiến thì “Sang đời Lý-nhất là trong khoảng thế kỷ XI-công cuộc xây dựng đất nước bắt đầu vào qui mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và của quốc gia phong kiến độc lập”[1]. Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, kinh đô Hoa Lư sau 41 năm qua hai vương triều chỉ thích hợp với buổi đầu độc lập, bây giờ phải cần một kinh đô mới xứng với tầm xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trong ý tưởng của Lý Thái Tổ có lẽ ông đã nghĩ tới thành Đại La nổi tiếng, vùng đất từng là đế đô của Âu Lạc, của Hai Bà Trưng, của Vạn Xuân, của một thời đấu tranh giành quyền tự chủ của họ Phùng, họ Khúc, họ Dương, của vương triều Ngô buổi đầu độc lập. Cho nên khởi hành đầu tiên của cuộc kinh lý, ông đi về phía Bắc, tiến về hướng Đại La. Thuyền rồng đưa Lý Thái Tổ về sông Hoàng Long, qua sông Đáy, vào Châu Giang và đến sông Nhị. Tháng 2 năm 1010, Thuyền nhà vua cập bến Tây Long, nơi đây nhà vua thấy trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập, hàng nghìn thuyền bè đậu san sát. Đi sâu vào trong thành phố, nhà vua thấy chợ búa phồn vinh, hàng quán dằng dặc, người đông như hội, thức ăn thức uống đầy hàng. Với con mắt tài năng về kiến thức phong thổ, Lý Thái Tổ nhận biết ngay thành Đại La, vùng đất Tống Bình, Long Biên là nơi địa lợi nhân hoà, là vị trí trung tâm của đất nước, trung tâm của giao thông thuỷ bộ, trung tâm kinh tế, văn hoá. Tất cả những yếu tố đó làm cho Đại La trở thành trung tâm chính trị của cả nước để xây dựng phát triển một quốc gia độc lập hùng cường. Vì thế sau khi về Hoa Lư, Lý Công Uẩn quyết tâm dời đô về thành Đại La. Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô: “ Ngày xưa, nhà Thương tính đến đời Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu tính đến Thành Vương là ba lần dời đô; có phải các vua thời đó theo ý riêng, không tính toán gì đâu. Làm thế là họ cốt mưu nghiệp lớn, chọn chỗ trung tâm, lo cho hậu thế, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, xem có chỗ tiện thì dời đô, cho nên vận nước được bền lâu, phong tục được hưng thịnh. Thế mà nhà Đinh, nhà Lê cứ theo ý riêng, không theo mệnh trời, không học việc cũ của nhà Thương, nhà Chu, cứ chịu đóng đô mãi một nơi, đến nỗi vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm lấy làm đau đớn, không thể không dời đô.
Huống chi Đại La là thành cũ của Cao Vương (Cao Biền), ở giữa trung tâm trời đất, có thế rồng phục hổ chầu, đúng ngôi đông-tây-nam-bắc, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân không khổ vì ngập lụt tối tăm, muôn vật được tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta đó là nơi thắng địa, thật là chỗ hội tụ quan yếu của tứ phương, xứng là nơi định đô cho muôn đời”[2]. Chiếu dời đô cũng nói rõ mục đích dời đô từ Hoa Lư về Đại La: “Đóng ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”[3].
Tuân theo ý chí của Lý Thái Tổ, năm 1010, mùa thu năm Canh Tuất, nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La đổi tên là Thăng Long. Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền. Chứng tỏ khả năng và lòng tin quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Cố đô Hoa Lư đổi thành phủ Trường Yên (Tràng An). Năm 1010 trở thành cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước. Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của đất nước từ đó cho đến ngày nay. Tên tuổi Lý Thái Tổ gắn với Thăng Long đầy thăng trầm và biến cố với tư cách là người khai sáng, người mở đầu một thời đại mới cho Thăng Long.
