Vĩnh Tường trước hết là một phần của xứ Đoài xưa. Như chúng ta biết, xứ Đoài xưa là một vùng đất rộng lớn phía Tây Bắc Hà Nội, lấy núi Ba Vì làm trục xung quanh hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng và sông Đà, bao gồm một phần Hoà Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Phúc Yên (cũ) và toàn bộ tỉnh Sơn Tây cũ (Phạm Xuân Độ, tr. 11). Dù nằm bên này sông Đà và sông Hồng, song trong tâm thức của người dân khu vực ven hai con sông lớn này vẫn luôn coi mình có một phần là người của xứ Đoài, luôn hướng về núi Tản, sông Đà và nằm trọng giữa hai dãy núi thiêng Tản Viên và Tam Đảo. Dù địa lý diên cách sau này có thay đổi về mặt hành chính, song cốt lõi văn hoá của nó vẫn là không thay đổi.
Chính cái địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng của miền đất xứ Đoài ấy đã tạo nên một vùng văn hoá, văn hoá xứ Đoài với một ngọn núi linh thiêng cho cả dân tộc phía bên hữu ngạn và ngọn Tam Đảo với đỉnh Tây Thiên hùng vĩ bên này.
Liên quan đến lễ hội, Vĩnh Phúc nói chung và Vĩnh Tường nói riêng, có thể nói đặc trưng đáng kể nhất đó là nó vừa có phần văn hoá xứ Đoài vừa có phần văn hoá của vùng đất Tổ với việc thờ các vị thần thời Hùng Vương. Bởi vậy, theo chúng tôi, Vĩnh Tường thuộc trong hai nhóm lễ hội sau đây:
Nhóm lễ hội thờ Tản Viên sơn thánh và các vị liên quan đến ông. Nhóm lễ hội thờ các vị anh hùng lịch sử nhưng gắn chặt với các nghi lễ nông nghiệp cổ, đặc trưng của vùng đất Tổ.
Ngoài ra, vì gắn bó với xứ Đoài nên các lễ hội liên quan đến khu vực này, tuy không nhiều, nhưng cũng không vắng bóng như các lễ hội thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh của bà và các lễ hội về Từ Đạo Hạnh. Vĩnh Tường là một phần của Vĩnh Phúc nên những lễ hội này ít nhiều đều có mặt ở huyện này. Một điều đáng nói nữa đó là vì đối diện với Sơn Tây, thủ phủ của xứ Đoài, nên Văn hoá Vĩnh Tường mang nét văn hoá xứ này đậm nét là một thực tế. Vì thế, mọi yếu tố thuộc văn hoá xứ Đoài cơ bản ở Vĩnh Tường đều thuộc về. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, là một huyện nằm ven sông Hồng và vùng bán sơn địa nên có những nét riêng của nó. Điều này thể hiện khá rõ trong lễ hội dân gian, đó là sự đậm đặc của những nghi lễ nông nghiệp. Một mặt, bởi Vĩnh Tường là huyện nằm trọn vẹn bên bờ sông Hồng, cạnh đó Vĩnh Tường lại là đoạn ngã ba, nơi kết nối của hai dòng sông huyền thoại là sông Đà và sông Hồng. Như vậy, Vĩnh Tường của Vĩnh Phúc là huyện đối diện trực tiếp gần nhất với vùng lõi của xứ Đoài, đó là Sơn Tây, trung tâm của xứ Đoài huyền thoại và thơ mộng. Song , toàn bộ phần diện tích phía đông của huyện nằm trọn trong không gian gốc của xứ Đoài xưa, còn phía bắc và phía tây gắn liền với vùng văn hoá đất Tổ cũng như vùng bán sơn địa của đồi núi trung du và dãy Tam Đảo. Toàn bộ điều kiện địa lý đặc biệt đó tạo ra một Vĩnh Tường mang nhiều sắc màu văn hoá của những vùng đất cổ nhất Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong các lễ hội dân gian cũng như các phong tục tập quán của huyện. Có thể coi đây là đặc điểm riêng và khá đặc biệt của vùng đất này.
