Vĩnh Phúc: Khuyến học, khuyến tài trong nền giáo dục xưa và nay ở huyện Vĩnh Tường

Sau đây là tham luận của Th.S. Đặng Anh Vân - Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu – Quốc Tử Giám    “Khuyến học, khuyến tài trong nền giáo dục xưa và nay ở huyện Vĩnh Tường” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

khuyen-hoc-vinh-tuong-1669722392.jpg
Tuyên dương học sinh có thành tích học tập tốt của xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường. Nguồn: Vinhtuong.vinhphuc.gov.vn

Khuyến học, khuyến tài là một trong những hoạt động gắn liền với chế độ giáo dục của mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… Tại Việt Nam, chế độ khuyến học, khuyến tài được thực thi từ lâu đời nhưng chủ yếu diễn ra trong giai đoạn của nền giáo dục khoa cử Nho học thịnh hành (1075-1919), trở thành phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Vĩnh Phúc trước đây là khu vực tiếp giáp với kinh thành Thăng Long, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục … của cả nước nên sớm tiếp thu tinh thần khuyến học, khuyến tài của dân tộc. Trong số các huyện của tỉnh, Vĩnh Tường là nơi đứng đầu về hoạt động này, thể hiện qua nguồn tư liệu chữ Hán và chữ Nôm.
1. Lợi thế của huyện trong hoạt động khuyến học, khuyến tài
Nằm ở phía tây nam của tỉnh, huyện Vĩnh Tường có nhiều lợi thế trong hoạt động khuyến học, khuyến tài. Từ giữa thế kỷ XVIII, khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) trở về trước, huyện Vĩnh Tường thuộc địa giới hai huyện Bạch Hạc và Tân Phong; từ niên hiệu Cảnh Hưng trở về sau, địa bàn huyện Vĩnh Tường chủ yếu nằm trong địa hạt của huyện Vĩnh Tường ngày nay.
Do thuần túy là vùng đồng bằng, có đê tả sông Hồng chạy dọc trong địa bàn của huyện, chia đất đai làm hai vùng: vùng ngoài đê với đất đai màu mỡ, do phù sa sông Hồng bồi đắp, rất thích hợp với trồng trọt, đặc biệt là mía, mà nổi tiếng nhất là làng Cam Giá – làng trồng “mía ngọt”, thuộc tổng Cam Giá (nay là thôn Cam Giá, xã An Tường). Vùng trong đê chiếm diện tích cơ bản, cũng là nơi đất đai màu mỡ, thuộc loại tốt nhất của phủ Tam Đới. Đất ở đây toàn loại “ bờ xôi ruộng mật”, rất thích hơp với trồng lúa, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, huyện là nơi có nhiều chợ, dùng làm nơi thông thương hàng hóa giữa các vùng miền trong nước, như chợ Thổ Tang (chợ Giang), chợ Tuân Lộ (chợ Vòng), chợ Phủ Yên (chợ Me), chợ Kiên Cương (chợ Chùa), chợ Văn Trưng (chợ Trưng) … Ngoài ra còn có hệ thống sông, ngòi, đầm, ao rộng lớn, không chỉ điều tiết nguồn nước cho nông nghiệp mà còn là nguồn thủy sản dồi dào, phục vụ cho đời sống của người dân trong vùng.
Từ những yếu tố như vậy tạo ra cuộc sống của người dân trong huyện trở thành nơi sung túc, phản ánh qua câu ngạn ngữ: “ Nhất Tam Đới, nhì Khoái Châu”, từng tồn tại lâu đời ở vùng này.
Ngoài cuộc sống vật chất thuộc loại “có của ăn của để”, người dân các xã trong huyện còn có lợi thế về cơ sở giáo dục đặt tại địa bàn, hoặc sát với địa bàn của huyện. Đó là trường học của phủ Tam Đới thiết lập ở xã Cao Xá (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại), do xã này là lỵ sở của phủ. Đây là trường cấp phủ ở thời Lê,  tức mô hình thu nhỏ của Trường Quốc Tử Giám Thăng Long, có chức năng đào tạo nhân tài của phủ để học sinh tham dự vào các kỳ thi Hương và thi Hội. Học sinh của phủ Tam Đới, nhất là huyện Bạch Hạc khi về đây học tập cũng tiện lợi hơn so với học sinh của các huyện khác trong phủ.
