U15 Đoàn Kết IIIA. 1967

Chân thành cảm ơn dân làng Hà Vĩ một thời cưu mang.

Hôm nay, anh Dầu lấy cái xe Sô-Lếch-Mù (xe không máy), đưa nó vào nhập trường cấp III. Xuôi theo Quốc lộ 1A chừng hơn hai chục cây số đến cầu Ngoài Làng, rẽ vào hỏi thăm thêm là tới thôn Hà Vĩ, xã Lê Lợi, Thường Tín (Hà Nội). Trường Đoàn Kết IIIA Hà Nội về đây từ 1965, lũ trẻ con như nó được phụ huynh đưa đến bàn giao cho trường xong là họ cũng về ngay. Còn lại bọn trẻ nhớn nhác như gà con lạc mẹ. Nó được vào lớp 8C của thầy Nguyễn Đức Hương. Thầy chạy đôn chạy đáo sắp xếp cho từng tốp 2 đến 3 đứa ở trọ một nhà.

dh1qa1-1670400075.jpg
Tập thể lớp gặp gỡ lần đầu 1996 tại trường trung cấp y.

 

Dân đa số đều nghèo nhưng nhà nào cũng sân vườn rộng rãi. Nó cùng thằng Bảo ở nhà bác Số, chỉ có bác gái ở nhà, bác trai đi làm ăn trên ngược cùng người làng, làng có nghề mộc truyền thống. Hai bác được em bé tên Ngạn. Bảo trắng trẻo, đẹp giai nhưng ít nói, suốt ngày cứ thu thu, xếp xếp đồ, lại còn có cả kim chỉ, tính cách như con gái. Bên kia là nhà bác Sinh, em trai bác Số. Nhìn sang thấy Văn Lâm, Chí Long bên đó, nó sang lân la làm quen. Hai đứa cùng Hàng Bồ, đứa 40, đứa 59 chắc quen nhau rồi, thấy vui vẻ lắm. Chiều tối, thầy Hương gọi cả lớp đi ăn cơm, xuôi về cuối làng, bếp ở đó. Ra đầu ngõ đã thấy 3 đứa con gái trong nhà bước ra (sau này mới hay là: Lý Mai, Kim Thanh và Thanh Mai). Bác Vị, mẹ anh Phú lớp 10 phụ trách bếp ăn, chỉ cho chúng nó cứ 4 đứa một mâm gồm thau cơm, canh, dĩa cá. Gọi là mâm chứ cứ đặt ngay xuống đất rồi ngồi xổm mà ăn. Nó với Bảo, Long và Lâm cùng mâm, mỗi đứa ăn 2 nửa bát là xong. Canh riêu cá, cơm hết sạch. Lần đầu ăn tập thể thấy cũng vui, chỉ tội cái bụng vẫn còn vơi một nửa. Sau này còn phải ăn cả mỳ luộc, bánh mỳ. Có chiều tối ăn mò, cái thau men mẻ, đứa nào cũng tưởng còn dính thức ăn, chạm đũa vào; rồi ít quá mất công qua nhà lấy bát, từ lớp xuống thẳng bếp, mấy đứa ngồi ăn bốc với nhau vui đáo để. Có buổi trưa, ăn cơm về ngồi học không vào, cái nồi cám lợn bác Số vừa đun còn bốc hơi nghi ngút dưới bếp thơm lừng, trên có mấy củ khoai tây bi. Để con lợn ăn thì xa xỉ quá, nó nhón tay giải quyết luôn. Giờ vẫn nhớ cái cảm giác ngon lành, nóng hổi. Gần Tết, bác trai đi làm về, vai khoác cái xe đạp Thống Nhất nam mới coong. Bác với bác Sinh, 2 anh em mấy ngày cứ vòng vòng tập đi trong sân.

Đêm đầu tiên xa nhà, nó vẫn ngủ một mạch tới sáng. Ra cuối xóm đã thấy bọn trẻ cùng lớp ngơ ngơ, ngác ngác như bò đội nón bên cái giếng to rộng mà sâu. Mãi mới lấy được ca nước, thuốc đánh răng thì cay xè cho vào miệng, cò cưa mãi mà không tan hết. Ăn sáng tự túc. Nó cũng quen không ăn sáng rồi (có đâu mà ăn), ngồi sớ rớ xem Bảo xếp đồ (lại xếp đồ). Định sang thằng Lâm, bỗng tiếng rít chói tai của chiếc phản lực ào ào lướt qua ngay trên đầu rồi, cơ man là tiếng nổ long trời, lở đất. Vài phút sau yên ắng trở lại, bác Số từ ngoài chạy vào, hổn hển nói:

- Máy bay đánh bom, bị chết nhiều người quá các chú ơi!

