Huyện Vĩnh Tường hiện nay được tách ra từ huyện Vĩnh Lạc theo Nghị định 63/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 7-10-1995. Từ ngày 01-01-1996, huyện Vĩnh Tường đi vào hoạt động với 28 xã và 1 thị trấn Vĩnh Tường.
Vĩnh Tường là huyện đồng bằng, nằm bên tả ngạn Sông Hồng ở phía tây của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích tự nhiên hơn 144 km2, dân số hơn 230.000 người. Phía Tây Bắc giáp thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), phía Tây giáp huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây (Hà Nội); phía Đông giáp huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội); phía Bắc giáp huyện Tam Dương và Lập Thạch (Vĩnh Phúc); cách trung tâm Thủ đô Hà Nội trên 30 km. Bên cạnh đó huyện Vĩnh Tường nằm trên trục giao lưu giữa hai vùng Tây Bắc và Đồng bằng Bắc bộ, có cả đường sông, đường sắt và đường bộ. Tuyến QL2 và tuyến đường sắt chạy song song xuyên từ Đông sang Tây phần nửa Bắc của huyện. Tỉnh lộ 304 nối trung tâm huyện với QL2, huyện Yên Lạc và nối với thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Huyện Vĩnh Tường có hệ thống giao thông tương đối phát triển, có đường ô tô, đường sắt đường sông đồng thời nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Vĩnh Tường có vị trí rất thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các huyện khác trong tỉnh.
Với lợi thế của huyện nằm trong vùng châu thổ sông Hồng phì nhiêu màu mỡ, mảnh đất có bề dày lịch sử, một miền quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trên các làng quê Vĩnh Tường còn lưu giữ nhiều dấu tích gắn với quá trình dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là giá trị truyền thống quý báu mà tổ tiên truyền lại, là điểm tựa để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường nỗ lực thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng vào thực tiễn của huyện để đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm đổi mới và hơn 25 năm tái lập huyện.
Nhờ những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên Vĩnh Tường là một trong những địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Vĩnh Tường được coi là một trong những vựa lúa của tỉnh Vĩnh Phúc với sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó người dân nơi đây còn có các nghề nuôi cá ở các hồ, đầm, nuôi vịt đàn, nuôi trâu bò lấy sức kéo và lấy thịt. Nghề bắt rắn có từ lâu đời và ngày nay đang phát triển thành nghề nuôi rắn theo phương pháp công nghiệp
Cùng với sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ. Các làng xã đều có các nghề sản xuất nông cụ, vật dụng. Nhiều làng có nghề chế biến nông sản thực phẩm như sản xuất đậu phụ, làm bún, bánh ở Tuân Chính, Lũng Hòa, Việt Xuân, Vĩnh Ninh, Thổ Tang, Ngũ Kiên... nghề làm mật đường ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh... Đặc biệt, nghề rèn ở Thùng Mạch (Lý Nhân) và nghề mộc ở Bích Chu (An Tường) có từ lâu đời. Nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa một thời nổi tiếng ở Yên Lập, Vân Xuân, Sơn Tang, Thổ Tang. Đặc biệt từ nhiều thập kỷ trước cho đến nay, Vĩnh Tường có Thổ Tang là nơi nổi tiếng về buôn bán. Đây là nơi thu mua, trung chuyển nhiều loại hàng hoá khá phong phú, cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc và các tỉnh phía Bắc.
Cùng với các địa phương trong cả nước Vĩnh Tường thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy. Về quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế.
Đường lối đổi mới của đất nước đã thổi một luồng gió mới, khơi dậy và nhân lên những tiềm năng to lớn, giải phóng năng lực tiềm tàng của nhân dân, tạo nên một sức bật mới trên các lĩnh vực của cả nước, trong đó có huyện Vĩnh Tường
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Lạc (Yên Lạc và Vĩnh Tường) có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Thuận lợi cơ bản là có Nghị quyết Đại hội VI soi sáng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề giao quyền chủ động cho cơ sở. Quá trình tiến hành Đại hội đảng các cấp đã tạo ra khí thế mới có tác dụng thúc đẩy các mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Về khó khăn, nguyên liệu sản xuất, hàng hoá, tiền vốn vẫn mất cân đối, những khuyết điểm trong việc thực hiện giá - lương - tiền và thiên tai lũ lụt đã tác động mạnh đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn trong huyện bước vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những thành tựu kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường (hiện nay) là kết quả phát triển ở cả 2 giai đoạn (khi còn là huyện Vĩnh Lạc từ năm 1986 đến 1995và từ khi tách huyện Vĩnh Tường từ 1995 đến nay cụ thể như sau:
* Giai đoạn 1986-1995 (khi chưa tách huyện):
Kinh tế có những bước phát triển sau gần 10 năm sau đổi mới. Sản xuất nông nghiệp đã giữ được nhịp độ phát triển cả trong trồng trọt, chăn nuôi; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông dân tự chủ trong sản xuất, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được tổ chức sắp xếp lại theo hướng đổi mới các hình thức hợp tác. Ngành nghề truyền thống được mở mang phát triển. Cơ sở hạ tầng được tăng cường một bước. Giao thông nông thôn có bước tiến đáng kể, các trục đường chính, cầu lớn, được mở rộng, nâng cấp và đưa vào sử dụng.