1, Nhóm lễ hội về Tản Viên Sơn Thánh và các vị liên quan
Về nhóm lễ hội này ở Vĩnh Tường, phải kể đến lễ hội đền Ngự Dội (đền Dội) nổi tiếng thuộc làng Duy Bình. xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường. Cùng với lễ hội đền Bắc Cung, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc và lễ hội đền Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, lễ hội đền Dội tạo nên một vòng khép kín của lễ hội lớn nhất vùng Sơn Tây, xứ Đoài xưa, đó là lễ hội đền Và thờ Tản Viên và tả hữu thần của ngài là Cao Sơn, Quý Minh. Lễ hội đền Ngự Dội của Vĩnh Tường có nét đặc sắc là gắn với truyền thuyết Sơn Tinh đi đánh giặc về nghỉ bên sông gặp các cô gái làng đi cắt cỏ, ngài nói các cô dùng sọt xuống sông múc nước giúp ngài. Điều vô lý là làm sao cái sọt có thể múc được nước? Song ngài đã hoá phép thần thông để nước có thể đựng được trong sọt. Điều ngạc nhiên, lạ lùng này làm cho người dân biết ngài là một vị thần linh giáng trần. Sự linh thiêng này của ngài là cho dân làng kính phục, nên sau này lập miếu thờ ngài chính là đền Ngự Dội hiện nay. Có thể nói đây là một lễ hội đặc sắc của Vĩnh Tường, song quan trọng hơn là nó kết nối, bổ sung cho hệ thống lễ hội về đức Thánh Tản nổi tiếng của toàn vùng xứ Đoài quá khứ và hiện tại. Khắp cả vùng Bắc Bộ đều có các nơi thờ Tản Viên và các vị thần liên quan đến ông như Cao Sơn, Quý Minh và những người khác. Tuy nhiên, cái lõi của không gian lễ hội này chính là khu vực đền Và và xung quan như đền Thính, đền Ngự Dội thuộc Vĩnh Phúc. Đó là ưu thế cũng như nét đặc trưng của lễ hội nói riêng, văn hoá của huyện Vĩnh Tường nói chung.
2, Nhóm lễ hội liên quan đến các nghi lễ nông nghiệp cổ
Đây là nhóm lễ hội phong phú nhất trong số các lễ hội được thống kê ở huyện. Có một điều rất thú vị là dù các lễ hội này đều thờ các nhân vật liên quan đến Hùng Vương như Đông Hải Đại Vương (hội đền Đuông), thờ Hùng Vương hay Đinh Thiên Tích thời Hùng Vương (lễ hội đình Diệm Xuân, xã Việt Xuân); lễ hội đình Bích Đại- Đồng Vệ, xã Đại Đồng); thờ Lý Nhã Lang thời Lý Nam Đế (lễ hội đình Bích Chu, đình Cam Giá, đình Thủ Độ, xã An Tường); thờ nữ tướng Lê Ngọc Chinh thời Hai Bà Trưng có lễ hội đền Hú Đáo, đình Lũng Ngoại, Hoà Loan, xã Lũng Hoà); thờ Lân Hổ (Lân Hổ hầu) thời Trần là lễ hội đình Thổ Tang (xã Thổ Tang)… Tất cả họ đều là những nhân vật lịch sử hay truyền thuyết, song đều mang đậm nét những nghi lễ phồn thực hay các nghi lễ nông nghiệp cổ thuộc vùng đất Tổ. Đó là các trò hay tục lệ trong lễ hội như bắt chạch trong chum của lễ hội là Tứ Trưng, xã Tứ Trưng, trò diễn Hú Đáo ở đền, đình Lũng Hoà, “Trâu rơm, bò rạ”, xã Đại Đồng… là những trò, tục cổ của vùng đất Tổ. Những trò diễn, tục lệ này giống như nhiều tục cổ, trò diễn cổ còn lưu giữ không ít ở các huyện khác của Vĩnh Phúc.
