36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 8)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 8

SỰ KIỆN 9: THĂNG LONG CHIẾN THẮNG QUÂN NGUYÊN- MÔNG LẦN I (1258).

          Trong khi nhà Trần và nhân dân ta đang xây dựng đất nước thì phía bắc Trung Quốc đã xuất hiện những mầm mống của những tai họa cho Đại Việt và cho một nửa thế giới đương đại: Đế quốc Nguyên –Mông. Vào đầu thế kỷ XIII những tộc người du mục Mông Cổ bỏ qua chế độ nô lệ, từ công xã nguyên thuỷ họ tiến lên thành lập nhà nước phong kiến vào năm 1206 do Thành Cát Tư Hãn (Tringítkhan) đứng đầu. Sau khi lập nước, Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng quân đội hùng mạnh, chủ yếu là kỵ binh, với tài bắn cung cỡi ngựa, có sức cơ động nhanh chóng, dũng mãnh. Thành Cát Tư Hãn đem quân đội đi xâm lược khắp nơi, gieo chết chóc đau thương cho các dân tộc khắp châu Âu, châu Á. Quân Mông Cổ đã tiêu diệt nước Tây Hạ, Vương quốc Kim, chiếm Trung Á, đánh chiếm nuớc Nga, chiếm Xibêri, Crưm. Năm 1227 Thành Cát Tư Hãn chết, con là Oakhátđài nối ngôi Hãn (vua) tiếp tục xâm lược Bắc Nga, đánh chiếm Ban Tích, chiếm các nước Hung gari, Ba Lan, Đức, làm rung động Toà thánh La Mã. Dưới thời Oakhátđài, vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành ở Trung Đông, chiếm Iran, Irắc. Năm 1236 Oakhát đài chết, Man gu lên thay tiếp tục chiến tranh, chiếm Bắc Phi, khua máu lửa, cát bụi chết chóc đến tận Đa Mát thủ đô vương quốc Xi ri. Trong khi đó em Mangu là Hốt Tất Liệt (Khubilai) tiêu diệt nước Đại Lý ( Nam Chiếu) của người Thái ( nay thuộc Vân Nam Trung Quốc). Trong máu lửa mất nước, phần lớn người Thái đã di tản xuống phía nam vào sông Mê Nam (nay là vương quốc Thái Lan), vào Lào, vào Tây bắc Đại Việt. Quân Mông Cổ lúc này đang triển khai chiến dịch tiêu diệt nhà Nam Tống, thực hiện việc xâm lược toàn Trung Quốc. Nước Đại Lý mất, biên giới của đế quốc Mông Cổ đã giáp biên giới Đại Việt ở miền Tây Bắc. Toàn thế giới kinh hoàng bởi sức mạnh quân sự và sự tàn bạo của đế quốc Mông Cổ.

dh1agq1c-1669292245.jpg
Tranh minh họa: Trận đánh diễn ra ngày 17/1/1258, tại Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đây cũng là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên. Nguồn: Internet.

 

  Đầu tháng 1 năm 1258, 3 vạn quân tinh nhuệ Mông Cổ do viên tướng tài năng và khét tiếng tàn bạo Ngột Lương Hợp Thai (Uriangkhaiđai) từ Đại Lý (Vân Nam) theo đường sông Hồng tràn vào xâm lược Đại Việt. Đánh chiếm Đại Việt là sáp nhập nước ta vào bản đồ rộng lớn của đế quốc Mông Cổ, mở đường tràn xuống Đông Nam Châu Á, mở một gọng kìm từ phía nam phối hợp với quân Mông Cổ từ phía bắc tiêu diệt nhà Nam Tống.

          Ngày 17-1-1258, quân Mông Cổ tràn xuống Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Quân thuỷ bộ của ta do Vua Trần Thái Tông chỉ huy nhằm mở cuộc quyết chiến với giặc tại đây. Nhưng thế giặc rất mạnh, nghe theo lời khuyên của Lê Tần, vua cho quân rút lui về Phủ Lỗ, Cà Lồ rồi rút khỏi kinh thành Thăng Long theo đường sông Hồng về Thiên Mạc (Khoái Châu Hưng Yên ngày nay). Như vậy, ta đã thực hiện rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng. Quân Mông Cổ chiếm đuợc thành Thăng Long nhưng quân dân Thăng Long đã rút hết khỏi kinh thành, chỉ có đuờng không nhà trống, không chút lương thực. Giặc chỉ tìm thấy xác những tên sứ giả được Mông Cổ phái sang trước đây để đe doạ nhà Trần nằm chết trong ngục. Quân Mông Cổ lâm vào tình trạng đói khát, đau ốm, lại bị quân dân ta dùng chiến tranh du kích tiêu hao. Quân Mông Cổ điên cuồng đốt phá kinh thành Thăng Long. Lâu đài, cung điện, dinh thự phút chốc thành tro bụi. Đây là một trong những thảm họa lớn nhất mà Thăng Long phải chịu đựng. Sự tàn bạo điên cuồng không cứu vãn được tình thế thất bại của chúng. Quân dân ta phản công tiêu diệt địch với một khí thế căm thù giặc cao độ. Ngày 29-1-1258, quân ta do vua Trần Thái Tông chỉ huy từ Thiên Mạc theo sông Hồng đánh trận quyết chiến ngay tại Đông Bộ Đầu (Thăng Long) tiêu diệt phần lớn quân xâm luợc. Địch thua to theo đường sông Hồng tháo chạy về Vân Nam, dọc đường bị quân dân ta phục kích, truy kích tiêu diệt. 3 vạn quân chỉ còn 5000 tên chạy thoát. Lúc này là năm Nguyên Phong thư 7 (niên hiệu của vua Trần Thái Tông).

          Thắng lợi của trận Đông Bộ Đầu là thắng lợi lớn nhất của nhân dân Thăng Long, buộc quân thù phải tháo chạy, tạo điều kiện cho nhân dân các vùng tây bắc kinh thành tiêu diệt quân địch, đẩy lùi nguy cơ xâm lược của đế quốc Mông Cổ đối với Đại Việt 27 năm, bẻ gãy gọng kìm phía nam của quân Mông Cổ tấn công nhà Nam Tống, ngăn chặn được bước tiến của quân xâm luợc xuống các nước Đông Nam Á. Chiến thắng Đông Bộ Đầu-Thăng Long và của nhân dân Đại Việt đã trả lời được câu hỏi lớn của thời đại khi đó: Quân Mông Cổ bách chiến bách thắng khắp châu Âu, châu Á khi đó có thể bị đánh bại không? Và đã được trả lời: vẫn có thể bị đánh bại. Chiến thắng của Đại Việt đã tạo niềm tự hào, niềm tin vững chắc cho dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến lần thứ 2:

          Người lính già đầu bạc

          Kể mãi chuyên Nguyên Phong[1].

(Còn nữa)

CVL

 

[1]. Thơ Trần Nhân Tông (1279-1293). Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam.T1. NXB Khoa học xã hội. H. 1971.Tr.197.

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-8-a16475.html