Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, vựa lúa Vĩnh Tường đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cũng như cơ hội mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải kiểm soát tốt quỹ đất trồng lúa nước, thay đổi tư duy, chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, thương mại hóa ngành lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Là vùng đồng bằng phù sa cổ, Vĩnh Tường là một trong những địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc sớm có người đến sinh tụ. Nằm ở vùng chuyển giao giữa châu thổ và trung du Bắc Bộ nên vùng đất Vĩnh Tường là nơi trầm tích những dấu vết của nền văn minh sông Hồng thời tiền sơ sử. Phần lớn các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nằm ở các xã phía Bắc của huyện, bởi địa hình nơi đây giáp với miền núi nên người Việt cổ đã chọn và cư trú dưới chân đồi, núi đất, trên các doi đất cao gần sông, ngòi. Trong tổng số 18 di chỉ văn hóa thời Phùng Nguyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường đã có 7 di chỉ. Trong đó Tiêu biểu nhất là di chỉ Lũng Hòa (thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa) được phát hiện tháng 4 năm 1963, di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng) cũng phát hiện năm 1963, khai quật năm 1967. Các di chỉ này thuộc giai đoạn cuối thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên chuyển tiếp sang thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (Yên Lạc), được các nhà khoa học đánh giá và gọi là giai đoạn Lũng Hòa hay Phùng Nguyên muộn (Hán Văn Khẩn – trường ĐH KHXH nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội). Đó là di chỉ cư trú và mộ địa lớn, công cụ văn hóa thu được gồm có rìu bôn, đục, hoa tai, hạt chuỗi đá. Nhiều hiện vật gốm còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là các di tích và địa điểm khảo cổ học khác như: Di tích Gò Mát ở phía tây bắc thôn Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, cách di chỉ Lũng Hòa khoảng 800m, được phát hiện năm 1972 và đã đào hố thám sát 1m2; di tích Đồng Hương thuộc thôn Hương Viên (Phương Viên), thị trấn Thổ Tang, được phát hiện năm 1978, chưa qua thám sát, khai quật; di tích Ma Cả thuộc thôn Phương Viên, Thị trấn Thổ Tang, đã điều tra thám sát, chưa khai quật; gò Đồng Cũ ở xã Lũng Hòa, Gò Đuông ở xã Bồ Sao, Bãi Mía ở xã Vĩnh Sơn; các địa điểm ở xã Vũ Di… Những phát hiện khảo cổ học trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cho thấy vùng đất này từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách ngày nay chừng 4.000 năm đến 3.500 năm, mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn. Cũng qua các di chỉ khảo cổ này đã cho thấy, các cư dân đầu tiên của Vĩnh Tường đã biết tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, lấy trồng trọt và chăn nuôi làm hai nghề sản xuất chính duy trì cuộc sống. Dựa trên nền tảng từ nền kinh tế sơ khai đó để hàng ngàn năm sau, Vĩnh Tường vẫn là một vựa lúa, là nơi có sản lượng lương thực và thực phẩm lớn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu), Vĩnh Tường là huyện nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích 14.401,55 ha. Địa hình huyện tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Phía Bắc và Tây Bắc có đồi thấp thuộc các xã Lũng Hòa, Bồ Sao, Yên Lập, ngược lại phía Tây và Tây Nam có nhiều đầm sâu, ruộng mấp mô thường tạo thành những lòng chảo nhỏ như Lý Nhân, Tuân Chính, An Tường... Huyện thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều; nhưng huyện Vĩnh Tường do nằm khá sâu trong đất liền, đồng thời có sự che chắn của hai dãy núi: dãy Tam Đảo (phía Đông Bắc) và dãy Ba Vì (phía Tây) nên khí hậu không quá khắc nghiệt và ít bị bão lốc đe dọa. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,6 độ C. Độ ẩm trung bình trong năm là 82%. Lượng mưa trung bình 1.500 mm/năm với số ngày mưa trung bình là 133 ngày/năm. Mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình là 189mm/tháng; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau với lượng mưa trung bình là 55mm/tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Tường phát triển các loại cây lương thực, đặc biệt là cây lúa nước.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nên liên tục tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn huyện. Nhằm phát huy lợi thế về cây lúa, huyện đã chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường bền vững. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn tiếp tục quan tâm đầu tư; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới phục vụ dân sinh và sản xuất được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải thiện. Nhiều giống lúa mới được khảo nghiệm, lai tạo và nhân rộng trong sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, tự nhiên của từng vùng sản xuất trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm bình quân toàn ngành tăng 0,76%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Hiện nay, Vĩnh Tường có 9.959,22 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó: Đất trồng lúa là 5.770,42 ha; đất trồng cây hàng năm khác 1.526,26 ha; đất trồng cây lâu năm 572,27 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 1.874,24 ha... Về cơ bản, sản xuất nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm đủ cho tiêu dùng trong huyện. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là 16.811,22 ha; giảm 146,72 ha so cùng kỳ năm 2020 (bằng 99,13%). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 68.919,59 tấn; giảm 1.588,4 tấn so với cùng kỳ năm 2020 (bằng 97,75%). Trong đó, diện tích gieo trồng cây lúa là 9.415,49 ha; giảm 180,98 ha so cùng kỳ năm 2020 (bằng 98,11%); năng suất đạt 64,09 tạ/ha; tăng 1,36 tạ/ha so cùng kỳ năm 2020 (bằng 102,17%); sản lượng đạt 60.344,78 tấn; tăng 143,02 tấn so cùng kỳ năm 2020 (bằng 100,24%).