Đó là các trò diễn xuống đồng (Quang Yên, Sông Lô), chọi trâu (Hải Lựu, Sông Lô), leo cầu đinh, bắt chạch trong chum (Sơn Đông, Lập Thạch), bơi chải (Nhân Đạo, Sông Lô), chạy nước, nấu cơm thi (Bàn Giản, Lập Thạch), tế rước cây bông (Đồng Thịnh, Sông Lô), chạy thẻ nấu cơm (Đồng Tĩnh, Tam Dương), kéo song, cướp cây bông (Đồng Thịnh, Sông Lô), rước cầu mùa, trò diễn móc khẩu (Khai Quang, Vĩnh Yên), nấu cơm thi, rước đuốc (xã Phúc Thắng, Phúc Yên), cướp phết, giã bánh dầy (xã Bàn Giản, Lập Thạch), đâm trâu khao quân (xã Tích Sơn, Vĩnh Yên), trò đúc bụt chiêu quân, chạy cờ (xã Đồng Tĩnh, Tam Dương), lễ tịch điền, trò diễn chạy cày (xã Hoàng Đan, Tam Dương), lễ trình trâu, chọi trâu (xã Bạch Lựu, Sông Lô)… Đặt các lễ hội mang đậm chất nghi lễ nông nghiệp cổ sơ vào bối cảnh vùng đất Tổ, một mặt cho thấy sự lâu đời, cổ kính của các lễ hội đó, mặt khác cho thấy Vĩnh Tường là một bộ phận khăng khít của văn hoá xứ Đoài và vùng đất Tổ Phú Thọ, đồng thời đây là những sản phẩm văn hoá hấp dẫn cho việc khai thác du lịch sau này của huyện Vĩnh Tường nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
3, Phát huy vai trò của hội làng ở Vĩnh Tường trong sự phát triển của huyện hiện nay
Theo nghị quyết Trung ương V, khoá 8 và đặc biệt là gần đây nhất Hội nghị văn hoá toàn quốc vào ngày 24 tháng 11,với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vai trò của văn hoá đang càng ngày càng được coi trọng. Thực tế, nếu biết khai thác văn hoá vào phát triển kinh tế đã đem lại những nguồn lực to lớn. Xu thế ngày nay coi văn hoá như một nguồn lợi kinh tế đóng góp vào sự phát triển cho mỗi địa phương là không thể chối cãi. Một thí dụ điển hình là lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam ở An Giang, chỉ “4 tháng đầu năm 2022, thành phố đã đón khoảng 2,4 triệu lượt khách. Hiện nay, Châu Đốc đón trung bình khoảng từ 5 ngàn đến 7 ngàn lượt khách mỗi ngày” và đã thu được một số kinh phí lớn vài chục tỉ đồng. Tương tự như vậy, các địa phương có lễ hội truyền thống và các di sản văn hoá vật thể cũng như phi vật thể đang tích cực khai thác nguồn lợi này. Đây cũng là điểm mà Vĩnh Tường cần lưu ý trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Để khai thác được những tiềm năng văn hoá nói chung, di sản lễ hội truyền thống nói riêng của huyện, đối với Vĩnh Tường, theo chúng tôi nên hướng đến những vấn đề sau đây:
1- Trước hết là vấn đề nhận thức. Những người lãnh đạo, quản lý cần có được nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hoá nói chung, của lễ hội truyền thống nói riêng. Phải nhìn nhận nó thực sự là một ngành kinh tế, một sức mạnh mềm cho sự phát triển của địa phương. Là một ngành kinh tế, trước hết đó là phải biết khai thác nó đem lại những lợi ích kinh tế cho địa phương. Làm thế nào để biến những tiềm năng của di sản văn hoá này thành những sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao đem lại lợi nhuận cho huyện. Muốn đạt được điều này những người làm văn hoá phải biết kết hợp với những người làm du lịch và làm kinh tế để tìm tòi xem mỗi hiện tượng văn hoá, mỗi lễ hội có cái gì để chúng ta có thể khai thác nó ra tiền, song lại không phải là thương mại các lễ hội đó. Một hướng phổ biến hiện nay là du lịch tâm linh thể hiện qua việc tổ chức các lễ hội là rất phổ biến cần được chú ý. Thứ hai đó là việc khai thác lễ hội truyền thống nhằm bảo đảm đời sống văn hoá tâm linh cho người dân địa phương và du khách bốn phương. Qua các hoạt động tâm linh này, một mặt tạo ra sự bình yên, cân bằng trong cuộc sống của người dân, mặt khác chính những hoạt động tâm linh ấy sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương qua các hoạt động công đức, xã hội hoá lễ hội, qua các dịch vụ phục vụ những hoạt động tâm linh đó. Nhận thức được như vậy, chính quyền và các cấp quản lý sẽ có hướng khai thác các giá trị văn hoá lễ hội như thế nào. Khi đã thống nhất được nhận thức thì toàn thể hệ thống chính trị cùng vào cuộc và nhất quán từ trên xuống dưới mới phát huy được mọi sáng kiến, sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức trong công việc này. Nhận thức thực sự coi văn hoá là động lực, là nguồn lợi kinh tế, là động lực nội sinh của sự phát triển sẽ tạo ra một bước chuyển biến của toàn xã hội vì mục đích phát triển của địa phương.