Nó với Bảo chui vào gầm giường giờ mới dám chui ra, mặt tái mét, chưa hết kinh hoàng. Ngoài kia, dân làng đang rầm rập chạy tìm người thân ngoài đồng. Hôm đó là tầm 10h sáng ngày 3/9/1967 (29/7 Âm lịch). Khu này ngoài dân làng, trường cấp III Đoàn Kết còn Đoàn văn công Tây Nguyên và một số cơ quan sơ tán, mật độ rất dày. Vệt bom bi ăn từ đầu làng Hà Vĩ qua cánh đồng sang Từ Vân. 47 người dân chung một ngày giỗ. Không những ở đây, cả Hà Nội xôn xao. Anh Dầu nó vào sớm cùng bao người khác, biết lũ học sinh con em an toàn, họ quay trở về Hà Nội ngay. Lớp 8C có ba chục đứa, Văn Lâm làm lớp trưởng; Hồng Yến bí thư Đoàn; Thầy Hương chủ nhiệm dạy Văn kiêm luôn làm cha, làm mẹ cho chúng nó. Tất tật mọi sự cứ đến kỳ thì đóng 13 đồng tiền ăn, hình như còn cả miễn phí nữa.

Rồi Tết cũng đến, cả lớp được về nhà ít ngày. Tết những năm chiến tranh nghèo nàn, buồn tẻ quá, chẳng có ký ức gì, như đã bén hơi nhau, chỉ mong sớm trở lại trường.

Mậu Thân 68, sau này mới biết có sự kiện trọng đại, còn lúc này ra Giêng được một hai tháng, tin dữ từ chiến trường bay về. Đầu làng, cuối xóm đâu đâu cũng thấy tiếng khóc than của các gia đình liệt sỹ.

Lớp nó có nhiều bạn ngoại trú ngoài Đào Xá, Đống Sung, Khoái Nội: Thái, Lê, Tâm, Dương, Vân, Khả Ái, Dương Liên, Dương Thị Tơ, Lê Vân, Kim Còi, Lê Chính Đạo, Hồng Thắng, Thái, Ân, Kính, Hiển, Cương, Chiến. Thủ lĩnh nhóm này chính là Lê Chính Đạo. Chúng nó đủ cơm, đủ canh, đứa nào cũng tươi roi rói. Thấm thoát đã được một năm, rồi đông qua, hè tới, lũ trẻ ở lại cả trường, không được về. Tìm đủ trò chơi, sinh hoạt lớp các kiểu mà thời gian rảnh rỗi vẫn nhiều. Lớp 8C có cái quỹ lao động bốc xếp sắt ngoài ga Thường Tín, Đỗ Xá, Phú Xuyên (nhờ bố thằng Kính làm thủ kho nên cứ làm một, ông tính cho thành hai. Ngày 24/12/1968, cùng với Khả Ái, nó được kết nạp Đoàn ngoài mặt trận .

Trời rét căm căm, bụng đói, cái tay phải ngón giữa lại vừa bị giập, giẻ còn quấn, buốt giật giật. Gần 12 giờ trưa, cả lớp sang cái quán đổ nát bên ga Phú Xuyên, Yến – Bí thư đọc quyết định rồi lấy cái câu trong đám cưới “Ngày vui của hai bạn” thế là chả còn trang nghiêm nữa, cả lũ lại cười như nắc nẻ.

Hè này có tiền quỹ bốc sắt, thầy trò ngả con lợn liên hoan. Đứa nào bụng cũng căng mòng, vui vẻ như hội. Ăn xong bọn trai rủ nhau đi đá bóng, lũ con gái rủ rỉ múa hát. Bích với Thoa 8A múa điệu nhổ củ cái, đứa làm củ cải, đứa làm bác nông dân cứ quanh quanh, xoay xoay, vòng phải, vòng trái mà hay quá. Ra ngoài bãi kịch chiếu “Bông bưởi” hơn một giờ thì quay về lớp. Bảo vẫn lúi húi ở lại rửa tay chân ngoài mương. Nó sạch sẽ lắm. Về đến sân trường một lúc thì thấy các thầy cô cùng các anh lớp 10 xôn xao chạy qua. Chúng nó cũng chạy theo. Ra tới cái bãi bóng thì thấy anh Thắng đang vác ngược Bảo dốc dốc, nhẩy nhẩy. Không thấy ra nước, hô hấp nhân tạo rất lâu mà Bảo vẫn nằm yên, không qua nổi. Đưa Bảo về trường, đêm cả lớp thay nhau canh bạn. Sáng hôm sau, gia đình đến mai táng Bảo ngay đầu làng.

