Thương nhớ sông Hồng...

Sinh ra nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt tận biên ải Lào Cai từ những ngày gian khó, tôi và rất nhiều thế hệ các bác, các anh chị em ở Lào Cai đã được lớn lên bên dòng sông này và có những ký ức đẹp đẽ và đau buồn mà mãi mãi vẫn không thể quên.

phuong-thao-ben-song-hong-1637026798.jpg

 

Rất nhiều người gắn bó và yêu quý con sông Hồng ngay từ khi còn nhỏ. Tôi cũng vậy. Sông Hồng đẹp mềm mại như một dải lụa đào vắt ngang cầu Cốc Lếu, nơi ấy lòng sông nhỏ bé giao hoà với dòng Nậm Thi chảy từ Trung Quốc sang và chảy xiết lắm. Tuy thế ở nơi giao hoà biên giới hai nước, sông Hồng vẫn cứ mãi chảy thành hai vệt nước có hai màu rõ ràng. Màu đỏ và màu xanh dù chung một dòng, màu tạo hoá hình thành nhưng không hề pha trộn. Những ai từng sống ở Lào Cai đều biết rõ điều đó như một vẻ đẹp kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng và coi đó như một sự tất nhiên.

Sinh ra nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt tận biên ải Lào Cai từ những ngày gian khó, tôi và rất nhiều thế hệ các bác, các anh chị em ở Lào Cai đã được lớn lên bên dòng sông này và có những ký ức đẹp đẽ và đau buồn mà mãi mãi vẫn không thể quên. Trận lũ lụt lịch sử năm 1971 cuốn trôi bao mái nhà, toàn bộ nhà cửa của chúng tôi ngập chìm trong biển nước. Xóm Cầu Đen ven sông Hồng nơi chúng tôi ở đã chứng kiến bao cảnh tang thương. Cũng nhờ trận lụt khủng khiếp ấy, sau khi nước rút đi rồi, mảnh vườn nhà chúng tôi được bồi thêm mấy chục cm phù sa của sông Hồng. Chúng tôi theo nhau ra đó vớt củi cành và nhiều người còn vớt được khá nhiều bè nứa, nhiều xác gỗ trôi về từ nơi đầu nguồn. Dải bãi soi nơi ấy cũng dài rộng hơn và dần trở nên trù phú hơn. Hương bùn và phù sa sông Hồng đã tưới đẫm tuổi thơ của chúng tôi. Phù sa châu thổ ven sông Hồng làm cho những bãi bờ và những xóm thôn luôn trù phú và bốn mùa xanh tươi.

Chiến tranh Biên giới ác liệt từ năm 1979 cày nát thành phố và làm thay đổi đáng kể bộ mặt thị xã Lào Cai nhưng dòng sông Hồng thì hầu như vẫn thế. Chỉ có sắc đỏ như ngầu lên vì giận dữ!

Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ tài năng đã trưởng thành từ mảnh đất Lào Cai, nơi đầu nguồn của dòng sông Hồng và hầu hết họ từng là cựu các thầy cô giáo đáng kính đã làm nên tên những tên tuổi trên văn đàn như các nhà văn Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Bùi Nguyên Khiết, Pờ Sảo Mìn...và rất nhiều con người đáng kính nữa mà tôi không kể hết được.

Tôi lớn lên trong hơi thở phù sa ngầu đỏ của sông Hồng và tiếng reo vui róc rách của những dòng suối trong veo ngày ấy. Núi rừng, sương mù bao phủ và mây trắng nơi non cao cùng với sông suối, cây xanh, hoa lá bốn mùa và rất rất nhiều thứ hương hoa cỏ dại cứ thấm đẫm vào tâm hồn tuổi thơ tôi. Sự hồn nhiên, mơ mộng, ngây thơ và những nét tinh khôi trong trẻo đến ngờ nghệch ấy của lũ chúng tôi có lẽ một phần cũng được khởi nguyên từ nơi đầu nguồn của dòng sông lịch sử này.