Đối với Vĩnh Phúc nói chung, Vĩnh Tường nói riêng, trồng lúa nước là một nghề truyền thống từ lâu đời và có vị trí hết sức quan trọng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực. Trong những năm kháng chiến, đồng bào miền Bắc thực thi khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Miền Bắc, trong đó có huyện Vĩnh Tường là nơi cung cấp hậu cần, đặc biệt là lương thực nuôi quân, chủ yếu là gạo. Thế nhưng, những năm gần đây, diện tích đất lúa trên địa bàn huyện có xu hướng ngày càng bị thu hẹp. So với năm 2016, diện tích gieo trồng lúa toàn huyện năm 2021 giảm 2.408,31 ha. Theo nhận định, 4 nguyên nhân chính của việc giảm diện tích trồng lúa là do:
Thứ nhất, do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Không đơn thuần là “vựa lúa” của tỉnh như trước kia, giờ đây, Vĩnh Tường đã tạo cho mình một diện mạo mới, dấu ấn riêng với nhiều dự án công nghiệp và đô thị được khởi công xây dựng, là tiền đề để huyện đẩy nhanh lộ trình đầu tư hạ tầng và sớm trở thành đô thị loại IV trong thời gian tới. Và tất nhiên, nhiều khu đất nông nghiệp đã, đang và sẽ bị thu hồi để triển khai thực hiện các khu đô thị mới, dự án phát triển khu công nghiệp và xây dựng hệ thống các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường xá, cầu cống…, khiến cho diện tích đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng đang dần bị thu hẹp.
Thứ hai, diện tích đất trồng lúa nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng đất đến từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu được gọi chung là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân cơ bản của biến đổi khí hậu hiện đại là sự gia tăng quá mức lượng phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, CFC) dẫn đến sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng sẽ chịu tác động lớn, bởi đối với sản xuất nông nghiệp, khí hậu là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, trong đó năng lượng bức xạ, nhiệt độ và nước là những yếu tố không thể thiếu trong việc tạo thành năng suất, sản lượng cây trồng. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Tường hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Sự gia tăng tần suất và cường độ các hiện tượng cực đoan của thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán, giá rét sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng. Khi nhiệt độ, tính biến động và dị thường của thời tiết và khí hậu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Sự bất thường của chu kỳ sinh khí hậu nông nghiệp sẽ dẫn tới sự gia tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất cây trồng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, một phần đáng kể diện tích trồng trọt bị suy thoái. Hiện, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện là 5.770,42 ha... Trong đó, diện tích đất sản xuất 1 vụ lúa chiếm 178,55 ha, chủ yếu là đất đầm tại các xã Ngũ Kiên, Tuân Chính, Tam Phúc... Đất 2 vụ lúa khoảng 5.288,5 ha, là loại đất nông nghiệp chủ yếu trên địa bàn huyện, được chia ra 2 loại đất: Đất 2 vụ lúa được canh tác theo công thức luân canh là lúa xuân - lúa mùa - cây vụ đông có diện tích là 4.702,44 ha; đất 2 vụ lúa bấp bênh với diện tích 586,06 ha, là loại đất có địa hình trũng thấp, thành phần cơ giới nặng, dễ ngập úng nên chỉ sản xuất 1 - 2 vụ lúa, chủ yếu là đất ven sông Phan, tại các xã Đại Đồng, Tân Tiến, Bình Dương, Vĩnh Sơn, Lũng Hòa. Đất lúa chuyên trồng cây màu khoảng 303,35 ha.