2- Vấn đề thứ hai, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách của huyện cần có sự nghiên cứu một cách cẩn thận toàn bộ tiềm năng văn hoá của huyện. Những tiềm năng đó không chỉ là những lễ hội lớn hay di tích quan trọng nào đó, mà đôi khi chỉ là một ngôi đền nhỏ, một cái chợ, một làng nghề hay một sản phẩn gì đó đặc trưng cho địa phương…, song đối với khách du lịch lại là sự hấp dẫn để họ tỉm hiểu. Ngay cả cảnh quan, không gian làng mạc, sông hồ, đồi núi, cánh đồng…., những cái chúng ta hàng ngày sống với nó thấy vô cùng bình thường, nhưng đối với người nơi khác đến lại là một sản phẩm du lịch hấp dẫn họ. Chúng ta vẫn thường nghĩ phải có những di sản lớn mới có thể khai thác được kinh tế, song thực tế thời gian qua đã chứng minh, chỉ là những công việc đồng áng thường ngày như, chăn trâu, tát nước, cấy cày…, nhưng du lịch Ninh Bình đã hút được không ít khách nước ngoài đến thăm và tham gia, đem lại lợi nhuận kinh tế. Những sinh hoạt hàng ngày trong một gia đình người nông dân bình thường ở quê, không ngờ lại là trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Còn những ngôi nhà của đồng bào dân tộc với những sinh hoạt đời thường của họ lại là sự hấp dẫn với cả khách ta và khách tây đến các tỉnh miền núi phía Bắc… Vì thế việc sưu tầm, nghiên cứu để chỉ ra những tiềm năng đó là việc làm đầu tiên vô cùng quan trọng. Nói như người phương Tây, tất cả đều nhìn thấy, nhưng người nhìn ra vấn đề mới là người giỏi. Tất cả chúng ta đề nhìn thấy quả táo rơi, nhưng chỉ có mình Anhxtanh tìm ra lực hấp dẫn từ hiện tượng đó. Vì thế, cần có người chuyên nghiệp, hiểu biết vấn đề mới chỉ ra được những cái chúng ta cần. Công việc nghiên cứu lúc nào cũng cần thiết là như vậy. Thiết nghĩ, tiềm năng của Vĩnh Tường không phải là nhiều, song không thiếu để có thể phát triển, cho nên việc nghiên cứu để chỉ ra được và làm thế nào để khai thác được những tiềm năng đó là điều quan trọng cần đặt nên hàng đầu trong việc phát huy các di sản này.