* Giai đoạn từ 1996 đến nay (khi tách huyện):
Ngay sau khi tái lập huyện Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện quá trình đổi mới toàn diện và bước đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Vĩnh Tường đã có những bước chuyển mình, từ một huyện có nền kinh tế chậm phát triển sau 35 đổi mới và 25 tái lập huyện Kinh tế - xã hội phát triển vững chắc, an ninh quốc phòng được củng cố và nâng cao, đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần tiến bộ rõ rệt.
Về kinh tế
Mặc dù đã có những thay đổi sau 10 năm đổi mới nhưng khi tái lập (1/1/1996), Vĩnh Tường còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế vẫn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, công nghiệp hầu như chưa có gì, thương mại là lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ thì quy mô nhỏ bé, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém.
Đứng trước thực tế đó, để Vĩnh Tường có những định hướng trong quá trình phát triển, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 1996-2000 đã xác định mục tiêu chủ yếu là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra.
1. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đạt khá. Nhờ việc xác định được mục tiêu và có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương đã giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Tường từ 6% giai đoạn 1996-2000 lên 11, 32% giai đoạn 2015-2020, tính riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid - 19, nhưng kinh tế của huyện vẫn tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất (GSS năm 2010) ước đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 10,06% so với 2020
2. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng Nông nghiệp, tăng tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ. Từ một huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp là chủ yếu với 10.349,78 ha, chiếm 71,87% tổng diện tích đất tự nhiên, sau đổi mới, hiện nay, ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 54,58%; Dịch vụ 29,88%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,54%. Mặc dù vậy nông nghiệp vẫn là một trong những thế mạnh của huyện Vĩnh Tường so với các địa phương khác trên toàn tỉnh. Vĩnh Tường vẫn giữ ổn định diện tích gieo trồng của cả ba vụ để đảm bảo sản xuất lương thực.
3. Thu nhập bình quân đầu người có sự chuyển biến rõ nét, từ 2,1 triệu đồng năm 1996 tăng lên 58,5 triệu đồng năm 2021. Đó là bước chuyển mạnh mẽ minh chứng sự phát triển của địa phương sau đổi mới, nhất là sau khi tái lập huyện. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể.
4. Bắt đầu hình thành một số cụm công nghiệp. Sau đổi mới và sau khi tái lập huyện, Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Vĩnh Tường còn nhiều khó khăn, chưa có mặt hàng có giá trị kinh tế cao, nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm. Tiểu thủ Công nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình hộ gia đình, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từ một địa phương thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trước đổi mới, hiện nay Vĩnh Tường đã tập trung quy hoạch, đầu tư cho phát triển các làng nghề, các cụm - khu công nghiệp, cụm KT- XH trên địa bàn. Trong đó Vĩnh Tường đã đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị và nông thôn, có trọng điểm, do vậy đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp, khu đô thị như Cụm KT-XH Tân Tiến, Đại Đồng; Cụm công nghiệp Đồng Sóc; Khu đô thị Phúc Sơn, Khu đô thị mới Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường. Từ 1 thị trấn huyện lỵ ban đầu, đến nay, huyện Vĩnh Tường đã có 3 thị trấn, 3 đô thị loại V; các hoạt động dịch vụ phát triển sôi động tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đặc biệt Vĩnh Tường đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, dự án trọng điểm qua đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.