Sau này khi về Hà Nội lập nghiệp và trưởng thành, rất nhiều năm sau đó tôi lại   được sống ven con sông Hồng, dù chỉ là ngoài  đê, gọi là bãi Phúc Xá. Mỗi mùa bão lũ, nước sông dâng cao, dòng sông ngầu đỏ, dữ dội và đục ngầu. Nhà cửa và cây cối ven sông chìm ngập trong biển nước mênh mang. Những năm ấy lũ lụt rất lớn và rất thường xuyên vì chưa có trị thuỷ sông Đà. Chứng kiến bao trận lụt lội của Hà Nội những năm 80- 90, tôi lúc ấy  đã từng bế con lên thuyền chạy lụt vào nội thành khá nhiều lần, mà sao ngày ấy chúng tôi không hề có cảm giác sợ  hãi chút nào. Thậm chí bọn trẻ con còn vui thích được nghịch nước và bơi lội, đùa nghịch tập thể rất tung tẩy. Cánh đàn ông thì được dịp tập trung nhau cùng hút thuốc lào cũng vui. Các bà, các mẹ chia sẻ với nhau từng mớ rau hay con cá, chia sẻ cả món cá khô ăn dần.

Ngày ấy người ta ai ai cũng đều đói ăn, khổ sở nên hình như họ luôn thương quý nhau hơn bây giờ. Mỗi đợt nước rút, vợ chồng con cái lại còng lưng ngồi lau cọ nền nhà, sân vườn và kê dọn lại nhà cửa. Mãi rồi cùng quen với lũ lụt và những cơn giận dữ của dòng sông. Quen đến mức có năm không thấy lũ lụt về, bà con hàng xóm lại tíu tít hỏi han nhau: “ô, sao năm nay vẫn chưa thấy lũ lụt về nhỉ?...”. Một thời vất vả, lam lũ của người dân Hà Nội sống ở ngoài đê ở trong các bãi ven sông Hồng đã trôi qua ấm áp như thế. (Những chuyện chạy lụt kinh hoàng tôi sẽ kể sau ở bài viết khác )

Mãi sau này, tuy không còn sống ở đó nữa, mỗi lần có dịp đi qua cầu Long Biên, tôi đều muốn nấn ná dừng lại ngắm nhìn dòng sông và nhìn những cây cầu. Đặc biệt khi tuổi càng cao, người ta càng yêu sông Hồng hơn, càng thích được đi trên con đê dài bao quanh thành phố để tìm lại ký ức xưa. Tôi thích lang thang ngắm nhìn bờ bãi và cây lá ven sông, thích ngắm bốn mùa cây lá phản chiếu trên dòng sông Hồng, thích những mùa hoa lau nở trắng, thích cả những vạt ngô non và khoai lang, thích từng đám lau lách và ngắm những người nông dân đang làm lụng ở đó. Thích nhất là được ngắm mùa hoa cải nở vàng rực bên sông...Tôi đã viết khá nhiều bài thơ và những câu chuyện nhỏ từ cảm hứng với dòng sông Hồng.

Thi thoảng sau này, mỗi khi có dịp rảnh rỗi, tôi lại rủ bạn bè đi ăn, đi chơi lang thang dọc theo ven đê, ven sông Hồng. Cũng là để cho thứ hương phù sa ngấm vào hồn mình, để tha hồ ngắm nghía, để mơ mộng hay chí ít cũng bồi đắp thêm cảm hứng thi ca cho mình. Những phút được ngồi gần sát ven sông và ngắm nhìn dòng chảy trôi lững lờ hay cuộn xiết thì cũng đều rất thú vị. Mùa này,mặt sông bàng bạc và trong xanh hơn sau mùa lũ. Lâu lâu lại có một vài chiếc thuyền hay xà lan chở cát chạy vụt qua. Cảm xúc trước dòng sông luôn rất tuyệt với tôi. Có lẽ tôi mang mệnh mộc nên lúc nào cũng thích sông nước và những dòng chảy. Mà hầu như với bất cứ ai, khi được ngồi ngắm sông,  thấy lòng cũng thư thái và cảm giác như mênh mang hơn. Khi bạn được ngồi bên dòng sông để ngắm hoàng hôn và ráng chiều đỏ rực thì khoảnh khắc ấy rất tuyệt. Tôi mong sao dự án cải tạo cầu Long Biên cho sớm thành con đường đi bộ dành cho khách du lịch và dân cư Hà Nội sẽ mau chóng thành hiện thực.