3- Vậy, tiềm năng văn hoá và lễ hội của Vĩnh Tường là gì? Trước tiên phải kể đến tiềm năng con người của vùng đất này. Con cháu của Nguyễn Thái Học không chỉ là những con người yêu nước, cách mạng mà còn là những người có đầu óc làm ăn hết sức nhanh nhạy với thị trường trong cả nước. Một điển hình nổi tiếng là người Thổ Tang, Vĩnh Tường với chợ buôn trâu nổi tiếng trong quá khứ từ đó đến hoạt động thương mại đa dạng và phát triển như ngày nay. Một giai thoại được lưu truyền về người Thổ Tang vào những ngày đầu giải phóng miền Nam năm 1975, chuyện kể rằng người Thổ Tang Vĩnh Tường đã nhanh chóng bắt kịp thời cuộc chính trị lúc đó, nên đem mấy ba lô cờ đỏ sao vàng vào Sài Gòn để bán phục vụ việc ăn mừng chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cái điều đã nói ở trên là ai cũng nhìn nhưng không phải ai cũng nhìn thấy chính là điều đó, sự nhạy bén, sắc sảo nhìn nhận thời cuộc và cơ hội làm ăn của người Thổ Tang là thế. Ngoài người Thổ Tang là người dân các làng khác trong làm ăn, buôn bán, làng nghề thủ công từ bao đời nay chắc không thiếu những con người có đầu óc nhạy bén như thế.
Tiếp đến là xem không gian cảnh quan của Vĩnh Tường. Như trên đã trình bày, Vĩnh Tường có ưu thế của một khu vực đồng bằng ven sông và vùng bán sơn địa của trung du Bắc Bộ. Từ điều kiện địa lý này chúng ta thấy Vĩnh Tường có những cảnh quan và đặc trưng của cả hai vùng đất cổ, từ đây là những loại đặc sản của hai vùng thổ nhưỡng khác nhau. Vì thế khai thác những đặc sản tự nhiên làm hàng hoá và quà cho khách du lịch là điều nên nghiên cứu. Mặt khác, lấy điều kiện tự nhiên như các triền sông, các cảnh quan dọc sông Hồng, sông Đà làm các hoạt động du lịch sinh thái hay du lịch sông nước cũng là một tiềm năng của huyện. Bên cạnh đó là hệ thống làng nghề của Vĩnh Tường cũng là một tiềm năng đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Theo thống kê chưa đầy đủ về các làng nghề của Vĩnh Tường cho thấy cả huyện có các làng nghề sau:
Làng mộc Vân Giang, Lý Nhân.
Làng mộc Vân Hà, Lý Nhân
Nghề thu gom phế liệu Vân Xuân
Làm bún Hòa Loan, Lũng Hoà
Làng mộc truyền thống Bích Chu, An Tường
Làng đậu phụ Rùa thôn Thượng, Tuân Chính
Làng mộc truyền thống Thủ Độ, An Trường
Buôn bán hàng hóa, nông sản, Thổ Tang
Cơ khí, vận tải thủy Việt An, Việt Xuân
Dệt vải Văn Ổ, Vân Xuân
Trồng dâu nuôi tằm, Yên Lập
Nuôi rắn, chế biến rắn, Vĩnh Sơn
Làng nghề bánh cuốn, bún Tân An, Ngũ Kiên
Một số làm hương Nghĩa Lập, Nghĩa Hưng
Làng nghề rèn Bàn Mạch, Lý Nhân
Chăn nuôi bò sữa, Vĩnh Thịnh
Một số làng làm mỳ, bún ở, Bồ Sao …
Như ta biết, làng nghề ngày nay không chỉ là nơi sản xuất ra các mặt hàng thủ công, mĩ nghệ hay đặc sản ẩm thực, mà theo đó còn là địa bàn thú vị cho phát triển du lịch làng nghề đang rất phổ biến trong cả nước, mà Vĩnh Tường không nằm ngoài xu thế đó. Kèm theo, các làng nghề là các chợ truyền thống, nơi trưng bày các sản phẩm nghề đồng thời là bán các sản phẩm khác. Một loạt các chợ nổi tiếng của huyện như: Chợ Thổ Tang (tục gọi chợ Giang), xuất xứ là chợ chuyên mua bán trâu bò ở xã Thổ Tang; Chợ Vòng ở làng Tuân Lộ (nay thuộc xã Tuân Chính); Chợ Me ở làng Phú Yên (nay thuộc xã Yên Lập); Chợ Trục ở làng Hưng Lục (nay thuộc xã Nghĩa Hưng); Chợ Chùa ở làng Kiên Cương (nay thuộc xã Ngũ Kiên); Chợ Rưng thuộc làng Văn Trưng (xã Tứ Trưng); Chợ Tường thuộc làng Dẫn Tự xã Tân Cương; Chợ Đa thuộc xã Phú Đa; Chợ Điền thuộc làng Lương Điền xã Bình Dương; Chợ Kiệu thuộc làng Hưng Lại xã Chấn Hưng… . Văn hoá chợ là một tiềm năng du lịch không nhỏ của mỗi quốc gia, bởi chợ là nơi thể hiện bộ mặt kinh tế, văn hoá xã hội của một địa phương.