Vào lớp 9, học sinh chuyển trường nhiều, 8C và 8B sáp nhập thành 9B. Thắng đầu to đi học Toán đặc biệt. Tơ chuyển về Việt Trì theo gia đình. Bên lớp B có Lý Hùng, Bích, Thanh Hà, Khánh, Cúc, Thoa, Minh Toàn đứa học giỏi chăm ngoan, cả chị Dung, Duy Chính, Thầy Hương sắp xếp nơi ở cho phù hợp. Yến, Bình, Kim Hương ở nhà bác Đức; Lý Hùng, Cương ở nhà ông Tư Lơi; Bích Liên bên cụ Kham; Thanh Hà, Thu Hương, Hải KHánh nhà bà Hai Phàn; Văn Lâm, Thanh Lãm nhà anh Đùng; Hòa, Thịnh, Việt, Dũng, Tiến nhà bác Ngãi; Nó với Định, Chí Long ở nhà Lê Hồng Sơn (Sơn là người làng học cùng lớp). Các thầy cô gồm có: thầy Hiển – hiệu trưởng; thầy Quỳnh - hiệu phó, Bí thư chi Bộ; thầy Hương dạy Văn;thầy Lê Trung Anh dạy Toán; cô Minh - Trung Văn; thầy Nhung - Hóa; thầy Hải - Địa Lý. Thỉnh thoảng có thầy Khoát còn trẻ lắm sagn dạy Văn đỡ cho thầy Hương.

Qua một năm, đứa nào cũng ra dáng, mấy đứa con gái thì lớn vọt, đã là thiếu nữ rồi. Trường tổ chức cho học sinh các lớp học hành quy củ, sinh hoạt văn nghệ phong phú, cứ lâu lâu lại hội diễn. Các anh lớp 10 diễn vở “Một người Cộng sản” chỉ có 2 nhân vật Hiên Cù và Tuân Vịt mà rất ấn tượng. Lớp nó lại chơi trội, dàn dựng cả vở “Nổi gió”. Thái vào vai Trung úy Phương cực chuẩn. Chỉ có cái cảnh Trung úy được chị Vân (Vũ Thanh Bình thủ vai) âu yếm mà khó. Dàn đồng ca của 9B thì thôi rồi, đài phát thanh chưa chắc bằng, hai giọng lĩnh xướng Lý Hùng và Thanh Bình rất chuyên nghiệp, ham tập văn nghệ hơn cả học.

Thi thoảng lại được xem Đoàn văn công Tây Nguyên biểu diễn, các anh, chị, cô, chú như thần tượng của bọn trẻ ưa ca hát. Vậy mà sơ xuất cháu bé nhà cô Năm Nhớ tha thẩn chơi ngã xuống ao bị đuối nước.

Mấy đứa ngoại trú không cứ ngày học mà lúc nào cũng lượn vào trường chơi. Có hôm giữa trưa, Đạo với Thái vào rủ nó ra Đào Xá. OK ngay. Qua con mương nổi máng chìm, nhìn xuống đập tràn, lòng mương khô khốc có hai quả tròn cỡ quả cam xanh lét, gân nổi vằn bóng loáng, đẹp như một thứ đồ chơi. Đạo nói xuống xem. Ừ… ba thằng tới nơi nhặt lên nặng trịch, nâng niu, ngắm nghía. Thái nói thử đập. Vậy là nó một quả, thằng Đạo một quả đập nhẹ xuống sàn xi măng không hề gì thì mạnh tay nện xuống. Một quả vỡ sứt một mảnh nhỏ để lộ ra phần gờ bên kia tuyệt đẹp. Đạo xí ngay “để tôi lấy cho ông Hồng (anh nó) làm gạt tàn thuốc”. Đập mãi mà không tách được cái phần gọi là gạt tàn thuốc lá cho Đạo lấy. Trời thì nắng nóng quá, thôi thử ném xa xem. Hai thằng dang thẳng cánh vụt qua bờ mương… Oành … oành…. Hai tiếng nổ liên kề như sét đánh, thấy cả quầng lửa. Chạy!! Ba đứa mặt cắt không còn hột máu chạy tắt đồng về nghè. Tim đập thình thịch, thở đứt hơi (bom bi năm trước không nổ, nước chảy lan về đập tràn, nào có biết bom đạn là gì đâu mà không nghịch ngu. Đạo năm đó bị hạnh kiểm kém tới giờ vẫn còn lăn tăn, nhớ dai và trách thầy. Thầy đuổi là hạnh phúc. Những năm đó, Hà Nội cũng bị đánh bom lẻ tẻ vào cả nội thành, Đại học Thủy Lợi, Kho xăng Đức Giang, phòng giáo dục Hai Bà Trưng…).