Đến thời Nguyễn (1802-1945), trường học của tỉnh Sơn Tây được thiết lập, đặt trong thành Sơn Tây (nay là khu vực thành cổ Sơn Tây), học sinh của huyện đủ điều kiện tham dự học tập tại trường này chỉ vượt sông Hồng là đến trường học tập, thuận lợi hơn nhiều so với học sinh của các huyện khác trong tỉnh Sơn Tây.
Đến thời Minh Mệnh (1820-1840), trường học của huyện Bạch Hạc đặt tại xã Huy Ngạc (nay là thị trấn Vĩnh Tường) lại càng thuận lợi cho học sinh của huyện đến đây học tập.
Về trường thi, nếu học sinh của huyện đủ điều kiện tham dự thi Hương như ở triều Lê thì đến trường thi đặt tại Sơn Tây, thời Nguyễn thì về Hà Nội, đều là những địa điểm lý tưởng, rất thuận lợi cho việc thi cử của sĩ tử trong huyện.
2. Hoạt động khuyến học, khuyến tài ở thời quân chủ
Tư liệu đề cập đến hoạt động khuyến học, khuyến tài ở thời quân chủ của huyện Vĩnh Tường rất đa dạng và phong phú, được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau. Trong khuôn khổ một bài tham luận, chúng tôi đề cập một số nét cơ bản sau đây.
+ Hoạt động khuyến học, khuyến tài bằng vật chất
Đó là việc xây dựng trường lớp lấy làm nơi học tập cho học sinh trong huyện. Vĩnh Tường hiện được biết đến là nơi có ngôi trường dân lập sớm nhất ở nước ta, đó là ngôi trường do hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng (nay thuộc thị trấn Tứ Trưng) liên kết xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702), thuộc đời vua Lê Hy Tông (1676-1705). Theo nội dung văn bia của trường cho biết: “ Làng ta là nơi văn vật, sinh ra nhân tài ở đây chẳng phải không nhiều, người ham chuộng thi thư ở đây không phải là ít, nhưng trường học của làng chưa dựng, giáp pháp còn thô sơ, e rằng việc học sẽ do từng hộ khởi phát, triệt đường tiến bước, chẳng phải là để dẫn dụ hậu học”. Do vậy người dân trong 2 xã “ không hẹp hòi gia sản, quyên góp ruộng đất để xây dựng trường học. Văn bia ghi 45 cặp vợ chồng của 2 xã này cung tiến ruộng đất với tổng cộng 4 mẫu 7 sào 5 tấc, trong đó trích 3 sào đất để xây dựng trường học .
Theo quan niệm của người dân 2 xã, việc xây dựng một ngôi trường như thế này “ là có ích với quốc gia”, vì đương thời trường tư thục ở nước ta vẫn là chủ yếu. Đáng chú ý là ngôi trường này tồn tại rất lâu đời, luôn là nơi học tập cho con em hai xã. Đến cuối thời Tự Đức (1848-1883), trường phát triển thành 10 gian học đường, thu hút học sinh không chỉ của 2 xã mà còn của các địa phương khác đến đây học tập. Đây được coi là sự sáng tạo của người dân huyện Vĩnh Tường trong vấn đề học tập tại địa phương, bởi vào đương thời chưa có địa phương nào xác lập được ngôi trường tương tự.
Tương tự như trường dân lập của 2 xã Văn Trưng và Lăng Trưng, đến cuối thế kỷ XVIII, xã Phú Đa (nay thuộc xã Phú Đa) cũng xây dựng trường học nhưng gồm 2 dãy, mỗi dãy 5 gian .