Thứ ba, tình trạng nông dân, bỏ ruộng, hoặc chỉ cấy lúa vụ Xuân và bỏ không gieo trồng vụ Mùa đang diễn ra ở nhiều xã, thị trấn trong huyện, gây lãng phí tài nguyên đất. Những năm trước, đa phần diện tích đất bị người dân bỏ không nằm ở vùng chiêm trũng, khó canh tác thì nay, cả những mảnh ruộng “bờ xôi ruộng mật” cũng bị hoang hóa. Trong cả giai đoạn 2016-2021, toàn huyện có 34.819,02 ha không gieo trồng (chiếm 33,18% tổng diện tích gieo trồng); trong đó, diện tích không gieo trồng vụ Mùa 8.432,74 ha; diện tích không gieo trồng vụ Đông 24.847,22 ha. Diện tích không gieo trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Đại Đồng, Tân Tiến, Thổ Tang, Lũng Hòa, Yên Lập, Vĩnh Sơn, Bình Dương… Những thửa ruộng bị bỏ hoang không chỉ làm mất đi nguồn thu nhập của người nông dân mà còn tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân do một số diện tích thuộc chân ruộng trũng, thấp hay bị ngập úng vào mùa mưa, chi phí đầu tư sản xuất cao, trong khi lợi nhuận thấp; các ngành nghề công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển đã tạo ra rất nhiều việc làm từ đơn giản đến kỹ thuật cao, thu nhập ổn định với nhu cầu thu hút hàng nghìn lao động. Trong khi đó, đồng ruộng diện tích nhỏ lẻ, mạnh mún lại nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, canh tác khó, chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hiệu quả của việc trồng lúa quá thấp, khiến người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Ước tính, 1 vụ lúa kéo dài 100 ngày. Nếu được mùa, thu được hơn 2 tạ thóc, trị giá khoảng 2,4 triệu đồng; trừ đi gần 1,7 triệu đồng chi phí đầu vào, lợi nhuận cả vụ chỉ còn 700 nghìn đồng/sào, chỉ bằng 2 ngày công đi xách vữa. Bởi vậy, hiện nay người dân trên địa bàn huyện làm nông chủ yếu để lấy lúa ăn, số ít là xác định có thể làm giàu.
Thứ tư, nhiều địa phương, người dân đã và đang thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây nông sản (rau, củ, quả…) theo hướng sản xuất hàng hóa, cho giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong huyện. Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, tổng diện tích đất lúa đã thực hiện chuyển đổi là 1.296,26 ha. Trong đó: 648,33 ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là rau các loại, ngô nếp, ngô ngọt, cỏ voi, lãi thuần của các cây trồng chuyển đổi cao hơn so với trồng lúa từ 3-5 lần; 86,14 ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm như bưởi, chuối, lãi thuần của các cây trồng được chuyển đổi cao gấp 4-5 lần so sới trồng lúa; 561,79 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, lãi thuần cao hơn 1,5 - 2 lần so với trồng lúa.
Diện tích đất lúa giảm, song nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như TB225, BC15, Thiên ưu 8, ADI 28, ... vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng đến năm 2021 đạt trên 70% (tăng 38,5% so với năm 2016). Cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95% tổng diện tích; thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 90%. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 143 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, năng suất lúa tăng 12,72 tạ/ha so với năm 2016. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, bước đầu đã hình thành được vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao như: Xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ khép kín trong sản xuất với diện tích 100 ha lúa Thiên ưu 8 tại xã Ngũ Kiên; Sản xuất lúa Dự hương theo chuỗi giá trị với quy mô 60 ha tại xã Vân Xuân; Mô hình nhân rộng giống lúa Nhật J03 quy mô 30 ha tại xã Thượng Trưng, Ngũ Kiên... Mặc dù vậy, sản xuất lương thực của Vĩnh Tường, trong đó có lúa gạo, vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dân số tăng nhanh, tình hình chính trị thế giới bất ổn, đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần xuất ngày càng cao và khốc liệt hơn. Trước thực tế đó, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và sản xuất lúa gạo bền vững, hiện đại trên cơ sở phát huy các lợi thế của huyện là vấn đề cần đặt ra. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn; đánh giá thực trạng sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện, tôi xin đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, việc chuyển đổi đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp (đất ở, đất giao thông, thủy lợi, khu công nghiệp…) là xu thế phát triển tất yếu, đem lại những hiệu quả nhất định. Giá trị GDP/ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần lần so với giá trị GDP/ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hình thành những vùng chuyên canh với quy mô lớn như: Vùng chuyên rau ăn lá, vùng bí đỏ, cà chua ghép, ngô nếp, vùng bưởi Diễn …; xây dựng thành công nhãn hiệu “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ”. Các mô hình, các đối tượng được chuyển đổi đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa; khai thác tốt ưu thế của đối tượng chuyển đổi phù hợp với trình độ canh tác của từng địa phương. Tuy nhiên, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn, phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu tiêu dùng lúa gạo của nhân dân trên địa bàn huyện để chủ động bảo tồn, kiểm soát tốt, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa nước, đảm bảo nguồn cung gạo trong trường hợp khẩn cấp. Đối với diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, cần được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại. Ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích đất lúa kém hiệu quả. Hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Khi đã chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, diện tích đất lúa không thể khôi phục nên việc chuyển đổi bao nhiêu diện tích, loại đất trồng lúa nào, ở vị trí nào cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo nhu cầu đất cho phát triển các ngành nhưng vẫn phải giữ được đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực.
