Năm 1988, tốt nghiệp Cử nhân y sĩ Trường Cao đẳng Y tế Nam Định, chàng trai trẻ Phan Kim Trọng, quê xã Đức Bác (Sông Lô - Vĩnh Phúc) về công tác tại Phòng Y tế huyện Lập Thạch được giao nhiệm vụ làm công tác y tế dự phòng (YTDP) và kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ).
Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với người dân tộc thiểu số và vùng nông thôn nghèo, anh vừa mừng, vừa lo; lo vì trình độ nhận thức của bà con hạn chế lại bị chi phối bởi những tập quán lạc hậu của vùng dân tộc thiểu số, nhưng mừng vì chính môi trường công tác là điều kiện để anh rèn luyện phấn đấu vươn lên.
Công việc của người làm công tác y tế dự phòng phải điều tra, giám sát theo dõi ổ dịch có nguy cơ phát sinh mầm bệnh ở cơ sở trong điều kiện thiếu thốn phương tiện, vật tư, hoá chất, đòi hỏi người làm công tác Y tế dự phòng phải nhiệt tình, chịu khó, nắm vững chuyên môn, nắm chắc các ổ dịch có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thống kê dịch bệnh báo cáo lãnh đạo để kịp thời đề ra phương án phòng, dập dịch.
Anh tâm sự: “Khó khăn nhất là vận động chị em người dân tộc thiểu số áp dụng các biện pháp tránh thai thực hiện KHHGĐ”. Nhiều lần do công việc gấp, thậm chí phải ở lại cơ sở kéo dài hàng tuần lễ để điều tra xử lý dịch bệnh, xa gia đình nhưng anh luôn chấp hành tốt quy chế, kiên trì bám sát cơ sở, tận tình hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh, được người dân quý mến và đồng nghiệp tin tưởng.
Với sự nỗ lực phấn đấu, năm 1992, anh được kết nạp vào Đảng, được Sở Y tế cử đi học bác sỹ đa khoa tại Trường Đại học Y khoa Thái Bình. Tốt nghiệp bác sĩ, tiếp tục làm công tác YTDP và KHHGĐ, anh luôn hoàn thành tốt công việc và được bổ nhiệm Đội trưởng Đội Y tế lưu động của Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch.
Năm 1998, huyện Lập Thạch phát hiện một trường hợp đầu tiên dương tính với HIV, bác sĩ Trọng đã cùng với đồng nghiệp tìm cách tuyên truyền giảm thiểu lây nhiễm căn bệnh thế kỷ trong cộng đồng.
Do kinh phí hoạt động hạn hẹp, hàng ngày anh tự học ngoại ngữ và lên mạng Internet tìm kiếm sự giúp đỡ của các Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức phi Chính phủ để có điều kiện điều trị người nhiễm HIV. Năm 2004, anh tốt nghiệp Thạc sỹ y khoa và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch.
Năm 2009, sau khi huyện Lập Thạch chia tách, thành lập huyện Sông Lô, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Lô. Mặc dù bận rộn công việc quản lý và chuyên môn ở một đơn vị mới thành lập với nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh vẫn say mê nghiên cứu khoa học và có nhiều đề tài được triển khai ứng dụng như loại trừ uốn ván sơ sinh; bệnh bướu cổ và các giải pháp điều trị dự phòng; đau mắt hột và nguy cơ lây nhiễm; sức khoẻ sinh sản và các phòng chống lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là đề tài “Cải thiện sức khoẻ sinh sản và phòng, chống HIV dựa vào cộng đồng” do tổ chức CORDAID của Hà Lan và Viện Sức khoẻ Sinh sản (RaRFH) tài trợ.
Giai đoạn 2007-2010, bác sĩ Trọng tiếp tục tìm kiếm khai thác nguồn kinh phí của Tổ chức MCC - Hoa Kỳ tài trợ triển khai dự án “Phòng chống HIV/AIDS ” tại huyện Lập Thạch và Sông Lô.
Với vai trò Chủ nhiệm dự án và là người triển khai mô hình phòng chống HIV/AIDS, anh đã vận động xây dựng được nhiều mô hình hay như mô hình “Cộng tác viên đồng đẳng” và “Câu lạc bộ đồng cảm” đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn, ma tuý mại dâm của tỉnh đánh giá cao và cho phép triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh.
Dự án đã thiết lập được mô hình hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và phát hiện HIV/AIDS tại cộng đồng, nhất là việc người nhiễm HIV/AIDS công khai để mọi người không kỳ thị, được nhân dân các xã Yên Thạch, Liên Hoà,... tích cực hưởng ứng và đã thành lập “Nhóm nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS”.
Giai đoạn 2012-2022, anh có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai ứng dụng, đem lại hiệu quả tích cực như: “Đánh giá tình hình ung thư cổ tử cung bằng phương pháp PAP’SMEAR ở PN tuổi sinh đẻ huyện Sông Lô” (Dự án Quốc tế do Quỹ ACCF- Úc và RaFH tài trợ); mô hình điểm “Lồng ghép Phòng khám điều trị ngoại trú HIV/AIDS (OPC) và Phòng tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện (VCT)” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Lô (Dự án do Qũy Toàn cầu và Quỹ Clinton tài trợ).
Từ các dự án này, anh cùng đồng nghiệp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nông thôn miền núi, thành lập Phòng OPC và Phòng VCT giúp tư vấn, xét nghiệm sớm và điều trị ARV ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch và vùng phụ cận thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Với kết quả đạt được trong triển khai dự án và nghiên cứu khoa học, bác sĩ Phan Kim Trọng được Bộ Y tế và UBND tỉnh Vĩnh Phúc chọn cử đi tham dự nhiều hội nghị khoa học cấp Quốc gia và Quốc tế như Hội nghị quốc tế về môi trường và sức khỏe tại Canada (năm 2003), Hội nghị quốc tế phòng chống HIV/AIDS của Châu Á-Thái Bình Dương tại Colombo, Sri-Lanka năm 2007, Hội nghị quốc tế Nha học đường Châu Á tại Đài Loan năm 2015…
35 năm liên tục công tác trong ngành y tế, từ nhân viên đến Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Phan Kim Trọng luôn thể hiện lòng yêu nghề, sự tận tuỵ, sáng tạo, gương mẫu trong công việc và lối sống, tác phong, nhất là công tác nghiên cứu khoa học.
Liên tục nhiều năm liền bác sĩ Phan Kim Trọng đạt Lao động giỏi, CSTĐ cấp cơ sở và được Sở Y tế, UBND tỉnh và Bộ Y tế, các cấp Công đoàn tặng Bằng khen. Năm 2014 được trao danh hiệu “Trí thức tiêu biểu Việt Nam”; năm 2015 được trao danh hiệu “Nhà Quản lý xuất sắc”. Tháng 2 năm 2017, bác sĩ Phan Kim Trọng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.
Bài, ảnh: Xuân Hùng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-bac-si-phan-kim-trong-thay-thuoc-yeu-nghe-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-a16759.html