Về sau, đến thời Nguyễn, thuộc niên hiệu Tự Đức, Kỷ Mùi (1859), một ngôi trường dân lập khác chỉ do hai cá nhân góp tiền xây dựng, là ông Nguyễn Đình Tiền và bà Đỗ Thị Chất, người xã Thế Trưng (nay thuộc thị trấn Tứ Trưng), mỗi người xuất gia tài 100 quan tiền và 3 sào ruộng. Cảm kích trước công đức đó, người dân xã Thế Trưng tôn bầu 2 vị này làm Hậu Phật .
Bên cạnh dựng trường lớp, việc đặt học điền cũng được người dân trong huyện quan tâm, bởi chỉ có ruộng học mới tạo ra nguồn lương thực nuôi thầy, cũng như dùng chu cấp cho học sinh nghèo theo đuổi nghiệp học. Việc đặt học điền sớm nhất ở Vĩnh Tường cũng ghi nhận ở 2 xã Văn Trưng và Lăng Trưng, do vào năm 1702, khi xây dựng trường lớp, người dân 2 xã dành ra 4 mẫu 7 sào 5 thước làm học điền. Quy định rằng: “ Hễ là ruộng đất loại tốt nhất nên giao cho người thầy cày cấy để làm nơi cấp lương nuôi thầy”  .
Sau 2 xã Văn Trưng và Lăng Trưng, nhiều xã trong địa bàn của huyện đặt ra học điền, như xã Thổ Tang (nay là thị trấn Thổ Tang), đặt 1 mẫu 8 sào 1 thước ; xã Bồ Điền (nay là thị trấn Vĩnh Tường), gồm 4 mẫu .    
Đến đầu thế kỷ XX, nền giáo dục khoa cử chuyển đổi sang nền giáo dục cải lương nhưng việc trả lương cho thầy giáo làng vẫn do địa phương đảm nhận. Để khuyến khích việc học tập cho học sinh ở giai đoạn này, nhiều nơi trong huyện tiếp tục duy trì học điền. Chẳng hạn trong hương ước cải lương viết bằng chữ Nôm của thôn Hệ, xã Tang Đố (nay thuộc xã An Tường), lập năm Bảo Đại thứ 7 (1932), ghi tại Điều 14: “ Nói về việc đất học điền có 6 mẫu 5 sào, hằng năm hương hội đấu giá lấy làm trợ cấp lương thầy giáo, còn lại bao nhiêu để làm trợ cấp đinh sưu” .
Đối với sĩ tử trong huyện, để giám bớt khó khăn trong học tập, nhiều nơi  ban hành chính sách ưu đãi cho họ. Xã Phú Đa có lệ thưởng giấy viết (giấy dó) cho người đi học, với quy định người nào đỗ thứ nhất trong kỳ đại tập, thưởng 300 tờ; người nào đỗ thứ hai thưởng 200 tờ; người nào đỗ thứ ba, thưởng 100 tờ .
Xã Bảo Trưng (nay thuộc xã Phú Đa) quy định: “ Người nào đến tuổi đi học, bản xã miễn trừ các khoản sưu sai; người nào hằng năm trúng khảo khóa thì được miễn lính và thuế khóa” (Bảo Trưng văn chỉ bi, tạo năm Tự Đức thứ 30 (1877), No.14315-6).
Lại có xã như Phù Chính, tổng Tuân Lộ (nay thuộc xã Tuân Chính) miễn trừ tạp dịch cho cả học sinh nam và học sinh nữ thực hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX, khi nền giáo dục Pháp thuộc đang tồn tại ở nước ta, thể hiện qua Điều 11, viết bằng chữ Nôm: “ Trong làng hễ ai 18 tuổi trở lên vẫn theo học các trường nhà nước và ai thi đỗ đại, trung, tiểu học, có văn bằng thì được trừ tạp dịch. Đàn bà ai thi đỗ đại, trung, tiểu học, có văn bằng thì công dân lấy tiền công thưởng cho 3 đồng bạc để khuyến khích” .