Có một điều bí mật nữa mà bây giờ mới kể. Ấy là nơi Bãi Giữa ở sông Hồng, khi dừng xe giữa cầu Long Biên, rẽ xuống phía dưới ấy, có một con đường nhỏ sẽ dẫn bạn vào Bãi Tắm Tiên. Tôi đã tò mò về các câu chuyện bí ẩn ở đó từ lâu và đã khám phá nó, đi xe máy ra đó vài lần nhưng không dám xuống, vì nơi ấy toàn là các Tiên Ông, he he...Tuy nhiên, tôi vẫn khám phá những câu chuyện ấy bằng những cách khác. Tôi đã viết vài bài thơ về chủ đề này và đã đăng trên vài báo, tạp chí...Đó là những bài viết về “A Đam Sông Hồng “, về “ Thì thầm cùng sông Mẹ”, về “ Nhớ châu thổ sông Hồng “...và sự đam mê, ước mơ được vẫy vùng và sự khao khát tự do của những người đàn ông yêu mến con sông Hồng.

Ngoài địa chỉ quen thuộc nơi Bãi Giữa sông Hồng, còn có một bãi tắm tiên cho các A Đam đang bức bối với nơi phố phường ngột ngạt khi họ đang sống ở trung tâm Thủ đô. Họ có thể trốn lên đó thư giãn và tắm tiên ở ngay cạnh Bến Bạc, Phú Thượng, quận Tây Hồ. Bạn có thể ghé một nhà hàng khá đẹp ở đó để ăn trưa hay tụ tập bạn bè, dự hội khoá, hội văn thơ... Không gian rộng rãi, cũng khá thoải mái để ăn uống và chụp hình. Đó là nhà hàng ở địa chỉ 144 An Dương Vương, quận Tây Hồ. Một địa chỉ khá đẹp và khoáng đạt.

Phong cảnh sông nước đẹp đẽ và hữu tình, dòng sông Hồng trở nên thơ mộng và đáng yêu hơn nhiều. Ngoài bãi soi ngoài xa là cả vạt lau đang nở hoa trắng xoá. Bên thảm cỏ xanh mượt mà, bạn có thể cùng bạn bè thân thương ngồi thưởng thức vài món ăn và nhìn ra sông Hồng. Đoạn này nằm khoảng giữa hai cây cầu đẹp nổi tiếng của Hà Nội là cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân. Nhà hàng Tre Việt gần đó cũng là một lựa chọn không tồi khi bạn chọn được bàn ngồi sát phía ven sông. Tre Việt ăn ngon và giá cũng không cao, nhà hàng ấy nằm cạnh ngay phía dưới chân cầu Nhật Tân.

Khi sang Paris và có dịp đi vài nước châu Âu, chấu Á, Úc...tôi càng thấy thương cho dòng sông Hồng lắm lắm. Sông Hồng và những cây cầu cùng hai bờ của nó đáng ra có thể đẹp hơn, sạch sẽ và hoành tráng hơn, lãng mạn hơn, thi vị hơn. Giống như các nước khác, dòng sông luôn làm điểm nhấn cho du lịch, khi du khách có thể dạo bộ ven hai bờ sông hay đi thuyền trên sông. Mong sao, ước mơ ấy trở thành hiện thực, để cho du khách nơi xa về có thể ngắm cảnh, mê đắm hơn vẻ đẹp Thăng Long xưa và Thủ đô “ngàn năm Văn Hiến “ yêu dấu của chúng ta! Thật đáng tiếc cho dòng sông Mẹ của chúng ta .

Tôi đã viết nhiều thơ về quê hương Lào Cai và dòng sông Hồng, nhiều bài ký kể nhiều câu chuyện từ nguồn cảm hứng với dòng sông Hồng, cho đến những câu chuyện và cảm xúc từ Parisvà dòng sông Seine, cả những dòng sông đẹp đẽ khác nữa ở châu Âu mà tôi đã may mắn đi qua và trải nghiệm trước đây.

Nói dông dài thế để tôi muốn khoe rằng sẽ còn yêu mến, đắm đuối và sẽ viết tiếp những câu chuyện ấn tượng về những dòng sông và yêu thêm những dòng chảy vô tận trong tâm hồn.

SÔNG HỒNG THƯƠNG NHỚ - NHẠC PHẠM VIỆT LONG – THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG – HÁT MAI HOA

PTPT - Rút trong bản thảo “ Lặng nghe hoa nở” - PTPT - Hà Nội tháng 10/2018 

Phạm Thị Phương Thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuong-nho-song-hong-a16534.html