5. Công tác thu, chi ngân sách hằng năm của huyện Vĩnh Tường đều đạt và vượt dự toán. Năm 1999, thực hiện tổng thu ngân sách đạt 17,323 tỷ đồng và tổng chi là 11,955 tỷ đồng, thì hiện nay tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 32%, riêng năm 2021 tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện 651.400 triệu đồng, (đạt 131,09% so với dự toán năm). Tổng chi ngân sách ước thực hiện 1.892.261 triệu đồng (đạt 126,70 % so dự toán năm). Huyện đã thực hiện thu đúng, chi đủ theo quy định của pháp luật; trong chi ngân sách đã chú ý đến việc bố trí đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng ngành nghề và giảm nghèo.
6. Quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2011, Vĩnh Tường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với những lợi thế của địa phương cùng cách làm sáng tạo và những bước đi phù hợp, huyện Vĩnh Tường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ nguồn vốn huy động gần 6.900 tỷ đồng, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình. Diện mạo nông thôn đã có những thay đổi mạnh mẽ. Tính đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Vĩnh tường đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Vĩnh Tường dẫn đầu các địa phương của tỉnh và thành công trong thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, xây dựng NTM với số xã đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh. Từ đó, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện và hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hiện nay, huyện Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện duy trì 100% các xã đạt chuẩn NTM theo quy định; Huyện Vĩnh Tường được công nhận đạt chuẩn NTM; toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao bao gồm các xã: Tân Phú, Bình Dương, Cao Đại; Xã Ngũ Kiên xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2022; toàn huyện có 19 thôn đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu. Đồng thời, xác định rõ phương châm thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao phải dựa vào nội lực là chính để phát huy tối đa chủ thể là nhân dân trong thực hiện chương trình. Những kết quả đạt được thể hiện rõ nét diện mạo nông thôn của địa phương sau đổi mới.
Về xã hội
1. Giáo dục là một trong những thế mạnh của huyện Vĩnh Tường so với các địa phương trong tỉnh với truyền thống hiếu học và bề dày thành tích đã đạt được trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, ngay từ những năm sau khi tái lập, huyện tiếp tục huy truyền thống, thế mạnh của quê hương và xác định rõ quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển” nhờ đó giáo dục Vĩnh Tường đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều đã có trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Huyện là đơn vị đầu tiên đề nghị tỉnh công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; có 3 trường tiểu học được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận là trường chuẩn quốc gia từ những năm 1999-2000. Hiện nay, toàn bộ 87 trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia, dẫn đầu tỉnh về số trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 với 47 trường, đạt 54%, Chất lượng giáo dục luôn giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh. Đặc biệt việc đầu tư xây dựng Trường chất lượng cao của huyện đã góp phần đào tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng của huyện. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên, giáo viên trên chuẩn về đào tạo đạt tỷ lệ cao. Giáo dục và Đào tạo có sự phát triển toàn diện cả về chất lượng học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đại trà, thành tích thể thao và giáo dục kỹ năng sống - giữ vững vị trí dẫn đầu tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ đạo thực hiện tốt việc phân luồng và hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh sau Tốt nghiệp THCS. Số lượng học sinh đăng ký học nghề sau tốt nghiệp THCS không ngừng tăng lên. Công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, toàn huyện có 731 chi hội khuyến học. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được huyện quan tâm đầu tư xây dựng,.
2. Hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất văn hóa từ huyện đến cơ sở được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp xây dựng và đưa vào hoạt động. Tỷ lệ người dân trong huyện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đạt cao (65%). Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy; nhiều di tích lịch sử văn hóa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa như: Đền Ngòi, Đền Ngự Dội; Đình Thổ Tang được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, Lễ hội đền Ngự Dội được công nhận nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
3. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, trong đó Trung tâm y tế huyện được đầu tư xây dựng đảm bảo theo mô hình trung tâm đa chức năng. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên. 100% số xã, thị trấn hoàn thành Bộ tiêu chí xây dựng chuẩn quốc gia y tế và thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí. Một số cơ sở y tế tư nhân được hình thành phục vụ đa dạng các loại hình chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về y tế được tăng cường, nhất là trong công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở y, dược tư nhân.
4. Công tác giải quyết việc làm được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đột phá như: tổ chức ký kết hợp tác lao động với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm dạy tiếng Nhật; hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm... Hàng năm, đã phối hợp giải quyết việc làm mới cho trên 3000 lao động; số lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài hằng năm đạt cao, trong nhiệm kỳ, huyện có gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%.