Riêng người đỗ khoa trường, dù ở cấp độ nào, thuộc thời giáo dục khoa cử hay giáo dục cải lương, đều được các làng xã trong huyện thưởng bằng tiền theo mức độ của bằng cấp, tức có học vị càng cao được thưởng tiền càng nhiều, nhằm khích lệ tinh thần học tập cho sĩ tử.
+ Hoạt động khuyến học, khuyến tài bằng tinh thần
Ngoài khuyến học, khuyến tài bằng vật chất, người dân trong huyện còn khuyến khích bằng tinh thần để thúc đẩy học tập của học sinh. Tức đây là biện pháp tâm lý tạo phấn chấn cho học sinh học tập. Theo đó người dân trong huyện xây dựng hoàn thiện hệ thống văn miếu, văn từ và văn chỉ làm nơi thờ các vị Tiên triết,Tiên hiền của Nho giáo, bởi họ là những người có công trong việc học tập.
Ở cấp phủ, ngoài trường học của phủ đặt tại xã Cao Xá, nơi đây cũng được chọn làm địa điểm xây dựng văn miếu cho bản phủ. Văn miếu này xây dựng vào khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460-1497), trong bối cảnh nền giáo dục khoa cử Nho học của phủ Tam Đới phát triển mạnh mẽ. Theo thể chế đương thời, vào ngày Đinh đầu tiên của tiết xuân thu hằng năm, nơi đây tổ chức tế lễ các vị tiền bối của Nho giáo, giúp sĩ tử trong địa bàn biết ngọn nguồn sự học, để từ đó vươn lên trong học tập.
Ở cấp huyện, văn từ của huyện đặt tại xã Thượng Trưng, do nơi đây có truyền thống hiếu học đứng đầu trong huyện, với 5 vị đỗ đại khoa, gồm Bùi Hoằng,  Lê Dĩnh (cùng đỗ Hoàng giáp năm 1538), Phí Văn Thuật (đỗ Hoàng giáp năm 1640), Phí Quốc Thể (đỗ Tiến sĩ năm 1683), Bùi Công Tốn (đỗ Hoàng giáp năm 1685) cùng vài chục vị đỗ Hương cống thời Lê và Cử nhân thời Nguyễn. Đây là nơi Hội Tư văn của huyện họp mặt tế lễ Tiên thánh, Tiên hiền vào ngày Đinh của tiết xuân thu và bàn việc khuyến khích học tập cho học sinh của huyện.
Ở cấp tổng, hiện mới xác định 2 tổng là Tang Đố và Lương Điền xây dựng văn từ của tổng, trong đó văn từ của tổng Tang Đố đặt tại thôn Môn Trì (nay thuộc xã Vĩnh Thịnh) phối thờ 2 vị đỗ đại khoa của tổng là Hoàng Bồi, người xã Cam Giá Hạ, đỗ Hoàng giáp năm 1463 và Nguyễn Minh Khuê, người xã Phú Đa, đỗ Tiến sĩ năm 1523. Việc đưa 2 vị đỗ đại khoa của tổng vào thờ tại văn từ của tổng có tác dụng thiết thực trong việc khuyến khích học tập cho học sinh của tổng, bởi đây là những người bản quán, có tác dụng làm gương trong học tập đối với học sinh trong tổng. 
Tại cấp xã, hầu hết người dân ở cấp độ này đều dựng văn chỉ, coi đây là sự tất yếu trong cách đền ơn đáp nghĩa với Nho giáo đã khai mở tri thức cho người dân, đồng thời lấy đó để giáo dục tinh thần học tập cho con em của xã. Trong số 23 văn chỉ của huyện hiện còn tư liệu cho thấy nhiều văn chỉ được tạo dựng từ lâu đời, như văn chỉ xã Bồ Sao tạo dựng vào năm 1705, văn chỉ xã Văn Trưng tạo dựng vào năm 1702… Những xã này đều là nơi phát đạt về khoa cử nên càng có tác động tích cực đến tâm lý học tập của học sinh tại địa phương. Số văn chỉ còn lại, tuy không phải nơi nào cũng có người đỗ khoa trường nhưng tính chất vẫn là nơi thờ của Nho giáo, nên yếu tố khuyến học, khuyến tài vẫn luôn có tác dụng đối với học sinh của từng nơi.