4- Cuối cùng là vấn đề khai thác lễ hội truyền thống của Vĩnh Tường.
Như trên đã trình bày, trên đất Vĩnh Tường hiện có 2 nhóm lễ hội đặc sắc có thể khai thác cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Đối với nhóm lễ hội liên quan đến đức Thánh Tản và bộ hạ của ông, theo chúng tôi cách phát triển tốt nhất là nâng tầm của các lễ hội này tại chính Vĩnh Tường để tạo thành một nhóm lễ hội Thánh Tản và các vị tướng liên quan đến ông trên đất Vĩnh Tường. Dựa vào những giai thoại, truyền thuyết liên quan đến ngài như trường hợp lễ hội đền Ngự Dội, khai thác những chi tiết đó làm phong phú cho lễ hội này. Làm sao để người đi hội, đã đi đến đây thấy rõ cũng là thờ thánh Tản, song có những nét khác biệt với các nơi khác trong vùng. Thứ đến là, có sự kết nối lễ hội đền Ngự Dội và những nơi thờ Tản Viên cùng các vị tướng của ngài với đền Thính (Bắc Cung), thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc và Đền Và (Đông Cung), xã Đông Hưng, Sơn Tây. Từ góc độ du lịch văn hoá nếu làm một tua du lịch khép kín thì qua các đền này một mặt người đi lễ có thể thực hành trọn vẹn nghi lễ thờ Thánh Tản cùng các vị tướng của ngài về mặt tâm linh. Còn về việc thưởng thức văn hoá và đặc sản các vùng thì du khách có thể thăm thú các vùng đất của Sơn Tây, Vĩnh Phúc với các sản vật, phong cảnh, trải nghiệm địa phương kèm theo những dịch vụ của một tua du lịch khép kín với đầy đủ các điểm nhấn về di tích cũng như phong cảnh các vùng. Thêm nữa, tua này có thể mở rộng ra các khu vực xung quanh thờ thánh Tản như vùng Thanh Thuỷ Phú Thọ hay Ba Vì Sơn Tây… Như vậy có thể lấy Vĩnh Tường, đền Ngự Dội làm điểm xuất phát hoặc từ các điểm khác nhau kể trên đều có thể là một tua du lịch thú vị.
Đối với nhóm lễ hội thứ hai đó là các lễ hội thờ các nhân vật truyền thuyết và lịch sử thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng và các giai đoạn sau này. Như trên chúng tôi đã liệt kê, ngoài các nghi thức tế lễ, rước xách, trò chơi dân gian phổ biến ở các lễ hội truyền thống, thì các nghi thức thờ các nhân vật lịch sử là những tiềm năng du lịch tâm linh to lớn có thể khai thác. Đặc biệt đó là những trò diễn, tục lệ cổ giúp ta hiểu về một nền văn minh nông nghiệp của cha ông. Đồng thời là những đặc sản văn hoá mà vùng đất này có được cùng với không gian văn hoá Hùng Vương và xứ Đoài cổ kính. Những trò diễn, tục lệ độc đáo ấy sẽ là sự hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nghe đến những trò như bắt chạch trong chum của lễ hội là Tứ Trưng, trò diễn Hú Đáo ở đền, đình Lũng Hoà, “Trâu rơm, bò rạ”, xã Đại Đồng…gợi nhớ chúng ta đến những trò diễn, tục cổ của vùng đất Tổ Phú Thọ như rước tiếng hú, trò Trám v.v... đã thành đặc sản văn hoá của Phú Thọ. Vĩnh Tường hoàn toàn có thể tự hào về điều đó. Dưới đây chúng tôi xin thống kê các lễ hội tiêu biểu của Vĩnh Tường trong số 103 lễ hội tiêu biểu ở Vĩnh Phúc để thấy vị trí của nó trong toàn tỉnh:
1. Hội đền Ngự Dội, 15 tháng Giêng, xã Vĩnh Ninh, thờ Tản Viên Sơn Thánh, rước nước, rước kiệu, tế lễ, đấu vật chọi gà kéo co..
