Từng vẻ đẹp sâu xa của hồn phố, hồn người Hà Nội xưa và nay đã làm say lòng bao văn nghệ sĩ trong sáng tạo. Những câu chuyện cuốn hút về hồn cốt người Tràng An xưa, về phố cổ, về Hồ Gươm, về huyền thoại Thăng Long, về Tây Hồ…làm nên muôn sắc thái. Tôi nghĩ nhiều về thứ trầm tích văn hoá của người Hà Nội xưa, những giá trị văn hoá thật quý giá, luôn cần được đời sau ghi nhớ và giữ gìn.
Có một thứ trầm tích văn hoá đẹp đẽ và lắng đọng. Đó là nét văn hoá được khởi nguồn từ dòng sông Mẹ. Thứ trầm tích ấy luôn được thời gian đắp bồi, tựa như thứ phù sa châu thổ. Đó là nét văn hoá từ văn minh châu thổ sông Hồng và những cảm thức sống được sáng tạo từ dòng sông Mẹ - dòng sông Hồng chảy qua Hà Nội và lan toả tới các miền quê. Cảm hứng ấy luôn ngập tràn trong tôi mỗi khi đứng trước dòng sông ngầu đỏ. Sự gắn bó thân thương với sông nước trong tôi là những dòng chảy đầy mộng mị và hình như không khi nào vơi cạn.
Tôi muốn được nhìn ngắm dòng sông và lặng lẽ nghĩ về Hà Nội và những kiếp người từ nơi này, từ những cơn gió lạnh khi mùa đông đang về. Chính từ dòng sông này, từ phía ngoài con đê nằm bao quanh Hà Nội. Đêm đông, nằm nghe gió lạnh triền sông…Tôi thấy mình vừa đứng đây, đang bay lên trên đôi cánh thi ca. Ngắm nhìn Hà Nội và lắng nghe tiếng thở của đêm từ phía xa xa.
Tôi bay dọc triền sông. Lắng nghe hơi thở Hà Nội dâng lên từ trầm tích phù sa của dòng sông. Gió vẫn ào ạt thổi. Dưới chân những cây cầu, nghe thời gian đi qua, nhìn dòng nước sông vẫn lững lờ chảy. Nước sông đang ấm lên, dòng chảy thật lắng đọng, hiền hoà. Nơi đây, sóng sông Hồng từng giận dữ, từng gào thét, từng ngầu đỏ. Nước sông mặn, cát sông mặn, phải chăng là trầm tích của mồ hôi, nước mắt và máu của bao đời?
Bình minh đã lên! Tôi vẫn đang ở đây, chạm tay vào thành cầu. Đứng nhìn dòng sông và bờ bãi xanh ngút ngàn từ giữa cầu Long Biên. Tôi nhìn sang phía đôi bờ sông. Bên kia là Gia Lâm và những ngôi chùa cổ in bóng xuống ven sông. Bên này là Thăng Long, thủ đô Hà Nội. Nghe những ngọn gió hoang lao xao kể bao nhiêu câu chuyện xưa cũ. Những kiếp người nhọc nhằn, đắng cay, chìm nổi và bao thân phận đã gắn bó với Hà Nội và làm nên những trang vàng lịch sử.
Ai cũng có một dòng sông ký ức cho riêng mình! Con người lớn lên cùng lịch sử và dòng sông trầm tích phù sa nơi những miền quê châu thổ. Một Hà Nội xa xưa cùng bao truyền thuyết, huyền thoại sống động và đẹp đẽ bên dòng sông. Một Hà Nội ngày nay đang vươn mình phát triển và hội nhập cùng đất nước và thế giới. Sự phát triển kinh tế xã hội càng hiện đại, càng tiềm ẩn thêm nhiều thách thức. Trong đó, sự phá vỡ những dòng chảy thiên nhiên và sự hủy hoại môi trường là không thể tránh khỏi.
Triền sông ngập gió và hương phù sa từ châu thổ sông Hồng dâng lên ngai ngái. Ngắm sông Hồng ngày chớm đông thật đẹp. Trời đã vào đông khi mặt sông chuyển sang màu lam nhẹ và lạnh. Ven sông, nhìn từ nơi đồng bãi, đã thấy sắc vàng le lói đốm nắng của những vạt hoa cải. Thứ hoa mang theo ký ức tuổi thơ, luôn nở rực vàng mỗi khi đông về. Sông như lặng lẽ hơn. Dòng chảy bao đời mà vẫn còn e ấp? Sông uốn cong mình, nhẹ nhàng và trong xanh hơn dẫu mùa mùa nước đi qua, sông từng đắp bồi, từng vợi cạn. Sông từng hạnh phúc, từng đớn đau và nằm thở an nhiên. Mùa lũ năm nay vừa mới đi qua trong sự muộn mằn của mẹ thiên nhiên
Nắng đã lên, cái nắng đầu đông quyến luyến và ấm áp. Mặt sông lấp lánh hơn khi phản chiếu lên một màu vàng quyến dụ, nhìn sắc nâu óng tràn ra như màu mật ong. Mặt nước kia cứ lững lờ trôi. Tưởng chừng như dòng sông bình lặng, mà đâu có được bình lặng. Sông đã mệt nhoài rồi qua bao mùa mưa nắng. Nhìn lòng sông hôm nay êm ả, nhìn phẳng lặng như một tấm gương lớn.
