Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững các sản phẩm OCOP gắn với văn hoá vùng miền

Giai đoạn 2018 – 2022, Hà Nội là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai phát triển các sản phẩm OCOP với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; trong đó 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Kết quả đạt được sau 3 năm triển khai chương trình OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Sau 3 năm triển khai chương trình OCOP tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: “Đến nay, Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh; qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động nông thôn. Điểm đặc biệt khi thực hiện chương trình OCOP, TP Hà Nội đã tổ chức sâu rộng. Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã phát hành 6.000 cuốn ấn phẩm tuyên truyền về các sản phẩm OCOP để cán bộ, doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị nắm rõ...

chi09-1670644174-1670685021.jpg
Ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội. 

Để chương trình OCOP đạt được thành công như mong đợi, bên cạnh việc nâng chất cho các sản phẩm, việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện toàn Thành phố Hà Nội đã có 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 8 quận, huyện, thị xã. Trong năm 2021, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, địa phương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khác; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trên cả nước.

sp-ocop-1670685138.jpeg

Phát triển bền vững trong giai đoạn kế tiếp

Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả thành công, phát triển bền vững, Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của Chương trình OCOP.

Trong 5 năm tới, Ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm:Thành phố phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP. Cụ thể hóa được mục tiêu, Thành phố sẽ ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện bộ nhận diện để nâng sao cho các sản phẩm”.

oc3-1670644863-1670685232.jpg

Hà Nội xác định cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Ngoài ra, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách T.Ư và địa phương.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số phụ lục thuộc Quyết định số 1048/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

 

Hằng Nga

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-tiep-tuc-phat-trien-ben-vung-cac-san-pham-ocop-gan-voi-van-hoa-vung-mien-a16809.html