Lãng đãng trời âu giữa lòng Tam Đảo 

Sau gần mười bốn năm sinh sống ở châu Âu, trở về Việt Nam định cư, tôi luôn có mong muốn được tiếp tục tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của con người, văn hoá và thiên nhiên của mảnh đất yêu thương mang tên Quê Hương này. Và một trong những địa danh đầu tiên tôi đặt chân đến là Tam Đảo, Vĩnh Phúc. 

bbc49605-3329-40e0-9a9e-4d069f897750-1670205297.jpeg
Tam Đảo hùng vĩ và nên thơ. Ảnh: Internet


Sau gần mười bốn năm sinh sống ở châu Âu, trở về Việt Nam định cư, tôi luôn có mong muốn được tiếp tục tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của con người, văn hoá và thiên nhiên của mảnh đất yêu thương mang tên Quê Hương này. Và một trong những địa danh đầu tiên tôi đặt chân đến là Tam Đảo, Vĩnh Phúc. 

Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội. Sau một giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đã đặt chân đến thị trấn Tam Đảo. Lúc đó vào khoảng 8h sáng. Ngay khi cửa xevừa mở, tôi đã được Tam Đảo táp vào mình một bầu không khí rất mát mẻ, dễ chịu. Những ký ức về cuộc sống ở châu Âu chợt ùa về tràn ngập trong tâm trí. Nhiệt độ Tam Đảo khi đó khoảng 20°C, tương đương với tiết trời độ cuối xuân hay đầu thu ở Paris, cảm nhận chợt thoáng trong tôi như đang ở giữa bầu không khí của những con phố ở đồi Montmartres, kế bên là Vương cung thánh đường Sacré - Cœur, Paris.

Với tôi, Tam Đảo chính là một cỗ máy thời gian và không gian diệu kỳ.  

Chỉ cách Thủ đô Hà Nội náo nhiệt chừng một giờ lái xe, đến với Tam Đảo, tôi không chỉ được du lịch về mặt không gian địa lý từ châu Á đến châu Âu, từ trần gian đến nơi bồng lai tiên cảnh, mà còn như được trở về buổi xa xưa, khi trái đất dường như chưa có con người mà chỉ có thiên nhiên hoang sơ mà diễm tuyệt, chỉ có rừng xanh núi biếc với cây lá, cỏ hoa đua nhau khoe sắc.

Nơi phố núi Tam Đảo, tôi như được bao bọc trong những đám mây, những khối sương mù dày đặc, có khi chỉ đứng cách nhau vài mét mà đã không còn nhìn rõ người đối diện. Sự bồng bềnh, hư ảo dịu dàng ấy của đất trời Tam Đảo làm tôi nhớ về khoảng thời gian sống ở Anh quốc - nơi được mệnh danh là đất nước xứ sở sương mù. Từng đám sương mù trắng muốt như đang vẽ nên một bức tranh huyền ảo, trong đó thấp thoáng hiện ra cảnh đẹp của một ngôi làng châu Âu đích thực mà trái tim của nó là nhà thờ đá Tam Đảo được xây dựng từ năm 1937 với lối kiến trúc Gothic nổi tiếng. Ngay lúc đó, tai tôi như vang lên những tiếng chuông của nhà thờ Notre - Dame de Paris, Saint - Corentin de Quimper, hay bất kỳ nhà thờ chúa Jesus nào khác mà tôi thường được nghe vào mỗi buổi sáng chủ nhật. 

 ​Trong thời tiết se lạnh, ngồi nghỉ chân ở một quán cà phê vỉa hè, tự thưởng cho mình một ly Capuchino nóng, tôi thấy lòng thật thư thái, an nhiên. Nhâm nhi ly cà phê và nhìn ngắm mọi người qua lại, tôi chợt thấy mình như đang ngồi ở quảng trường Trocadero (Paris), quảng trường lớn (Brúc-xen), Old Market Square (Nottingham), Marienplatz (Munich), Saint-Anne (Rennes). Thật thú vị, mới chỉ đi một quãng đường ngắn từ Hà Nội tới Tam Đảo mà tôi có cảm giác mình đang  được từ Việt Nam trở lại với châu Âu, được thỏa nỗi nhớ về những vùng đất mà tôi đã từng sống và gắn bó. Tôi tin rằng cảm giác này không chỉ là của riêng tôi. Và nữa, khi được đắm mình trong thiên nhiên Tam Đảo, nghe se se hương núi ngọt ngào, ngắm mây trời miên man cuộc lãng du thần tiên ngay trước mắt, tôi đã hiểu tại sao nhà chế tác Yves Coueslant - nhà sáng lập thương hiệu Diptyque - đã tạo ra dòng nước hoa nổi tiếng thế giới mang tên "Tam Dao" - dòng nước hoa “gợi nhớ về những cánh rừng thiêng trùng trùng lớp lớp mang theo sự ấm áp, tráng lệ của những tán cây kết hợp” - để ghi nhớ về khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ 20, khi đó ông và gia đình thường đi nghỉ ở Tam Đảo. Hẳn rồi, Tam Đảo, chính là Tam Đảo - với vẻ đẹp hùng vĩ mà diễm lệ, gần gụi mà huyền hoặc của đại ngàn muôn tuổi - đã trở thành một phần không thể quên trong ký ức tuổi thơ Yves Coueslant.  

