36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 22)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 22

SỰ KIỆN 23: THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH HÀ NỘI LẦN THỨ 2 ( 1882)

Pháp tăng quân ở miền Bắc và ngày 25-4-1882, chúng tấn công thành Hà Nội lần 2. Tên Trung tá hải quân Pháp Rivie (Henri Riviere)  gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu đòi phá bỏ công sự phòng ngự và nộp giao thành cho Pháp. Lực lượng Pháp có 300 quân, 3 tàu chiến do Rivie chỉ huy. 8 giờ sáng quân Pháp tấn công, bắn đại bác vào cửa Bắc.

dh1a-300px-citadellehanoi2-1670487804.jpg
Quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882). Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Nhân dân Hà Nội dọc bờ sông Hồng đã tự tay đốt nhà mình tạo ra bức tường lửa nhằm ngăn bước tiến quân thù. Khắp nơi nổi trống mõ, khua chiêng cổ vũ quân ta chiến đấu. Tổng đốc Hoàng Diệu lên mặt thành đốc chiến. Viên chánh suất đội Hùng Nhuệ chiến đấu đến hy sinh. Hàng nghìn nhân dân Hà Nội tập hợp trước Đình Quảng Văn ( phố Cửa Nam) dưới sự chỉ huy của Nguyễn Đồng để tiến vào thành phố cùng quân đội chiến đấu. 10 gìơ 45 phút quân Pháp tấn công 4 cổng thành, kho thuốc súng trong thành bị những tên phản bội đốt cháy. Quân Pháp bắc thang trèo vào cửa tây phá cổng ào ạt xông vào. Biết thành đã mất, Hoàng Diệu vào hành cung viết di biểu gửi vua Tự Đức rồi dùng khăn treo cổ tự vẫn cạnh Võ Miếu. Trong Di biểu ông vạch rõ vì sao thành Hà Nội không kháng cự đuợc. Lý do vì trước đó triều đình không cho chuẩn bị chiến đấu, không cho tăng cường binh lực, sợ Pháp nghi ngờ. Đến khi Pháp tấn công thì quan võ chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Đề đốc Lê Trinh giả cách tự tử rồi trốn biệt tăm, Bố Chánh Cao Hữu Sung chạy trốn, Án sát Tôn Thất Bá phản bội, sau này y đựơc Pháp cho làm Tổng đốc Hà Nội.

           Khắp nơi nhân dân miền Bắc nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ngày 10-5-1883, Rivie chỉ huy 500 quân có đại bác yểm trợ hành quân theo đường Hà Nội- Hoài Đức, bị lọt vào trận địa mai phục của quân ta và quân Lưu Vĩnh Phúc ở Cầu Giấy, ta diệt 5 sĩ quan, 28 lính Pháp, làm bị thương nặng 6 sĩ quan và 45 lính. Ri vi e bị giết chết, Bọn còn lại tháo chạy về Hà nội[1].

          Thắng lợi trận Cầu Giấy của ta làm quân Pháp hoang mang cực độ. Tên Đô đốc Pháp thay Rivie định rút khỏi Hà Nội, Nam Định,  về Hải Phòng. Trước cơ hội chiến thắng đó, triều đình Huế vẫn thi hành chủ trương hèn nhát phản bội nhân nhượng giảng hoà với Pháp.

          Nắm được sự bạc nhược của nhà Nguyễn, Pháp quyết định đánh thẳng vào triều đình Huế. Ngày 19-7-1883, Tự Đức chết. 20-8-1883, Pháp đánh chiếm Thuận An. Ngày 25-8-1883, Triều đình Huế ký hiệp ứơc Hácmăng gồm 27 khoản và tiếp theo đó ký hiệp ước Patơnốt ngày 6-6-1884 gồm 19 khoản thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên tòan cõi Việt Nam.

           Nguyên nhân mất nước trách nhiệm hoàn toàn thuộc giai cấp phong kiến và Triều đình nhà Nguyễn. Triều đình này trứơc đó đã không chăm lo phát triển kinh tế, quốc phòng, làm thế nước suy yếu. Đến khi chiến tranh nổ ra lại không phát động nhân dân kháng chiến, hèn nhát run sợ chỉ một mực nhân nhượng để giảng hoà, đã phá hoại kháng chiến của nhân dân, từ nhân nhượng để giảng hoà đi đến đầu hàng bán nước.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Uỷ ban Khoa Học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam .T2. NXB KHXH. H. 1985. Tr.70

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-22-a16761.html