Tại Thăng Long, nhà Lý bắt tay vào xây dựng kinh đô mới. Chung quanh kinh đô Thăng Long có ba con sông bao bọc: Nhị Hà, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu:
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
( Ca dao)
Ba con sông là biểu tượng ba con rồng đang bay lên, là luỹ hào thiên nhiên sông nước bảo vệ kinh thành. Bên trong ba con sông là ba vòng thành, bắt đầu là thành Đại La đắp bằng đất sét, có chức năng bảo vệ các thành bên trong vừa để ngăn lũ lụt. Thành Thăng Long mới có tận dụng những đoạn của thành Đại La thời Đường. Thành này bắt đầu từ cầu Long Biên (Bến Nứa) chạy theo sông Nhị đến ô Đống Mác, ở Phía Bắc chạy theo sông Tô Lịch từ Hàng Buồm đến Bưởi, phía tây thành theo sông Tô Lịch từ Bưởi đến ô Cầu Giấy, phía Nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền đến ô Đống Mác. Thành có các cửa: Triều Đông ở phía Bắc (dốc Hoè Nhai), cửa Tây Dương ở phía tây (ô Cầu Giấy), cửa Trường Quảng phía tây -nam (ô Chợ Dừa), cửa Vạn Xuân phía đông-nam (ô Đống Mác). Trong thành Đại La là Hoàng Thành (Thăng Long thành). Đây là khu vực đặt các cơ quan hành chính, nơi làm việc của đầu não quốc gia, trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực, có các lâu đài cung điện. Trung tâm khu quyền lực này có Điện Càn Nguyên, nơi thiết triều của nhà vua cùng đại thần bàn việc nước, nơi vua quyết định những công việc trọng đại của quốc gia. Ở đây (Núi Nùng) có điện Kính Thiên nơi các vua lên ngôi vị Hoàng Đế. Hai bên điện Kính Thiên có điện Tập Hiền, điện Giảng Võ. Phía sau điện Càn Nguyên là điện Long An, điện Long Thuỵ là nơi vua nghỉ ngơi. Thăng Long thành xây dựng vào năm 1010, Thời Hậu Lê gọi là Hoàng thành. Thành xây bằng đất sét, sau được xây bằng gạch, đá. Ngoài Thăng Long thành có hào sâu ngập nước để bảo vệ thành, ra vào bằng cầu treo. Thành có 4 cửa: phía đông là cửa Tương Phù chạy từ chợ Đông đến đền Bạch Mã (khoảng phố Hàng Buồm ngày nay), phía tây có cửa Quảng Phúc, phía nam là cửa Đại Hưng (gần cửa Nam ngày nay), phía bắc là cửa Diêu Đức nhìn ra sông Tô (khoảng phố Phan Đình Phùng ngày nay).
Giữa thành Đại La và khu Hoàng Thành là khu thị gồm làng nông nghiệp, phố phường công thương, chợ búa. Khu phố chợ thuộc nơi giao nhau giữa sông Hồng và sông Tô (Bạch Mã-Cầu Đông).
Trong Hoàng thành là Long thành (Cấm Thành). Thành xây dựng năm 1029, nhà Hậu Lê gọi là Cấm Thành. Thành có các cửa Đoài Môn (cửa phía tây), Đoan Môn (Cửa phía nam), Bắc Môn và Đông Môn. Hoàng thành là nơi ở của Hoàng gia và của nhà vua, có cung Lệ Thiên và cung Thường Xuân dành cho cung nữ, cung Long Đức nơi ở của Hoàng Thái tử. Long Thành có quân ngự lâm bảo vệ. Những người không phận sự tuyệt đối không được ra vào Cấm thành, vi phạm xử theo luật hình cực nặng.
Từ Sơn, quê hương của vua theo thông lệ và lễ nghi đổi thành phủ Thiên Đức.