2. Lễ hội đền Đuông, 10 tháng Giêng, xã Bồ Sao, thờ Đông hải Đại Vương thời Hùng Vương, rước kiệu, tế lễ, múa sư tử.
3. Lễ hội đình Thổ Tang, 10 Tháng Giêng, Thổ Tang, rước kiệu, tế lễ chọi gà cờ tướng, đấu vật.
4. Lễ hội đền Hú Đáo, 10 tháng Giêng, đình Lũng Ngoại, Hoà Loan, xã Lũng Hoà, thờ Lê Ngọc Chinh tướng Hai Bà Trưng, rước kiệu, tế lễ, trò diễn hú đáo, cờ tướng…
5. Lễ hội đền Đức Ông, 25 tháng Giêng, xã Tứ Trưng, thờ Nguyễn Văn Nhượng- danh nhân thời Lê, rước kiệu, tế lễ, trò chơi dân gian.
6. Lễ hội đình Bích Chu, 6 tháng Giêng, xã An Tường, thờ Lý Nhã Lang, thời Lý Nam Đế, rước kiệu, tế lễ, rước nước.
7. Lễ hội đình Cam Giá, 7 tháng Giêng, 18 tháng 10, xã An Tường, thờ Lý Nhã Lang, thời Lý Nam Đế, rước kiệu, nước, hoạt động văn hoá.
8. Lễ hội đình chùa Diệm Xuân, 15 tháng Giêng,12 tháng 9, xã Việt Xuân, thờ Hùng Vương, rước kiệu, tế lễ, rước nước.
9. Lễ hội đình Bích Đại- Đồng Vệ, 20 tháng Giêng, xã Đại Đồng, thờ Đinh Thiên Tích, thời Hùng Vương, Rước kiệu, tế lễ, diễn tích “Trâu rơm, bò dạ”
10. Lễ hội đình Thủ Độ, 18 tháng Giêng, xã An Tường, thờ Lý Nhã Lang, thời Lý Nam Đế. rước kiệu, rước nước, tế lễ…(Kim Cúc- Thiều Quang, 2019)
Như vậy, văn hoá Vĩnh Tường nói chung, lễ hội truyền thống ở Vĩnh Tường nói riêng không chỉ là một nét đẹp văn hoá, mà thực sự là một tiềm năng, một nguồn lợi kinh tế văn hoá có thể khai thác cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới. Vấn đề là chúng ta cần có nhận thức và tầm nhìn như thế nào để đưa ra những chiến lược, sách lược cho việc khai thác nó. Đó cũng là một câu hỏi đặt ra đối với hội thảo của chúng ta hôm nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Gia Khánh, Xuân Thiêm chủ biên (1986). Địa chí Văn hoá dân gian vùng đất Tổ. Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Vĩnh Phú.
2. Kim Cúc- Thiều Quang (2019), Lễ hội dân gian tiêu biểu Vĩnh Phúc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
3. Lê Kim Thuyên, (2006), Lễ hội Vĩnh Phúc, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tỉnh Vĩnh Phúc.
4. Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý (2005), Lễ hội Việt Nam, NXB. Văn hóa và Thông tin.
GS. TS. Lê Hồng Lý