5. Các chính sách xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chu đáo. Việc thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công nhân ngày lễ, ngày tết và ngày TBLS 27/7 hằng năm được quan tâm thực hiện tốt. Trong nhiều năm liên tục, so với các đơn vị trong tỉnh, huyện đều dẫn đầu về công tác chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với các chuỗi chương trình như: “Tết Ấm tình quê hương”, “Tết Sum vầy” tặng quà tết cho 100% hộ nghèo; trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn với mức quà năm sau cao hơn năm trước từ nguồn xã hội hóa, trị giá hàng chục tỷ đồng. Công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công, đối tượng khó khăn về nhà ở cũng được đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Huyện đã tổ chức thành công nhiều cuộc vận động kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, đồng hành cùng Nhà nước hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 581 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,31% năm 2015 xuống còn 0,98% vào năm 2021, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đạt. Công tác bảo trợ trẻ em được quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Như vậy có thể thấy, Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Vĩnh Tường tự hào là nơi thí điểm cơ chế khoán hộ của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1966, đến năm 1981 Vĩnh Tường cũng là nơi được chọn làm thí điểm để Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Tiếp theo, Vĩnh Tường còn là nơi có những đột phá trong quản lý nông nghiệp và phát triển nông nghiệp như nghiên cứu và chỉ đạo mở rộng gieo cấy lúa xuân muộn, chăn nuôi bò sữa, dồn thửa đổi ruộng và nhiều đổi mới khác làm cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng này càng có nhiều thành tựu mới. Huyện Vĩnh Tường hôm nay đang chuyển mình hết sức tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần làm nên thành tựu chung của tỉnh Vĩnh Phúc và đất nước, sau 35 năm đổi mới
Một số bài học kinh nghiệm sau 35 đổi mới của Vĩnh Tường
Từ những kết quả đạt được trong suốt quá trình lãnh đạo nhân nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, Đảng bộ Vĩnh Tường đã nắm vững chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm và tạo được giải pháp có tính đột phá trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện.
Hai là, Trong từng thời kỳ lịch sử, Đảng bộ luôn xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất, trước hết là trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ huyện đến cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, phát huy được trí tuệ tập thể, đồng thời khuyến khích tính năng động sáng tạo của các cá nhân, Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Ba là, Đảng bộ thường xuyên quan tâm đến nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên gắn với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn trong Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những vụ vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao.
Bốn là, Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ luôn hướng về cơ sở, dựa và dân để xây dựng cơ sở, phong trào cách mạng. Tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Chú trọng xây dựng mô hình, tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới để nhân ra diện rộng. Chăm lo bồi dưỡng sức dân, tăng trưởng về kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng có niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Năm là: Đảng bộ tranh thủ được sự giúp đỡ của cấp trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho sự phát triển. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư, phát triển, xây dựng quê hương.
Sáu là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Minh chứng cho điều đó là những thành tựu của huyện đạt được sau 35 năm đổi mới; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, …đều được quần chúng nhân dân ủng hộ, tham gia tích cực.
Bảy là, phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở và sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trên mọi lĩnh vực công tác, sản xuất, đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng lãng phí và các tệ nạn xã hội khác.
Tám là, Vĩnh Tường đã phát huy được tính năng động, tích cực, nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tham gia tích cực các cuộc vận động, gương mẫu trong công tác, lao động, sản xuất, giữ gìn đạo đức, phong cách của người đảng viên và đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng với chi bộ, làng xóm, khu phố, được nhân dân tín nhiệm. Cán bộ đảng viên không những là người tuyên truyền, hướng dẫn, thuyết phục nhân dân mà còn là đầu tàu thực hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ, đảng viên ở Vĩnh Tường không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Không có tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Trong những năm qua, không xảy ra những vụ tham nhũng, tiêu cực, do đó được nhân dân tin tưởng.
Như vậy có thể thấy, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, hơn 25 năm tái lập, huyện Vĩnh Tường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, từng bước làm thay đổi căn bản bộ mặt quê hương. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt khá và ổn định. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Những kết quả mà huyện Vĩnh Tường đạt được từ khi tái lập đến nay là minh chứng đánh dấu sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân. Với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, xây dựng huyện Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu của thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, đưa Vĩnh Tường thành vùng quê đáng sống góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ huyện khoá XXV trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Tường 1930-1917.
3. Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021; phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Th.s Lê Thị Thuý Chinh