Đồng bằng sông Cửu Long: Siêu cống “Cái Lớn - Cái Bé” giúp người dân an tâm sản xuất

Siêu cống “Cái Lớn - Cái Bé” là công trình thủy lợi có vai trò quan trọng trong kiểm soát nguồn nước tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững cho người dân các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu,…hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha.

1-dong-bang-song-cuu-long-1670047969.jpg
"Siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé

 

Ông Lê Tự Do - Đại diện lãnh đạo đơn vị phụ trách bộ phận tiếp quản công trình thủy lợi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (trực tiếp quản lý, vận hành Cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết: “ Cống Cái Lớn - Cái Bé kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) giúp người dân trong vùng sản xuất ổn định bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241ha, thuộc địa bàn các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu;… 

Để tạo điều kiện cho người dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, đơn vị đã thường xuyên cung cấp thường xuyên thông tin về quan trắc, độ mặn, độ PH, mực nước,…trên  trang webhttp://cailoncaibe.thuyloivietnam.vn để nhân dân sinh sống trong khu vực chủ động trong lịch mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, sản xuất hay các ngành nghề có liên quan đến nguồn nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: Đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Đánh giá tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược của  Cống Cái Lớn - Cái Bé trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đây là một công trình ý Đảng - lòng dân, một công trình trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp, sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ, sang tư duy chủ động, vừa là phải thích ứng và chủ động thích ứng để “thuận thiên”, hay chủ động kiểm soát, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Siêu cống “Cái Lớn - Cái Bé” sau 02 năm khởi công, xây dựng (từ tháng 11/2019- 10/2021) và khi đưa vào vận hành đến nay đã thực sự phát huy hiệu quả trong vai trò điều tiết nguồn nước, ngăn chặn, hạn chế thiên tai, phục vụ sản xuất. Qua các đợt xâm nhập mặn trong năm 2022, Cống Cái Lớn - Cái Bé đã điều tiết nước cho hơn 384.000ha đất sản xuất vùng bán đảo Cà Mau, gồm: Thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, cung cấp nước có độ mặn phù hợp cho vùng vùng nuôi tôm và các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp hàng ngàn người dân trong vùng an tâm sản xuất.

3-dong-bang-song-cuu-long-1670048549.jpg
Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hưởng lợi từ "Siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé trong sản xuất nông nghiệp

Ông Trác Chí Hùng, người dân ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bày tỏ: “Năm 2021 trở về trước gia đình tôi và người dân trong vùng làm 02 vụ lúa, nhưng năng suất không cao vì bị nhiễm mặn, nhờ có siêu cống “Cái Lớn - Cái Bé” mà người dân đã chủ động được nguồn nước, gieo sạ đúng mùa vụ, nâng cao năng xuất.

Cùng đồng quan điểm, ông Dương Văn Trung, ông Phạm Xuân Diện, nông dân xã Hòa Tiến, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Nhờ cống Cái Lớn - Cái Bé ngăn mặn nên bà con hiện nay rất an tâm sản xuất vì đã chủ động quản lý được nguồn mặn, điều tiết nước ngọt đảm bảo nước tưới trong sản xuất nên diện tích khóm và cây trồng của chúng tôi phát triển tốt, sản lượng nâng cao đã chứng minh công trình Cái Lớn - Cái Bé đã giúp nông dân chúng tôi được hưởng lợi rất lớn, tăng thu nhập cho bà con từ 30% trở lên”.

Siêu cống “Cái Lớn - Cái Bé” hình thành đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long, một vùng đất có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước trước những thách thức của tự nhiên với biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân…giúp cho người dân chủ động, sản xuất được tốt hơn.

2-dong-bang-song-cuu-long-1670048868.jpg
Du khách chụp hình lưu niệm trên "Siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé

Không chỉ phòng chống thiên tai, điều tiết nguồn nước sản xuất, công trình thủy lợi Cống Cái Lớn - Cái Bé còn là điểm nhấn du lịch của địa phương khi đang thu hút nhiều du khách đến tham quan. Điều đó đã minh chứng rằng, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ công ích thủy lợi để phục vụ nhân dân, “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé còn là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh, cho nên đơn vị hiện đang xin chủ trương khai thác sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, như: Kinh doanh, du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác nhằm góp phần ổn định đời sống của công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, ông Lê Tự Do - đại diện đơn vị vận hành “siêu cống”, thông tin.

Trần Quốc Giang ( Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-bang-song-cuu-long-sieu-cong-cai-lon-cai-be-giup-nguoi-dan-an-tam-san-xuat-a16668.html