Mấy đứa ở nhà Sơn, bà mẹ thương con thương cả lũ trẻ bạn bè lớp, tối tối lại sai anh em Oanh đi rang ngô, không thì luộc khoai tây cho các anh ăn. Chúng nó được cả cái tầng hai lát gỗ để ở. Thầy Câu cũng ở cùng. Bố Sơn đi bộ đội chưa về, dưới Sơn là các em Oanh, Oánh, Thủy, Anh, Ảnh. Sau này về Vận tải nó gặp ông, hai bố con nhận ra nhau ngay. Đợt nó đi bộ đội, Sơn với Lâm ở nhà nó học hết lớp 10. Cái hôm Cụ Hồ mất (2/9 nhưng mùng 4 mới thông báo), cái ô cửa sổ tầng 2 nhà Sơn nhìn ra mưa thu rả rích, loa kim ọ ọe, bốn năm đứa cứ bàng hoàng. Cả lớp về Hà Nội viếng Bác rồi quay lại, bọn con trai viết đơn tình nguyện đi bộ đội.

Nó được thầy Hương cử làm tổ trưởng học tập, ngồi cạnh là Thùy Hương - Thùy Hương ở khu sơ tán của tập thể Trung Ương đoàn cùng Phùng Long, có mẹ là giáo viên nên chăm học lắm, nhất là môn Trung Văn. Môn này nó lại cực dốt, cứ cóp-pi bài của bạn. Khổ nỗi cái chữ tượng hình cứ nhìn được nét dọc lại quên nét ngang, nét phẩy lại quên dấu chấm… vã cả mồ hôi. Mấy lần nó được cô Minh - dạy Trung Văn mời ra ngoài vì nói chuyện riêng. Nhớ thầy Nhung gọi lên trả bài, nó cứ run lập cập vì rét. Thầy mắng phải học đàng hoàng (thầy không biết là nó đang mặc phong phanh, không đủ ấm), nhưng cũng là bài học đường đời.

Bữa thằng Đạo nhà có giỗ ngoài Đào Xá. Tối nó mang một gói to xôi thịt, lại cả cút rượu vào nhà bác Là. Mấy đứa, có cả anh em Thắng - thằng Nam (Mai em nó), Lý Hùng, Cường, Thái đang ngồi bốc ăn, rượu cũng đã rót ra chén thì thầy Hương đã đứng ngay cạnh. Thày nói :

-Thôi ăn xong rồi đi ngủ. Cậu đưa tôi về!

Nó len lén theo thầy ra ngoài đường. Thầy nói: -Cậu khác người ta đấy nhé!.

Từ đó, nó tỉnh ngộ ra mà bớt ham chơi, đàn đúm. Thầy đã chỉ cho nó con đường nên đi.

Sang đầu năm lớp 10 có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, cả trường có Nó và anh Chiến trúng tuyển. Tháng 11/1969, các trường về cả Hà Nội, Đoàn Kết IIIA về lại khu Mai Hương thì nó nhận được giấy gọi nhập ngũ. Hôm 9/1/1970, cả lớp đưa tiễn nó ở sân Nhà Thờ Lớn. Chúng nó cứ đồng thanh “Đi xanh cỏ nhé”. Lớp nó quen nói ngược, lũ bạn chúc nó trở về ngực đỏ huân chương đấy. Ơn giời, nhờ lời chúc đó, nó đã sống trở về. Còn anh Chiến nằm lại chân 723 Se-Pôn, Lào nơi hai đứa học trò cùng lớp khoác áo lính chia lửa với nhau trong chiến dịch Lam Sơn 718.

Tới giờ thầy Hương đã 90, cô Minh - vợ thầy đã 85 tuổi, bọn con trai con gái dở dở ương ương năm nào cũng đã xấp xỉ U70 cả. Họ vẫn thường niên gặp gỡ chúc mừng thầy cô, chúc mừng nhau vào dịp 20/11. Vẫn bịn rịn, hồi hộp lắm. Thầy còn cẩn thận căn dặn :

-Các anh các chị đều có gia đình rồi đấy nhé!.

Làng Hạ Vĩ giờ đây đã là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc. Thi thoảng, thầy trò trường lớp lại về thăm dân làng, thăm thôn xóm cũ, một thời đầy kỷ niệm ân tình dễ mấy ai quên.

Tết Nhâm Dần 2022.

Trái tim người lính

 

CCB Nguyễn Đình Rồng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/u15-doan-ket-iiia-1967-a16742.html