3. Hoạt động khuyến học, khuyến tài ở thời đổi mới
Hoạt động khuyến học, khuyến tài ở thời đổi mới là giai đoạn từ năm 1986 đến nay. Giai đoạn này, cùng với sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, việc giáo dục ở huyện được thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Huyện ủy đã đưa ra “ Đề án phát triển giáo dục đào tạo huyện Vĩnh Tường giai đoạn 1996-2000, tiếp đó là “ Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015” và “ Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020”.
Trên cơ sở đó, hoạt động khuyến học, khuyến tài của huyện có bước chuyển biến mới, hướng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện, thể hiện ở việc tiếp thu những nhân tố tích cực, tiến bộ, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu của khuyến học, khuyến tài truyền thống, vận dụng một cách sáng tạo trong tình hình khuyến học, khuyến tài ở giai đoạn này.
Cụ thể nếu trước đây việc xây dựng trường lớp, đặt học điền, trả lương thực cho thầy… thì nay thay bằng trợ cấp cho học sinh nghèo, trao học bổng, thưởng Giấy khen, phát quà cho học sinh giỏi cùng nhiều hình thức sinh động khác. Những hình thức như vậy thông qua hoạt động của các Hội khuyến học trong huyện, bao gồm 1 tổ chức cấp huyện, 28 Hội khuyến học cấp xã, 382 chi Hội khuyến học của thôn, làng, 568 chi Hội khuyến học dòng họ, với tổng cộng 50.600 hội viên. 
Nếu quỹ khuyến học, khuyến tài trước đây là ruộng, ao, đầm hồ thì hiện nay chú trọng xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài bằng tiền mặt và được chú trọng. Quỹ khuyến học, khuyến tài của toàn huyện hiện đạt hơn 12 tỷ đồng. Tính đến năm 2021, toàn huyện có hơn 38.523 lượt hộ được công nhận là gia đình học tập, 404 dòng họ được công nhận là dòng họ học tập, 88 cộng đồng được công nhận là cộng đồng học tập. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2021, các cấp Hội khuyến học của huyện đã tuyên dương, khen thưởng 500 lượt giáo viên, 11.000 lượt học sinh, sinh viên thi đỗ vào trường Đại học và Cao đẳng với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng, trao hơn 500 triệu đồng học bổng, trợ cấp hơn 1000 học sinh nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian tới, công tác khuyến học, khuyến tài của huyện tập trung vào bốn mục tiêu: “Học để biểu biết, để làm người; Học để có nghề có việc làm; Học để biết làm cho mình và người khác hạnh phúc; Học để góp phần làm cho quê hương, đất nước phát triển bền vững và nhân loại tiến bộ”.
Để hỗ trợ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng, có tính chất bền vững, trong hương ước hiện nay của các thôn xã trong địa bàn toàn huyện đều có quy ước về vấn đề khuyến học, khuyến tài. Chẳng hạn trong “Hương ước, Quy ước” của Khu 9, Thị trấn Tứ Trưng, lập năm 2020, tại Mục 2, Điều 9, nói về “công tác khuyến học” ghi nhận: “1. Mỗi người, mỗi gia đình có trách nhiệm động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em mình học tập, phát triển tài năng, giúp đỡ con em trong khu có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập; 2. Xây dựng quỹ khuyến học: Quỹ khuyến học do nhân dân và dòng họ tự nguyện đóng góp được dùng để khích lệ tinh thần học tập của các cháu có thành tích cao trong học tập: Đạt học sinh giỏi các cấp học, thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Ngoài ra Quỹ khuyến học còn để hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó, giáo viên dạy giỏi”.