Trong Thăng Long còn nhiều công trình khác. Thời Lý Thái Tông (1028-1054) chọn đất phía sau chùa Thánh Thọ (phường Yên Thái) cho xây dựng đền Đồng Cổ, cho cắm cờ, treo gưom giáo, đặt thần vị rồi tập hợp các quan trong triều thề trước điện: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin thần minh tru diệt”. Tiếp theo lời thề, quan viên đại thần đi vào cửa Đông uống máu ăn thề. Từ đó thành ra tập quán chính trị, lễ nghi cho các đời sau, nhắc nhở quan chức phải giữ lòng trung hiếu. Năm 1049, Lý Thái Tông còn cho Bộ công chọn mẫu và xây dựng chùa Một Cột (Diên Hựu-phúc dài lâu). Chùa Diên Hựu tượng trưng cho bông hoa sen, biểu tượng của Phật, đặc biệt là của Phật Quan thế Âm Bồ tát. Tương truyền một đêm Lý Thái Tông năm mơ Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen đưa tay dắt nhà vua. Vua cho là điềm không hay đối với mình. Sư Thiền Tuệ nói: “ Hoàng Thượng nên cho làm chùa, dựng cột đá giữa hồ, làm toà sen thờ Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Sau đó cho các tăng sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu”[4]. Nhân đó sau khi hành lễ xong vua đặt tên cho chùa là Diên Hựu-kéo dài cõi phúc. Vua Lý Thái Tông băng hà năm 1054, thọ 55 tuổi. “ Dựng chùa Một Cột, Thái Tông đã in dấu ngàn năm cho kinh thành Thăng Long. Muôn đời sau nói đến Thăng Long là nói đến chùa Một Cột, mà hễ nói đến chùa Một Cột là nói đến sự tinh tế tuyệt vời của Lý Thái Tông. Cổ kim dễ đã có mấy ai làm được như vậy. Một trong những người sống mãi với non sông là Lý Thái Tông”[5]
Về tư tưởng chính trị của phong kiến Việt Nam, trong ba triều Ngô- Đinh- Tiền Lê chưa sử dụng Nho giáo mà sử dụng Phật giáo, mặc dù Nho đã du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, các sư tăng là trí thức, có vị sư tăng cao cấp, kiến thức uyên bác còn là cố vấn cho nhà vua, tham dự triều chính. Đến nhà Lý, đạo Phật phát triển nhất. Có thể nói Phật Giáo là ân nhân của nhà Lý, tương truyền thuở hàn vi Lý Thái Tổ được nhà chùa nuôi cho ăn học, sau đó vua theo võ nghiệp với nhà Tiền Lê, năm 1009 giới Phật giáo đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Có những quí tộc nhà Lý đã cung tiến hàng nghìn mẫu ruộng cho nhà chùa. Hàng trăm chùa tháp được xây dựng dưới thời Lý. Ngay bộ luật “Hình Thư”-Bộ lụât thành văn đầu tiên của Việt Nam cũng ảnh hưởng thấm nhuần sâu sắc quan điểm từ bi của Phật giáo. Nhưng Phật giáo cũng chỉ là tôn giáo, nó không phục vụ đầy đủ cho chính trị, cho việc cai trị. Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đã nhận thức được điều đó nên ông bắt đầu sử dụng Nho giáo. Năm 1070 nhà vua cho xây dựng Văn Miếu, thờ Khổng Tử (Người sáng lập Nho giáo) và thờ 72 vị tiên hiền trong Nho gia. Cùng với Văn Miếu thì Quốc Tử Giám, trường đại học giáo dục theo Nho giáo cũng được xây dựng. Trong khuôn viên Văn Miếu, Quốc Tử Giám có hồ nước nhỏ thả hoa sen, đường lát gạch có bóng cây râm mát, có núi nhỏ trước điện Long An. Năm 1075 nhà Lý đã cho tổ chức khoá thi Nho đầu tiên, tuy chưa định ra học vị nhưng người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, người Bắc Ninh, sau này ông làm đến Thái sư triều Lý. Như vậy tại Thăng Long đã có trường đại học đầu tiên: Quốc Tử Giám.
Năm 1054, Lý Thánh Tông cho đổi Quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Quốc hiệu Đại Việt tồn tại lâu dài cho đến năm 1802. Quốc hiệu Đại Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc sâu sắc.