Sông Hồng vốn mềm mại như một dải lụa khổng lồ khi uốn mình quanh nhiều bờ bãi. Mùa này, những vạt lau ngoài bãi soi đang nở hoa trắng như mây. Nhìn xa xa, bãi lau tựa như đàn ngựa hoang cổ xưa đang tung bờm trắng xóa. Dưới ánh nắng đầu đông, từng vạt lau đang xào xạc ca hát hay than thở. Chỉ có kiếp lau là biết rõ đời mình! Hoa lau trắng đã ánh lên những vệt mầu xam xám. Bỗng dưới ánh nắng vàng, chiều nay, thứ hoa lau xám chợt chuyển thành màu tím, những sắc màu ánh phớt ma mị và quyến dụ. Thiên nhiên vốn mang theo vô số sắc màu bí ẩn khiến ta không thể giải mã!
Tôi vừa chạm cánh bay và bước đi trên triền sông đầy gió. Châu thổ sông Hồng đã bồi đắp tầng tầng phù sa từ bao đời nay. Châu thổ đã hình thành nên những làng quê đồng bằng trù phú, đông đúc mà vẫn thoáng đãng. Ngay trên địa danh Thủ đô Hà Nội, phía Tây của Hồ Tây kia cũng từng hình thành nên một vùng làng nghề đẹp đẽ, dẫu nó mang một cái tên nghe có vẻ khá hoang vu, đó là vùng Trích Sài! Bởi Trích Sài cũng có nghĩa là một làng nghề hái củi.
Sông Hồng - dòng chảy kỳ vĩ gắn liền với lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc Việt Nam. Mảnh đất Thăng Long xưa đẹp hơn với dòng sông Hồng, với cây cầu Long Biên lịch sử và cả một vùng châu thổ Sông Hồng trù phú. Vùng đất ấy đã tạo nên cái thế “rồng cuộn hổ ngồi” rất đáng tự hào! Chợt nhớ một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh:
“Chưa đi qua hết đò ngang
Làm sao hiểu đời sông dọc!”
Sông Hồng - Dải lụa đào quấn quanh bao làng mạc trù phú. Bao nhiêu áng văn thơ và những câu chuyện hay đã được các thi nhân, các nghệ sĩ dựng nên khi họ rung động và đã viết về dòng chảy lịch sử này. Sông Hồng chính là dòng chảy biểu tượng cho hồn cốt người Việt xưa, cho dòng chảy tri thức lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị của đất nước chúng ta. Châu thổ sông Hồng chính là vùng châu thổ đẹp nhất với họ, đã tràn ngập sức sống và tinh thần phồn sinh của dòng chảy đời sống.
Cũng chính dòng sông Hồng là nơi tạo nên một vùng văn hóa châu thổ lúa nước độc đáo và đặc sắc. Nơi miền quê châu thổ đã thôi thúc các văn nghệ sĩ viết nên những trang văn thơ ám ảnh. Sông Hồng mang theo triết lý đời sống và câu chuyện về sự truyền sinh dòng giống người Việt. Bao ánh thi ca cất lên khi ngợi ca tín ngưỡng thờ Mẫu từ phía đầu nguồn dòng sông. Nơi ấy, những làn điệu hát văn được khởi lên từ một miền rừng núi hoang vu, một miền núi đồi đẹp như thiên thai với những làn điệu nổi tiếng như “Cô Đôi Thượng Ngàn!”
Bởi sông Hồng chính là dòng sông Cái, dòng sông Mẹ như tên gọi dân giã ngàn xưa của dân gian. Sông Hồng luôn là hình ảnh đẹp đẽ nhất, giống như một bà mẹ vĩ đại trong câu chuyện trăm trứng huyền thoại khi sinh nở ra cả một đàn trăm người con. Sông Mẹ khi thì bao dung, lúc lại che chắn cho đàn con của mình. Sông trầm tích phù sa châu thổ, bồi đắp nên những giá trị mang tính nhân bản của con người! Nét văn hoá vùng châu thổ sông Hồng từ xa xưa luôn đề cao Đạo Mẫu.
Tôi đã từng viết một loạt bài tản văn về sông Hồng những bây giờ vẫn muốn được viết tiếp. Sông vẫn còn chảy miệt mài từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ! Bầu trời bao la và mặt đất sẽ ấm áp hơn khi con người luôn có tình yêu thương. Những dòng sông trên mặt đất này vẫn trôi chảy, những dòng chảy của yêu thương, của những ân tình sẽ còn theo suốt trong những năm tháng cuộc đời mỗi con người. Đó là những dòng chảy đời sống luôn miệt mài, luân hồi, nối tiếp, u buồn, mãnh liệt, trào dâng, lắng đọng, để cuối cùng hoà nhập vào đại dương! Những dòng sông sẽ còn chảy mãi, chảy theo suốt cuộc đời mỗi con người!
Mùa chớm đông đang về! Đêm về, nghe gió lạnh triền sông.
(Hà Nội tháng 11/2022)
Phạm Thị Phương Thảo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dem-ve-nghe-gio-lanh-tren-song-a16766.html