4. Thành tựu của hoạt động khuyến học, khuyến tài
Không thể phủ nhận hoạt động khuyến học, khuyến tài của huyện từng đóng vai trò quan trọng làm nên thành công trong việc hun đúc nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực trí thức Nho học cho huyện cũng như cho đất nước. Bởi với những lợi thế về địa lý, kinh tế, giáo dục, cùng chính sách khuyến học, khuyến tài do cộng đồng làng xã trên địa bàn của huyện phát động, được thực thi lâu dài, mang lại hiệu quả thiết thực. 
Có thể nêu ví dụ như vấn đề xây dựng trường lớp và đặt học điền nói phần trên của hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng ra đời từ năm 1702, đến năm 1851, phát triển thành 20 mẫu, vẫn do người dân 2 xã đóng góp làm nguồn lương nuôi thầy. Cách làm như thế kéo dài từ đầu thế kỷ XVIII, cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, khiến học sinh 2 làng dù nghèo hay giàu đều không phải trả bất cứ khoản lệ phí nào cho học tập. Vào thời điểm đó, trường lớp là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương trong cả nước nhưng tại đây vấn đề đó được giải quyết. Đây là cách làm mới, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc, vì các làng xã ở nước ta trước đây muốn con em của họ được đến trường học tập, thông thường chỉ gồm những gia đình khá giả, có của ăn của để, mời thầy về nhà dạy riêng, gọi là tư thục, còn đại bộ phận các gia đình nghèo khó, khởi thân từ nhà tranh, vách đất sẽ khó bề xoay chuyển, dẫn đến thất học.
Chính vì thế, sách Vĩnh Tường phủ địa dư chí, phần nói về “ Phong tục” cho biết: “Trong huyện phần nhiều hiếu về văn học mà các xã Văn Trưng, Thế Trưng, Vĩnh Trưng, Nhật Chiêu, Phù Lập, Kiên Cương và Thổ Tang là thịnh nhất. Còn hiếu võ có ở các xã Đồng Vệ, Bích Đại, Sơn Tang và Lương Trù là thịnh hơn cả”. Khi ghi về “ Nhân vật”, sách này cho biết: “ Phát đại khoa so với các hạt khác là thịnh hơn. Số đỗ đại khoa của triều trước là 24 người”. Sau đó sách liệt kê từ Nguyễn Văn Chất, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa triều Lê (1448), làm quan đến chức Thượng thư, người xã Vũ Di, đến Phan Duy Bách, đỗ Phó bảng khoa Kỷ sửu, niên hiệu Thành Thái năm đầu (1889), làm quan Tri huyện Thần Khê, người xã Kiên Cương. Tổng cộng gồm 22 vị.
Về người đỗ trung khoa, sách ghi: “Người đỗ trung khoa có hơn 250 người mà xã Văn Trưng là thịnh nhất (53 người). Thứ đến là xã Thượng Trưng (38 người), xã Nhật Chiêu (35 người), xã Bồ Sao (16 người), xã Bình Trù (15 người), xã Đại Định (13 người), xã Thế Trưng (13 người), xã Vĩnh Trưng (12 người). Ngoài ra các xã khác cũng có người đỗ”.
Ngày nay, số người có học hàm, học vị của huyện Vĩnh Tường công tác tại các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước không ngừng tăng lên chính là sự cộng hưởng từ hoạt động khuyến học, khuyến tài của huyện, trở thành phong tục tốt đẹp của người dân nơi đây .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện ủy – Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường- Tỉnh Vĩnh Phúc (2018), Địa chí Vĩnh Tường, NXB. Thế giới, Hà Nội.    
2. Nguyễn Hữu Mùi (2011), Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
3. Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
4. Nguyễn Hữu Mùi chủ biên (2021), Hoạt động khuyến học ở Việt Nam thời quân chủ, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội.
5.Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phúc (2008), Văn miếu và truyền thống hiếu học ở Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phúc.
6. Vĩnh Tường phủ địa dư chí (Bản dịch của Nguyễn Hữu Mùi), trong Địa chí Vĩnh Tường, tr. 949-967.


 

Th.S. Đặng Anh Vân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-khuyen-hoc-khuyen-tai-trong-nen-giao-duc-xua-va-nay-o-huyen-vinh-tuong-a16573.html