Kỳ 24
SỰ KIỆN 25: ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC (1907).
Hà Nội đã mở đầu cho cuộc đấu tranh trong thời kỳ mới. Tháng 3-1907, một số sĩ phu Hà Nội đã thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở phố Hàng Đào - Hà Nội. Sáng lập và lãnh đạo trường là Lương Văn Can ( 1854-1927, quê ở làng Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Nội), Nguyễn Quyền ( 1869-1941, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Ngoài ra còn có Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Dương Bá Trạc, Lê Đại (1875-1952, quê ở Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội), Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí (1883-1939, quê ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội), Đặng Kinh Luân, Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Bá Học (1857-1921, quê Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), Phạm Duy Tốn (1883-1924, quê Thường Tín, sinh ở Hàng Dầu, Hà Nội) Nhà trường vận động những nhà yêu nước, những nhà kinh tế, những phụ huynh học sinh đóng góp tài chính. Mục đích của nhà trường là tuyên truyên cải cách văn hoá giáo dục, bồi dưỡng và động viên tinh thần yêu nước. Ảnh hưởng Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng lan rộng, có lúc tới hàng nghìn học sinh già trẻ, trai gái. Học sinh không phải đóng học phí, lại được cấp giấy bút, sách vở. Nhà trường có bốn ban: Ban giáo dục (giáo vụ), Ban tài chính, Ban cổ động và Ban trước tác. Ban trước tác đã soạn một số sách cung cấp cho học viên như; Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc vĩ nhân, Việt Nam quốc sử lược, Nam quốc địa dư, quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, nổi bật là cuốn Văn minh tân học sách…[1] Văn minh tân học sách kêu gọi dùng chữ quốc ngữ, hiệu đính sách vở, sửa đổi phép thi, cổ vũ nhân tài, chấn hưng công nghệ, phát triển báo chí. Các sách trên không chỉ dùng trong nhà trường mà còn được lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Nhà trường có ký túc xá cho học viên ở, có lớp ban ngày, có lớp buổi tối.
Học viên được học các môn lịch sử, địa lý, khoa học thường thức, dạy bằng chữ quốc ngữ, có kèm chữ Hán, chữ Pháp. Tứ thư, ngũ kinh Nho học lỗi thời bị gạt bỏ. Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào học chữ quốc ngữ, hô hào thực nghiệp, bài trừ mê tín dị đoan, chống lối học từ chương trích cú, phê phán những nhà Nho thủ cựu, đả kích tham quan ô lại, cổ vũ lòng yêu nước đoàn kết của nhân dân.
Đông Kinh Nghĩa Thục là một tổ chức cách mạng dùng hình thức trường học để tuyên truyền văn hoá mới, đào tạo nhân tài, tập hợp lực lượng yêu nước. Đông kinh Nghĩa Thục là trung tâm cuộc vận động văn hoá mang tính chất dân chủ, dân tộc. Đông Kinh Nghĩa Thục ảnh hưởng khắp Hà Nội. Các vùng Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì cũng mở những trường chi nhánh của Đông Kinh Nghĩa Thục, có tiếng như trường Mai Lâm Nghĩa Thục (nay là quận Hoàng Mai), Ngọc Xuyên Nghĩa Thục ( thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ). Phan Chu Trinh có lần đã về diễn thuyết ở Chèm. Các sĩ phu đi diễn thuyết, bình văn không chỉ ở Hà Nội mà còn cả Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định…Phong trào sôi nổi đúng như vè Đông Kinh Nghĩa Thục đã viết:
Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành
Gái trai nô nức học hành
Giáo sư mấy lớp, học sinh mấy nghàn. Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa[2].
Đông Kinh Nghĩa Thục trong khi hô hào cải cách văn hoá, xã hội nhưng vẫn không quên mục đích chống thực dân Pháp, kẻ thù của dân tộc. Những tài liệu viết của Đông Kinh Nghĩa Thục không quên kêu gọi hồn nước, ca ngợi truyền thống chống xâm lăng của dân tộc, tố cáo sưu cao thúê nặng. Những hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục còn kết hợp với phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu. Những tác phẩm của Phan Bội Châu được dùng làm tài liệu giảng dạy cho học viên. Lương Văn Can người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục cho hai con trai là Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh theo phong trào Đông du sang Nhật học tập. Các hiệu buôn Đồng Lợi tế, Đồng Thành Xương của Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là cơ quan bí mật của Đông du.
Thực dân Pháp đã phát hiện ra tính chất cách mạng của Đông kinh Nghĩa Thục, chúng cho đây thực sự là “ Cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”. Tháng 12-1907 thực dân Pháp đóng cửa Đông Kinh Nghiã Thục, bắt Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại. Pháp còn cấm nhân dân không được lưu hành, tàng trữ tài liệu của nhà trừơng.
Đông Kinh Nghĩa Thục đóng góp to lớn cho phong trào yêu nước của nhân dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, đã tuyên truyền cổ động cho tinh thần cách mạng, động viên tinh thần yêu nứơc, vận động nhân dân chuẩn bị bạo động vũ trang, chỉ cho nhân dân biết hướng tới những tri thức mới, góp phần vào việc phát triển văn hoá, ngôn ngữ dân tộc.
Sau Khi Đông Kinh Nghĩa Thục đóng cửa, các sĩ phu Hà Nội vẫn đẩy mạnh kinh doanh, Nguyễn Quyền mở hiệu Hồng Tân Hưng, Hoàng Tăng Bí lập công ti Đông Thành Xương.
(Còn nữa)
CVL
[1] .Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam. T2.NXBKHXH. H. 1985. tr. 119.
[2] . Vè Đông Kinh Nghĩa Thục. Dẫn theo Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lịch sử Hà Nội. NXB Hà Nội. 2004. Tr.47.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-24-a16804.html