Cuộc hành trình siêu việt lại tiếp tục với chuyến du hành vượt thời gian đưa tôi trở về quá khứ của hàng triệu năm về trước, khi trên trái đất còn chưa có con người. Đó là khi tôi được đắm mình giữa những cánh rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Tam Đảo. Cảnh rừng rậm hoà quyện với lớp sương mù như đang khéo lựa chọn từng tia nắng để được xuyên qua mình. Có tiếng nước suối chảy róc rách đâu đó không xa. Phong cảnh thiên nhiên hiện lên trước mắt tôi thật đẹp, thật hùng vĩ và huyền bí. Tôi như đang lạc vào một bộ phim hay một cuộc thi hoa hậu mà các loài cây, loài hoa chính là những thí sinh đang ra sức để khoe hết những vẻ đẹp của mình. Chúng được cổ vũ nhiệt tình nhờ những nhạc công tài ba là những chú chim ở đâu đó với tiếng hót thánh thót, véo von vang từ rừng sâu hay ngay quanh tôi...  

Vẫn chưa thoả mãn niềm đam mê khám phá của mình. Cỗ máy thời gian lại đưa tôi về thời kỳ lịch sử từ hàng nghìn năm về trước khi tôi đặt chân đến quần thểDanh thắng Tây Thiên, một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam cùng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ở nơi danh thắng từng được người xưa mệnh danh “là nơi bậc nhất trời Nam” tôi lần lượt được chiêm bái những ngôi đền, chùa thờ Phật, thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu mang đậm đặc trưng tín ngưỡng thờ cúng của cư dân Tam Đảo, Vĩnh Phúc với lối phối thờ độc đáo: “tiền Phật, hậu thánh” (trước Phật, sau Mẫu): đền Cả, đền Đông Lộ, đình Tổng, đền Ngò, chùa Nền, đền Thỏng, suối Trường Sinh, miếu Cậu, suối Giải Oan, miếu Cô, chùa Tây Thiên, chùa Cổ, rồi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên… Bởi thế, tôi đã hiểu, vì sao, khi đến với Tây Thiên (Tam Đảo) cũng đồng nghĩa với việc ta được ân hưởng trọn vẹn một hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu”. Và cũng bởi thế, mà ở chốn địa linh, nơi hội tụ linh khí núi sông này, tôi như được gặp tổ tiên của mình: Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu và Hùng Chiêu Vương Lang Liêu. Khoảng cách hàng nghìn năm thật gần, tôi như đang thấy, trước mắt tôi, tại chính nơi này, Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu đang chiêu mộ binh lính để giúp vua Hùng thứ Sáu đánh tan giặc Ân xâm lược. Bà đang hết lòng dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, trồng lúa nước… giúp Nhân dân có cuộc sống ấm no. Đất nước thanh bình, tại đây bà đã kết duyên cùng hoàng tử Lang Liêu - vị hoàng tử nghèo khó nhưng giàu nghị lực và trí tuệ, vị hoàng tử gắn liền với câu chuyện “sự tích bánh chưng bánh dày” - hai món ăn đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam. Câu chuyện là tấm gương cao đẹp về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước, tính cần cù chăm chỉ, đoàn kết, sáng tạo, anh dũng, thắm đậm nét đẹp truyền thống cao quý nhất của con người Việt Nam.  

Trở lại thị trấn Tam Đảo, đoàn chúng tôi tiếp tục dạo bước, tham quan những con phố nhỏ. Đã là ngày thứ 3 được đến với Tam Đảo, mà tôi như cảm thấy mình vừa mới tới nơi này, chưa chia tay mà lòng đã dâng nỗi luyến lưu, muốn ở lại với Tam Đảo thật lâu nữa. Tôi thôi thúc bản thân tận hưởng từng giây phút những hương vị rất riêng của phố núi. Tôi cố gắng cảm nhận thêm nữa, thật nhiều nữa những vẻ đẹp của Tam Đảo, bởi chỉ còn đêm nay, ngày mai chúng tôi đã trở về Hà Nội. Không chỉ chiêm ngắm cảnh sắc Tam Đảo, tôi còn được gặp gỡ, trò chuyện với người dân nơi đây. Tôi như dần hiểu họ hơn, lại được biết trong số họ, có nhiều người thuộc tộc người Sán Dìu, Cao Lan… dù để biết được điều này sẽ là không dễ dàng nếu ta không trò chuyện với bà con và nhất là nếu bà con không mặctrang phục dân tộc truyền thống. Nhưng điểm dễ nhận thấy nhất đó là ai ai cũng đều rất thân thiện, dễ mến. Vào mỗi cửa hàng hay hỏi đường người dân, chúng tôi luôn được đồng bào đón chào như những vị khách quý với những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Không ai khác, mỗi đồng bào của tôi ở Tam Đảo cũng chính là những hướng dẫn viên du lịch, là những “đại sứ văn hoá” chinh phục trái tim của mỗi du khách chúng tôi khi đến nơi này. 

Những ngày lưu lại cùng Tam Đảo, chúng tôi được thưởng thức nhiều sản vật và món ăn đặc sắc của Tam Đảo, của Vĩnh Phúc như ngọn su su, dứa Tam Dương, măng rừng, chuối ngự, thịt bò tái kiến đốt, cá thính Lập Thạch... Trước khi lên xe ra về tôi đã kịp mua được nhiều đặc sản dành làm quà cho gia đình và bạn bè.

 ​Chia tay Tam Đảo, chỉ hơn một tiếng đồng hồ xe chạy, tôi đã về đến Hà Nội, trở lại nhịp sống thường nhật bận rộn, tấp nập của một siêu đô thị. Nhưng, trở về mà lòng tôi thì như đang ở lại với Tam Đảo! Ôi! Vừa mới đây thôi, sao tôi đã thấy nhớ Tam Đảo - nhớ thị trấn xinh đẹp, đặc biệt và đầy quyến rũ này đến vậy chứ.

TS. Nguyễn Tiến Long Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Rennes (INSA de Rennes) Cộng hoà Pháp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lang-dang-troi-au-giua-long-tam-dao-a16697.html