Nhà Lý cho xây dựng thêm điệnThiên Khánh nơi vua xử kiện. Nơi này có trống cho dân đánh trống kêu oan.
Đời Lý Cao Tông (1176-1210) cho xây dựng thêm ở Long Thành hơn chục cung điện cực kỳ to lớn và tốn kém tiền của của nhân dân. Xây dựng kiến thiết đất nước là điều cần thiết nhưng xây dựng nhiều vào lúc nhân dân đói khổ làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng găy gắt, đẩy nhanh nhà Lý đến diệt vong. Nhà Lý còn xây dựng thêm ở Thăng Long tháp Báo Thiên, đền Hai Bà, đền Bạch Mã, đền thờ Linh Lang tô điểm cho kiến trúc Thăng Long thêm sắc màu Phật và thần thánh.
Với kinh đô Thăng Long, từ trung tâm chính trị này nhà Lý đã thực hiện quyền lực trên toàn Lãnh thổ Đại Việt, xây dựng và phát triển đất nước toàn diện về chính trị, về kinh tế nông nghiêp, thương nghiệp, về văn hoá, về quân sự, về lập pháp. Năm 1042, nhà lý cho soạn bộ “Hình thư” là Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta kể từ Văn Lang cho đến lúc đó. Với sức mạnh toàn diện của đất nước cộng với sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân đã tạo nên khả năng cho dân tộc ta đối phó với âm mưu xâm lược của nhà Tống. Từ khả năng chiến thắng đến hiện thực chiến thắng còn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo, bởi vì khả năng có thể biến thành hiện thực, khả năng cũng có thể không thành hiện thực. Rất may nhà Lý khi đó còn hưng thịnh, còn biết trọng dụng nhân tài là Lý Thường Kiệt (1019-1105). Ông là một anh hùng dân tộc của đất Thăng Long, sinh tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình ngày nay). Ông tên thật là Ngô Tuấn, nhà quân sự, chính trị tài năng và cẩn trọng, hết lòng phụng sự triều Lý nên được cho mang Quốc tính (họ vua), từ đó ông mang tên Lý Thường Kiệt. Ông lập nhiều công lao dưới triều Lý Thánh Tông. Đầu năm 1072 Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức ( con của Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Ỷ Lan) 6 tuổi lên nối ngôi, hiệu Lý Nhân Tông (1072-1127). Lý Thường Kiệt nhận chức Phụ quốc Thái uý, phò tá vua nhỏ rất mực trung thành. Ông là người đã biết biến khả năng hùng mạnh của đất nước, khả năng của sức mạnh chiến tranh nhân dân, đoàn kết toàn dân thành hiện thực trên chiến trường, đánh bại cuộc xâm lược qui mô 10 vạn quân của nhà Tống do Quách Quì và Triệu Tiết chỉ huy trên chiến tuyến sông Cầu năm 1076-1077, bảo vệ nền độc lập của đất nươc, bảo vệ Thăng Long khỏi thảm họa xâm lược. Cũng trên chiến tuyến sông Cầu, Lý Thường Kiệt là người viết nên bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, khẳng định quyền độc lập tự chủ như là một quyền của tạo hoá ban cho con người, cho mọi quốc gia, kẻ nào xâm phạm nguyên tắc bất di bất dịch đó là đi trái qui luật lịch sử và sẽ bị trừng trị:
Nam quốc sơn Hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.[6]
Tạm dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Còn nữa)
CVL
----------------
[1] .Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam .T1.NXB Khoa học xã hội.H. 1971. Tr.151.
[2] .Dẫn theo Lịch sử Thủ đô Hà Nội. NXB Hà Nội. 2000.
[3] . Dẫn theo Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam. T1. NXB Khoa học xã hội. H.1971. Tr.151.
[4] . Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư.
[5] .Nguyễn Khắc Thuần. Việt sử giai thoại. T2. NXB Giáo duc. H. 2000.
[6] . Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam.Lịch sử Việt Nam. T1. NXB Khoa học xã hội. H. Tr 181.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-6-a16438.html