Thứ hai, các sở, ngành, địa phương liên quan cần chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, qua đó đề xuất định hướng, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp thực hiện nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp các phương pháp truyền thống trong chọn tạo giống cây trồng mới, chủ yếu là cây lúa với năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh, thích nghi với những bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghiên cứu bảo vệ cây trồng như: về côn trùng, bệnh cây, nghiên cứu sự bùng phát sâu hại, biện pháp tăng cường đa dạng sinh học trong thời kỳ biến đổi khí hậu và biện pháp phòng trừ; nghiên cứu và phát triển các chế phẩm sinh học mới từ những vi sinh vật có ích (nấm, virus, vi khuẩn) thay thế dần các loại thuốc hóa học độc hại để quản lý dịch hại.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất nhằm tăng sản lượng lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong điều kiện diện tích canh tác có xu hướng bị thu hẹp, cần đẩy mạnh sản xuất theo phương thức thâm canh, góp phần tăng sản lượng nông sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Tích cực nghiên cứu tính chất đất, kỹ thuật canh tác và phân bón cho cây trồng như: Nghiên cứu các biện pháp gia tăng nguồn dinh dưỡng dự trữ, chống suy thoái đất nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, cần tiến hành nghiên cứu triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, giảm thất thu trong và sau thu hoạch, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững trên các vùng sinh thái, thu hẹp khoảng cách giữa năng suất tiềm năng và năng suất thực tế trên các hệ thống sản xuất nông nghiệp khác nhau của từng vùng.
Thứ tư, sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Tường nói riêng và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Ruộng đất giao đến hộ phân tán, nhỏ lẻ, manh mún; bình quân số thửa trên hộ còn nhiều (bình quân mỗi hộ trên địa bàn huyện có 07 thửa, một số xã như: Kim Xá, Bình Dương, Tuân Chính, Phú Đa bình quân mỗi hộ có 11-12 thửa); diện tích mỗi thửa ruộng còn nhỏ (Diện tích trung bình mỗi thửa là 280m2/thửa, một số xã như: Tuân Chính, Kim Xá trung bình mỗi thửa có diện tích 172-182m2); nhiều thửa ruộng không giáp đường, không giáp mương dẫn đến khó khăn trong sản xuất, canh tác, kéo theo sản xuất quy mô nhỏ, phân tán tạo nên rào cản bước tiến của ngành nông nghiệp, đặc biệt là đưa cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để khắc phục tình trạng nêu trên, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 2017 đến nay, huyện Vĩnh Tường đã triển khai thành công DTĐR tại nhiều địa phương như: Cao Đại, Ngũ Kiên, Lý Nhân… Sau dồn thửa đổi ruộng đã tạo ra một diện mạo đồng ruộng nông thôn mới, thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng, tạo nên những cánh đồng chuyên canh cho năng xuất và chất lượng sản phẩm cao; hệ thống kênh mương tưới, tiêu, đường giao thông nội đồng được làm mới và chỉnh trang rất thuận lợi cho người dân canh tác, sản xuất. Tại xã Ngũ Kiên xây dựng thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với diện tích 100 ha lúa Thiên ưu 8; một số hộ dân đầu tư máy móc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa (ông Trương Quang Phú, thôn Dầu) đã đầu tư 04 máy làm đất 40HP, 04 máy cấy, 01 giàn gieo mạ khay (2.300 khay), 02 máy gặt đập liên hợp), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã còn lại rà soát diện tích đất nông nghiệp có thể tham gia dồn thửa đổi ruộng để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trong những năm tới, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thứ năm, các ngành, địa phương cần đề xuất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất; chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao, thay đổi tư duy, chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, thương mại hóa ngành lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Phùng Hải
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-bao-ton-vua-lua-vinh-tuong-truoc-suc-ep-cua-bien-doi-khi-hau-qua-trinh-hoi-nhap-a16777.html